Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Thưa bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, em có điều day dứt tâm can!

Bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo viết: Nếu thầy hỏi em ‘Em sẽ xây dựng tình yêu thương đó bằng cách nào?’ thì ngay ngày khai giảng hôm qua chính là ngày dễ nhất để thực hiện và truyền tải tình yêu thương đó. Rất tiếc là nó trôi qua mất rồi.

21397317_10155603371047768_2069422470_n

 

Trước thềm năm học mới, ngoài sự háo hức, mong chờ một năm học ‘thi đua dạy tốt, học tốt’ của các thầy cô giáo, học sinh thì còn có những trăn trở của các bậc phụ huynh.

Làm công việc xây dựng cho một trường tiểu học trong bức thư, anh Phạm Đình Quý được mời dự bữa cơm thân mật cùng toàn thể các thầy cô giáo và khách mời khác trong ngày khai giảng.

Anh Quý nhẩm tính nhà trường cần chi trả khoảng 8 triệu đồng cho 8 mâm cơm.

Anh trộm nghĩ, ‘nếu hôm nay không có mấy ông gọi là cấp trên tham dự thì chắc các thầy cô không phải vất vả tiếp đón và tốn kém thế này’.

Là một người cha của 2 đứa con, trong đó có 1 cháu đang ở tuổi đến trường, anh Quý có những chia sẻ rất riêng về ý lễ khai giảng. 

Status của anh Phạm Đình Quý trong dịp khai giảng đã nhận được nhiều chia sẻ, đồng cảm của cộng đồng mạng. 

Gia Đình Mới xin đăng tải lại góc nhìn này của anh Phạm Đình Quý:

21192609_10156680795744966_273066277332564895_n

 Anh Quý bên các em học sinh trường một tại miền tây Quảng Trị.

 'Kính gửi thầy Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo! 

Hôm qua em được tham dự lễ khai giảng ở 1 trường tiểu học (Em xin phép được giấu tên). Nghi lễ buổi khai giảng vẫn diễn ra như mọi năm, khá long trọng và rầm rộ.

Với danh nghĩa là khách mời nên em chỉ ngồi 1 chỗ quan sát, thấy có nhiều điều day dứt tâm can, xin được viết vài dòng tâm thư gửi tới thầy cũng là để giải tỏa tâm lý và biết đâu cũng đóng góp ít nhiều vào công cuộc cải cách của nền giáo dục.

Em không hiểu vì lý do gì mà ngày ngành giáo dục lại phải cắt cử lãnh đạo các ban ngành về các trường để tham dự ngày lễ khai giảng?

Nhiều năm rồi em vẫn hiểu là để khích lệ động viên tinh thần các thầy cô giáo và các em học sinh bước vào năm học mới.

Nhưng cũng từ nhiều năm đó chưa năm nào em thấy được bản chất đúng của việc động viên khích lệ cả mà thay vào đó chỉ là hình thức gây nhiều phiền toái cho các trường, từ khâu chuẩn bị, khâu tiếp đón đến ăn uống quà cáp chia tay.

Xót xa lắm khi ngồi nhìn các em học sinh nghèo mà phải chứng kiến cảnh ăn uống tiệc tùng sắp diễn ra. Thương lắm các thầy cô chỉ vì cấp trên mà phải cố lo cho thật chu đáo.

leo8633

 Sự hồn nhiên, trong sáng của các em học sinh trong ngày khai trường. 

Em tin rằng nếu thầy được chứng kiến thầy cũng sẽ có những cảm xúc như em.

Chẳng thể bằng lòng khi các thầy cô tất bật đi chuẩn bị cho khâu tiếp đón mà bỏ bẵng các em, chủ nhân chính trong ngày khai trường.

Chẳng thể bằng lòng khi những người ngồi trên hàng ghế đại biểu được ân cần từng chén nước mà các em ngồi dưới sân phải chịu thiệt thòi.

Đó là bức tranh tối màu bị che khuất bởi tiếng trống trường, tiếng kèn, băng rôn khẩu hiệu.

Lý do tại sao chắc thầy và mọi người đều hiểu.

Vậy sao ta không bỏ? Nếu bỏ có được không? Em thấy hoàn toàn được.

Sẽ đẹp biết bao khi các em đến trường được các thầy cô đón tiếp ngay từ công, dang rộng cánh tay và nở nụ cười thân thiết với các em.

Đẹp biết bao khi các em được các thầy cô ân cần từng cốc nước, từng cử chỉ từng lời nói, hỏi han. Điều đó hẳn dễ hơn nhiều so với những nghi thức đón tiếp đại biểu rườm rà chứa đựng nhiều xu nịnh và giả tạo.

DSC0045

 Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. 

Em không hiểu nhiều về tâm vĩ mô của ngành giáo dục, nhưng để tìm được chữ VUI trong khẩu hiệu ‘Mỗi ngày đến trường là 1 ngày vui’ thì chắc chắn không gì khác là phải xây dựng cho được tình thương yêu và lòng trắc ẩn của mỗi con người trong toàn ngành.

Đó là sợi chỉ đỏ xuyến suốt, bởi ở đâu có yêu thương, ở đó có công bằng, ở đâu có yêu thương ở đó có niềm vui, có nụ cười hạnh phúc.

Ngày khai giảng hôm qua, có nhiều ngôi trường được các lãnh đạo tới tham dự, người mang theo tivi, người mang theo xe đạp, và nhiều quá cáp khác tặng các em.

Đó là món quà hữu hình đáng quý, nhưng có 1 món quà vô hình mà các con cần hơn, cần hơn bao giờ hết đó là sự quan tâm chăm sóc.

Đây chính là nền tảng xây dựng đạo đức trong con người các em, đó là giá trị cốt lõi tốt đẹp và kế thừa.

g-0828

 

Nếu thầy hỏi em ‘Em sẽ xây dựng tình yêu thương đó bằng cách nào?’ thì ngay ngày khai giảng hôm qua chính là ngày dễ nhất để thực hiện và truyền tải tình yêu thương đó. Rất tiếc là nó trôi qua mất rồi.

Nhưng không sao, bởi hạt yêu thương sẽ nở khắp mọi nơi, trên sân trường, trên bục giảng và cả những trang sách của các em.

Hạt yêu thương không phải nhập khẩu ở đâu cả mà ở chính ngay trong tim của mỗi người.

Thưa Thầy! Bài viết của em hôm nay cũng không nằm ngoài tình yêu thương từ trái tim em. Em mong muốn đất nước ta có sự thay đổi chuyển mình mạnh mẽ, mà ngành giáo dục là em ước ao nhất.

Kính thầy! Chúc thầy sức khỏe!

Em: Phạm Đình Quý!'

Tú Anh /giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO