“Chúng tôi đang có hướng đề xuất Trung tâm Cấp cứu 115 gắn liền với bệnh viện, luân chuyển bác sĩ của bệnh viện đi theo xe cấp cứu, coi đó là nghĩa vụ phục vụ cộng đồng”, BS Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 mong muốn.

“Chúng tôi đang có hướng đề xuất Trung tâm Cấp cứu 115 gắn liền với bệnh viện, luân chuyển bác sĩ của bệnh viện đi theo xe cấp cứu, coi đó là nghĩa vụ phục vụ cộng đồng”, ThS.BS Nguyễn Thành, Giám đốc Trung Tâm Cấp cứu 115 mong muốn.

Cuối năm, cường độ lao động tăng lên, dẫn tới việc người dân bị kiệt sức và nhu cầu cần tới dịch vụ cấp cứu tăng theo. Vì thế, lịch trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 vào dịp Tết này như thế nào, thưa bác sĩ?

- Trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 80 – 90 xe cấp cứu, có những ngày cao điểm lên tới 120 ca. Nhất là vào dịp Tết, số ca cấp cứu chấn thương tăng vọt.

Tần suất tour trực của nhân viên y tế làm việc tại đây những ngày này khá căng. Với vai trò là người lãnh đạo trung tâm, tôi lo ngại về vấn đề này. Theo Bộ Luật Lao động, thời gian làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần. Nếu nhân viên y tế làm quá sức thì sẽ dẫn tới mệt mỏi và sai sót rất có thể xảy ra. Song với tình hình nhân lực và cơ sở vật chất hiện tại của Trung tâm 115 Hà Nội, nếu chúng tôi không tăng tour trực thì không biết làm thế nào!

Tần suất tour trực tăng lên như thế nào, thưa anh?

- Hiện nay, chúng tôi đang làm tour 8 và 16, nhân viên trực 1 đêm sẽ được nghỉ 1 ngày. Để linh hoạt cho nhân viên thì chúng tôi tổ chức làm nguyên 1 ngày và nghỉ 2 ngày để lấy sức. Nhưng thực tế, trong 2 ngày nghỉ đó, nhiều người bị tăng tour.

Nhân viên y tế tăng tour trực đồng nghĩa với số lượng chuyến cấp cứu gia tăng. Các con số thay đổi theo chiều hướng gia tăng đó có ý nghĩa như thế nào với Trung tâm?

- Năm 2016, chúng tôi thực hiện 34.000 chuyến xe cấp cứu. Con số này tăng lên 38.000 chuyến vào năm 2017 và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018. Mức độ nghiêm trọng của các ca cấp cứu cũng tăng lên. Điều đáng nói, số lượng chuyến tăng lên nhưng toàn bộ lực lượng từ phương tiện đến con người của Trung Tâm vẫn giữ nguyên.

Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, quy mô dân số Hà Nội đã tăng chóng mặt với con số tính hàng triệu người, song Trung tâm 115 Hà Nội chỉ chỉ có 20 xe cấp cứu làm nhiệm vụ. Có thể đưa ra một ví dụ so sánh hơi khập kiễng nhưng dễ hình dung là: hiện ở Hà Nội có khoảng 17 – 18 nghìn đầu xe taxi đang hoạt động nhưng vào những ngày mưa gió hay dịp Tết, gọi taxi còn khó, vậy thì đối với đầu xe cấp cứu ít ỏi trên thì ngày thường đã quá tải, nói gì tới ngày lễ, Tết.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 100.000 dân thì cần ít nhất 1 xe cấp cứu. Số lượng xe cấp cứu tại Trung tâm hiện nay là bao nhiêu và đáp ứng như thế nào so với dân số của thành phố Hà Nội?

- Năm 2010, chúng tôi có 20 xe cấp cứu, phục vụ chưa đến 7 triệu dân toàn thành phố. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê mới nhất, dân số trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017 là 7.654,8 nghìn người, chưa kể đến lực lượng lao động tỉnh ngoài vào Hà Nội làm việc cũng như khách thăm quan du lịch, tuy nhiên chúng tôi vẫn chỉ có 20 xe cấp cứu. Như vậy, Trung tâm cấp cứu 115 mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu cấp cứu của người dân Hà Nội.

Số xe đó được phân bố như thế nào, thưa bác sĩ?

- Khối lượng công việc đồ sộ như vậy nhưng hiện nay Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội mới chỉ có 5 trạm cấp cứu ngoại viện. 20 xe cấp cứu được chia cho 5 trạm. Ngoài trạm Trung tâm tại số 11 Phan Chu Trinh còn 4 trạm khu vực đặt tại Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Hà Đông. Suốt từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chưa mở rộng thêm được trạm cấp cứu nào cho dù sức ép dân số tăng lên từng năm.

Số lượng xe không đáp ứng theo tiêu chuẩn, các trạm cấp cứu bố trí thưa thớt. Những khó khăn khác mà Trung tâm Cấp cứu 115 gặp phải là gì?

- Thông tin liên lạc và hạ tầng phục vụ thông tin liên lạc để trao đổi thông tin về tình trạng bệnh nhân giữa trung tâm điều phối với các xe cấp cứu chưa đáp ứng được yêu cầu. Các thiết bị thông tin hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, trước đây có radio được Nhật Bản tài trợ năm 1999 nhưng giờ đã cũ và hỏng.

Hiện nay, Trung tâm duy trì được hệ thống radio hai chiều vì không xây dựng hay thuê được trạm phát sóng đủ tiêu chuẩn để kết nối được các xe hay các trạm do thiếu nguồn kinh phí thuê các cột trạm phát sóng.

Để phục vụ liên lạc, chúng tôi đang sử dụng điện thoại di động hoặc điện thoại bàn, điện thoại di động là phương tiện cá nhân nên đôi khi còn gặp vướng mắc trong giải quyết việc công.

Anh có thể chia sẻ một vài khó khăn mà nhân viên Trung tâm Cấp cứu gặp phải khi làm nhiệm vụ?

- Có nhiều tình huống xảy ra khi làm nhiệm vụ mà chúng tôi không lường trước được. Một lần trên đường tới hiện trường, xe cấp cứu hú còi xin quyền ưu tiên thì một thanh niên đi xe máy chặn đầu xe và tấn công bằng cách đập vỡ cửa kính cabin. Khi cơ quan công an đến thì đã có máu đổ, người đàn ông đó bị say rượu và bị phạt hành chính.

Hay một trường hợp khác, khi kíp cấp cứu đang khám và cứu bệnh nhân bị chấn thương do tai nạn thì một người dân xông ra, mẳng chửi ê kip cấp cứu “Thế chúng mày không chuyển người ta đi à? Tao không cần cấp cứu tại chỗ, chuyển ngay tới bệnh viện”.

Thậm chí, chúng tôi từng bị thắc mắc vì lý do nhân viên không mang cáng cấp cứu vào nhà bệnh nhân. Khi cấp cứu, chúng tôi tiếp cận bệnh nhân càng nhanh càng tốt và đem theo những loại thuốc cơ bản và dụng cụ y tế trước, sau đó mới đem cáng vào đưa bệnh nhân đi. Nhưng gia đình bệnh nhân đó không đồng ý, yêu cầu chúng tôi phải ngay lập tức đem cáng vào. Họ có đơn thư thắc mắc kíp cấp cứu không mang đủ trang thiết bị y tế khi làm nhiệm vụ. Nhưng sự thật lại không phải vậy.

Gần đây, nhân viên y tế bị bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Có bác sĩ tâm sự, phải thật dũng cảm thì mới theo được ngành y. Với những nhân viên cấp cứu ngoài bệnh viện thì có lẽ còn dũng cảm hơn…

- Đúng vậy! Cấp cứu tại bệnh viện, ít nhất y bác sĩ còn có lực lượng bảo vệ bệnh viện gần đó hỗ trợ. Còn chúng tôi, những người làm công việc cấp cứu ngoài bệnh viện thì hoàn toàn đơn độc.

Thế còn tình trạng bị quấy rối tổng đài thì sao, thưa anh?

- Mỗi kíp trực tổng đài gồm 3 người: bác sĩ, y sĩ và điều dưỡng. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi nhận được khoảng 600-700 cuộc gọi, nhưng trong đó chỉ có khoảng 100 cuộc gọi cấp cứu, còn lại là đề nghị tư vấn y tế, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cách chăm sóc người già, trẻ em, người bị bệnh phải điều trị tại nhà...

Nhiều người gọi đến tổng đài 115 hỏi đủ chuyện. Thậm chí đêm hôm khuya khoắt có nữ bác sĩ còn nhận được những cuộc gọi yêu cầu tư vấn tình cảm của nam thanh niên vừa thất tình. Rồi có cả những cuộc gọi chỉ nhằm mục đích trêu chọc, quấy rối…

Hiện nay, các hệ thống cấp cứu được triển khai như thế nào để cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân? 

- Nếu tính từ thời điểm bệnh nhân được cấp cứu thì sẽ có 1 dây chuyền liên kết với nhau nhằm phục vụ người bệnh như: Cấp cứu trước bệnh viện, cấp cứu tại bệnh viện, hồi sức tích cực, sau hồi sức tích cực, phục hồi chức năng và các khoa lâm sàng khác.

Hiện nay tồn tại 3 hệ thống xe cấp cứu. Hệ thống thứ nhất là xe cấp cứu của các bệnh viện, nhưng chỉ phục vụ nhu cầu vận chuyển bệnh nhân của bệnh viện đó hoặc trong một số tình huống, khi có chỉ đạo của ngành mới tham gia cấp cứu trước bệnh viện.

Hệ thống thứ 2 là xe của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, là nòng cốt của công tác cấp cứu trước bệnh viện. Hệ thống thứ 3 là xe cấp cứu tư nhân: nhân lực không được đào tạo về cấp cứu trước bệnh viện, chủ yếu phục vụ vận chuyển bệnh nhân nặng về nhà có thu phí.

Phải chăng vì ít xe và phân bố thưa thớt nên dẫn tới việc chậm trễ cấp cứu cho bệnh nhân…

- Nhiều người bị nạn phải dùng xe không có đầy đủ phương tiện cấp cứu và an toàn nên có không ít trường hợp tử vong trên đường đi. Đó là một bài toán chúng tôi gặp khó khăn trong khâu giải đáp.

Có những vị trí tương đối xa các trạm cấp cứu, cùng với đó là tình trạng giao thông ùn ứ như hiện nay, chúng tôi đang cố gắng bố trí trạm cấp cứu gần người dân, tăng trạm cấp cứu lên thì bán kính phục vụ sẽ giảm xuống, người dân tiếp cận dịch vụ được dễ dàng hơn.

Trên mỗi chuyến xe cấp cứu có 3 người: lái xe, điều dường, 1 y bác sĩ đồng thời là kíp trưởng. Chúng tôi hy vọng trong năm tới, trang bị trên xe cấp cứu tốt hơn và người chuyên nghiệp hơn. Để giả sử tắc đường thì bệnh nhân cũng đang ở một phòng cấp cứu di động.

Nói như vậy thì trang thiết bị trên xe hiện nay của Trung tâm chưa được tốt?

- Xe cấp cứu mới nhất của trung tâm được cấp từ năm 2010. Tuy nhiên, đến giờ xe đã rơi vào tình trạng rệu rã do hỏng hóc nhiều lần. Xe đã thiếu, trang thiết bị cấp cứu trên xe cũng đã cũ và xuống cấp, tần suất sử dụng lớn nên xe hỏng liên tục.

Trong khi chờ đợi nâng cao chất lượng trang thiết bị bên trong xe cấp cứu, Trung tâm có đề xuất phương án như thế nào để xử lý việc giả sử kíp cấp cứu chưa đến kịp thì bệnh nhân và người nhà vẫn được tư vấn sơ cấp cứu?

- Chúng tôi đã tính tới việc cần xây dựng đội ngũ trực tư vấn là những người giàu kinh nghiệm. Các bác sĩ đó sẽ ngồi ở trung tâm, để không chỉ hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân mà ngay cả các y bác sĩ trẻ có thể báo cáo về (giống như hội chẩn nhanh) để đưa ra hướng xử trí trong từng tình huống cụ thể qua điện thoại.

Nhưng điều này không dễ triển khai vì liên quan tới pháp lý. Giả sử bệnh nhân có tai biến thì ai là người chịu trách nhiệm y lệnh đó? Hạ tầng thông tin liên lạc ra sao? Hệ thống ghi âm như thế nào để đảm bảo?

Anh có nhắc tới vấn đề thu nhập của nhân viên y tế. Vậy thì, khoản thu của trung tâm như thế nào?

- Hiện nay, tỷ lệ thất thu của trung tâm lớn, khoảng 40-50% xe cấp cứu đi mà không thu được tiền. Có những trường hợp gọi xe, đến nơi thì người ta đi rồi. Những trường hợp tai nạn mà bệnh nhân không có người nhà là không kể hết. Có trường hợp bệnh nhân tỉnh táo, gọi xe đến thì họ xin lỗi, họ không có tiền. Nhưng chúng tôi vẫn phải làm nhiệm vụ cấp cứu.

 Mức giá cấp cứu trước bệnh viện hiện nay như thế nào?

- Trước tháng 1/2018, nếu vận chuyển cấp cứu có bệnh nhân thì chi phí là 120 nghìn đồng/chuyến, nếu không có bệnh nhân là 100 nghìn đồng/chuyến. Còn từ tháng 1/2018 trở đi thì mức phí vận chuyển cấp cứu có bệnh nhân tùy theo số kilomet từ khi xe cấp cứu lăn bánh đến khi đến bệnh viện là 275 nghìn đồng/chuyến. Còn không có bệnh nhân là 192 nghìn đồng/chuyến.

Riêng theo lộ trình xây dựng đơn giá cấp cứu và vận chuyển cấp cứu trước bệnh viện đang trình cơ quan chức năng xem xét thời gian tới thì: mỗi năm tăng 30% và đến năm 2020 thì sẽ đạt đủ 7 yếu tố cấu thành giá trong cấp cứu vận chuyển. Chúng tôi tăng giá thì phấn đấu chất lượng cũng tăng theo.

Nếu tính đúng thì giá mỗi chuyến xe cấp cứu rơi vào khoảng 1,5 triệu đồng. Theo tôi được biết, một chuyến cấp cứu ở Mỹ bằng phương tiện ô tô khoảng 800$ nhưng được bảo hiểm chi trả. Tại Việt Nam, chi phí cấp cứu trước bệnh viện chưa được bảo hiểm thanh toán.

Với vai trò là người đứng đầu Trung tâm Cấp cứu 115, anh đánh giá như thế nào về đội ngũ nhân viên cấp cứu trước bệnh viện hiện nay?

- Cấp cứu trước bệnh viện tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, cấp cứu trước bệnh viện vừa thiếu nhân lực, vừa thiếu phương tiện phục vụ đồng bộ. Chưa kể, sự hiểu biết của xã hội và thậm chí của nhiều y bác sĩ về vấn đề cấp cứu trước bệnh viện chưa đầy đủ.

Nhiều người vẫn chỉ quan niệm cấp cứu trước bệnh viện là việc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế chứ chưa hiểu ý nghĩa của việc sơ cấp cứu ban đầu trước khi đến cơ sở y tế quan trọng đối với sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân cấp cứu là như thế nào.

phen-anh-2300
Nhiều người vẫn chỉ quan niệm cấp cứu trước bệnh viện là việc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế chứ chưa hiểu ý nghĩa của việc sơ cấp cứu ban đầu trước khi đến cơ sở y tế quan trọng đối với sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân cấp cứu là như thế nào.
 

Trong khi, ở các nước phát triển như Mỹ hoặc Châu Âu, hay chẳng nói đâu xa như Thái Lan, Singapore thì cấp cứu trước bệnh viện được ưu tiên hàng đầu trong các chính sách liên quan đến chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Chính vì thế, những năm trở lại đây, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội luôn trong tình trạng bị “ế” chỉ tiêu biên chế do tuyển nhưng không tìm được đủ số lượng chứ chưa nói đến chất lượng đội ngũ nhân viên y tế. Hiện tại, tại Trung tâm chúng tôi, độ tuổi của nhân viên y tế đi theo kíp xe cấp cứu đa số đều là người trẻ với tỷ lệ 60% bác sĩ và 40% là y sĩ.

Theo anh, điều gì dẫn tới việc ít y bác sĩ muốn tham gia cấp cứu trước bệnh viện?

- Trong vòng 3 năm trở lại đây, chúng tôi chỉ có 1 - 2 bác sĩ chủ động xin về. Vị trí của những người làm cấp cứu trước bệnh viện trong mắt cộng đồng còn mờ nhạt. Nhiều người cho rằng ai kém cỏi thì mới đi theo ngành này. Trước đây, chúng tôi còn bị mang tiếng là xe vận chuyển.

Ngoài ra, làm việc tại trung tâm rất vất vả, phải đối diện với nhiều thử thách trên đường, thời gian đi xe nhiều, thu nhập thấp, cơ hội thăng tiến về nghề nghiệp bị hạn chế.

Vậy thì việc đào tạo nhân viên y tế làm cấp cứu trước bệnh viện hiện như thế nào, thưa bác sĩ?

- Lực lượng nhân viên y tế cấp cứu trước bệnh viện lấy ở đâu ra đang là một câu hỏi lớn với ngành của chúng tôi. Nói thật, chúng tôi đang trong tình trạng có bác sĩ nào về đầu quân thì nhận khẩn trương trương rồi sau đó cho đi đào tạo thêm nghiệp vụ về lĩnh vực này.

Ở Việt Nam hiện chưa có giáo trình đào tạo chuyên ngành cấp cứu trước bệnh viện. Nói thật, hiện tại, chúng tôi chủ yếu tập huấn chứ chưa cấp được chứng chỉ đào tạo.

Từ giữa năm 2017, chúng tôi làm đề án về đào tạo hệ thống cấp cứu trước bệnh viện, lộ trình đến năm 2023 sẽ đào tạo khoảng 2.000 cán bộ y tế tham gia vào ngành này. Chúng tôi phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, đặt hàng nhiều cơ sở đào tạo ngành y theo yêu cầu của xã hội nhưng các đơn vị đào tạo còn rất lúng túng vì chưa có giáo trình chương trình đào tạo cụ thể.

Trung tâm đã làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ?

- Nâng cao chất lượng cấp cứu trước bệnh viện được chúng tôi quan tâm gần như hàng đầu. Chúng tôi cử nhân viên đi học, hàng tuần có buổi họp trao đổi nghiệp vụ và hàng ngày rút kinh nghiệm trong giao ban. Vừa rồi, chúng tôi liên kết các bệnh viện đầu ngành mời những người có chuyên môn và kinh nghiệm lĩnh vực cấp cứu và chống độc về giảng dạy.

Gần đây, được sự cho phép của UBND Thành phố, chúng tôi đã mời chuyên gia nước ngoài về cấp cứu trước bệnh viện của Pháp về giảng dạy một tuần.

Trong quá trình làm việc, trung tâm bắt buộc phải sàng lọc nhân viên để đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như hiệu quả công việc. Chúng tôi có quan niệm: không phải tất cả các y sĩ đều kém, cũng như không phải tất cả các bác sĩ đều giỏi.

Để có thể lựa cách giải quyết các khó khăn bài toán đó, Trung tâm Cấp cứu 115 đã làm gì?

- Chúng tôi đang có hướng đề xuất thành lập bệnh viện khám chữa bệnh gắn với Trung tâm cấp cứu 115. Việc này sẽ giúp giải quyết 2 vấn đề là: vừa có bác sĩ giỏi đi theo xe cấp cứu thông qua việc định kỳ luân chuyển các bác sĩ đi trực theo xe cấp cứu. Chẳng hạn một năm y bác sĩ có 2 tháng đi theo xe cấp cứu, coi đó là nghĩa vụ phục vụ cộng đồng.

Mặt khác, các bác sĩ có điều kiện nâng cao tay nghề và thu nhập thông qua việc khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh cố định. Điều này giúp bác sĩ vừa có kinh nghiệm trong khâu tiếp xúc, tư vấn với bệnh nhân vừa được liên tục được trau dồi chuyên môn nên sẽ thành thạo khám điều trị trong khâu cấp cứu trước bệnh viện.

Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh đào tạo đội ngũ điều dưỡng cấp cứu trước bệnh viện và tạo ra khung pháp lý để điều dưỡng có thể hoạt động độc lập.

Anh chia sẻ, đẩy mạnh việc tạo khung pháp lý để điều dưỡng có thể hoạt động thoải mái. Anh có thể giải thích rõ hơn điều này?

- Tôi cho rằng việc không cho điều dưỡng kê đơn điều trị chưa hẳn là đúng. Đơn cử, theo thông tư 08/1999 về Hướng dẫn phòng và Cấp cứu sốc phản vệ, chưa cho phép điều dưỡng tự xử trí thuốc Adrenalin theo phác đồ cho bệnh nhân, điều này đôi khi dẫn đến một số hạn chế trong cấp cứu sốc phản vệ, tuy nhiên trong thông tư 51/2017 mới ban hành và có hiệu lực gần đây Bộ Y tế yêu cầu: “Bác sĩ, y sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên phải xử trí cấp cứu phản vệ theo quy định”, có nghĩa là nếu đã chẩn đoán phản vệ thì tất cả nhân viên y tế kể cả điều dưỡng phải tiêm Adrenalin theo phác đồ cho bệnh nhân, không nhất thiết phải chờ y lệnh của bác sĩ.

Đây là một bước ngoặt rất lớn trong cấp cứu sốc phản vệ. Chúng tôi cũng mong chờ điều tương tự có thể đươc thực hiện trong cấp cứu trước bệnh viện. Ở các nước phát triển, điều dưỡng, kỹ thuật viên cấp cứu được phép sử dụng một số thuốc nhất định để xử trí cấp cứu theo quy định mà không nhất thiết phải chờ y lệnh của bác sĩ.

Về lâu dài, việc mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng của cấp cứu 115 là yêu cầu bức thiết. Năm 2016, Sở Y tế TP Hà Nội đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Cơ quan quản lý các bệnh viện công Paris - Pháp, trong đó có nội dung về hệ thống cấp cứu SAMU. Hệ thống đó được triển khai như thế nào?

- Theo thỏa thuận hợp tác, phía Pháp hỗ trợ Trung tâm Cấp cứu 115 xây dựng và vận hành hoạt động “Bộ phận tiếp nhận, điều phối thông tin và điều hành cấp cứu”, trong đó kết nối 115 với tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố; tư vấn danh mục thiết bị, phương tiện cấp cứu theo chuẩn SAMU để đề xuất thành phố đầu tư; đào tạo kỹ thuật cấp cứu ngoại viện cho đội ngũ bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng…

Với mô hình này, ngoài các xe của Trung tâm cấp cứu 115, các bệnh viện cũng phải tổ chức các kíp cấp cứu tước bệnh viện và đặt dưới sự điều phối của rung tâm cấp cứu 115, được phân công chịu trách nhiệm từng khu vực. Khi nhận được yêu cầu cấp cứu, bệnh viện gần nhất sẽ được điều động cử xe cứu thương  đến cấp cứu bệnh nhân.

Trong hệ thống này, ngoài các xe cấp cứu thông thường, còn có các xe cấp cứu chuyên dụng được trang bị đầy đủ như một phòng hồi sức cấp cứu lưu động, thậm chí có thể can thiệp phẫu thuật trên xe với đội cấp cứu chuyên nghiệp là ê kíp bác sĩ, điều dưỡng, gây mê theo xe cứu thương đến hiện trường. Tại hiện trường người bệnh sẽ được sơ cứu, hoặc được can thiệp điều trị chuyên sâu ngay trên xe, trong khi vận chuyển về bệnh viện để tiếp tục điều trị và chăm sóc.

Còn hiện tại, anh mong ước hệ thống cấp cứu trước bệnh viện như thế nào?

- Chúng tôi đang xây dựng đề án “Phát triển cấp cứu trước bệnh viện của Hà Nội”, trong đó mục tiêu cấp cứu trước bệnh viện trong 10 năm tới bao gồm 4 yếu tố: có bệnh viện chuyên sâu cấp cứu, có trung tâm điều phối thông tin cấp cứu hiện đại, mạng lưới xe cấp cứu và trung tâm đào tạo cấp cứu của Hà Nội. Bốn yếu tố đó phải được liên kết trong một tổ chức.

Dù mọi thứ phía trước còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn ước mơ. Dùng ước mơ nuôi thực tế. Dùng thực tế để đi đến ước mơ.

Xin cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Gia Đình Mới. Chúc bác sĩ và Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội năm mới An khang - Thịnh Vượng!

27849188_937606156402196_2019986020_n

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO