Báo Điện tử Gia đình Mới

Bố mẹ ơi, tại sao con cứ phải đạt điểm tuyệt đối?

Muốn con thực sự học và say mê với việc học chứ không phải học vì động cơ "thắng" kẻ khác, được khen thưởng... thì nhiều phụ huynh cần điều chỉnh lại cách nhìn nhận mọi vấn đề liên quan tới trường lớp, trong đó có điểm kiểm tra của con.

(Ảnh chỉ có tính chất minh họa- Nguồn Internet)

(Ảnh chỉ có tính chất minh họa- Nguồn Internet)

Chia sẻ về vấn đề "bệnh thành tích" và cách nhìn sai lầm về điểm kiểm tra của trẻ ở người lớn, giảng viên Nguyễn Thanh Thúy (khoa Ngôn Ngữ Anh, trường Đại học Hà Nội) cho biết:

"Như mình vừa nói với các bạn nhỏ học sinh của mình chiều nay: Tại sao các con cứ phải lo đạt 100% trong các bài kiểm tra?

Nguyên tắc kiểm tra là luôn phản ánh được những bậc khác nhau nhằm đánh giá sức học khác nhau của một nhóm học sinh nhất định, và bao giờ cũng thế, sẽ có tỉ lệ những học sinh top trên lĩnh hội được bài, có những học sinh ở mức trung bình còn đang băn khoăn và những học sinh ở mức thấp nghĩa là còn chưa hiểu.

Thông tin đó được dùng để giáo viên, học sinh và phụ huynh xử lý, nhằm nhận định hiện trạng và tìm cách hỗ trợ - chứ không phải để khoe khoang hay đạt "thành tích", "danh hiệu".

Tạo áp lực để trẻ đạt điểm tuyệt đối là phản khoa học

Vì thế, việc tạo áp lực để đạt điểm tối đa là không cần thiết cũng như phản khoa học - đơn giản bởi:

- Chỉ cần vượt qua được trình độ được kiểm tra thì tự khắc các bạn sẽ đạt mức 95-100%, không cần "luyện".

- Chỉ cần được dạy bài bản thì đến một giai đoạn nhất định, tất cả đều có thể vượt qua mức 100% cho bài kiểm tra đó.

Ví dụ: cho các em lớp 2 làm bài kiểm tra điền to be vào chỗ trống, kết quả chắc chắn sẽ có một nhóm được 100%, nhưng sẽ có nhóm thấp hơn vì còn nhầm lẫn. Nhưng chỉ cần các bạn này tiếp tục học đều đặn và hợp lý thì chỉ sau tầm nửa kỳ, quay trở lại làm bài với to be thì 100% lớp đều đạt 100% nội dung bài.

Nói cách khác, bài kiểm tra và ý nghĩa kiểm tra chỉ có tính thời điểm, thông báo cho những bên liên quan biết rằng sau chừng ấy thời gian, những bạn nào đạt tốc độ tốt hơn, những bạn nào còn đang lúng túng,...

Và vì thế, việc phân định cao thấp không nên được hiểu là bạn này giỏi hơn bạn kia, mà phải được hiểu là bạn này vượt qua "mốc" sớm hơn bạn kia.

tai sao phai dat diem toi da

Hiểu như vậy, bản thân phụ huynh tự bỏ bớt được gánh nặng áp lực cho rằng "con mình dốt", cô giáo bớt căng thẳng "bạn này lười học" mà chính học sinh cũng tránh rơi vào kiểu tư duy cố định trong đó nghĩ rằng mình điểm kém hơn các bạn tức là mình "ngu" môn này, thay vì nghĩ là "mình cần thêm thời gian để tiến bộ".

Và có lẽ không cần phải nhắc lại tác dụng của tư duy cố định và tư duy phát triển (fixed và growth mindset) cho sự phát triển trong tương lai của đứa trẻ nữa - đúng không các anh chị phụ huynh?

Vì vậy, muốn con thực sự học và say mê được với việc học chứ không phải học vì động cơ "thắng" kẻ khác, được khen thưởng... thì người lớn cần phải điều chỉnh lại cách nhìn nhận mọi vấn đề liên quan tới trường lớp, mà đặc biệt trong số đó, chính là điểm kiểm tra của con.

Hậu quả khi người lớn nhận thức sai về điểm kiểm tra

Nếu chính người lớn không tỉnh táo được với việc này, tự mình sẽ đẩy các con vào những việc làm hoàn toàn vô nghĩa với việc học:

- Luyện đi luyện lại cho "thành thạo" một dạng bài.

Lý do: việc thành thạo có thể tốt nếu như dừng lại ở mức độ nhất định, nhưng khi đẩy đến mức 100% trong đó ngay trong thời gian ngắn, bạn nhỏ nhìn đề bài đã biết ngay lời giải thì tức là việc luyện tập này đã quá đà (quá số thời gian cần thiết), cũng có nghĩa là tước đi cơ hội để các bạn suy ngẫm và tự liên hệ cái đã học vào cuộc đời thực, để nắm được vấn đề sâu hơn cả về hình thức (form) lẫn ý nghĩa (meaning).

Thiếu sự chiêm nghiệm và suy ngẫm, não bộ không phát triển được theo cách tự nhiên, mà bị "máy móc hoá".

- Vì áp lực điểm số và nỗi sợ không được thừa nhận/yêu vì "thua kém" các bạn khác, dẫn tới hành vi gian lận.

Việc này các thầy cô giáo hẳn rõ hơn ai hết và các phụ huynh thường là người bất ngờ nhất khi được nhà trường/thầy cô thông báo về hành vi của con mình.

Nhưng đây thực sự là một cơ chế rất bình thường sinh ra do áp lực xấu, và việc các con gian lận không hẳn vì các con "có tính xấu", mà phần nhiều vì các con sợ những hậu quả xảy ra đằng sau kết quả thấp "hơn mong đợi" (của cha mẹ và thầy cô): sợ cha mẹ la, sợ thầy cô mắng... sợ rằng mình không còn được "yêu thương" nữa.

Cha mẹ và thầy cô thử nghĩ lần cuối cùng mình bị áp lực và căng thẳng là bao giờ? Có phải nhiều lần trong số những trường hợp tương tự, mình đã buộc phải mở miệng nói dối và tự bào chữa rằng hoàn cảnh buộc mình phải thế không?

Các con cũng sẽ như vậy. Học sinh (được coi là) giỏi sẽ gian lận vì sợ mất địa vị. Học sinh (được coi là) chưa giỏi sẽ gian dối vì sợ bị trừng phạt. Cả hai trường hợp, chúng ta đều có được những kết quả giả và một lượng kiến thức "rỗng".

tai sao phai dat diem toi da-2

Không biết đến bao giờ tôi mới phải ngừng nói về những thứ hình thức tạo ra giá trị giả như thế này - những thứ mà ngày qua ngày giết dần giết mòn sự háo hức đi học và niềm vui khám phá học tập của các con.

Để rồi, đến một ngày, cha mẹ, thầy cô lại quay lại chép miệng: giáo dục Việt Nam thối nát, tìm đường ra nước ngoài "tị nạn giáo dục" vậy!

... Và lại cắm đầu vào những lò luyện nhằm đạt nhanh nhất tấm vé mở cánh cửa ra chân trời "mới"!

Một vòng giá trị ảo lại tiếp tục xoay."

giang vien nguyen thanh thuy

Nguyễn Thanh Thúy (Giảng viên Đại học Hà Nội)/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO