Báo Điện tử Gia đình Mới

'Điểm mặt' 9 loại bệnh trẻ dễ gặp khi giao mùa, bố mẹ nhất định phải nắm

Thời tiết chuyển mùa nóng khiến các bệnh hô hấp và bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát. Dưới đây là các bệnh trẻ dễ gặp phải vào thời điểm giao mùa.

1. Sốt siêu vi

Thời tiết giao mùa thích hợp cho một số loại virus gây bệnh phát triển. Do chưa có thuốc tiêu diệt vi rút trong cơ thể người nên cách duy nhất để đối phó với bệnh này là phòng bệnh và tăng sức đề kháng cho trẻ.

Mẹ cần phòng tránh cho bé tiếp xúc nguồn bệnh như: không tới chỗ đông người, không tiếp xúc nhiều với người bệnh, rửa tay cho bé trước khi ăn và sau khi bé đi học hoặc đi chơi ở ngoài về.

2. Ngộ độc thực phẩm

Thực phẩm rất dễ bị hỏng khi thời tiết nóng ẩm. Ngoài ra, thời điểm này đang là mùa sinh nở của ruồi, muỗi,… nên rất dễ lây lan các mầm bệnh qua đường tiêu hóa. Do đó, trẻ em dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn mọi lứa tuổi khác vào thời điểm thời tiết chuyển mùa.

3. Say nắng

Đây là hiện tượng do nhiệt độ và tia cực tím (tia tử ngoại) của mặt trời gây ra, tia tử ngoại có khả năng xuyên qua lớp sừng của da tới hạ bì gây cháy da (bỏng độ I) và say nắng.

1502953164-1

Giao mùa là thời điểm nhiều dịch bệnh bùng phát, gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ

4. Tiêu chảy

Uống nước và ăn thực phẩm bị ô nhiễm hay không an toàn có thể gây tiêu chảy. Nguyên nhân chủ yếu gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả…) hoặc virus, nấm, kí sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.

5. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết thường bắt đầu vào tháng 2 – 3. Cần phòng bệnh bằng cách phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, mắc màn khi bé ngủ, dọn sạch các vũng nước đọng trong nhà.

6. Rôm sảy

Khi thời tiết trở nên nóng và ẩm ướt, các tuyến mồ hôi hoạt động nhiều, dễ gây nên tình trạng viêm các nang tuyến chân lông, khiến chúng lồi lên mặt da thành các bọc nước nhỏ, đỏ và ngứa ngáy.

Đề phòng bệnh khá đơn giản, bạn nên tắm rửa sạch cho bé bằng xà bông ngăn không cho vi khuẩn bám trên lỗ chân lông. Trường hợp nặng hơn, có thể bôi các loại kem chống viêm chứa corticoide như eumovate, dermovate,...

7. Bệnh tay chân miệng

Cho đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.

8. Thủy đậu

Cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm vắc xin và tiêm một liều duy nhất 0,5ml cho trẻ từ 1 - 12 tuổi. Đối tượng từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều, cách nhau từ 6 - 10 tuần.

Trong khi dịch bệnh có mặt ở khắp nơi thì cách ly với nguồn bệnh là một biện pháp ngăn chặn lây lan. Không nên đưa trẻ đến những nơi có nguồn bệnh hoặc nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện. Hạn chế tối đa đưa trẻ đến những chỗ đông người như bến xe, bến tàu.

Khi trẻ đã bị nhiễm bệnh, bố mẹ nên chăm sóc trẻ đúng cách. Không dùng kháng sinh để điều trị bệnh dịch do virus vì kháng sinh không có tác dụng diệt vi rút.

9. Các bệnh lý về đường hô hấp

Thời điểm giao mùa, các mẹ cần hết sức lưu ý việc chăm sóc trẻ cũng như trang bị những hiểu biết cơ bản, về một số bệnh lý đường hô hấp phổ biến như: Viêm họng, viêm mũi cấp tính, viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản hay Bệnh cúm A H1N1, H5N1 và Tay chân miệng,

Một số cách phòng tránh các loại bệnh giao mùa:

- Giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động.

- Ăn đầy đủ chất và các nhóm dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Chế độ ăn của trẻ cần đa dạng, tăng cường rau quả giàu vitamin C, A để hỗ trợ hệ miễn dịch.

- Tiêm phòng vaccine cúm đầy đủ.

- Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng, ít bụi bẩn.

- Khi bé có những biểu hiện như: ho, hắt hơi, sổ mũi, mẹ cần đeo khẩu trang cho bé, dạy bé che miệng khi ho, tuyệt đối không khạc nhổ bừa bãi đồng thời đưa bé đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị.

- Hạn chế thức ăn lạnh, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.

- Sử dụng đều đặn và đầy đủ đơn thuốc của bác sĩ đối với những bệnh mạn tính để tránh trường hợp bệnh tái phát nặng hơn.

Mai Chi(tổng hợp)/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO