Báo Điện tử Gia đình Mới

Cuộc đời của nhà văn Kim Dung: 8 tuổi đọc kiếm hiệp, 15 tuổi xuất bản cuốn sách đầu tiên

Vốn thông minh, ham mê đọc sách, 8 tuổi bắt đầu đọc truyện kiếm hiệp, Kim Dung đã trở thành một trong những nhà báo, nhà văn và nhân vật mang tầm ảnh hưởng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc.

8 tuổi đọc truyện kiếm hiệp, 15 tuổi xuất bản cuốn sách đầu tiên

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh ngày 6/2/1924 tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, trong một gia tộc khoa bảng đánh giá.

Thuở nhỏ, Kim Dung rất thông minh, lanh lợi. Ông yêu thiên nhiên, thích nghe kể chuyện thần thoại, truyền thuyết, nhất là về những ngọn triều trên sông Tiền Đường. Đặc biệt ông rất mê đọc sách.

Dòng họ Kim Dung có một nhà để sách gọi là "Tra thị tàng thư" nổi tiếng khắp vùng Chiết Tây, chứa rất nhiều sách cổ, những cuốn sách này làm bạn với ông từ rất bé.

  Kim Dung thời trẻ.

Kim Dung thời trẻ.

6 tuổi, Kim Dung vào học tiểu học ở quê Hải Ninh. Ông rất chăm học, lại thêm mê đọc sách nên trở thành một học sinh giỏi của lớp. Một số bài làm văn của Kim Dung, nhờ sự giới thiệu của thầy giáo đă được đăng lên Đông Nam nhật báo, tờ báo nổi tiếng nhất Trung Quốc bấy giờ.

Năm lên 8 tuổi, ông lần đầu đọc tiểu thuyết võ hiệp, khi đọc đến bộ truyện "Hoàng Giang Nữ Hiệp" của Cố Minh Đạo, cảm thấy rất say mê, từ đó thường sưu tầm tiểu thuyết thể loại này.

Trong suốt quá trình đi học, Kim Dung đã viết nhiều cuốn sách bán rất chạy và gây chấn động dư luận. Cuốn "Dành cho người thi vào sơ trung", một cuốn cẩm nang luyện thi, có thể coi là cuốn sách đầu tiên của ông, viết năm 15 tuổi và được nhà sách chính quy xuất bản.

Cuốn sách ông viết năm 16 tuổi "Cuộc du hành của Alice" có ý châm biếm ngài chủ nhiệm ban huấn đạo, người này tức giận, liền ép hiệu trưởng phải đuổi học ông. 

Cuộc đời của nhà văn Kim Dung: 8 tuổi đọc kiếm hiệp, 15 tuổi xuất bản cuốn sách đầu tiên 1

Sau khi chuyển đến học trường Cù Châu, ông viết cuốn "Một sự ngông cuồng trẻ con" đăng lên Đông Nam nhật báo. Bài báo làm chấn động dư luận trong trường, được giới học sinh tranh nhau đọc. Ban giám hiệu trường Cù Châu đành phải bãi bỏ những quy định bất công với học trò được ông nêu trong cuốn sách.

Không những vậy, một ký giả của Đông Nam nhật báo là Trần Hướng Bình do hâm mộ tác giả bài báo, đã lặn lội tìm đến trường học để thỉnh giáo, mà không biết tác giả chỉ là một học sinh.

Sau này, ông học tại Học viện chính trị Trung ương và bị đuổi học năm 19 tuổi do viết thư tố cáo một vụ bê bối trong trường.

Sau ông xin làm việc tại Thư viện trung ương, tại đây ông bắt đầu nảy sinh ý định sáng tác truyện võ hiệp.

Cuộc đời của nhà văn Kim Dung: 8 tuổi đọc kiếm hiệp, 15 tuổi xuất bản cuốn sách đầu tiên 2

Trải qua nhiều biến cố, năm 1946, Kim Dung bắt đầu làm báo và chuyển qua nhiều tờ báo khác nhau. 

Ông cho ra mắt tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên của mình, "Thư Kiếm Ân Cừu Lục" trên tờ New Evening Post vào năm 1955 với bút danh Kim Dung.

Tác phẩm đã gặt hái thành công vang dội. Ông tiếp tục cho ra đời 14 bộ tiểu thuyết võ hiệp khác, với tác phẩm cuối cùng là "Lộc Đỉnh Ký" vào năm 1972. 

"Võ lâm minh chủ" có tầm ảnh hưởng mạnh tới văn hóa châu Á

Kim Dung được coi là một trong những nhà báo, nhà văn và nhân vật mang tầm ảnh hưởng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc và cộng đồng người nói tiếng Hoa nhiều thập niên qua. 

Cuộc đời của nhà văn Kim Dung: 8 tuổi đọc kiếm hiệp, 15 tuổi xuất bản cuốn sách đầu tiên 3

Các tiểu thuyết của ông được độc giả trên khắp thế giới đón nhận, là nguồn cảm hứng cho vô số tác phẩm điện ảnh, chương trình phát thanh cho đến trò chơi điện tử, tạo ra một làn sóng văn hóa đặc trưng của Hong Kong trong nhiều thập niên.

Ông nằm trong số những nhà văn Trung Quốc có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Sách của ông đã được in hơn 300 triệu bản và được bán khắp nơi trên thế giới.

Các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng nhất của ông có "Anh Hùng Xạ Điêu", "Thần Điêu Đại Hiệp", "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", "Lộc Đỉnh Ký", "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Thiên Long Bát Bộ"...

Trong đó có nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành những bộ phim truyền hình nổi tiếng, được đông đảo khán giả trong và ngoài nước yêu thích như: "Anh Hùng Xạ Điêu", "Thần Điêu Đại Hiệp", "Cô Gái Đồ Long", "Thiên Long Bát Bộ", "Lộc Đỉnh Ký"..

  Bộ phim

Bộ phim "Thần Điêu Đại Hiệp" năm 1983, tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung.

Sau khi kết thúc những bộ truyện kiếm hiệp cuối cùng vào năm 1972, Kim Dung bắt tay chỉnh sửa lại nhiều tác phẩm trước đó của mình. Ông tiếp tục tung hoành trong làng văn chương võ hiệp Trung Quốc với hàng loạt tác phẩm tái bản từ năm 1999 cho đến khi thật sự gác bút vào năm 2006.

Ông còn là người sáng lập ra tờ Minh Báo năm 1959. Ông vừa viết tiểu thuyết, vừa viết các bài xă luận. Qua những bài xă luận của ông, Minh Báo càng ngày được biết đến và là một trong những tờ báo được đánh giá cao nhất. Không như một số tờ báo do ông sáng lập khác, Minh Báo theo ông đến khi kết thúc sự nghiệp.

Năm 1993, ông thôi làm chức chủ bút, bán tất cả các cổ phần trong Minh Báo.

Ngày 30/10/2018, nhà văn Kim Dung qua đời ở tuổi 94 tại Bệnh viện Hong Kong sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, để lại nỗi tiếc thương vô cùng lớn trong lòng hàng vạn người mến mộ ở Trung Quốc và Việt Nam.

Cuộc đời của nhà văn Kim Dung: 8 tuổi đọc kiếm hiệp, 15 tuổi xuất bản cuốn sách đầu tiên 5

Ái Linh (tổng hợp)/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO