Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Cặp vợ chồng chiến đấu giành quyền sống cho con lay động trái tim Tổng thống Mỹ Donald Trump

Cậu bé 11 tháng tuổi Charlie Gard (London, Anh) mắc một căn bệnh hiếm gặp đến mức các bác sĩ kết luận bé cần được nhận “cái chết nhân đạo”. Một cuộc chiến của cha mẹ để dành sự sống cho bé bắt đầu.

nintchdbpict000306303695

Hai vợ chồng bên con 

Cha mẹ Charlie Gard khởi động một cuộc chiến giành giật cơ hội sống cho con mình, cuộc chiến đã thu hút hàng vạn người theo dõi và ủng hộ, trong đó có hai người đàn ông quyền lực nhất thế giới là Đức Giáo hoàng và tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Con xứng đáng có một cơ hội”

Charlie Gard, con của Connie Yates và Chris Gard, được sinh ra vào tháng 8/2016 hoàn toàn khỏe mạnh, kháu khỉnh và đáng yêu.

Khi Charlie được 8 tuần, cha mẹ phát hiện bé có những biểu hiện bất thường… Họ đưa con đi khám và phát hiện cháu mắc phải một chứng bệnh hiểm nghèo có tên là “hội chứng rối loạn ty lạp thể”.

Hội chứng này gây tình trạng suy nhược cơ tiến triển và tổn thương não. Đây là bệnh cực hiếm gặp, hiện nay trên toàn thế giới chỉ có 16 bệnh nhân mắc phải hội chứng giống như Charlie Gard. Bệnh có căn nguyên từ một gen di truyền bị lỗi của cả cha và mẹ bé.

Bé Charlie Gard được điều trị tại bệnh viện Great Ormond Street (GOSH, Anh) từ đó và cha mẹ bé cũng rời bỏ căn nhà của mình, bắt đầu chuỗi ngày đồng hành cùng con gắn cuộc sống với bệnh viện, ngày tiếp ngày đấu tranh với bệnh tật.

Bệnh của bé tiến triển theo chiều hướng xấu khi cơ thể bé ngày một yếu đi, bé bị mất thính giác, hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở và liên tục lên các cơn động kinh.

nintchdbpict0003363324933

 

Hồi tháng 12/2016, khi tìm hiểu về bệnh tình con trai, Connie phát hiện ra liệu pháp phân tử nucleoside có thể điều trị bệnh của con trai mình. Cô lập tức đề xuất với các bác sĩ tại GOSH, đồng thời liên lạc với các bác sĩ tại Mỹ, nơi đang thử nghiệm liệu pháp này.

Ban đầu, bệnh viện GOSH tỏ ra khá cởi mở với liệu pháp phân tử nucleoside. Tuy nhiên, vào đầu năm 2017, Charlie dần xuất hiện những cơn động kinh nặng hơn do tổn thương não nghiêm trọng.

Đội ngũ y tế của GOSH kết luận liệu pháp này chỉ kéo dài nỗi đau đớn của bệnh nhi, họ đề nghị tốt nhất hãy chấm dứt việc cung cấp ô xy vào máy thở để Charlie ra đi nhẹ nhàng.

Cha mẹ Charlie phản đối điều này, vì vậy bệnh viện GOSH đã đưa vụ việc ra Toàn án Tối cao London để Tòa phân xử.

Phiên tòa sinh tử

Trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, vợ chồng Chris Gard triển khai một cuộc vận động trên mạng Internet để bảo vệ quyền được sống của bé Charlie Gard.

Với tiêu đề “Một khi con vẫn đang chiến đấu với bệnh tật, chúng ta cũng sẽ chiến đấu”, trang web ghi lại câu chuyện của họ - www.charliesfight.org – thu hút hàng vạn người theo dõi.

 
Một khi con vẫn đang chiến đấu với bệnh tật, chúng ta cũng sẽ chiến đấu

Hình ảnh cha mẹ của Charlie nắm chặt tay nhau cùng đứng bên giường bệnh của con trai, cùng đến tòa án, mang theo cả chú khỉ bông thường cận kề bên con trai mình khiến hàng triệu con tim rung động.

Bất cứ ai có con hẳn cũng sẽ rơi nước mắt khi đọc được những dòng giản dị cha mẹ bé Charlie viết trên trang web www.charliesfight.org: “Chúng tôi KHÔNG THỂ để con của chúng tôi chết khi có điều gì đó có thể giúp con! Chúng tôi sẽ không từ bỏ con chỉ vì con có một căn bệnh hiếm gặp".

"Con xứng đáng có cơ hội và con xứng đáng có một cuộc sống như bất cứ đứa trẻ nào khác. Chúng tôi hiểu rằng các bệnh hiếm gặp cần rất nhiều tiền để cứu chữa nhưng tại sao đây lại là lý do để một đứa trẻ chết ?! Con vẫn còn ở đây, bây giờ và đây là điều cha mẹ có thể làm giúp con”…

Những chiếc vòng tay in chữ “Cuộc chiến vì Charlie”, những chiếc áo phông in hình trái tim và khẩu hiệu “Nếu con còn chiến đấu với bệnh tật, chúng ta cũng sẽ chiến đấu”… được bán để gây quỹ hỗ trợ cậu bé.

Cộng đồng mạng lan truyền nhiều bức ảnh chụp các em bé khỏe mạnh và tươi cười mặc áo có dòng chữ “Charlie army” (Đội quân bảo vệ Charlie), thể hiện tình thương tha thiết dành cho cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo.

3FD0637400000578-4463834-

 

Cha mẹ Charlie nhận được hơn 1,3 triệu bảng Anh (tương đương 1,7 triệu USD) từ hàng vạn người đồng cảm để thực hiện việc đưa Charlie sang điều trị tại Mỹ.

Khi vụ việc được đưa ra xem xét tại tòa Tối cao tại London, cha của bé, Chris Gard nói trước tòa: "Con chúng tôi xứng đáng có một cơ hội" và hứa sẽ bỏ cuộc nếu việc thử nghiệm liệu pháp nucleoside không thành công.

Cuộc chiến quan điểm y học của Anh và Mỹ 

Cuộc chiến bảo vệ quyền sống cho con của cha mẹ bệnh nhi Charlie Gard đã tiêu tốn giấy mực của giới truyền thông vì nhiều điểm đặc biệt.

Đó là cuộc đấu tranh giữa các quan điểm trái ngược trên phương diện y học của hai cường quốc Anh - Mỹ. 

Các bác sĩ Anh Quốc cho rằng họ đã điều trị hơn 1.000 bệnh nhân mắc chứng rối loạn ty lạp thể, bao gồm cả điều trị bằng nucleoside, nếu thích hợp. 

Họ khẳng định trường hợp của Charlie “không có chất lượng cuộc sống và không có triển vọng thực sự về chất lượng cuộc sống”. Ngược lại, các bác sĩ Mỹ khẳng định rằng chưa có đủ cơ sở để kết luận rằng, trường hợp của Charlie Gard là vô phương cứu chữa.

Đây cũng là cuộc chiến về pháp lý lẫn đạo đức, thể hiện hai luồng quan điểm trái chiều liên quan đến một vấn đề vô cùng nhạy cảm: “quyền được chết” (Death with dignity).

Các quan tòa ở Anh cho rằng cần chấm dứt “sự sống quá tồi tàn” của bệnh nhi Charlie vì lý do nhân đạo.

Nhưng theo lời của Giáo hoàng Francis nói về trường hợp này, có một chân lý hiển nhiên: “Bảo vệ sự sống của con người, nhất là khi sự sống ấy bị đe dọa bởi bệnh tật, đó là trách nhiệm của tình yêu mà Chúa trời đã trao cho mỗi chúng ta”.

aw-donald-trump-charlie-g

 

Hàng trăm người ủng hộ gia đình bé tụ tập bên ngoài phiên tòa, giơ cao những biểu ngữ như: “Hãy để Charlie đến Mỹ”, “Đó là một vụ giết người”, “Đừng để Charlie chết”…

Tuy nhiên, sau khi xem xét các chứng cứ về khả năng phục hồi mà phương pháp phân tử nucleoside đem lại cho bệnh nhân, tòa Tối cao London tuyên bố Bệnh viện GOSH được phép ngưng điều trị với trường hợp bé Charlie.

Cha mẹ cậu bé đã trải qua những giây phút “tan nát” như họ đã chia sẻ trên trang Facebook. Mẹ bé Charlie bật khóc nức nở trong clip cho biết phía bệnh viện GOSH từ chối không cho phép đưa Charlie về nhà để họ có thể nói lời vĩnh biệt với con.

“Chúng tôi vô cùng đau đớn. Chúng tôi không được quyền cho con sống, cũng không được quyền quyết định thời gian và địa điểm con ra đi. Chúng tôi, đặc biệt là Charlie, hoàn toàn thất vọng vì quy trình này” - cha mẹ bé nói trên trang Facebook cá nhân.

Charlie-Gard-demonstratio

 

Sau khi cha mẹ Charlie thất bại trong các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm của hệ thống xét xử ở Anh, họ đưa đơn thỉnh nguyện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Họ thêm một lần nữa rơi vào tận đáy của sự tuyệt vọng khi Toàn án Nhân quyền Châu Âu từ chối can thiệp vào vụ việc.

Trong khi cuộc chiến sinh tử để bảo vệ bé Charlie dường như sắp đi đến một kết thúc buồn thì bất ngờ, đầu tháng 7.2017, Đức Giáo Hoàng Francis và Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng, đưa ra những lời đề nghị giúp đỡ. Đến lúc này, dư luận toàn thế giới đã hướng về Charlie, làm dấy lên vô số ý kiến trái ngược nhau.

Câu chuyện lay động cả Giáo hoàng và Tổng thống Mỹ

 

Chúng tôi KHÔNG THỂ để con của chúng tôi chết khi có điều gì đó có thể giúp con! Chúng tôi sẽ không từ bỏ con chỉ vì con có một căn bệnh hiếm gặp. Con xứng đáng có cơ hội và con xứng đáng có một cuộc sống như bất cứ đứa trẻ nào khác.

Đức Giáo Hoàng Francis đã lên tiếng, xin chính phủ Anh, vì lòng thương xót, cho phép bệnh nhi Charlie được qua Rome chữa trong Bệnh Viện Nhi Đồng Bambino Gesu của Vatican.

Đầu tháng 7/2017, Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã chia sẻ trên trang Twitter của mình về trường hợp Charlie Gard: “Nếu chúng ta có thể giúp đỡ Charlie bé nhỏ, cũng như Đức Giáo hoàng và những người dân Anh đã làm, chúng ta nên nhiệt tâm làm điều đó”.

Vào giữa tháng 7/2017, Chính phủ Mỹ đã cấp quyền công dân tạm thời cho Charlie Gard. Theo đó, cha mẹ và bé Charlie có quyền tới Mỹ bất cứ lúc nào để thực hiện việc trị liệu cho bé

Một giáo sư về phẫu thuật thần kinh của Mỹ, bác sĩ Michio Hirano đã đến Bệnh viện GOSH vào thứ Hai, ngày 17/7/2017 - sau một loạt các dàn xếp mang tính pháp lý.

Giáo sư Michio Hirano đã có 4,5 giờ nghiên cứu các tài liệu scan não và các hồ sơ y tế khác, trước khi quyết định liệu bé Charlie có thật sự được hưởng lợi nhờ việc điều trị theo liệu pháp nucleoside hay không.

Phía GOSH dành cho giáo sư Hirano quy chế danh dự, theo đó, trong suốt thời gian lưu lại tại GOSH, ông có các quyền giống như những bác sĩ lâm sàng của bệnh viện; được toàn quyền truy cập hồ sơ bệnh án của Charlie, bao gồm cả các hình ảnh chẩn đoán trước đó.

Theo bác sĩ Hirano, kết quả scan vào tháng 3/2017 vừa qua không phải là “bằng chứng về tổn thương não không thể đảo ngược” như bệnh viện GOSH đã đưa ra tại tòa. Lần xét nghiệm mới nhất này sẽ là chìa khóa quyết định số phận cậu bé Charlie.

Cha mẹ của Charlie, Chris Gard và Connie Yates vẫn kiên định quan điểm rằng con mình xứng đáng có cơ hội được tiếp tục điều trị. Một nguồn tin thân cận với cha mẹ cậu bé nói: "Họ vẫn lạc quan sau khi con trai được scan não".

Cha mẹ bé và và hàng triệu trái tim đồng cảm đang chờ đợi và cầu nguyện từng phút, từng giây về một phép màu sẽ đến với Charlie bé nhỏ.

Dù có chiến thắng trong phiên tòa cuối cùng hay không, nhưng điều hiển nhiên là bố mẹ Charlie Gard cũng như hàng vạn người ủng hộ họ đã truyền đi một thông điệp: Thông điệp về tình thương yêu vĩ đại, sự bảo bọc, che chở bằng tất cả sức lực, khả năng mà cha mẹ luôn luôn giành cho con.

charlie supporters

 

Kết quả phiên tòa cuối cùng về trường hợp Charlie Gard vừa được công bố vào chiều tối Thứ Hai, ngày 24/7/2017. Phía bệnh viện đưa ra kết quả xét nghiệm mới nhất (thực hiện vào hôm Thứ Sáu, ngày 21/7) cho thấy hệ thống cơ của Charlie đã có sự suy giảm không thể đảo ngược.

Cha mẹ Charlie cuối cùng đã chấp nhận để phía bệnh viện GOSH rút ống thở, chấm dứt cuộc chiến dành giật sự sống cho cậu con trai bé nhỏ.

Với dòng lệ lăn dài trên má, Connie Yates nói cô sẽ dành thời gian ít ỏi còn lại để ở bên con trai. “Chỉ còn 2 tuần nữa là đến sinh nhật của con, nhưng thật buồn là con không được hưởng sinh nhật đầu tiên của mình. Bố mẹ đã từng và vẫn luôn luôn, luôn luôn cố gắng để cứu sống con, nhưng bố mẹ xin lỗi con, Charlie à, bố mẹ đã không thể…” – Connie Yates nói với các phóng viên.

Ngay trước cửa Tòa án, bố Charlie đã thông báo kết quả phiên tòa đến những người ủng hộ “Cuộc chiến của Charlie”.

Nhiều lần nghẹn lời vì nước mắt, người cha gọi con trai mình là “chiến binh thực sự” và nhắn gửi lời cuối cùng: “Ngủ ngon con trai của cha, cha mẹ yêu con nhiều lắm!”.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO