Báo Điện tử Gia đình Mới

Đã đến lúc cha mẹ Việt thôi tạo ra những đứa trẻ chỉ biết học để qua bài kiểm tra!

Cha mẹ Việt, cũng như các bậc cha mẹ khác, luôn mong muốn những gì tốt nhất cho con mình, nhưng lại dựa quá nhiều vào những phương pháp giáo dục đã lỗi thời.

Empty

David Chiem là một chuyên gia giáo dục Việt Nam được vinh danh trên thế giới trong vai trò nhà sáng lập và tạo nên các phương pháp học tân tiến New Brain Software và Optimal Flow Method, nổi tiếng ở Úc và Singapore.

Ông có hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, phát triển tư duy, cũng như trong lĩnh vực xây dựng các chương trình học tập tích cực cho trẻ em trong mọi độ tuổi.

Cùng với cộng sự của mình, Brian Caswell, David Chiem phát triển các chương trình học tập chủ động và phát triển bản thân tốt nhất cho trẻ.

Ông đang chuẩn bị giới thiệu quyển sách ‘Dạy con tư duy’, tác phẩm mở đầu của bộ sách hướng dẫn cha mẹ đồng hành cùng con trong việc phát triển tư duy. Tựa gốc cuốn sách Deeper than the Ocean, được ông đặt dựa trên câu hát: ‘Lòng mẹ thương con như biển Thái Bình…’

Trở về Việt Nam thăm quê hương, chuyên gia giáo dục quốc tế này đã có những nhận xét khá ấn tượng về cách dạy con của cha mẹ Việt.

-Phóng viên: Xuất phát nào khiến ông nghiên cứu về não bộ và sự phát triển tư duy trẻ?

-David Chiem: Rời Việt Nam khi còn khá nhỏ, hành trang văn hóa tôi mang theo là những câu từ trong bài hát ‘Lòng mẹ’. Bài hát này đã khiến tôi rất xúc động khi còn bé, và tôi luôn trân quý tình cảm mà cha mẹ dành cho con cái với mong muốn về một tương lai tươi sáng cho con – như cha mẹ tôi đã dành cho tôi. Tôi luôn muốn viết một cuốn sách về chủ đề này.

Từ quan điểm đó, tôi bắt đầu nhận ra: có rất nhiều cặp cha mẹ dù rất yêu thương con cái, nhưng lại không biết cách phát huy hết toàn bộ năng lực của con.

Một vấn đề khác là khác là trong khi các nghiên cứu mới nhất về tâm lý học và thần kinh học giúp chúng ta hiểu được sự phát triển của não trẻ, nhiều bậc cha mẹ vẫn còn chưa ý thức được về điều này.

Chính nhận thức này đã cấu thành khái niệm Bộ não 3 phân tầng được thể hiện trong cả cuốn sách và mô hình giảng dạy của tôi – một mô hình giáo dục sớm cho trẻ hiện đang được xem như một phong trào giáo dục toàn cầu.

Empty

-Việc giáo dục trẻ dựa trên phân tích về não bộ theo ông có vai trò như thế nào? 

-Tôi tin rằng các quốc gia vĩ đại trước hết đều được xây dựng từ trong mỗi gia đình, và vì vậy cha mẹ là những người quan trọng nhất trong việc truyền đạt kiến thức cho con cái.

Quyển sách này được viết dành cho các bậc cha mẹ, nhưng cũng dành cho các lãnh đạo, những nhà hoạch định chính sách, vì cách chúng ta giáo dục con cái ngày hôm nay sẽ quyết định đến vận mệnh đất nước mai sau.

Là một người Việt, việc xây dựng và phát triển trí tuệ cho trẻ em Việt Nam vì một tương lai tươi sáng rất có ý nghĩa với tôi.

-Ông đánh giá thế nào về cách nuôi dạy con của cha mẹ Việt?

-Nếu chịu khó quan sát thì sẽ thấy, thực tế hiện nay là học sinh ở trường (trong đó có cả thế hệ chúng ta) chỉ được dạy nội dung bài học, chứ không phải là những chiến thuật học tập hiệu quả.

Cha mẹ Việt, cũng như các bậc cha mẹ khác, luôn mong muốn những gì tốt nhất cho con mình, nhưng lại dựa quá nhiều vào những phương pháp giáo dục đã lỗi thời.

Việc cố gắng nhồi nhét kiến thức vào những cái đầu non nớt của trẻ đã là cách tiếp cận của giáo dục thể kỉ 20. Trong thời đại của thông tin, con bạn cần phải có những kĩ năng và chiến lược để chọn lọc, tiếp thu và tổng hợp thông tin. Chúng cần có kỹ năng giao tiếp, trao đổi thông tin, hợp tác và trên hết là sự sáng tạo.

Đây chính là những gì Bộ não 3 phân tầng muốn tiếp cận. Dựa trên những nghiên cứu của mình, tôi rất muốn cảnh báo cha mẹ Việt: Giáo dục thật sự không nằm ở chỗ con cái chúng ta được dạy cái gì? mà là được dạy như thế nào.

Giáo dục thật sự là phải biết ‘trồng người’ chứ không phải chỉ tạo những đứa trẻ chỉ biết học để cho qua bài kiểm tra. Đã đến lúc cha mẹ Việt quên đi ‘công thức’ này!

-Ông thực sự tin rằng, chúng ta có thể tạo ra những thiên tài, nếu biết cách giáo dục đúng?

-Khoa học đã chứng minh rằng không thể ‘sao chép’ một thiên tài. Những ai tự nhận rằng mình có thể tạo ra thiên tài đều là những người đang thổi phồng hoặc đang đi lệch hướng trong việc giáo dục con trẻ.

Những gì chúng ta có thể nuôi dưỡng ở con cái cũng chính là những điều mà cộng tác viên của chúng tôi - Gs. Allan Snyder nghiên cứu trong suốt 2 kì thế vận hội tại Sydney và Bắc Kinh: điều gì khiến những nhà vô địch (trong mọi lĩnh vực) khác biệt so với phần còn lại?

Đó chính là Tư duy của Nhà Vô Địch – và mọi yếu tố cấu thành nên Tư duy này đều có thể được tiếp nhận trông qua việc học. Với Tư duy này, bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể được nuôi dưỡng và tối ưu hóa tiềm năng để trở thành những công dân suất sắc nhất có thể.

Empty

-Ông cũng ứng dụng lý thuyết này vào việc giáo dục các con ông chứ?

-Tôi quan niệm, điều quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái chính là việc nuôi dạy chúng theo khái niệm ‘tình thương và lòng tự hào’. Con cái tôi biết rằng tôi yêu chúng, nhưng chúng cũng phải biết rằng tôi tự hào về chúng. Đây cũng chính là một khoảng cách khác giữa cha mẹ và con cái.

Nhiều người khi đã lớn đều biết rằng cha mẹ họ rất thương họ, nhưng rất ít người trong số đó được cha mẹ bảo rằng họ rất tự hào về họ. Ví dụ, nếu con tôi phạm lỗi, tôi sẽ luôn thảo luận với chúng để chúng có thể rút ra được bài học từ sai lầm đó.

Tôi luôn khuyến khích các con sửa sai, và trước khi chúng đi ngủ, tôi sẽ luôn nói với chúng rằng tôi tự hào về chúng vì đã biết rút kinh nghiệm từ sai lầm – bởi vì niềm tự hào từ cha mẹ không chỉ đến từ thành tích của con cái, mà còn là sự trưởng thành ở chúng.

 Việc chúng ta nhìn nhận con trẻ có ý nghĩa rất lớn với chúng, bởi sau này khi lớn lên chúng sẽ phải đối mặt với một thế giới đa phần lạ lẫm và không khoan nhượng.

Có rất nhiều phương pháp giáo dục trẻ đang được phổ biến như dạy con theo kiểu Do Thái, Dạy con theo mẹ Nhật… khiến những người làm cha mẹ cũng rối. Liệu, có thực sự cần một lộ trình cụ thể, thống nhất trong việc giáo dục con?

Thay vì cố gắng bắt chước các ‘kiểu dạy con’ từ các nền văn hóa khác nhau, chúng ta nên tự hào về nền văn hóa Việt Nam và các giá trị truyền thống của nó. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải có trách nhiệm áp dụng những nghiên cứu mới nhất trong việc giáo dục con cái để chuẩn bị cho chúng trong thời đại toàn cầu hóa – điều này có nghĩa là chúng ta phải chọn ra những chiến lược tốt nhất cho con.

Khi nói về chiến lược trong việc nuôi dạy con cái, huyền thoại bóng rổ Michael Jordan đã viết: ‘Bạn có thể luyện ném rổ 8 tiếng mỗi ngày, nhưng nếu bạn ném sai kĩ thuật, thì bạn sẽ trở thành người rất giỏi trong việc ném bóng sai’

Vậy, lời khuyên của ông dành cho các bậc phụ huynh Việt Nam trong việc giáo dục con là gì?

Như tôi đã nói, phương pháp giáo dục của thế kỉ 20 là học thuộc lòng. Nhưng trong thế kỉ 21 này, theo dự đoán của các chuyên gia, vào thời điểm mà những đứa trẻ hiện nay đang học mẫu giáo bước vào độ tuổi lao động, 48% số lượng việc làm hiện nay sẽ bị thay thế bằng trí tuệ nhân tạo.

Trẻ em ngày nay cần được nuôi dạy theo mô hình não bộ 3 phân tầng – tư duy của Nhà Vô Địch, tư duy Học Hỏi và tư duy Sáng Tạo.  

Xin cảm ơn ông về những trao đổi này!

Empty
Tuấn Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO