Báo Điện tử Gia đình Mới

Đã là đàn ông, cần phải biết sợ vợ!

Khổ, đối với đàn ông xứ Việt, nghèo, khổ, xấu trai, kém tài...có thể chấp nhận được, chứ bảo "sợ vợ" thì gần như 100% các ông đều coi đó là điều tối kỵ.

21607lpr_52bef918f8211af

 

Facebooker Chiến Văn là một người được cộng đồng mạng yêu mến vì tính hài hước và những bài thơ, status hài hước về gia đình và cuộc sống. Anh rất nhạy cảm với những số phận con người nên dễ chia sẻ và cảm thông. Hiện anh có một gia đình hạnh phúc với 1 vợ, 2 con. Xin đăng tải một bài viết anh dành riêng cho Gia đình mới

"Sợ vợ ở đàn ông xứ ta nếu chỉ đọc riêng từ đó lên thôi, đã có gì đó nghe đầy miệt thị, đau đớn. Nhưng để thể hiện sự coi thường, chế giễu, người ta còn đem ra so sánh, ví von với những hình ảnh xấu xí hơn nhiều như: " Bám váy đàn bà"; "anh hùng râu quặp"...

Có người sợ rắn, người sợ chó, học sinh cá biệt thì sợ lên bảng, người nhút nhát thì sợ phải nói trước đám đông, vợ đi chơi về muộn thì sợ chồng mắng... Vậy thì, chồng có sợ vợ một chút đâu có gì sai?!?

Nhắc đến sợ vợ, nhiều anh chồng hay "AQ": " Vợ tôi cả xóm đều sợ, tôi không sợ mà được à?". Hoặc, ung dung tự tại hơn: " Mình sợ vợ mình chứ có sợ vợ hàng xóm đâu mà ngại?!?". Kể ra cũng đúng. Vợ mình đẻ con cho mình, nấu cơm cho mình ăn, rửa bát đũa, giặt quần áo cho mình, chăm sóc mình khi ốm đau...

Vậy, mình có sợ chút thì có sao đâu? Vợ hàng xóm chẳng giúp được gì mình, tự nhiên mình đi sợ thì mới là "có vấn đề" đáng phải bàn chứ?!? Mới lại, không "sợ vợ", nhỡ may cô ấy lấy cớ về ngoại vài hôm, hoặc giả vờ ốm nằm vài ngày, chân tay không đụng việc gì, lúc đó, ông chồng đầy oai hùng và kiêu hãnh kia có mà...vắt chân lên cổ. Thế nên, sợ vợ là đúng rồi!?!.

Nhưng, nên chỉ "sợ" trong một chừng mực nhất định. Ấy là khi làm gì, nhất là các việc lớn, trọng đại trong gia đình, thì nên trao đổi, bàn bạc, hỏi qua ý kiến vợ một câu. Nếu vợ phân tích đúng, hợp lý, nên xem xét, quyết định lại.

177478_171463679653923_13

177478_171463679653923_13

Không hiểu sao, cứ nhắc đến hai chữ "sợ vợ", người ta lại khinh bỉ đến vậy. Trong khi đó, tôi thấy, ở mức độ nào đó, hoàn cảnh cụ thể nào đó, "sợ vợ" có gì sai trái, xấu xa lắm đâu? Con người mấy ai mà không sợ một điều gì đó.

Còn cảm thấy "chưa phục" thì nên để thời gian suy ngẫm, cân nhắc, tham khảo thêm ý kiến của người thân, gia đình. Không nên thể hiện là "Ta là chồng, là chủ gia đình, ta có quyền quyết định".

Đó là suy nghĩ của đàn ông thời phong kiến, khi xã hội vẫn tồn tại quan điểm "trọng nam khinh nữ". Thời đó, đàn ông bôn ba ngoài trận tiền, làm các việc lớn, phụ nữ chỉ loanh quanh từ nhà xuống bếp, líu ríu với việc đẻ đái, chăm sóc con cái.

Xã hội ngày nay, không chỉ đàn ông, mà phụ nữ cũng tham gia gánh vác trọng trách xã hội, đóng góp về kinh tế, tạo ra của cải, cùng nuôi dưỡng gia đình cả vật chất lẫn tinh thần, vì vậy, không thể coi họ là "thứ yếu".

Đối với nhiều gia đình, chính phụ nữ lại là những "trụ cột" gia đình thực sự. Vì vậy, đàn ông cũng không nên vì cái vỏ bọc bên ngoài hoặc vì tính "sĩ hão" mà cố giành lấy cái thế "ông chủ gia đình" để đàn áp, độc đoán, bỏ qua vai trò của vợ.

Vì gia đình hiện đại, vai trò của phụ nữ và đàn ông gần như ngang nhau, trong cả đóng góp lẫn hưởng thụ, nên đàn ông cũng nên "sợ vợ". Sợ ở đây có thể là sợ vợ bị mệt, bị stress vì công việc, sợ vợ không chịu được sự bất thường về thời tiết nên ốm đau. Hay, sợ vợ vì bận rộn, nhiều áp lực trong công việc, dạy dỗ con cái nên sinh ra cáu bẩn, làm ảnh hưởng đến đời sống gia đình.

Phụ nữ mà, dù có bình đẳng đến cỡ nào thì vẫn không thể bằng được đàn ông về sức vóc, khả năng chịu đựng lẫn sự bản lĩnh, điềm tĩnh. Nếu không biết "sợ", mà dành cho vợ sự quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời, chỉ có thiệt cho gia đình, trực tiếp là mình và các con. Thứ đến là gây phiền toái, ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng. "Xấu chàng thì hổ ai".

17862357_1031377336995882

Bức ảnh 1,2 ngàn like của facebooker Chiến Văn cùng vợ 

Vợ mình vì một phút cáu bẳn không giữ được bình tĩnh, quát mắng con cái, làm "đinh tai nhức óc" hàng xóm, thì láng giềng hữu nghị đâu chỉ trách riêng vợ, mà còn cười cả mình. Nên thôi, "sợ vợ" trong trường hợp này là đúng.

Nói thế để thấy, "sợ vợ" không phải là điều gì ghê gớm, quá xấu xa, đáng chê trách cả. Đôi khi, "sợ vợ" là điều cần thiết, thậm chí còn đáng được khen ngợi. Nhưng, đừng lấy đó làm cái cớ để sợ vợ quá đà nhé hỡi những người đàn ông sức dài vai rộng.

Đừng sợ đến mức để vợ "đè đầu cưỡi cổ". Hoặc, mới nghe vợ gọi khẽ đã "bẩm bà con đây". Đây không phải là sợ vợ nữa mà là...quá sợ rồi. Đừng sợ vợ đến mức bạn bè muốn đến nhà chơi, mà vợ không đồng ý cũng đành ngậm ngùi chấp nhận. Hoặc sợ đến độ mặc quần áo chỉn chu rồi, định ra quán bia đầu ngõ để làm vài cốc với anh em bằng hữu, mà vợ trừng mắt lên là đã vội vã cởi áo ra.

Nhất là sợ vợ đến mức gia đình, người thân chán nản, ngán ngẩm lắc đầu, coi như không có giá trị gì của đàn ông, bạn bè khinh thường ra mặt thì không thể chấp nhận được. Sợ kiểu đó thì đâu còn là "chồng" nữa!.

"Sợ vợ" đôi khi giúp đàn ông chúng ta sống biết chia sẻ, tinh tế, quan tâm, yêu thương vợ hơn, để cùng nhau chung tay chăm lo cho gia đình hạnh phúc, phát triển, đó là điều tốt.

"Sợ vợ" trong một chừng mực nhất định, để cả hai cùng tôn trọng, gắn bó yêu thương nhau hơn, đó là điều cần khuyến khích. "Sợ vợ" ở độ để cả hai không bao giờ phải nặng lời, coi thường nhau, hoặc bất đồng quan điểm đến mức độ "mỗi người một ngả", đó là điều đáng trân trọng...

Những kiểu sợ vợ đó không khiến đàn ông mất đi sự nam tính hoặc phải xấu hổ trước bạn bè, người thân. Ở khía cạnh nào đó, tôi tự tin tuyên bố rằng, mình cũng là một người "sợ vợ". Sợ đủ để vợ và mọi người không thể coi thường mình.

Nên để khuyên, tôi vẫn khuyên chân thành: Hỡi các đấng mày râu, hãy nên "sợ vợ" một chút. Nếu không "sợ", chắc gì đã yêu nhau hơn?!?

906823_295731980560425_53

Hạnh phúc của Chiến Văn được bồi đắp hàng ngày và có một phần nhờ... sợ vợ

Chiến Văn /giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO