Báo Điện tử Gia đình Mới

Đừng lo khi con bạn bướng bỉnh, hiếu chiến, vô tổ chức... đó chỉ là phản ứng phù hợp với lứa tuổi!

Những đứa bé khóc lóc, cãi lại, hoặc tảng lờ người lớn… thường bị quy cho tội bướng bỉnh, khó bảo. Nhưng cũng có thể chỉ vì con còn quá nhỏ. Hãy xem xét những thông tin thực tế về tâm lý học lứa tuổi sau đây để lý giải mối băn khoăn này.

be khoc

‘Trẻ con lứa tuổi mầm non không hành xử kiểu xấu tính, chúng chỉ cố gắng để nhu cầu của chúng được thỏa mãn, dù cho đó là nhu cầu được quan tâm hay được đi ngủ muộn’ - Alyson Schafer, chuyên gia tâm lý người Mỹ nói.

Ông cũng thêm rằng: Chúng ta cần kiềm chế chúng bắt đầu bằng việc giữ mong đợi của cha mẹ ở mức hợp lý.

Sau đây là những biểu hiện được cho là ‘cứng đầu’ của trẻ và điều mà bạn nên thấu hiểu đằng sau những hành động đó.

Không lắng nghe

Khi bạn yêu cầu con đặt iPad xuống và đi tắm, có vẻ như con giả vờ không hề nghe thấy.

Là cha mẹ, chúng ta thường cho rằng trẻ cố tình tảng lờ, coi thường lời nói của cha mẹ.

Tuy nhiên, thông thường con chỉ quá sao nhãng hoặc có nhiều thứ thú vị hơn gây mất tập trung.

Điều mà cha mẹ cần làm là giúp con hiểu được ý nghĩa của sự lắng nghe. Đầu tiên, hãy thể hiện rằng bạn hiểu con.

Ví dụ: ‘Mẹ thấy con đang xây dở cái tháp lego. Thật không dễ để ngừng chơi. Nhưng chúng ta phải đi tắm trước khi đi ngủ cưng ạ’.

Sau đó, hãy cho trẻ quyền lựa chọn. Như thể là: ‘Con thích nhảy như chú thỏ hay trườn như chú rắn trên đường ra nhà tắm?’

Nếu đến lúc này con tiếp tục tảng lờ thì rõ ràng bạn cần quan tâm đến con nhiều hơn. Hãy tìm nhiều cách hơn để trò chuyện với con, trong cả ngày, dù đó là lúc con đang chọn quần áo hoặc chọn giữa 2 trò chơi khác nhau.

Vô tổ chức

Tôi đã từ bỏ ý định đưa 2 con trai song sinh 4 tuổi đi đến siêu thị. Bởi vì tôi đã có ‘kinh nghiệm thất bại’ khi chứng kiến bọn trẻ rượt đuổi nhau ở lối đi, kéo các loại hàng hóa ra khỏi kệ. Sau đó một nhóc tì còn tè ra sàn ngay ở chỗ xếp hàng tính tiền.

Thực tế là bọn trẻ luôn luôn dư thừa năng lượng để nghịch ngợm nhưng lại thiếu khả năng để kiểm soát cơ thể chúng.

Trẻ càng mệt mỏi, căng thẳng thì chúng càng khó để kiềm chế các hành động ‘vô tổ chức’.

Trong khi thói quen xếp hàng của bé còn đang dần dần hình thành, hãy cho con khoảng không tự do để chạy nhảy, dù rằng đó là ngoài trời hay trong nhà – trong phòng dành riêng cho bé.

Hãy cho con nhiều cơ hội để hoạt động thể chất.

Nếu hành vi của con là không phù hợp với môi trường xung quanh (như trường hợp trong siêu thị), hãy tìm cách ‘tạo công ăn việc làm’ cho con.

Cho con lấy những quả táo trong quầy hàng hoặc xếp những món đồ đã mua lên kệ tính tiền.

Nếu cách này vẫn không hiệu quả và bạn không thể làm cho con ổn định, bạn có hai lựa chọn: Đặt con vào xe chở hàng hoặc rời khỏi cửa hàng.

Trẻ dưới 6 tuổi cần nhiều trợ giúp từ bố mẹ hơn là các nguyên tắc

Trẻ dưới 6 tuổi cần nhiều trợ giúp từ bố mẹ hơn là các nguyên tắc

Quá hiếu động

Thật thú vị khi cả nhà cùng ra ngoài ăn tối, nhưng bạn cũng cần xác định rằng đưa con nhỏ ra ngoài ăn hàng có nghĩa là bạn khó lòng có được bữa tối thư giãn.

Con trẻ thường có sự chú ý rất ngắn hạn, vì vậy một khi đã vượt qua quãng thời gian đó, chúng không thể ngồi im hoặc chờ đợi một cách kiên nhẫn.

Tuy nhiên, bạn vẫn có một vài cách để thử trong trường hợp này.

Hãy mang theo vài cuốn sách tô màu hoặc đồ chơi nhỏ để khiến con bận rộn. Hãy để con ăn trước, không nhiều so với bố mẹ - sau đó con có thể vừa chơi, vừa đợi bố mẹ ăn xong.

Hãy yêu cầu đưa hóa đơn ngay khi thức ăn được phục vụ, như vậy bạn có thể rời đi nhanh chóng ngay khi bé bắt đầu mất tập trung và khó chịu vì phải ngồi im.

Nếu bạn đi cùng gia đình hoặc bạn bè và chưa thể rời đi ngay được, đưa cho bé mượn smartphone hoặc máy tỉnh bảng trong chốc lát khi bé đã ăn xong cũng là cách để tạm ‘câu giờ’.

Hay cãi lại

Khi trẻ bắt đầu đi học mầm non, con có thể bắt chước một số thói quen không phù hợp từ bạn bè.

Sẽ có một ngày, bé đang chơi, mẹ đến bảo con bỏ đồ chơi xuống để đi ăn tối, con chống tay vào hông và nói: ‘Mẹ là đồ ngốc’.

Thật ư?

Đừng quá lo lắng, đó chỉ là vì bé đơn thuần bắt chước theo điều mà con nghe được từ đứa trẻ khác.

Đây là lúc bạn cần nhắc con: ‘Chúng ta không nói về người khác như thế trong gia đình, vì như thế mọi người sẽ buồn đấy con ạ’.

Bạn cũng nên giúp con định hình, bầy tỏ cảm xúc của mình, bằng cách như: ‘Con không vui vì đang chơi mẹ lại nhắc đi ăn cơm đúng không?’

Vào lúc sau đó, khi con đã bình tĩnh lại, hãy trò chuyện với con và gợi ý cho con những cách lễ phép hơn để nói cho mọi người biết rằng con không vui. (Ví dụ: Mẹ ơi, con thích chơi tiếp. Con chưa muốn ăn cơm. Cho con chơi thêm một tí nữa nhé?)

Hãy giúp trẻ hiểu rằng mẹ sẽ luôn luôn ở bên khi con cần sự giúp đỡ, ngay cả khi bé đang giận dỗi

Hãy giúp trẻ hiểu rằng mẹ sẽ luôn luôn ở bên khi con cần sự giúp đỡ, ngay cả khi bé đang giận dỗi

Giận dỗi

Trẻ ở độ tuổi trước khi vào tiểu học thường có những lúc hay khóc lóc, hờn dỗi, ăn vạ một cách vô cớ.

Sự thực là ở tuổi này các con không thể tự xoa dịu cảm giác thất vọng như hầu hết người lớn có thể làm và không phải lúc nào cũng có đủ từ ngữ để diễn tả cảm xúc.

Thông thường, điều này dẫn đến vòng luẩn quẩn: Trẻ giận dỗi, cha mẹ tức giận la mắng, và sau đó trẻ càng trở nên buồn bã hơn.

Giải pháp dành cho bạn là cố gắng bớt phản ứng trước các màn giận dỗi của bé và hỗ trợ bé nhiều hơn.

Hãy tạo không gian cho con bầy tỏ cảm xúc, dù cho đó chỉ là đưa bé từ phòng này sang phòng khác. Cứ để con được khóc, khóc lóc giúp con giải tỏa những hormone gây stress.

Trong lúc con ‘ăn vạ’, cha mẹ đừng đáp ứng các yêu cầu của con. Con sẽ học được rằng ‘cư xử phù hợp’ là cách dễ dàng để con có được điều con mong muốn.

Hãy thấu hiểu, nhẹ nhàng và luôn luôn giúp con nhận ra rằng mẹ sẽ ở bên cạnh ngay khi con sẵn sàng cho một cái ôm.

‘Hiếu chiến’

Nhìn thấy một đứa trẻ giận dữ, ném đồ hoặc đánh bố mẹ… rõ ràng không phải là điều dễ chịu.

Nhưng bạn không nên quá lo lắng. Hầu hết các trẻ sẽ học được rằng không được tỏ ra ‘hiếu chiến’ vào thời điểm chúng bắt đầu đi học ở trường mầm non.

Đồng thời, bạn cũng cần thể hiện cử chỉ nhẹ nhàng với thú cưng, búp bê… để trẻ hiểu được rằng mọi người cũng cần được đối xử như vậy.

Nếu như con đánh ai đó, hãy đưa con ra xa khỏi ‘nạn nhân’, và nói: ‘Chúng ta không đánh bạn, như thế bạn sẽ đau lắm’.

Dùng ngôn ngữ để biểu đạt hộ cảm xúc cho con: ‘Mẹ biết là con giận vì Jackson không đưa ô tô cho con, nhưng đánh bạn không phải là cách để có được đồ chơi’.

Đừng làm con xấu hổ, bạn chỉ cần giúp con hiểu rằng con là một đứa trẻ ngoan, tốt bụng và đang cần hướng dẫn thêm một chút mà thôi.

Bạn cũng có thể thể gợi ý một vài cách có thể chấp nhận được để con bầy tỏ sự thất vọng.

Ví dụ, nếu con không vui khi phải chia sẻ đồ chơi trong sân chơi, con có thể nói: ‘Tớ không thích chơi với cậu’ và bỏ đi.

Và, tất nhiên, con luôn luôn có thể tìm đến cha mẹ, nếu cần sự giúp đỡ.

Đó là phản ứng phù hợp với lứa tuổi – điều này còn diễn ra trong nhiều năm tiếp theo, vì vậy bạn hãy quen với chúng.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO