Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Đá bóng ngã lệch cổ chân, nhịn đau... 2 năm mới đi chữa

Bị chấn thương nặng do chơi đá bóng, ngã lệch cổ chân gây ra tổn thương về dây chằng sên mác trước, xương thoái hóa và mọc chồi vào trong, người đàn ông nhịn đau suốt 2 năm mới đi chữa.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp cùng chuyên gia tới từ Singapore – GS.TS Christopher J Pearce vừa trực tiếp phẫu thuật, tái tạo hoàn toàn dây chằng sên mác trước cổ chân bằng kỹ thuật nội soi cho bệnh nhân B.C.T. (33 tuổi) bị chấn thương nặng ở cổ chân suốt 2 năm vì bị ngã khi chơi bóng đá.

Đây là 1 trong 2 bệnh nhân nặng điển hình về tổn thương dây chằng cổ bàn chân đã được khám cùng chuyên gia trong chương trình “Khám, tư vấn miễn phí chấn thương thể thao cổ bàn chân” do khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức đầu tháng 4 vừa qua.

  Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi điều trị chấn thương ở cổ chân cho bệnh nhân

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi điều trị chấn thương ở cổ chân cho bệnh nhân

Và đây cũng là 1 trong 2 bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng kỹ thuật gia cố bên trong InternalBrace trong tái tạo dây chằng cổ chân cho các bệnh nhân chấn thương thể thao.

Phương pháp này giúp tăng cường cho dây chằng tái tạo, tạo điều kiện cho việc phục hồi và tập luyện để nhanh chóng quay lại hoạt động thể thao.

“Với kĩ thuật này người bệnh có thể trở lại chơi thể thao như trước khi bị tổn thương, vì quá trình phẫu thuật này được tiến hành hoàn toàn bằng phương pháp nội soi với đường mổ rất bé, chỉ chưa đến 0,5cm, so với trước đây thực hiện mổ mở thì đường mổ có thể dài từ 5 - 10cm. Do vậy người bệnh đỡ đau và gập cổ chân dễ dàng”- PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh Trưởng Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết.

Đến nay cả hai bệnh nhân đều phục hồi tốt. Chia sẻ về niềm vui sẽ được quay trở lại với môn thể thao yêu thích, anh T. cho biết “Bản thân tôi không nghĩ đến chấn thương cổ chân lại đau dai dẳng như vậy, hơn nữa, sau 2 năm gặp chấn thương tôi mới đi khám và chữa trị, đây cũng là một bài học đáng ghi nhớ trong cuộc đời tôi. Hy vọng những người có chung niềm đam mê với môn thể thao vua sẽ ý thức giữ gìn sức khỏe hơn, tránh để bị chấn thương khi chơi thể thao”.

GS.TS Christopher J Pearce – Chuyên gia hàng đầu phẫu thuật nội soi cổ chân đến từ Singapore đánh giá cao trình độ chuyên môn của các bác sỹ chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và cho biết, nội soi cổ chân, khâu tái tạo dây chằng là 2 trong số những kỹ thuật giúp đỡ cho người bệnh rất nhiều, đặc biệt những người muốn quay trở lại hoạt động thể thao.

Trong những năm gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận khá nhiều trường hợp chấn thương ở chân. Trong đó, có tới 50% chấn thương do chơi thể thao. Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, thậm chí là tập yoga…

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh nhấn mạnh: chấn thương do thể thao có nhiều mức độ. Nhẹ nhất là sưng nề phần mềm, làm người tập đau, khó chịu. Nặng thì khiến người bệnh đau dai dẳng, kéo dài, có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối, hoặc đứt dây chằng quanh khớp cổ chân.

Nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn hoặc do người bệnh chủ quan cố chịu đau, sau một thời gian không khỏi mới tìm đến bác sĩ. Nhiều trường hợp để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp…

Thậm chí, người bệnh bị sưng khớp, trật khớp, đau mỏi còn điều trị bằng thuốc nam, châm cứu… sẽ làm cho bệnh càng nặng hơn.

Bệnh nhân bị chấn thương thể thao cổ chân nếu không được can thiệp kịp thời có thể phải ngừng hoạt động thể thao, thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt thường ngày.

Hiện nay, với các phương pháp phẫu thuật nội soi khớp ít xâm lấn dần thay thế phẫu thuật mở trong điều trị các chấn thương và chấn thương thể thao.

Phương pháp này giúp chẩn đoán chính xác các thương tổn, độ chính xác lên tới 100%; xử trí nhanh trong phẫu thuật; phẫu thuật ít xâm lấn; bệnh nhân ít đau, hạn chế tổn thương phần mềm xung quanh, sau mổ người bệnh có thể sớm vận động và quay trở lại với hoạt động thể thao.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO