Thảo dược vườn nhà giúp thải độc gan hiệu quả

Bình luận

Khi cơ thể thường xuyên tiếp xúc và dung nạp các chất độc hại từ thực phẩm sẽ làm các tế bào gan sẽ bị suy yếu, gây ra bệnh về gan. Thường xuyên dùng các loại thảo dược sau sẽ giúp thải độc gan hiệu quả.

  Các loại thảo dược vườn nhà như cỏ mần trầu, nhân trần, gừng... giúp thải độc gan hiệu quả. Ảnh minh họa

Các loại thảo dược vườn nhà như cỏ mần trầu, nhân trần, gừng... giúp thải độc gan hiệu quả. Ảnh minh họa

Cỏ mần trầu

Cỏ mần trầu tên khác là ngưu cân thảo, thanh tâm thảo, cỏ chỉ tía… tên khoa học là Eleusine Indica. Theo y học cổ truyền, cỏ mần trầu có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, không độc, có tác dụng bổ huyết, thanh nhiệt, mát gan, lợi tiểu, giải độc, tiêu viêm, chữa rụng tóc, trị mụn nhọt, rôm sảy…

Thường được dùng cho các trường hợp hư tổn, chướng bụng, tiểu tiện không thông, phong thấp, sốt rét, sốt, gan nóng, huyết áp cao.

Vì là vị thuốc mát, có tác dụng ra mồ hôi, làm mát gan nên cỏ mần trầu thường được đun nước uống như trà dùng để trị mụn nhọt, rôm sảy, thanh nhiệt mùa hè, thoát mồ hôi làm sạch da, trị trứng cá. Trường hợp bị mẩn ngứa, nổi mụn nên giã cỏ tươi, vắt nước cốt để uống.

Nhân trần nam

Nhân trần nam còn gọi là Bồ bồ. Đây là cây thuốc dễ tìm thấy quanh vườn. Bồ bồ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan. Cây có vị hơi đắng, khi pha nước uống thì có mùi thơm dễ chịu.

Theo y học cổ truyền, nhân trần nam có tác dụng thải độc qua đường tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng vàng da do bị bệnh gan, ngoài ra nó còn tác dụng thúc đẩy quá trình tuần hoàn và chống viêm.

Trà nhân trần là một thức uống phổ biến của người Việt, nhất là vào mùa hè. Trà rất thích hợp cho người bệnh về gan mật, kèm theo da vàng, tiểu ít, và tiêu hóa kém. Ngày dùng từ 10 - 20g mỗi ngày, có thể kết hợp với một số vị thuốc khác sắc hoặc hãm uống mỗi ngày.

  Uống trà gừng vào buổi sáng giúp tăng cường sức khỏe, thải độc cho gan

Uống trà gừng vào buổi sáng giúp tăng cường sức khỏe, thải độc cho gan

Gừng

Gừng là loại gia vị tự nhiên chứa các hoạt chất chống viêm và giải độc. Do đó, gừng là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhất hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ.

Bên cạnh đó, các chất gingerol tạo vị cay nồng trong gừng sẽ có tác dụng như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, ngăn chặn sự tích tụ chất béo lipidtrong gan. Đồng thời còn giúp chống lại các nguyên nhân gây ra bệnh mất cân bằng oxy hóa.

Những người không bị tăng huyết áp thường xuyên uống trà gừng vào buổi sáng sẽ có tác dụng tăng cường sức khỏe, thải độc cho gan và ngăn ngừa gan nhiễm mỡ.

Mộc nhĩ

Mộc nhĩ đen còn gọi là vân nhĩ, thụ kê, nhĩ tử, mộc nga, mộc nhu, mộc ngài, mộc khuẩn... tên khoa học là Auricularia polytricha Sacc., thuộc họ Mộc nhĩ Auriculariaceae.

Mộc nhĩ đen rất giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là có chứa một hàm lượng sắt rất cao, vượt xa các loại thực phẩm vốn chứa nhiều chất sắt khác như gan lợn, rau cần, hạt vừng...

Trong 100g mộc nhĩ gồm có 10,6g protit; 0,2g lipit; 65,5g glucit; 201mg canxi; 185mg photpho; 185mg sắt; 0,03mg caroten; 0,15mg vitamin B1; 0,55mg vitamin B2; 2,7mg vitamin B3.

Theo y học cổ truyền, mộc nhĩ đen vị ngọt, tính bình, có công dụng lương huyết, chỉ huyết (làm mát và cầm máu), ích khí dưỡng huyết, nhuận phế ích vị, nhuận táo lợi tràng.

Người ta thường dùng để chữa các chứng bệnh như xuất huyết (đại tiện ra máu do trĩ, kiết lỵ, đái ra máu, xuất huyết đáy mắt, rong kinh, băng lậu, ho ra máu…), táo bón, viêm dạ dày mạn tính thể vị âm bất túc, ho do phế táo, thiếu máu…

Ngoài ra, mộc nhĩ đen còn có tác dụng thải độc gan và kết dính những chất độc hại trong cơ thể để thải ra ngoài theo đường tiêu hóa hoặc đường tiết niệu.

Mặc dù có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng do mộc nhĩ tính hàn nên những người đang bị tiêu lỏng không nên ăn nhiều, hoặc để tránh đầy bụng, có thể dùng mộc nhĩ kèm một vài lát gừng tươi.

Bạn đang xem bài viết Thảo dược vườn nhà giúp thải độc gan hiệu quả tại chuyên mục Món ăn bài thuốc của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình