Tim, gan, lòng lợn: Rất tốt nhưng dễ nhiễm ký sinh trùng hoặc chất độc

Bình luận

Nhiều cha mẹ lo lắng khi cho trẻ ăn nội tạng động vật nói chung và của lợn nói riêng đồng nghĩa với việc nạp chất độc hại vào cơ thể trẻ và gây hại cho sức khỏe trẻ.

  Nội tạng động vật nếu được chọn lựa kỹ càng, chế biến, sử dụng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả dinh dưỡng cao

Nội tạng động vật nếu được chọn lựa kỹ càng, chế biến, sử dụng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả dinh dưỡng cao

Tuy nhiên, theo ThS.BS Mai Quang Huỳnh Mai, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2, nếu hiểu biết về giá trị dinh dưỡng của nội tạng động vật cũng như cách sử dụng, chế biến khéo léo sẽ giúp phụ huynh bớt lo lắng khi cho trẻ ăn nội tạng động vật, mang đến những lợi ích dinh dưỡng không nhỏ cho trẻ.

Nội tạng động vật có giá trị dinh dưỡng cao

Gan động vật: Là nguồn nguyên liệu cung cấp vitamine A tuyệt vời. Bên cạnh đó, gan còn chứa các yếu tố vi lượng khác như acid folic, sắt, chromium, đồng, kẽm và góp phần cải thiện huyết sắc tố trên những bệnh nhân thiếu máu.

Thận: Giàu đạm và acid béo omega 3, có chứa các chất có tác dụng kháng viêm.

Óc động vật: Giàu omega 3, phosphatidyl choline, phosphatidyl serin, tốt cho hệ thần kinh. Các chất chống oxy hóa giúp chống đỡ quá trình vi tổn thương của hệ thần kinh trung ương.

Tim: Là nguồn cung cấp folate, sắt, kẽm và selen phong phú. Tim còn là kho chứa vitamine B1, B6, B12.

Mà các vitamine nhóm B có tác dụng bảo vệ trên hệ tim mạch, giúp góp phần duy trì huyết áp ổn định, giảm cholesterol và giúp thành mạch được mạnh khỏe.

Ngoài ra, các vitamin này còn có tác dụng tốt trên não, giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh Alzheimer, trầm cảm và lo âu. Tim động vật còn là nguồn cung cấp coenzyme Q10 - là chất chống oxy hóa giúp chống quá trình chết tế bào theo chương trình, đặc biệt là tế bào cơ tim.

Lưỡi: Giàu năng lượng và acid béo cùng những yếu tố vi lượng như kẽm, sắt, choline, vitamine B12. Lưỡi rất tốt cho bệnh nhân vừa hồi phục sau bệnh hoặc phụ nữ mang thai. Ngoài ra, trong nội tạng động vật cũng có chứa Folate là một loại vitamine có giá trị hỗ trợ cho quá trình sinh sản và tránh dị tật trên thai nhi.         

  Nội tạng động vật chứa hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao nên cần sử dụng ở lượng vừa đủ. Ảnh minh họa

Nội tạng động vật chứa hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao nên cần sử dụng ở lượng vừa đủ. Ảnh minh họa

Những lưu ý khi cho trẻ ăn nội tạng động vật

Mặc dù nội tạng động vật giàu giá trị dinh dưỡng nhưng cần thận trọng khi ăn vì trong nội tạng động vật chứa hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao, do đó cần sử dụng một cách cân đối.

Nội tạng động vật cũng là loại thực phẩm giàu purine nên cần hạn chế sử dụng với  những bệnh nhân tăng acid uric máu.

Đặc biệt cần lưu ý đến khả năng nhiễm độc khi dùng nội tạng. Bởi nếu con vật bị nhiễm trùng, ký sinh trùng hoặc chất độc thì không chỉ nội tạng mà thịt động vật cũng có thể bị nhiễm theo.

Vậy nên, để an toàn cho con, cha mẹ cần mua nguyên liệu ở những địa chỉ uy tín vì con vật có khỏe mạnh thì thịt và nội tạng của chúng mới an toàn.

Cha mẹ và người lớn trong nhà cân luôn tuân thủ nguyên tắc “ăn chín uống sôi” trong chế biến đồ ăn cho trẻ.

Nội tạng là nguồn cung cấp chất đạm và béo là chủ yếu bên cạnh các yếu tố dinh dưỡng khác nên khi ăn phải cân đối khẩu phần (một phần ăn dặm của trẻ cần phải đảm bảo 4 nhóm thực phẩm tinh bột – đạm – béo – vitamine và chất xơ). Nên cho trẻ ăn đa dạng hóa thực phẩm, không tập trung  một món kéo dài. Nếu trẻ không bị dị ứng với loại thực phẩm nào thì có thể bắt đầu tập ăn từ 6 tháng.

Bạn đang xem bài viết Tim, gan, lòng lợn: Rất tốt nhưng dễ nhiễm ký sinh trùng hoặc chất độc tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An An