Báo Điện tử Gia đình Mới

Chuyến tàu đi qua nhà dân

Dường như mọi sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của thành phố, nó chỉ diễn ra ở đâu đó, phố đường tàu luôn bị bỏ lại phía sau, cô lập hơn bao giờ hết.

  Bài viết của bác sĩ Trần Văn Phúc với những hoài niệm về phố đường tàu

Bài viết của bác sĩ Trần Văn Phúc với những hoài niệm về phố đường tàu

Vài lần mỗi ngày, khi những nhân viên đường sắt kéo rào chắn ngang qua đường Trần Phú, cả khu phố đường tàu lại nháo nhác, chuẩn bị chào đón sự hiện đại hóa diễn ra trong vài phút.

Hình ảnh rất quen thuộc: sẽ có một đoàn tàu với đầu máy động cơ Diesel, hoài cổ và buồn bã, nó mệt mỏi lách mình qua những ngôi nhà chen chúc.

Quần áo được vội vã tháo ra từ dây treo ngoài cửa, những đứa trẻ được bố mẹ kéo vào trong nhà, xe máy và xe đạp dựng lại sâu hơn, những cư dân đang đi bộ trên đường tàu nhảy dạt sang hai bên và cố chui vào những chỗ an toàn nhất. 

Chỉ trong chớp mắt, phố đường tàu đang nhộn nhịp là thế, bỗng chốc trở thành một thị trấn ma quái, vài phút sau nhộn nhịp trở lại.

Đó là kí ức của tôi gần 30 năm về trước.

Phố đường tàu, tôi đã từng đến đó rất nhiều lần, không phải để du lịch, mà để bán than tổ ong. Thời điểm đó, người dân gọi nơi đây là xóm đường tàu, ở ngay trung tâm Hà Nội, giữa khu phố cổ, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ một đoạn đi bộ rất ngắn, nhưng cảnh quan phố phường đã hoàn toàn biến mất, phố trở thành xóm.

Xóm đường tàu bắt đầu như một cú giật gót, trượt dài từ đường Lê Duẩn, với 2 dãy nhà mỏng ám bụi khói than tổ ong trên đoạn đường sắt khoảng 2000 mét, đến gần Cửa Đông thì bắt đầu teo lại như đuôi chuột để chui vào ga Long Biên. 

Gọi là xóm, bởi xe cộ không thể lưu thông, chỉ phương tiện 2 bánh là có thể qua lại được một đoạn ngắn dọc phố Phùng Hưng, nhưng chủ yếu phải khiêng vác và dắt bộ.

Dọc theo xóm là đường ray cổ, được người Pháp xây dựng từ những năm cuối thế kỉ 19, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1902, rồi bị bỏ quên cho đến tận hôm nay, làm cho xóm đường tàu như bị kéo ngược thời gian.

  Đường tàu vẫn giữ nét rêu phong chỉ Hà Nội mới có

Đường tàu vẫn giữ nét rêu phong chỉ Hà Nội mới có

Xóm đường tàu, với cuộc sống đu bám hai bên đường ray lúc nào cũng vậy, vắng vẻ mà náo loạn, dửng dưng mà hết mình, ẩn sâu bên trong nhưng lại diễn ra ngay trước thềm nhà, cũ kĩ mà hiện đại.

Mỗi lần xách than tổ ong đi trên xóm đường tàu, tôi lại bắt gặp hình ảnh những người đàn ông cởi trần ngồi chơi cờ, hút thuốc lào vặt, uống trà và bàn chuyện thế sự.

Hai bên đường tàu, nơi diễn ra mọi sinh hoạt, kể cả tắm rửa, gội đầu, cạo râu và cắt tóc. Khi mỗi chuyến tàu vụt qua, những người phụ nữ lại xuất hiện ngay phía sau vệt khói trắng và khí thải, họ tưới hoa, chăm cây, giặt quần áo, rửa bát, rửa thức ăn, nhặt rau, quạt bếp than tổ ong và nấu nướng. 

Đôi ba lần tôi bán than cho một cô gái. 

Căn nhà cô ở hình ống cao và mỏng, phía trước có láng xi măng, khác hẳn với con đường đất và những ngôi nhà lởm khởm được xây dựng chủ yếu bằng gạch, gỗ và sắt thép phế liệu.

Tôi không biết tên cô gái. Nhưng tôi đoán cô khoảng 18 tuổi, mắt tròn, mũi dọc dừa, môi đỏ, da trắng và tóc thề đen óng. Cô cao hơn hầu hết những người đàn ông trong xóm. Rõ ràng tôi nhận thấy cô gái đang ở độ tuổi ngấp nghé, sẽ trở thành một người phụ nữ có vẻ đẹp khác thường, đột biến, so với nơi cuộc sống diễn ra luộm thuộm và lam lũ.

Thời điểm đó Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định tất cả trẻ em đều đi học, ở thành phố sẽ phổ cập hết bậc phổ thông cấp 3, nhưng xóm đường tàu điều đó chưa hẳn diễn ra. Riêng cô gái đã vượt qua ngưỡng, bằng chứng là trên tay cô luôn có quyển Bộ đề thi Đại học, lần nào xếp than cho cô, tôi cũng thấy cô loay hoay và mê mẩn với bài toán khó nhất ở câu số 5. 

Hình dáng tôi khi đó, điển hình của tuýp người đàn ông ngu dốt, với chân đi dép cao su, tay dính đầy bụi than đen nhẻm như những hình xăm, quần áo cũng đen và bẩn, chiếc mũ cối phủ đầy bụi than.

Giữa tôi và cô gái có quá nhiều sự khác biệt. 

  Những mảng ký ức gọi về nguyên vẹn trên đường ray

Những mảng ký ức gọi về nguyên vẹn trên đường ray

Thế giới riêng của cô là những trang sách còn tôi là những viên than. Chế độ ăn khác nhau, ngủ cũng khác nhau, cô ngủ trên giường có tấm đệm còn tôi ngủ trên tấm vải nilon bên đống than ngoài túp lều, cô lái chiếc xe đạp Mifa mác Đức còn tôi lái chiếc xe thồ chở than. Nếu cần một từ để mô tả, tôi sẽ nói cô như bông hoa giữa đầm lầy, còn tôi là bùn trong vũng nước tù đọng, cuộc sống của tôi là cỏ dại.

Một buổi chiều rất muộn, khi những tia nắng cuối cùng chìm vào chân trời, màn đêm bắt đầu buông xuống, tôi mệt mỏi ngồi nghỉ trước thềm nhà cô gái, mùi bánh mì thơm phức từ bếp nhà cô tỏa ra, làm cho cái dạ dày trống rỗng của tôi cuộn lên những làn sóng điên cuồng.

Khi tôi chuẩn bị đứng dậy, thì cô gái tiến đến từ phía sau, mang cho tôi một cốc nước chanh đường. Còn hạnh phúc nào hơn thế, tôi bị mê đi, vài phút sau mới tỉnh, tôi đáp lại lòng tốt của cô gái bằng cách hướng dẫn cô giải mấy bài toán khó ở câu số 5 trong bộ đề.

Đêm ấy là cuối thu, tôi nhớ trăng Hà Nội rất sáng, vì mới qua rằm.

Ngồi bên hiên nhà hướng dẫn cô gái giải bộ đề, tôi đã kịp nhìn thấy vẻ đẹp và sự suy tàn diễn ra ngay trên xóm đường tàu, nơi những con chuột lang thang quanh từng mô đất hoang, chúng tìm kiếm gặm nhấm những mảnh gỗ vì nhầm tưởng trái cây người đi tàu đánh rơi.

Bất kì sinh vật hoang nào cũng tìm cách tránh người, nhưng ở xóm đường tàu, chuột không biết sợ người, ngồi trên thanh tà vẹt nếu không xua đuổi, có thể lũ chuột hoang kéo đến gặm nát chân.

Trong lúc hướng dẫn cô giải toán, tôi bắt gặp con mèo với dáng vẻ mệt mỏi từ trong nhà đi ra, với những vết thương hằn sâu trên cổ họng. Cô gái giải thích, con mèo vừa bị 3 con chuột đói tấn công từ hôm trước, may mắn nó trốn thoát.

Đó là buổi bán than cuối cùng và tôi cũng không trở lại xóm đường tàu.

  Màu sắc không ở đâu có

Màu sắc không ở đâu có

Phố đường tàu là cái tên mãi sau này, khi Hà Nội phát triển thành đô thị hiện đại, với nhiều những tòa nhà cao tầng lộng lẫy. Có lẽ người ta không muốn ở trung tâm một thành phố cổ kính, có lịch sử hơn 1000 năm, đã được tân trang trở nên sầm uất, lại tồn tại một xóm nghèo như tách rời khỏi thế giới đô thị không ai biết đến, nên mới thay đổi cách gọi là phố đường tàu.

Sau nhiều năm, tôi trở lại phố đường tàu vào một buổi sáng chủ nhật cuối thu, để ngắm nhìn đoàn tàu Diesel cổ đi xuyên qua nhà dân. 

Gần sáu giờ sáng, Hà Nội thức dậy, đường phố nhộn nhịp với những chiếc xe máy phóng như bay trước mặt tôi. Đến đoạn giao giữa đường tàu với phố Trần Phú, tôi dừng lại ngay trước quán bia cỏ, đúng lúc nhân viên đường sắt kéo rào chắn.

Tôi thực sự ấn tượng với đầu máy hoài cổ, ấn tượng với tư thế bình tĩnh của ô tô, của xe máy và xe đạp, những phương tiện nổ máy đứng sát ngay gác chắn mà không sợ bị tàu đâm.

Đi bộ dọc phố đường tàu, tôi thấy nhiều những quán hàng, mùi thơm tỏa ra từ những nồi nước dùng nấu trong hiên nhà, hòa quyện với khói bụi, khí thải và mùi thức ăn đường phố, mùi cà phê, tạo nên hương vị rất độc đáo của người Việt.

Hai bên đường và chính giữa những thanh tà vẹt, tôi bắt gặp nhiều người thảnh thơi ngồi ăn bát phở, ăn mì tôm, hay ăn xôi. Không giống như cuộc sống hối hả bên trong những khu phố khác, ở phố đường tàu, tôi thấy những người trẻ tuổi cảm giác như quá dư thừa thời gian, họ ngồi nhâm nhi cà phê từ sáng sớm cho đến hết cả buổi, thấy những người trung niên nhàn rỗi ngồi uống trà và đánh cờ.

Dường như mọi sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của thành phố, nó chỉ diễn ra ở đâu đó, phố đường tàu luôn bị bỏ lại phía sau, cô lập hơn bao giờ hết.

Tôi lách mình qua những ngôi nhà cũ hẹp, thấy tường có mùi rêu, con đường vô chủ đến nỗi không một người lạ nào dám đi qua, điều đó được thể hiện rõ qua ánh mắt say mê của những con chuột hoang béo ụ, chúng thản nhiên đứng ngắm nhìn tôi. 

  Không gian rất riêng ở phố đường tàu

Không gian rất riêng ở phố đường tàu

Có những đoạn rác thải ngập ngụa, phế liệu đủ thứ, cả phân và nước tiểu, bốc mùi xú uế không thể ngửi.

Mặc dù vậy, cư dân phố đường tàu là những nhân viên đường sắt từ ngày xưa, họ vẫn không rời đi. Có lẽ đây là thế giới riêng của họ, từ tiếng còi tàu, đến tiếng nổ của đầu máy động cơ Diesel, tiếng nghiến rít đều đều của bánh tàu vào đường ray, cho đến mùi không khí ô nhiễm; tất cả mọi thứ là của riêng họ.

Bảy giờ sáng, những người đàn ông đang ngồi trò chuyện trên đường tàu như mọi con phố khác, họ dừng đột ngột, vội thu bàn ghế chạy vào nhà, người phụ nữ ngừng tưới hoa và tìm chỗ trú ẩn.

Cuộc sống trước đó hoàn toàn bình tĩnh, nhưng tất cả thay đổi nhanh chóng cùng một lúc, thậm chí không ai nhìn đồng hồ, dường như mọi sinh hoạt nơi đây gắn với giờ tàu chạy, nên đồng hồ sinh học đã gieo sâu vào tâm trí, làm cho mọi người dân có thể biết chính xác lúc nào tàu đến.

Tôi chọn cho mình một chỗ an toàn và trải nghiệm cảm giác chuyến tàu đi xuyên qua nhà dân. 

Lúc đầu, tôi cảm nhận đường ray rung nhẹ dưới chân, rồi tiếng còi tàu hú từ phía xa xa, sau đó là tiếng rít của bánh tàu nghiến vào đường ray, tiếng xình xịch, xình xịch.

Tàu đến gần, tiếng còi inh ỏi vang lên từ con đường hẹp, đó như lời cảnh báo cuối cùng cho sự nguy hiểm với bất cứ ai còn ở trên đường sắt. Nhiều người muốn có bức ảnh đẹp, đã cố nán lại chụp, nhưng tàu không có khả năng dừng đột ngột, nên tiếng còi tàu muốn gửi đi thông điệp, một bức ảnh không đáng phải trả giá bằng một cái chết.

Tàu đi nhanh như khi nó đến. Sau vài giây, những cánh cửa lại mở, trẻ em lại tràn ra phố đường tàu để chơi đùa, chúng chạy lên và chạy xuống. Chủ các quán nhanh chóng kê lại những chiếc bàn nhỏ.

Cà phê được đặt ngay ngắn trở lại trên đường sắt. Hầu hết khách uống cà phê là người nước ngoài. Một số người có vẻ lo lắng tàu đột ngột đi qua, thỉnh thoảng, họ sẽ nhìn lại hướng tàu. Nhưng có người không sợ và họ thực sự mong chờ tàu đến.

Chuyến tàu đi qua nhà dân 5

Cảnh tượng độc đáo của phố đường tàu đã thu hút rất đông khách du lịch nước ngoài.

Với khung cảnh đẹp như tranh vẽ, đường ray cổ được trang điểm bởi những quán cà phê nóng và bia lạnh, thêm những cửa hàng bán thức ăn đường phố, cuộc sống dọc đường tàu lúc bình yên lúc náo loạn, nhưng vẫn giữ nguyên vẻ lãng mạn hoang sơ; điều đó làm cho phố đường tàu bỗng chốc tràn ngập du khách, năm 2019 được bình chọn xếp thứ 2 trong số những điểm đáng đến thăm ở Hà Nội. 

Thời điểm đông nhất, là khoảnh khắc cuối mỗi buổi chiều, khi mặt trời bắt đầu rơi xuống, khu cà phê phố đường tàu bắt đầu sáng lên, hàng trăm du khách đổ về đây, họ tranh thủ tạo dáng để chụp được những bức ảnh Instagram hoàn hảo, chờ đợi chứng kiến một chuyến tàu đi xuyên qua nhà dân.  

Điều đó cũng làm cho những rủi ro tăng lên. Chiều chủ nhật 6/10 vừa rồi, một nữ du khách châu Á đứng chụp ảnh selfie theo tư thế quay lưng lại, còi tàu kéo liên tục nhưng cô vẫn chưa thỏa mãn, lái tàu phải kéo phanh gấp, đầu tàu dừng lại cách cô gái đúng 3 mét. Trước đó, cũng đã có du khách châu Âu nằm ngang đường ray, cả đoàn tàu cũng phải dừng phanh khẩn cấp.

Ngày 7/10, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo lãnh đạo các quận huyện xử lí nghiêm hành vi vi phạm hành lang đường sắt, hoàn thành trước 12/10 theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải. Nhưng không đợi đến hạn, sáng mùng 10/10, Hà Nội chính thức ra quân đóng cửa các quán cà phê đường tàu, sớm hơn 2 ngày so với dự kiến.

Tôi chợt nghĩ: Có nên vì 5 phút tàu chạy mà đóng cửa cà phê phố đường tàu?

Chuyến tàu đi qua nhà dân 6

Đoạn đường dài 2km, tàu chạy với vận tốc 25km/h, mất khoảng 5 phút. Nếu Bộ Giao thông Vận tải không giảm tốc xuống 15km/h, thậm chí là 10km/h thì cũng chỉ mất tối đa 12 phút tàu chạy; nếu Hà Nội cũng tổ chức lại cách thức hoạt động của phố đường tàu thì số lượng khách du lịch đến Hà Nội chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể.

Chỉ cần tàu chạy chậm hơn 7 phút, với tốc độ bằng xe đạp trên đoạn đương dài 2km, điều đó đủ để khách du lịch thỏa thích ngắm tàu tìm kiếm cảm giác lạ, nhưng vấn đề an toàn giao thông đường sắt cũng đảm bảo tốt hơn rất nhiều.

Không khó để tìm kiếm trên các trang du lịch, sẽ thấy tất cả du khách nước ngoài đến Hà Nội, những người đã trải nghiệm cà phê phố đường tàu, chưa thấy ai phàn nàn, mà ngược lại họ đặc biệt ấn tượng, rất nhiều trong số đó đã quay lại Hà Nội vài lần để trải nghiệm cái cảm giác này.

Những người chưa từng được đến Hà Nội, họ cũng ao ước, cũng lên kế hoạch cho chuyến du lịch thưởng thức cà phê Việt và ngắm con tàu cổ đi xuyên qua nhà dân.

Không quá khi nói cà phê phố đường tàu góp phần làm cho khách du lịch bình chọn Hà Nội là thành phố hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á.

Nhu cầu của con người không đơn giản là dừng lại nhìn 5 phút tàu chạy qua. Nhìn con tàu hoài cổ lách mình giữa những ngôi nhà cũ kĩ, đến khi tàu chạy qua với cảm giác nó đang bay trên thành phố khá li kì, cảm nhận cuộc sống của người dân trên xóm phố trước và sau khi tàu đi qua, du khách sẽ phải đặt câu hỏi, Việt Nam đang thuộc loại quốc gia nào?

Câu trả lời sẽ rất nhiều, rằng trong hỗn loạn có trật tự, trong sự bực dọc lại có hạnh phúc, trong dữ dội có bình yêu, trong lạc hậu có đổi mới, trong vội vã có bình tĩnh, trong sợ hãi có dũng cảm; tất cả những điều đó khiến trái tim con người trở nên rung động đến kinh ngạc.

Bác sĩ Trần Văn Phúc

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO