Tác hại của việc cho bé ăn dặm quá sớm?

Bình luận

Nhiều mẹ bỉm sữa cho rằng từ 4 tháng tuổi, thậm chí là 3 tháng trở đi có thể cho bé ăn dặm được mà không lường trước được những tác hại của việc ăn dặm sớm.

Tác hại của việc cho bé ăn dặm quá sớm? 0

Tác hại của ăn dặm sớm đã được nhiều chuyên gia nhắc tới để cảnh tỉnh cho những mẹ muốn con tiếp xúc với thực phẩm rắn khi còn quá nhỏ. 

Tác hại của ăn dặm quá sớm có thể được kể tới như:

Tăng nguy cơ béo phì

Theo nghiên cứu thực hiện năm 2011,được đăng tải trên Tạp chí Nhi Khoa- tạp chí của Viện Nhi khoa Mỹ, những em bé ăn dặm trước 4 tuổi có nguy cơ bị béo phì khi lên 3 cao gấp 6 lần so với những trẻ em khác.

Tăng nguy cơ bị tiểu đường, dị ứng thức ăn

Nghiên cứu - được tiến hành bởi Cơ quan kiểm dịch bệnh Hoa Kỳ và đăng trên Tạp chí Viện dinh dưỡng và ăn kiêng - chỉ ra rằng những em bé được tiếp xúc với thực phẩm rắn sớm trước thời gian khuyến nghị là 6 tháng thường có nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc bệnh Celiac (bệnh dị ứng với gluten).

Tổn thương thận và gây rối loạn tiêu hóa

Ăn dặm sớm có thể khiến bé bị tổn thương thận hoặc gây rối loạn tiêu hóa. Dưới 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện, không tiết ra đủ chất nhầy, dịch tiêu hóa, thiếu các enzyme như amylase (phân cắt tinh bột), protease (đạm) và lipase (chất béo), không đủ sức phân cắt hết protein, lipid thành các mảnh nhỏ để cơ thể sử dụng. Lúc này, thận sẽ làm việc quá sức nếu bé ăn những thực phẩm giàu protein, lipid và gây cặn lắng ở thận cũng như gây rối loạn tiêu hóa, dẫn tới tiêu chảy hoặc đi ngoài phân sống.

Nguy cơ nghẹt đường thở

Vì bé chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa cơ hàm, lưỡi, hầu, họng; phản xạ nuốt cũng chưa được tốt nên khi cho bé ăn thức ăn đặc, cứng có thể khiến bé bị nghẹn, rất nguy hiểm.

Bạn đang xem bài viết Tác hại của việc cho bé ăn dặm quá sớm? tại chuyên mục Ăn dặm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Hiền Thảo