Cam-dong-con-trai-gan-60-tuoi-bo-viec-cham-me-hon-100-tuoi-nam-vien-giadinhmoi1

Buổi chiều chớm sang thu nhưng nắng vẫn còn chói chang, ông Trần Lương (59 tuổi, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang ngồi bên giường bệnh xoa bóp cho người mẹ 101 tuổi của mình. Cụ Nguyễn Thị Linh đã nhập viện Lão khoa Trung ương từ gần 2 tháng nay, cả người chỉ đắp một chiếc chăn mỏng vì sợ đắp nhiều mà nằm một chỗ dễ sinh nóng bức, lở loét...

“Mẹ ơi mẹ xinh lắm...”

Khó ai có thể ngờ đó là điều mà hàng ngày người con gần 60 tuổi nói với người mẹ đại thọ của mình. Trong phòng bệnh rì rì tiếng máy thở oxy, ông Lương kể về những ngày tháng triền miên bỏ công bỏ việc đi viện chăm mẹ nằm viện.

Ông Lương là con thứ 3 trong gia đình. Cụ Linh sinh được 4 người con (3 trai, một gái, trong đó người con gái cả năm nay đã 76 tuổi). Ngày thường, ông Lương (con thứ 3 của cụ Linh) đi lắp đặt máy móc phòng gym, làm sân bóng rổ, bóng chuyền – những công việc rất “khát” nhân công khi người Hà Nội càng ngày càng quan tâm đến bề ngoài, vóc dáng.

Nhưng từ ngày mẹ ốm, ông Lương đã bỏ công việc đi chăm mẹ từ hơn nửa năm nay, vì cụ Linh thường xuyên nhập viện, xuất viện rồi lại nhập viện trở lại vì sức khỏe suy kiệt. Tuy ở nhà còn có những người con khác, các cháu cũng có thể vào chăm sóc, gia đình cũng đã từng thuê người để chăm riêng cho bà... nhưng không ai để ông Lương hoàn toàn hài lòng.

Ông tâm sự: “Thường thì các gia đình bệnh nhân ở đây hay huy động phụ nữ đi chăm người bệnh, thấy tôi đàn ông cứ đi chăm suốt họ cũng hỏi sao không có ai vào thay ca à. Nhà tôi thì chị gái tôi lớn tuổi rồi, các cháu thì tôi không ưng. Đơn giản như thế này: tôi yêu cầu vào thăm bà thì phải rửa tay sát trùng, nhưng các cháu cẩu thả không làm... Vậy nên tôi bàn với ông em út là thôi nếu bà ở viện thì tôi chăm, bà xuất viện về thì ông ấy chăm, không phải thuê nhờ ai cả”.

Quan sát cách ông Lương chăm sóc mẹ, nhẹ nhàng, khéo léo nâng người bà để thay rửa, vệ sinh... khiến ai cũng phải xuýt xoa.

Các gia đình đi chăm bệnh thường phải có 2 người cùng nhau làm thì mới vệ sinh được cho người bệnh, nhưng riêng ông Lương có thể tự làm hết. Ông hạn chế nhờ cả những người đi chăm bệnh cùng trong phòng vì “sợ lây chéo” bệnh cho bà cụ. Ông thật thà chia sẻ: “Trước mới chăm bà cũng chưa biết cách, mấy lần cũng bị rây rớt chất thải ra giường. Nhưng dần tôi cũng học được các cô y tá ở đây, có cách là làm được hết. Chỉ có dọn dẹp tôi hơi kém thôi, chứ khẳng định là kỹ thuật massage thì tôi còn hơn cả các cháu gái của bà”.

Ở trong viện lâu dài, ông Lương rất chịu khó học hỏi cách chăm sóc người cao tuổi. ông bảo các cô y tá trong viện khéo lắm, cứ mỗi sáng các cô y tá lại vào gọi: “Bà Linh ơi, bà ăn sáng nhé/Cháu hút đờm cho bà nhé!”...

Chưa biết bà có đáp lại được không, nhưng ông tin rằng cách nói chuyện nhẹ nhàng như vậy sẽ khơi dậy tình cảm cho người bệnh, người bệnh đỡ bị cô đơn, cảm giác không bị bỏ rơi, lúc nào cũng được quan tâm gần gũi.

“Tôi cũng học theo, ngày nào tôi cũng nói chuyện với bà, kiểu như: ‘Mẹ ơi con yêu mẹ lắm’, ‘Bà xinh nhất đấy’. Tôi còn kể cho bà nghe chuyện hôm nay cháu nọ cháu kia nó cưới, cháu H. nó đẻ con trai rồi. Bà bị đặt ống nội khí quản nên không nói được, nhưng lúc nào bà nghe được bà vẫn mấp máy môi để đáp lại. Mình cứ kể thôi...” – ông Lương cho biết.

Ông Trần Lương thường xuyên nói chuyện, động viên người mẹ, dù không chắc rằng mẹ có nghe được mình nói không

Ông Trần Lương thường xuyên nói chuyện, động viên người mẹ, dù không chắc rằng mẹ có nghe được mình nói không

Người ta thì tị nạnh nhau chuyện chăm mẹ

Buổi chiều trong viện Lão khoa khá yên bình, dường như ở đây mọi người đã quen với những ca bệnh phải điều trị lâu dài, trường kỳ của người cao tuổi... ông Lương vừa xoa bóp cho người mẹ già, vừa kể những chuyện góp nhặt ở bệnh viện.

Ông bảo trong viện có những nhà bố chưa mất con cái đã tranh cãi nhau ầm ầm về chuyện chia tài sản. Có nhà thì bác sĩ bảo ký cam kết rồi bác sĩ mở nội khí quản, điều trị tích cực cho bố mẹ, nhưng họ không ký, họ bảo: “Thôi cụ nhiều tuổi rồi, để cụ ra đi cho thanh thản”.

Có nhà thì cãi vã, tị nạnh nhau vì lịch chăm nom cha mẹ, người nào cũng viện cớ bận công việc, bận kiếm tiền nuôi con... để không phải vào chăm ông bà nhiều. Nhiều trường hợp con cháu cãi vã nhau ngay trước mặt người bệnh, các bác sĩ phải vào can thiệp.

Chứng kiến những câu chuyện nhân tình, thế thái, ông bảo: “Làm cái việc đi chăm người ốm này phải xác định tinh thần, là thôi mình gác lại mọi việc dở dang, vợ con ở nhà phải tự lo thu xếp, mình vào viện chăm các cụ cho toàn tâm toàn ý. Chứ không xác định thì sẽ sốt ruột, chán nản. Bởi vì trong viện ngày nào cũng như ngày nào, tinh thần không vững rất dễ chán”.

Bà cụ Linh nghe con kể chuyện thì đôi mắt hấp háy, thỉnh thoảng miệng cụ cử động như muốn góp lời. Chân, tay cụ đã co quắp do tuổi già, nhưng đôi mắt và khuôn miệng vẫn còn chút linh hoạt. Ông Lương kể mà như khoe: “Lúc trước bà còn tỉnh táo lâu lâu không thấy tôi đến thì nhắn người nọ người kia để tôi đến nói chuyện. Cũng chẳng có gì quan trọng, chỉ là những chuyện ngày xưa bố mày thế này thế kia, chuyện nhà nội nhà ngoại... Bà thích nói chuyện với chú lắm, nên giờ ở trong viện chú cứ phải vừa xoa bóp tay, chân, vừa nói chuyện liên tục với bà”.

Với niềm vui vì được mẹ yêu thương, ông cũng dành lại cho người mẹ già sự yêu thương thật trọn vẹn. Hỏi ông xem có lúc nào ông bị vợ trách móc vì hi sinh hết công việc làm ăn, không lo toan kinh tế phụ vợ nuôi con... hay không, ông cười hiền: “Vợ cũng biết tính tôi rồi”.

Buổi chiều muộn dần, những người trong phòng có người đã rục rịch đi ăn tối. Ông Lương lại sắp bắt đầu một đêm trải chiếu nằm dưới đất, ngay sát giường cụ Linh, để mỗi khi mẹ rên, tỏ ý khó chịu do nằm lâu, ông có thể lăn giở, xoa lưng cho cụ ngay.

“Hôm nào cũng trông cụ vậy chú có mệt không?” 

“Không, chú thấy bình thường. Bình thường chú đi làm đêm cũng làm 1 – 2 giờ đêm mới về”.

Có lẽ đạo hiếu chẳng phải là lý thuyết xa vời, chỉ là ở 2 chữ “bình thường” ấy. Những hành động như nâng giấc bữa ăn giấc ngủ, chia sẻ tâm tư thông thường của người già, hết lòng chăm sóc cha mẹ không so bì tính toán... dù “bình thường” như thế nhưng không phải ai cũng có thể làm được.

Video ghi lại cảnh ông Trần Lương chăm sóc người mẹ 101 tuổi:

Bài viết: Phương Phương

Ảnh: Ái Linh

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO