Báo Điện tử Gia đình Mới

Điểm tin Facebook Bác sĩ ngày 5/3: Nhiều người sẽ tuột cơ hội cứu chữa vì nghi ngại nhân viên y tế

Các bác sĩ tiếp tục lên tiếng trước các vụ đồng nghiệp của mình bị người nhà bệnh nhân hành hung.

 Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn

"MÊ TÍN DỊ ĐOAN

Cho dù bạn có tin vào ma quỷ hay không, nhưng sau khi nghe câu chuyện tôi kể, có thể bạn sẽ bối rối.

Khi còn nhỏ, tôi rất sợ bóng tối. Tôi đã thề với mẹ là cứ mỗi đêm vào tháng 7 âm lịch, tôi lại nghe thấy tiếng “thì thầm” phát ra từ ngôi mộ của bà lão ăn mày. Ngôi mộ đó rất to, nằm ngay giữa bãi nước của cánh đồng rìa làng cách nhà tôi vài trăm mét.

Đã nhiều lần tôi cố gắng giải thích với mẹ, rằng tiếng “thì thầm” giữa đêm khuya thanh vắng mà tôi nghe thấy là có thật, nó làm cho tôi rất sợ hãi. Nhưng mẹ thì không nghe thấy gì, nên cho rằng có thể do giác quan của tôi quá nhạy cảm, cũng có khi chỉ là tiếng gió thổi, hay là giấc mộng mị của một đứa trẻ.

Nhà tôi nghèo nhất huyện. Những tháng giáp hạt, anh em tôi chỉ biết ra đồng hái rau sam và rau má, tìm mót những thứ còn sót lại sau vụ mùa. Mẹ dạy tôi cách chia sẻ với những số phận bất hạnh, cả người sống lẫn người đã chết, thậm chí là những con vật bị đói rét.

Và cứ mỗi lần đi mót về, qua ngôi mộ bà lão ăn mày, tôi lại bớt một củ khoai hay một bắp ngô, rồi đặt lên đỉnh ngôi mộ. Những con chim sẻ, những con chuột đồng, có cả cầy và cáo cùng hưởng thụ; điều đó cũng làm cho tôi vui. 

Vào một đêm tháng 7, tôi đi ngủ với cái bụng đói. 

Buổi chiều không còn cái gì ăn, nên tôi quyết định đi ngủ sớm và cố gắng nhắm mắt. Nhưng tiếng sôi từ cái bụng cồn cào đã làm tôi thức giấc lúc nửa đêm. Mẹ cố ru tôi vào giấc ngủ, nhưng tôi lại nghe thấy tiếng “thì thầm” phát ra từ ngôi mộ bà lão ăn mày, chứ không phải tiếng mẹ ru. 

Tiếng “thì thầm” càng ngày càng rõ, đó là một giọng nữ, khác với lần đầu tiên và nhiều lần trước đó. Không giống với tiếng mẹ tôi. Đó là giọng nói run rẩy của một bà lão ăn mày: “Con trai! Hãy đứng dậy, đừng ngủ khi cái bụng đang đói, hãy bước ra khỏi nhà, ra chỗ ngôi mộ và tìm thứ mà con cần tìm”.

Tôi đứng dậy, bước ra khỏi cửa, đi về phía ngôi mộ bà lão ăn mày ở giữa bãi nước của cánh đồng rìa làng. Và thật ngạc nhiên, tôi nhìn thấy những tia chói sáng màu vàng, như ánh đèn sân khấu. Những tia sáng không có nguồn nào khác, nó phát ra từ chính ngôi mộ, dưới ánh trăng sắp đến ngày rằm tháng 7.

Screen Shot 2018-03-05 at 18.07.51

Tôi bước đến gần ngôi mộ, rồi dừng lại. Ồ, hóa ra chỉ là những mảnh phích vỡ, rất nhiều mảnh phích vỡ của nhà ai đó vất ra xung quanh ngôi mộ.

Một đám mây đen che lấp ánh trăng, làm cho bầu trời đột nhiên tối đen trở lại, những mảnh phích vỡ cũng không còn phản chiếu dưới ánh trăng nữa. Một luồng gió lạnh thổi tới, nó làm cho tôi cảm thấy buốt dọc theo sống lưng. Và tôi quyết định quay trở lại giường của mình trong căn buồng tối.

Khi tôi thức dậy vào sáng hôm sau, thì nghe thấy mẹ nói đêm qua có mấy người trong làng nhặt được rất nhiều vàng từ ngôi mộ bà lão ăn mày. Tôi hỏi lại mẹ thì được biết, buổi chiều hôm ấy, người ta thuê máy ủi san đi ngôi mộ để chuẩn bị làm nhà.

Phía dưới ngôi mộ không có quan quách, cũng không có xương cốt gì, nhưng lại có rất nhiều vàng. Đêm trăng, những thỏi vàng phát sáng làm người ta nhìn thấy và ra nhặt. 

Nghe mẹ kể xong tôi kinh ngạc. Hỏi bố thì bố giải thích bà lão ăn mày lúc chết được quấn chiếu chôn ở đó, bà lão chết từ bao giờ thì chính bố cũng không biết, mà bố chỉ nghe ông nội kể lại.

Cả ngày hôm ấy tôi lên cơn sốt, người đỏ và nóng như hòn than. Ngoài trời gió vần vũ và mưa lất phất dai dẳng. Mẹ đội mưa ra ngoài cánh đồng, chỗ gần ngôi mộ bà lão ăn mày, mẹ hái nắm lá nhọ nồi về giã lấy nước cho tôi uống, đắp bã lên trán và lên cả ngực của tôi nữa. Nửa đêm tôi bớt sốt và có thể chợp mắt.

Trong giấc mơ, ban đầu tôi tưởng thế nhưng không phải, rõ ràng tôi đang tỉnh và nghe thấy tiếng “thì thầm” giống hệt như đêm hôm trước. Đó là giọng nói run rẩy của bà lão ăn mày: “Con trai! Hãy đứng dậy, đừng ngủ khi cái bụng đang đói, hãy bước ra khỏi nhà, ra chỗ ngôi mộ và tìm thứ mà con cần tìm”.

Tôi nghĩ, sẽ lại có những thỏi vàng đang đợi tôi ở ngôi mộ của bà lão ăn mày, những thỏi vàng mà tôi đã nhầm tưởng là những mảnh phích vỡ. Nhưng tôi sợ đêm đen, nhất là đêm tháng 7 âm lịch gần đến rằm mà không có ánh trăng, trời lại mưa lất phất và gió độc.

Tôi định nhắm mắt ngủ tiếp. Nhưng có một bàn tay lạnh toát luồn vào gáy và nâng tôi dậy. Tôi nghe thấy tiếng “thì thầm” của bà lão ăn mày nhắc tôi lần nữa. Và tôi quyết định đi ra phía ngôi mộ.

Lần này không phải là những thỏi vàng giống như mảnh phích vỡ. Mà là một đàn vịt bằng vàng, tôi đếm được 7 x 7 = 49 con đang kiếm ăn quanh ngôi mộ. Thấy tôi xuất hiện, đàn vịt táo tác chạy, chỉ có một con vịt què không chạy được, con vịt bé nhất đàn và đang nằm bẹp ngay dưới chân tôi.

Nhìn 48 con vịt bằng vàng chạy ngược về phía bãi tha ma, tôi quên hết sợ hãi và đuổi theo, nhưng đuổi mãi không được cho đến khi từng con vịt bằng vàng khuất dần vào những ngôi mộ ngay phía dưới rặng cây của cánh rừng âm u còn sót lại.

Tôi quay lại chỗ ngôi mộ bà lão ăn mày để tìm con vịt què, nhưng không còn thấy con vịt đâu nữa. Tìm mãi, tôi cũng thấy một quả trứng bằng vàng. Tôi nhặt lấy quả trứng, đút vào túi quần và quay trở lại giường của mình trong căn buồng tối.

Khi tôi thức dậy vào sáng hôm sau, thấy mẹ ngồi bên tôi mắt đỏ hoe, tay áo ướt sũng. Ngoài trời mưa ngâu nhưng nặng hạt và lạnh, gió độc thổi từng cơn qua khe nhà trống nứt toang. Cả đêm tôi mê man bất tỉnh, sốt cao như đang có lửa đốt trong người. Mẹ lo lắm nhưng chẳng biết làm gì cho tôi khỏi ngoài nắm lá nhọ nồi. 

Nhìn mẹ khóc, những giọt nước mắt của mẹ thấm đẫm tay áo, tôi lại ước sau này lớn lên sẽ làm bác sĩ để tự chữa bệnh cho mình, chữa cho mẹ, chữa cho những đứa trẻ nghèo đói giống như tôi. Cứ nghĩ đến việc sau này trở thành bác sĩ, quả trứng vịt bằng vàng trong túi quần tôi nhặt được từ tối hôm trước mà quên mất.

Cả ngày hôm ấy cho đến đêm, tôi vẫn sốt cao và mê man. Lúc gần sáng, tôi nghe thấy những tiếng nhỏ giọt, nhỏ giọt, đều đặn và nặng trĩu không giống như giọt mưa. Nhưng tôi chỉ thực sự bị đánh thức bởi tiếng bước chân ngoài cửa sổ. Tôi mở mắt để xem ai ở đó.

Và cảnh tượng hãi hùng, điều duy nhất mà tôi nhìn thấy là màu đỏ, những giọt máu đỏ tươi nhỏ từ trên trời xuống. Tôi nhìm chăm chăm một lúc, thì có một người đàn bà xuất hiện với bộ quần áo trắng muốt, nhưng tòa cơ thể ngoại trừ đôi mắt thì tất cả đều màu đỏ như máu.

Người đàn bà ấy nhắc lại những lời “thì thầm” giống hệt như đêm hôm trước. Đó là giọng nói run rẩy của bà lão ăn mày: “Con trai! Hãy đứng dậy, đừng ngủ khi cái bụng đang đói, hãy bước ra khỏi nhà, ra chỗ ngôi mộ và tìm thứ mà con cần tìm”.

Tôi như bị thôi miên và bước ra khỏi nhà. Vừa đến chỗ ngôi mộ, tôi nhìn thấy con trâu băng vàng đang đứng nhe răng cười. Sự xuất hiện của tôi làm con trâu giật mình, nó bỏ chạy về hướng đầm nước sâu phía trước, nơi bùn ngập đến tận ngang bụng và có nhiều những cây cỏ ống tốt cao quá đầu một đứa trẻ như tôi.

Không thể đuổi kịp con trâu, tôi rút quả trứng bằng vàng trong túi ra ném với hi vọng con sâu sẽ dừng lại. Quả trứng bằng vàng rơi xuống bùn, con trâu bằng vàng cũng nhanh chóng biến mất. Và tôi quyết định quay trở lại giường của mình trong căn buồng tối.

Vừa về đến nhà, tôi nhìn thấy bà lão ăn mày đang ngồi bên cửa sổ, cố gắng gương cặp mắt xanh lè để nhìn qua bóng tối, bà lão lấy tay hứng những giọt máu và viết lên bức tường trắng một thông điệp. Viết xong, bà lão quỳ xuống thềm cửa sổ, rồi nhanh chóng biết mất. Tôi cố gắng đọc dòng tin nhắn trong bóng tối nhưng không thể. Khoảng một giờ sau đó hoặc hơn, bầu trời bên ngoài bắt đầu sáng lên, và tôi đã có thể đọc được những gì bà lão ăn mày viết lên tường.

“Mê tín sẽ là nguyên nhân gốc rễ của mọi sự bất hạnh”.

Câu chuyện xảy ra khi tôi 7 tuổi. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn sợ bóng tối, tôi cũng rất sợ tự nhiên nhìn thấy vàng, nhất là vàng lắc lư trong những đêm tối đen như đêm tháng 7 âm lịch.

Bác sĩ Lương Quốc Chính, Bệnh viện Bạch Mai

Người bệnh sẽ để tuột cơ hội cứu chữa chỉ vì những gnhi ngại nhân viên y tế

"Nếu thống kê hết trên toàn quốc thì mỗi ngày không biết bao nhiêu vụ bệnh nhân, người nhà, những kẻ "côn đồ tốt" và "côn đồ xấu" thượng cẳng chân, hạ cẳng tay để hành hung nhân viên y tế chỉ để thoả mãn mong muốn vô lý của mình.

Mình tin, rồi có một ngày, nhiều người bệnh sẽ để tuột cơ hội cứu chữa chỉ vì những nghi ngại nhân viên y tế thông qua các phương tiện truyền thông bẩn với lời biện hộ là ý kiến bạn đọc, ý kiến người nhà, ý kiến người dân phản ánh... mà hầu hết các ý kiến này hoàn toàn là bịa đặt, nói quá, chủ quan... nhằm thoả mãn những bức xúc vô lối của mình.

Luật pháp ở đâu, hội đồng chuyên môn ở đâu, tại sao lại để những cá nhân, tổ chức truyền thông, cộng đồng hùa nhau đả kích, tấn công nhân viên y tế một cách cảm tính như thế.

Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, chất lượng xã hội, chất lượng cuộc sống... sẽ nhanh chóng đi xuống. Hệ luỵ vĩ mô ai cũng có thể thấy được.

PS: Không những y tế, mà giáo dục cũng đang bị chà đạp, điển hình là vụ việc phụ huynh học sinh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi vì con họ bị phạt.

Được sự đồng ý của các bác sĩ, Gia Đình Mới đăng tải lại những chia sẻ trên Facebook cá nhân như một nhật ký mỗi ngày của những người đang hàng ngày, hàng giờ đang làm công tác cứu người.

Bởi ngày nay, Facebook cá nhân đã trở thành một phương tiện truyền thông mở để các bác sĩ, những người làm ngành y thể hiện quan điểm cũng như kết nối với người bệnh.

Mục Điểm Facebook Bác sĩ được ban biên tập mở nhân dịp 27/2 với hy vọng đem lại nhiều góc nhìn hơn về cuộc sống của bác sĩ, tâm tư, tình cảm cũng như những suy nghĩ về cuộc sống, về cả người bệnh. Mong bạn đọc đón nhận!

Diệp Ngân//giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO