Báo Điện tử Gia đình Mới

4 thói quen sai lầm của cha mẹ khiến trẻ không ngoan: Không phạt như đã nói, cố để con luôn vui vẻ

Bạn có bao giờ mủi lòng và thay đổi quyết định phạt con chỉ vì con bắt đầu khóc mếu và rên rỉ? Rất có thể bạn đang mắc 1 trong 4 sai lầm phổ biến sau đây khiến con trở nên vô kỷ luật.

Trẻ nào cũng có lúc giận dỗi chứ không phải luôn

Trẻ nào cũng có lúc giận dỗi chứ không phải luôn "dễ thương như thiên thần"

“Một số cha mẹ tin rằng không nên có sự mâu thuẫn giữa họ và bọn trẻ” - Tiến sĩ Thomas W. Phelan, tác giả cuốn “1-2-3 bước kỳ diệu để áp dụng kỷ luật” nhận xét.

Tuy nhiên, thực tế là trẻ con cần những nguyên tắc và giới hạn nhất định mà cha mẹ cần đặt ra trong gia đình.

Kỷ luật giúp trẻ học cách tự kiểm soát, có hành vi phù hợp. Thực tế, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ có cha mẹ “dễ tính” dường như nghịch ngợm hơn ở trường và có nguy cơ uống rượu nhiều hơn khi tới tuổi teen.

Làm cách nào để chọn cách nói phù hợp với con, giúp con chấp hành kỷ luật nhưng vẫn làm bạn và thể hiện được tình yêu thương với trẻ? Sau đây là 4 tình huống mà cha mẹ thường mắc sai lầm cũng như cách sửa sai mà trang web Parents.com đề xuất.

1. Không thực hiện “phạt” như đã nói

Allison Charles, một bà mẹ 3 con ở Mỹ, đã gặp phải khó khăn.

Allison kể: “Nếu bọn trẻ nhà tôi cứ cãi nhau không ngừng, tôi sẽ nói: ‘Được rồi, chúng ta sẽ không đi đến tiệc sinh nhật của bạn Emma nữa”. Sau đó, bọn trẻ xị mặt ra và tôi lại nói: ‘Ok, các con có thể đi, nhưng sẽ không được ăn bánh nhé’.

Thế rồi, tất nhiên, tôi đưa bọn trẻ đi và cho chúng ăn bánh ngay khi chúng tôi đến nơi”.

Bạn có mắc sai lầm tương tự như Allison không, chắc là không hiếm lần phải không?

Làm cách nào để thay đổi: Trước khi đưa ra một hình phạt, hãy rời đi một lát, hít thở sâu và lấy lại bình tĩnh.

Bạn có thể quay lại sau khi đã có một quyết định khôn ngoan hơn.

Nếu bạn trót quên không giữ nút “pause” và trót đưa ra một quyết định sai lầm, bạn thấy cần phải sửa sai thì nên để con hiểu rằng: sự thay đổi là để tốt hơn cho bạn, chứ không phải vì con khóc lóc.

Ví dụ, bạn có thể nói: “Vì mẹ đã hứa với mẹ của Emma là chúng ta sẽ giúp tổ chức bữa sinh nhật, nên chúng ta vẫn đến đó. Thay vào đó, con sẽ không được xem TV 30 phút vào ngày mai”.

Uốn năn hay

Uốn năn hay "phạt" con không có nghĩa là không yêu con

2. Mẹ “nhờ con giúp” hơn là yêu cầu con làm

Hôm đó là ngày bạn giặt giũ quần áo, bạn nói với đứa con 7 tuổi: “Con có thể giúp mẹ bỏ chỗ quần áo bẩn này vào máy giặt không?”

Cô bé nhìn bạn chằm chằm và nói: “Đây không phải là việc của con”.

Không biết nói gì, bạn đành lờ thái độ thô lỗ đó của con và tự đi làm.

Làm cách nào để thay đổi: Bạn muốn con yêu quý mình và hoàn toàn không muốn “đóng vai ác”, nhưng vẫn muốn con nghe lời. Đây là mối mâu thuẫn mà nhiều bà mẹ gặp phải.

Hãy thay đổi suy nghĩ của mình đầu tiên, bởi bạn giúp con thực hiện kỷ luật không có nghĩa là bạn thành “cha mẹ độc tài”.

Thêm nữa, việc sử dụng đúng ngôn ngữ cũng rất quan trọng. Thay vì nói “Con... được không?”, hãy đưa ra một câu có ý nghĩa khẳng định hơn (Ví dụ: “Mẹ cần con giúp mang giỏ đồ bẩn xuống dưới tầng và bỏ vào máy giặt”).

Hãy đưa ra một hướng dẫn, thay vì một lựa chọn mà con có thể chọn làm theo hay từ chối.

Ngoài ra, việc tạo lập thời gian biểu rõ ràng là vô cùng cần thiết. Ví dụ, bé biết được là sẽ cần giúp mẹ giặt giũ và chiều thứ Bảy, hoàn thành bài tập về nhà trước 9 giờ tối hàng ngày...

Bằng việc tạo ra thời gian biểu rõ ràng, trẻ sẽ không cảm thấy bị ép buộc làm những việc không mong muốn và cũng cảm thấy được tôn trọng hơn.

3. Mẹ để cho bé “bẻ cong” mọi quy tắc

Mỗi lần mà bạn bảo con tắt TV, bạn sẽ nghe được một lời “mặc cả” có sẵn: “Cho con xem thêm một phim này nữa thôi”, hoặc: “Nửa phim nữa thôi cũng được”...

Bạn muốn giữ cho “yên nhà yên cửa” nên cứ để cho con trì hoãn. Chỉ cần con nói nghe thật dễ thương, bạn sẽ đáp ứng điều mà bé mong muốn.

Làm cách nào để thay đổi: Hãy giữ cho hướng dẫn của bạn đơn giản và rõ ràng, đừng để bé có cơ hội tranh luận.

Trong một số tình huống bạn có thể cho bé lựa chọn, ví dụ như chọn 1 trong 2 loại snack, nhưng không phải là mọi lúc. Ví dụ như với tình huống trên, bạn chỉ cần nhắc lại nguyên tắc: “Chỉ 1 phim thôi, đủ rồi, con trai”, sau đó tắt TV.

"Mẹ biết con thích chỗ thú bông này, nhưng chúng ta không thể đem tất cả về nhà"

4. Mẹ cố giữ cho con vui vẻ bằng mọi giá

Ví dụ như bạn đang ở quán Starbucks với đứa con 5 tuổi, họ đã bán hết bánh chocolate-chip và con bạn gào khóc vì điều đó.

Bạn biết rằng việc của mình chỉ là rời đi, nhưng thay vào đó, bạn vẫn cố trấn an con bằng cách sẽ cho con một cái bánh muffin to để thay thế.

Tuy nhiên, chỉ vì con khóc lóc mà cho con điều bé mong muốn sẽ tạo một tiền lệ xấu cho lần sau. Bé sẽ tiếp tục thói ăn vạ vào lần sau, khi gặp một điều không hài lòng nhỏ nhặt nào đó.

Làm cách nào để thay đổi: Khi con đang đói hoặc đang mệt, bạn dường như dễ nhân nhượng hơn.

Một đôi khi, chính bạn là người khiến trẻ ở trong những tình huống không nên có, ví dụ như mẹ cố làm những việc vặt trong khi con đang quá đói hoặc mệt. Điều đó khiến con cảm thấy buồn còn bạn cũng thấy có lỗi.

Để tránh tình huống này, bạn cần nhắc lại với bản thân rằng giúp con thiết lập những ranh giới, đối mặt với khó khăn sẽ quan trọng hơn là xoa dịu và đáp ứng mọi yêu cầu của con.

Bạn chỉ cần nói: “Mẹ biết là con buồn vì không mua được bánh”, vậy là đủ. Những chuyện không vui sẽ luôn luôn và luôn luôn tồn tại trong cuộc sống, vì vậy con cần phải học cách để chấp nhận.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO