Báo Điện tử Gia đình Mới

Có nên “công nghiệp hóa” mâm cỗ Việt?

Ngày nay, nhằm “đơn giản hóa, hiện đại hóa” cái Tết, không ít người đang dần thay thế mâm cỗ truyền thống bằng những món ăn nhanh của ngành công nghệ chế biến thực phẩm ăn liền.

Không ít mâm cơm Tết đang bị

Không ít mâm cơm Tết đang bị "công nghiệp hóa"

Từ đó đã tạo ra những tranh cãi không đáng có với hai luồng ý kiến đối lập nhau; giữ và không giữ, dịch vụ và tự làm.

Ngày Tết Nguyên đán, thứ đặc trưng nhất ngoài hoa đào, lì xì đỏ phải nói tới mâm cỗ cúng gia tiên. Đó là mâm cỗ khác hẳn ngày thường, nhiều món và tinh tế. Nó không chỉ thể hiện được đôi bàn tay thăng hoa của người nội trợ mà thể hiện cả tấm lòng dâng lễ đền ơn của con cháu với tổ tiên.

Thế nhưng, thời hiện đại vội vàng, nhiều người cũng đang “nhanh” với mâm cỗ ngày Tết. Thay bằng sự chuẩn bị cầu kì cả nửa ngày trời với hàng chục món, giờ đây, họ ra siêu thị, cửa hàng mua những món chế biến sẵn, quay trên lò vi sóng và đặt lên mâm.

Biện minh cho đó là một phần lí do liên quan tới vai trò của phụ nữ trong ngày Tết, họ thường phải bận mải bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn đối nội - đối ngoại. Và cùng với sự tân thời, nhiều phụ nữ cho rằng cần "đấu tranh" lại với những rườm rà, thủ tục ngày Tết vừa để Tết trọn vẹn, vừa đỡ vất vả, mệt nhọc. 

Chính từ lẽ đó, dịch vụ cho mâm cỗ cúng Tết ra đời và phát triển chóng mặt. Tới mức, những ngày cận Tết, mọi người muốn đặt hàng cũng khó.

Như một phong tục văn hóa truyền thống, mâm cỗ 3 ngày Tết là sự tưởng nhớ đất trời, tổ tiên và là ước nguyện cho năm mới tốt lành. Vì lẽ đó, mâm cỗ phải nhiều món, là những thứ ngon, vật lạ của cả đất – trời – nước. Theo “quy chuẩn” cho một mâm cố Tết, người Việt phải làm trong đêm 30 cúng giao thừa và ngày mùng Một Tết với 4 bát, 8 đĩa.

Thế nhưng Tết bây giờ, siêu thị, nhiều công ty thực phẩm đánh theo nhu cầu người tiêu dùng, chế biến ra đủ các mặt hàng mới cho mâm cỗ Tết thêm phong phú. Cũng là gà nhưng gà làm sẵn, nước xương ninh nhừ đóng gói, cá kho niêu, giò xào, giò lụa…

Chưa kể tới, còn cả dịch vụ mâm cỗ trọn gói, chỉ cần bỏ tiền, đến ngày, đến giờ, mọi người đã có đầy đủ các món ăn thịnh soạn, bày biện đẹp mắt để dâng hương.

Chị Phạm Minh Hà (1194 Láng, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, những món ăn liền, dù gì cũng là sản phẩm công nghệ nhân bản, y hệt nhau. “Vì vậy, nó không thể mang hồn cốt, tâm tư, tình cảm. Nhiều mâm cỗ y hệt nhau, dù có ngon nhưng không có hồn, sự cảm nhận cũng sẽ hoàn toàn khác. Trong khi đó chúng ta vẫn dùng từ thành tâm để nói tới việc cúng bái tổ tiên”.

Tuy nhiên, không ít người cho rằng, cả năm làm việc bận mải, nghỉ Tết chỉ khoảng 5 – 9 ngày, thời gian đó là để nghỉ ngơi, vui chơi, xả stress nhưng Tết ngày nay lại vô cùng bận mải, quá cầu kì khiến mọi người mệt mỏi, nhất là với phụ nữ. Vì vậy, nhiều người khẳng định, đơn giản và nhanh hóa mâm cỗ là cách “giải cứu” hàng triệu nữ nội trợ Việt.

Chị Phương Linh (Quán Thánh, Hà Nội) cho biết: “Tôi làm con dâu trưởng nên ngoài việc sửa soạn cỗ bàn, còn phải đối nội, đối ngoại, công việc nhiều kinh khủng. Riêng khoản, bê cỗ ra, dọn cỗ vào trong 3 ngày Tết đã là sự cực hình với tôi. Vì vậy, tôi chỉ muốn đơn giản hơn để có thời gian nghỉ ngơi”.

Trước vấn đề này, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hòa Lam  chia sẻ, với người Việt, Tết có ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng, thuộc về ‘di sản tinh thần”. Nếu không gìn giữ một cách đúng đắn, trang trọng, nó sẽ sai lệch, “hòa tan”.

“Dù nhiều người cho rằng làm như vậy để giản tiện, tiết kiệm nhưng chúng ta vẫn có thể cân đối nấu nướng vừa đủ.Văn hóa chúng ta mới chỉ có câu “của ít lòng nhiều” chứ không hề có “của sẵn lòng nhiều” cả”, chuyên gia cho biết thêm.

  

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO