Báo Điện tử Gia đình Mới

Điều chỉnh 'Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi'

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được ban hành từ năm 2010, hiện tại cần điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của trẻ em hiện nay.

Hỗ trợ xác định mục tiêu, kế hoạch, nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ

Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa tổ chức Hội thảo khoa học về “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, "Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi" được ban hành theo Thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT ngày 22/7/2010.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước thì sự phát triển của trẻ em nói chung và trẻ 5 tuổi nói riêng có những thay đổi đáng kể, vì vậy xem xét Bộ chuẩn, đặc biệt là tính xác thực của một số chỉ số để điều chỉnh phù hợp là điều cần thiết.

10 năm thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi, Vụ Giáo dục mầm non cho biết, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đều đánh giá cao vai trò của Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi trong việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung chăm sóc, giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ năm tuổi trong thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em năm tuổi vào lớp 1.

  Hội thảo điều chỉnh Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.

Hội thảo điều chỉnh Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.

Bộ chuẩn cũng là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em năm tuổi.

Cha mẹ trẻ đánh giá cao vai trò của Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi trong sự hỗ trợ chăm sóc, giáo dục con tại gia đình.

Tuy vậy, công tác tuyên truyền và phối hợp với cha mẹ và cộng đồng sử dụng Bộ chuẩn còn hạn chế. Một số bậc cha, mẹ trẻ cho rằng, Bộ chuẩn này là nhiệm vụ của giáo viên và trường mầm non.

Bên cạnh những ưu điểm, Vụ Giáo dục mầm non cũng ghi nhận những bất cập về hình thức và nội dung của Bộ chuẩn. Trong đó, có ý kiến cho rằng, số lượng 28 chuẩn và 120 chỉ số hiện tại là nhiều hoặc một số chỉ số quá dễ hoặc quá khó sau 10 năm ban hành.

Chuẩn không phải để “gán nhãn, phân loại” trẻ

Các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm đã đóng cửa về những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm triển khai thực tiễn.

Về nhận thức, đại diện UNICEF nhấn mạnh, chuẩn là mốc, đích mà trẻ có thể đạt được thông qua giáo dục. Chương trình là con đường giúp đạt đích đó nên có thể có nhiều chương trình. Chuẩn không phải để gán nhãn, phân loại trẻ mà dùng để tuyên truyền cha mẹ phối hợp với giáo viên giúp trẻ đạt được đích đến. UNICEF ủng hộ phương án điều chỉnh Bộ chuẩn và sẵn sàng đồng hành triển khai.

Kết quả nghiên cứu “Điều chỉnh Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” thực hiện năm 2015 của Trung tâm Giáo dục mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy, 120 chỉ số về cơ bản vẫn đảm bảo sự phù hợp, thậm chí dưới ngưỡng đạt được trong mức độ phát triển của trẻ em năm tuổi Việt Nam.

Hầu hết các chỉ số giáo viên mầm non đánh giá là khó so với trẻ năm tuổi thì kết quả kiểm tra trực tiếp trên trẻ cho thấy đều ở mức phù hợp với khả năng của trẻ (từ 40% trở lên trẻ thực hiện được), thậm chí có chỉ số lại là quá dễ đối với trẻ (> 90% trẻ thực hiện được); một số chỉ số còn khó đối với một số trẻ nhưng độ khó trong khoảng chấp nhận được (từ 40% trở lên trẻ thực hiện được).

Từ kết quả khảo sát thực trạng cách thực hiện Bộ chuẩn cho thấy một vấn đề đặt ra, đó là cách sử dụng Bộ chuẩn để hỗ trợ thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non chưa hoàn toàn phù hợp, như lấy 120 chỉ số trong Bộ chuẩn làm mục tiêu giáo dục và tổ chức rèn luyện từng chỉ số, coi chuẩn là để đánh giá trẻ.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, Bộ chuẩn cần định kỳ điều chỉnh hoặc xây dựng mới cho phù hợp với sự phát triển của trẻ em trên toàn lãnh thổ, đồng thời là căn cứ để điều chỉnh Chương trình Giáo dục mầm non.

Đặc biệt, cần xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em mang tính liên thông ở tất các độ tuổi và có sự kết nối với yêu cầu đầu vào của học sinh lớp 1. Cấu trúc và số lượng của các tiêu chuẩn, chỉ số cần xem xét sao cho phù hợp, phản ánh và bao hàm được sự phát triển toàn diện của trẻ.

Báo cáo khẳng định, chuẩn thực sự là căn cứ cho việc xây dựng chương trình giáo dục cũng như các tác động mà các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa... đều hướng đến để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Xây dựng kế hoạch điều chỉnh/ban hành mới Bộ chuẩn

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị, trong thời gian tới Vụ Giáo dục mầm non xây dựng Kế hoạch triển khai điều chỉnh/ban hành mới Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi dựa trên những bằng chứng khoa học gắn với kinh nghiệm triển khai thời gian qua.

Điều chỉnh 'Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi' 1

Cụ thể, thành lập nhóm chuyên gia bao gồm các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, quản lý và cơ sở Giáo dục mầm non. Tiếp đó, tham khảo kinh nghiệm một số nước, đảm bảo phản ánh đầy đủ năng lực và sự phát triển toàn diện của trẻ em năm tuổi.

Quá trình nghiên cứu, xem xét, đề xuất điều chỉnh hoặc ban hành mới Bộ chuẩn phải lưu ý, kết quả/chuẩn đầu ra cho cấp học mầm non cần phù hợp với sự phát triển kinh tế - khoa học kỹ thuật - công nghệ và mong đợi về trẻ năm tuổi Việt Nam với năng lực, phẩm chất của công dân trong tương lai.

Để việc điều chỉnh nội dung Bộ chuẩn phù hợp với mong muốn của quốc gia về những gì trẻ năm tuổi nên biết và có thể làm, cần tiến hành xác định các giá trị mong đợi của trẻ, có thể bổ sung các chỉ số về khả năng thích ứng, sự sáng tạo, tổ chức thực hiện công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề, tính tự tin và tự trọng.

Đồng thời, cần xây dựng bộ công cụ đánh giá tính xác thực về nội dung Bộ chuẩn, tiến hành đo trên trẻ thuộc các thành phần, vùng miền khác nhau để đánh giá về mức độ đạt chuẩn để điều chỉnh, bổ sung các chỉ số mới phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay.

Bên cạnh đó, cần tổ chức thử nghiệm, đánh giá tính xác thực về độ tuổi của Bộ chuẩn và tổ chức các cuộc họp, hội thảo xin ý kiến của các nhà khoa học, các địa phương và thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đặt ra.

Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế chung tay hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác... để Bộ GD&ĐT từng bước xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi nói riêng và trẻ em mầm non nói chung đáp ứng yêu cầu phát triển của trẻ em hiện nay của các nước trong khu vực và trên thế giới.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO