Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn nhiều quả hồng?

Bình luận

Quả hồng ngâm, một loại quả ngon, bổ dưỡng, thường xuất hiện nhiều trong dịp Trung Thu. Nhưng nếu ăn quá nhiều quả hồng ngâm có thể phải nhập viện cấp cứu.

  Quả hồng ngâm có vị ngọt, chát, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt khứ táo, nhưng nếu ăn nhiều có thể tạo thành bã thức ăn gây tắc ruột

Quả hồng ngâm có vị ngọt, chát, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt khứ táo, nhưng nếu ăn nhiều có thể tạo thành bã thức ăn gây tắc ruột

Theo Đông y, quả hồng có vị ngọt, chát, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt khứ táo, nhuận phế tiêu đờm, nhuyễn kiên, chỉ khát sinh tân, kiện tì, trị lị, chỉ huyết… giúp giảm táo bón, đau nhức do các chứng bệnh như là xuất huyết, ho khan, đau họng, huyết áp cao.

Quả hồng là loại quả đặc trưng trong dịp Trung Thu, với vị thơm ngọt, giòn giòn dễ cuốn hút người ăn.Chính vì vậy mà không ít trường hợp đã phải nhập viện với triệu chứng đau bụng, bí trung đại tiện, buồn nôn do tắc ruột mà nguyên nhân là do ăn quá nhiều quả hồng.

Trước đó đã từng có một bé gái 14 tuổi bị tắc ruột sau ăn khoảng 1kg hồng ngâm. Sau khi ăn 1kg hồng ngâm, bé gái xuất hiện đau bụng, kèm theo nôn được gia đình đưa vào viện khám và phát hiện bé bị tắc ruột do khối bã thức ăn.

Hay như trường hợp một phụ nữ 41 tuổi, ở TP.HCM cũng bị khó chịu, đau bụng quặn từng cơn, chướng bụng… sau khi ăn liên tục 10 quả hồng ngâm.

Thấy bụng khó chịu, người phụ nữ ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc về uống nhưng không thấy thuyên giảm. Triệu chứng ngày càng nặng nên người nhà đã đưa vào Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM thăm khám.

Kết quả các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị tắc ruột nghi do bã thức ăn và phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu gắp khối bã thức ăn ra khỏi đường ruột.

  Quả hồng ngâm chứa nhiều chất xơ, chất chát (tanin) nên có thể gây tắc ruột nếu ăn nhiều

Quả hồng ngâm chứa nhiều chất xơ, chất chát (tanin) nên có thể gây tắc ruột nếu ăn nhiều

TS.BS Nguyễn Hữu Thịnh, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, các khối bã thức ăn thường hình thành trong ruột gây tắc ruột do ăn nhiều thực phẩm có chất tanin như hồng ngâm, ổi hay chất bã xơ như măng.

Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ acid dạ dày cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa như hồng ngâm dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.

Các chuyên gia y tế cũng lý giải, quả hồng ngâm có nhiều chất xơ, chất chát, nếu ăn nhiều sẽ vón lại và tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, có thể dẫn đến tắc ruột, nhất là với những người răng yếu, hệ tiêu hóa không tốt như người già, trẻ nhỏ thì tình trạng tắc ruột rất dễ xảy ra nếu ăn quá nhiều hồng.

Chính vì vậy, dù quả hồng thơm giòn, ngon ngọt đến đâu cũng không nên ăn quá nhiều để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Đặc biệt, không ăn hồng lúc bụng đói vì chất tanin trong trái hồng dưới tác động của acid dạ dày dễ kết tủa tạo thành khối bã thức ăn trong ruột. Nên hạn chế tối đa cho người già và trẻ nhỏ ăn trái hồng ngâm để tránh bị nghẹn và tắc ruột.

Bạn đang xem bài viết Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn nhiều quả hồng? tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình