19420418_842369659253270_

 

Nhiều người dễ bị kích động quá mức cần thiết, tung lên Facebook bất kì điều gì không hài lòng với giáo viên hoặc trường học của con.

Chị Nguyễn Thu Hằng, Bác sĩ chuyên khoa nhi, Bác sĩ tâm lý lâm sàng trẻ em, hiện đang theo học tại Pháp về tâm lý học phát triển và tâm lý học thực hành là một hot Facebooker trên mạng xã hội. 

Với nickname Mẹ Luti, chị có thời gian là một người hoạt động tích cực trên diễn đàn Làm Cha Mẹ, thường xuyên có những bài viết có giá trị tham khảo cao đối với các gia đình trong cách chăm sóc, dạy dỗ con cái. 

Gia Đình Mới xin đăng tải một bài viết của chị về vấn đề giữa gia đình và nhà trường, đây là một trong những mối quan hệ phức tạp trong thời hiện đại.  

Bố mẹ quan hệ với trường học tốt hơn thì con sẽ hạnh phúc hơn 

Tại Pháp, có rất nhiều đề tài nghiên cứu về tác động của mối quan hệ giữa cha mẹ (gia đình) với giáo viên (nhà trường) lên kết quả học tập và đời sống ở trường của trẻ con.

Quan hệ của cha mẹ, gia đình với giáo viên (trường học) mà mang tính tích cực thì kết quả học tập của đứa trẻ cũng tốt hơn, và trẻ sống ở trường học hạnh phúc hơn.

IMG_4188

Ngoài một số sự việc quá nghiêm trọng ví dụ: giáo viên đánh / sỉ nhục trẻ con/ nhà trường bao che cho các lỗi sai nghiêm trọng của giáo viên / trẻ con có thể gặp nguy hiểm ở trường vì lý do môi trường hoặc thực phẩm hoặc bảo vệ... thì những vấn đề còn lại, đều nên giải quyết một cách từ tốn.

Đáng chú ý, với sự phổ biến của mạng xã hội, nhiều người dễ bị kích động quá mức cần thiết, tung lên Facebook bất kì điều gì không hài lòng với giáo viên hoặc trường học của con.

Tuy nhiên, điều đó nhiều khi có thể làm ảnh hưởng xấu tới chính con bạn. 

Vậy thì nên ứng xử thế nào khi có vấn đề?

1) Nói chuyện với con, bạn bè của con và các cha mẹ khác mà bạn tin cậy để tìm hiểu rõ nguyên nhân.

2) Làm cho con yên tâm là vấn đề sẽ được cha mẹ quan tâm giải quyết, không ai có thể làm tổn hại đến con.

3) Bạn nên biết rằng có chút vấn đề trong quan hệ với giáo viên và nhà trường là chuyện thường gặp, không nên bi kịch hoá, tiêu cực hoá chuyện này một cách thái quá.

IMG_3803

Trước khi đưa ra hành động, cần suy xét kĩ xem hành động đó sẽ có thể ảnh hưởng đến con mình như thế nào?

4) Nếu chuyện không quá nghiêm trọng, thì nên xin cuộc hẹn với giáo viên đó để hỏi han, bàn bạc .

5) Vấn đề nghiêm trọng thì nên giải quyết sớm nhất có thể được, khi chưa giải quyết xong, thì cho con tạm thời nghỉ học vài hôm nếu cần, miễn sao là bảo vệ được con.

Chuyện nghiêm trọng cần được giải quyết trong khuôn khổ: cha mẹ + nhà trường + ban phụ huynh + chính quyền nếu cần thiết

6) Không bao giờ đưa lên mạng ồn ào nếu không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, hoặc có thể nghiêm trọng nhưng chưa khi chắc chắn lắm.

7) Không bao giờ chỉ đứng về một phía khi có vấn đề, nên tìm hiểu kĩ càng trước khi quyết định cách giải quyết, đừng làm bé xé ra to...

8) Tìm đồng minh, tìm người chia sẻ trong khoảng cách hẹp trước, nghĩa là bạn bè thân thiết, người thân...mà bạn tin cậy - không nên nói ra quá rộng.

9- Nếu con đã lớn khoảng từ cấp 1 trở lên, thì hướng giải quyết thế nào cũng nên bàn bạc với con.

IMG_2425

Để mối quan hệ phụ huynh nhà trường thật sự tốt đẹp

Để tránh các vấn đề xảy ra với con ở trường học, mình chia sẻ với các bạn chút kinh nghiệm :

1) Khi con đi học, cần tìm hiểu kĩ về hệ thống giáo dục, cách vận hành ở trường của con, ban lãnh đạo, giáo viên nói chung và giáo viên của con nói riêng. Những hiểu biết này sẽ giúp ích cho cha mẹ rất nhiều.

2) Lúc con còn nhỏ, thì luôn duy trì giao tiếp với giáo viên hàng ngày nếu có thể.

Ví dụ nên cố gắng sắp xếp thời gian để ít nhất có một người thân trong gia đình đưa đón con đi học chứ đừng phụ thuộc trăm phần trăm vào xe ôm, người giúp việc...

Đến chào thầy cô giáo một câu, mỉm cười với họ, cám ơn họ, rồi hỏi thăm chút về con mình là điều không quá tốn thời gian, nhưng có lợi cho cả mấy phía...

3) Con lớn tự đi học, tự lo được đời sống ở trường rồi thì cha mẹ cần tham gia đầy đủ các cuộc họp phụ huynh, các hoạt động mà cha mẹ được phép tham gia cùng con ở trường học...

IMG_1225

 

4) Giúp đỡ, nhắc nhở con hoàn thành nhiệm vụ ở trường để thầy cô khỏi phải phiền lòng vì mình.

5) Theo sát con, trò chuyện với con hàng ngày, nếu thấy chút vấn đề thì nên tìm cách giải quyết ngay đừng để kéo dài hoặc lặp đi lặp lại...

6) Hãy dạy con mình nhiều nhất có thể được, tránh việc đổ hết / hoặc gần hết / hoặc rất nhiều trách nhiệm lên vai giáo viên / nhà trường / hệ thống giáo dục...

7) Giúp đỡ con có nhiều bạn bè thương quý, trợ giúp lẫn nhau ở trường học. Khi có nhiều bạn bè, đứa trẻ sẽ trở nên vững vàng hơn rất nhiều đấy.

8 ) Luôn tôn trọng giáo viên, tôn trọng trường học, đề cao những điểm tích cực trong giáo dục, nếu muốn nói về những điểm tiêu cực, yếu kém của ngành giáo dục với con, thì cũng hãy chọn ngôn ngữ tích cực nhất có thể được.

9) Học cách / duy trì viết thư trao đổi với thầy cô giáo của con một cách từ tốn, nhã nhặn, khiêm nhường. Lúc con còn nhỏ, nên nói với thầy cô giáo một số yếu điểm của con, những gì con cần được chú ý hơn chút, và xin lời khuyên của họ nếu có thể...

10) Luôn nhớ rằng giáo viên là một nghề cực kì khó, và họ cũng có rất nhiều tâm tư, và đa số, đều muốn làm tốt công việc của mình...

20615551_869247146565521_1447078508195742113_o

 

Chia sẻ cách dạy con cùng với nhà trường 

Đối với con mình, mình luôn nghĩ là cha mẹ là người chịu trách nhiệm số 1 trong việc dạy con. Mà mình cũng thích chuyện dạy con nữa nên mình luôn làm rất nhiều thứ để đỡ đi gánh nặng cho thầy cô giáo.

Dạy con nền nếp, kỉ luật, chăm chỉ học hành, tự tìm tòi trước khi hỏi người khác , dạy thêm con về phương pháp học tập, tổ chức chuyện học, tổ chức sắp xếp bài vở, đọc sách, ghi chép... là những việc cha mẹ đều có thể làm. 

Vì mình luôn nghĩ, giáo viên họ phải phụ trách đến mấy chục đứa trẻ, đủ mọi trình độ, thành phần... thì nếu mình làm tốt việc dạy con mình, sẽ bớt được gáng nặng cho giáo viên, để họ có thì giờ dạy những em bé kém hơn, hoặc con của các cha mẹ không có điều kiện dạy dỗ con như mình... Như vậy, lớp học của con sẽ tốt hơn nhiều.

Mình luôn trân trọng thầy cô giáo và rất đề cao trường học. Luti nhà mình chỉ học mẫu giáo ở Việt Nam. Hồi đó, mình luôn đưa con đến trường và đón con về.

Khi đón con thường đến sớm hơn chút để gặp cô giáo, trò chuyện với cô về tình hình lớp học nói chung và tình hình của con, nói trước với cô về những điểm yếu của con mình (khó ăn, nhút nhát...) mong cô giáo cảm thông / chia sẻ với lối giáo dục mà mình muốn cho con mình... 

Nhân lúc đón con và ngồi lại lớp học, chơi với con trong sân chơi ở trường... mình còn quan sát luôn các bạn trong lớp, quan sát các cha mẹ khác để biết hướng cho con chơi với bạn nào, chơi thế nào cho phù hợp...

Ngày lễ, ngày tết... mình đều biếu cô quà nhưng biếu cũng rất trân trọng, tế nhị, mình không bao giờ đưa cô một cái phong bì thùi lụi, cũng không để con biết là mình có biếu cô tiền, con chỉ biết là có hoa, có quà , có cái bưu thiếp con tự vẽ vời đó thôi....

Mình rất muốn con mình được đối xử / dạy dỗ bình đẳng như bao bạn khác, muốn tránh sự khó xử cho cô giáo và muốn dạy con tính khiêm nhường, sống độc lập không dựa dẫm.... nên con học hết hai năm, mà cô giáo cũng không biết được con mình là cháu ai? gia đình nào?

Mình cũng luôn dạy con, là con được quyền trả lời / hỏi / trình bày ý kiến không đồng tình... của con với thầy cô giáo, nhưng không bao giờ được nói những lời nặng nề, tổn thương thầy cô, những lời nói khiêu khích, kiêu ngạo...

Và mình luôn dặn con, nếu con cảm thấy không tự giải quyết được, thì ba mẹ luôn ở đây, giúp đỡ con, giải quyết cùng con... 

Có những lần cũng có vài thắc mắc nhỏ trong ứng xử hoặc cách dạy, cách đánh giá của thầy cô với con mình, nhưng mình đều viết thư cho họ, rất nhã nhặn, từ tốn, trong đó mình luôn nhấn mạnh là mình muốn biết lý do để giúp con mình thôi, chứ không phải để lên án họ...

Và cuối cùng, mình luôn là cha mẹ tích cực trong các hoạt động ở trường của con trong khả năng của mình. Hồi con nhỏ, luôn rửa chai lọ nhựa, vỏ hộp, đồ dùng cũ sạch sẽ, giấy in một mặt, sách truyện... mang đến cho cô để cô làm đồ chơi, đồ vẽ cho các cháu.

Sau này qua đây, thỉnh thoảng lại có vụ nhà trường tổ chức mang trẻ con đi dã ngoại, mình đều tham gia khi có thể.

Mục tiêu là làm thế nào để con yêu quý trường học, bạn bè, thầy cô... và để con luôn biết là cha mẹ rất quan tâm đến những gì diễn ra ở trường của con, luôn ở bên cạnh con, giúp con giải quyết vấn đề khi cần ...

Làm được như vậy, đã phòng ngừa được rất nhiều vấn đề ở trường học cho con rồi đó các bạn ạ!

Nguyễn Thu Hằng

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO