Báo Điện tử Gia đình Mới

Chuyện cô giáo 3 tháng không giảng bài: Có phụ huynh nào nghe con kể chuyện ở trường không?

Góc nhìn của nhà báo Thu Hà về chuyện cô giáo ở trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP HCM) suốt 3 tháng lên lớp không giảng bài gây xôn xao dư luận.

Nhà báo Thu Hà cho rằng, giáo viên im lặng trong giờ lên lớp là một dạng bạo hành tinh thần với học sinh

Nhà báo Thu Hà cho rằng, giáo viên im lặng trong giờ lên lớp là một dạng bạo hành tinh thần với học sinh

Học sinh cũng không nên im lặng theo cô giáo

Nhà báo Thu Hà viết trên trang tin cá nhân của mình nhân việc cô giáo dạy Toán ở TP HCM không nói suốt ba tháng đứng lớp. Không nói lời nào với lớp 11A1 trường THPT Long Thới mỗi khi lên lớp, cô Châu ghi tất cả lên bảng cho đến hết giờ.

"Sợ quá đọc bản tin mà mình không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tại sao cô ấy có thể im lặng với nguyên một lớp suốt 3 tháng? Tại sao học sinh có thể chịu đựng 1 giáo viên im lặng suốt 3 tháng?

... Ba tháng im lặng, thật là một sự cân não khủng khiếp và ám ảnh! Đến mức học sinh đã phải khóc khi lể lại. Nhưng sao lớp 11 rồi mà các bạn nhát thế! Các bạn không biết rằng mình có quyền được nói, được nghe, được giao tiếp, được tôn trọng, được chăm sóc à!

Nhớ tuần trước, sau bài về giáo viên cho học sinh quỳ thì rất rất nhiều giáo viên vào comment nói là từ nay họ chỉ tới lớp dạy xong rồi ra về, ai làm gì mặc.

Không, bạo lực tinh thần nó còn nặng nề hơn bạo lực thể xác nữa. Nó không làm gãy xương, không bầm tím, nhưng nó có thể hủy hoại lòng ham học hỏi, ý vươn lên của học sinh đấy ạ. TS. Menis nói: “Chúng ta có thể giết người khác chỉ bằng ánh mắt thôi”.

Nếu lớp 11A1 này không có một học sinh tiêu biểu tình cờ đi họp, nếu cuộc họp đó không tình cờ có phóng viên, thì cô Châu còn im lặng trên bục giảng bao nhiêu lâu nữa?"

Học sinh cần cảm nhận "được yêu thương"

Đưa ra những câu hỏi đầy trăn trở về nghề giáo, nhà báo Thu Hà đồng thời cũng nói về những mong muốn rất thật của một người mẹ, người cũng có 2 con nhỏ đang tuổi đến trường: 

"Giáo dục chưa cần làm điều vĩ đại đâu, hãy trả cho học sinh những bản năng bình thường là được rồi. Nỗi sợ hãi lớn nhất của mọi người là không được yêu thương. Đó là bản năng sinh tồn để chúng ta có thể chống lại những hiểm nguy rình rập ngoài kia.

Vậy mà tại sao nửa lớp vẫn còn đề nghị một cô giáo đang rất khinh bỉ mình, rất thù hận mình tiếp tục đứng trên bục giảng?

Và tại sao ngành giáo dục đang dư hàng ngàn giáo viên cơ mà, không lẽ không tìm được ai để mà thay cô giáo này ư? Giáo viên đâu chỉ dạy học qua những chữ viết trên bảng, còn dạy học sinh qua nhân cách của người thầy nữa mà".

Nhà báo, diễn giả tại nhiều sự kiện bàn về giáo dục, chăm sóc trẻ cũng gửi lời nhắn đến các bậc cha mẹ:

"Có học sinh nào về nhà kể chuyện cô với mẹ không? Và mẹ em có biết đây cũng là bạo lực học đường không? Nếu con không muốn đi học, biết đâu không phải vì con lười học, mà vì con đang phải chịu đựng khủng khiếp thế này".

Thông tin mới nhất cho biết cô Châu và các em học sinh lớp 11A1 đã có buổi nói chuyện để hòa giải - Ảnh:VTC News

Thông tin mới nhất cho biết cô Châu và các em học sinh lớp 11A1 đã có buổi nói chuyện để hòa giải - Ảnh:VTC News

Cô giáo đã hòa giải với tập thể lớp 11A1

Thông tin mới nhất, cô giáo T.T.M.C và toàn bộ học sinh lớp 11A1 đã có buổi nói chuyện với nhau sau sự việc gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua.

Nhà trường đã bố trí, sắp xếp buổi gặp gỡ cho cô trò ngay tại lớp và trường không tham dự hay can thiệp vào.

Tại buổi nói chuyện, cô C. bày tỏ sự tiếc nuối về thời gian qua cô trò đã xa cách nhau là một điều hết sức đáng tiếc, làm tổn thương cả hai bên, ảnh hưởng đến cả những danh hiệu, uy tín của nhà trường.

Trong buổi nói chuyện, em Phạm Song Toàn, người đã phản ánh sự việc trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nghẹn ngào bật khóc và cho biết, dù nói tại Sở hay nói tại lớp, em vẫn không thay đổi ý kiến của mình.

Em chỉ mong cô thay đổi cách dạy và mong muốn nếu giữa cô trò trước đây có chuyện gì không hay thì xin khép lại hết, để bây giờ cô có thể dạy dỗ và học sinh có thể học hành theo cách bình thường nhất.

Trao đổi với phóng viên, cô C. chia sẻ, những gì em Phạm Song Toàn phản ánh như cô lên lớp không giảng bài, không nói chuyện là đúng, bản thân cô đã sai nhưng cô cho biết, sự việc mới xảy ra sau Tết chứ không phải suốt một học kỳ.

Cô C. cũng bày tỏ sự tiếc nuối, giá như em Song Toàn trao đổi riêng với cô để góp ý chứ không phải nói trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở bởi sự việc này đã ảnh hưởng đến trường, đến ngành giáo dục.

Cô C. cũng cho biết, cô và học sinh của lớp đã có buổi trò chuyện giải tỏa với nhau. Về lý do lên lớp nhưng không giảng bài, cô nói, có một số vấn đề riêng cô đã chia sẻ với hiệu trưởng và mong muốn để nhà trường tự giải quyết.

Thầy Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới cho biết, nhà trường cũng đã trao đổi với phụ huynh và phần lớn ý kiến phụ huynh không muốn thay đổi cô giáo, chỉ mong cô giao tiếp, giảng dạy bình thường. Trước mắt, việc học của lớp 11A1 ổn định nhưng nhà trường vẫn sẽ theo dõi thêm.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO