Báo Điện tử Gia đình Mới

5 phương pháp để học dồn hiệu quả ngay trước kỳ thi

Dù nhiều nghiên cứu cho thấy cách học hiệu quả là phải ôn tập liên tục, thường xuyên (lặp lại cách quãng), nhưng nhiều người vẫn không thể làm theo và đến sát nút trước kỳ thi phải lựa chọn học dồn.

hoc don truoc ki thi (2)

Trước tiên phải nhớ rằng học dồn không phải là cách học hiệu quả nhất và không giúp bạn ghi nhớ kiến thức vào trí nhớ dài hạn.

Nhưng để học cho bài kiểm tra, bài thi hoặc một vài loại đánh giá năng lực khác thì chúng ta có thể học dồn vì nhiều kiến thức không cần thiết phải lưu trữ trong trí nhớ dài hạn. 

Học dồn cũng giúp bạn tiết kiệm thời gian với những môn học, kiến thức mà bạn không muốn dành quá nhiều thời gian cho chúng.

5 bí kíp sau đây của Peter Hollins sẽ là chìa khóa để ôn tập hiệu quả: học được lượng kiến thức tối đa trong thời gian tối thiểu, thậm chí có thể là chỉ trong một đêm!

1. Mẹo nhớ gộp (Chunking Technique)

Khả năng ghi nhớ trong trí nhớ ngắn hạn của chúng ta thường là từ 4 đến 7 mục. Một mẹo để 'hack' lượng giới hạn này chính là dùng phương pháp nhớ gộp, tức là gộp vài thông tin lại thành một để ghi nhớ được nhiều hơn.

Nhớ gộp đòi hỏi thông tin mới được tạo thành phải có ý nghĩa nào đó, giúp nó dễ nhớ hơn.

Ví dụ bạn phải nhớ một danh sách các món đồ cần mua như quả sung (fig), xà lách (lettuce), cam (orange), táo (apple) và cà chua (tomato) - bạn có thể gộp các chữ cái đầu thành một từ mới (chẳng hạn FLOAT - có nghĩa là 'nổi'), dễ nhớ hơn so với ghi nhớ từng đồ một.

Nếu bạn từng cố nhớ một số điện thoại thì chắc hẳn bạn cũng từng dùng cách nhớ gộp. Thay vì nhớ từng chữ số thì chúng ta nhớ từng cụm 2, 3 hoặc 4 số một.

Bạn thấy dãy số nào dễ nhớ hơn: 3 3 5 9 1 0 hay 33 59 10? Nhớ gộp chính là vậy đó!

'Cung điện ký ức' cũng được coi là một cách nhớ gộp. Bạn có thể tìm hiểu thêm ở bài viết 5 bước xây dựng 'cung điện ký ức' - phương pháp ghi nhớ của Sherlock Holmes.

2. Kỹ thuật Pomodoro 

hoc don truoc ki thi 3

Pomodoro (tiếng Ý) có nghĩa là quả cà chua. Kỹ thuật Pomodoro là kỹ thuật tập trung, giảm khả năng bị phân tâm khi làm việc và lên kế hoạch các quãng nghỉ ngơi.

Áp dụng kỹ thuật này thực sự rất đơn giản, bạn chỉ cần: làm việc 25 phút, nghỉ 5 phút.

Mỗi phiên học hoặc làm việc 25 phút được gọi là một pomodoro. Sau 3 đến 4 pomodoro, hãy nghỉ 15-20 phút.

Để áp dụng, bạn có thể tải ứng dụng trên điện thoại hoặc mua một chiếc đồng hồ cà chua.

Mục đích lớn nhất của kỹ thuật Pomodoro là tránh làm nhiều việc cùng lúc, lãng phí năng lượng thần kinh khi chuyển đổi giữa các nhiệm vụ và định vị lại xem mình đã làm việc này đến đâu rồi.

Kỹ thuật này cũng giúp ta nhắc nhở nhu cầu nghỉ ngơi và giải khuây của bản thân.

3. Liên tục tóm tắt

Khi học dồn bạn chỉ có thể ghi nhớ một lượng thông tin nhất định, vậy nên bạn cần tóm gọn thông tin càng ngắn càng tốt và chỉ học những gì tinh túy nhất.

Muốn làm được như vậy thì bạn phải tóm tắt không ngừng nội dung bài học. Bạn nên viết tóm tắt bằng tay vì khi viết tay chúng ta thường dùng ít từ ngữ hơn so với đánh máy.

hoc don truoc ki thi 4

Giả sử bạn bắt đầu với việc tóm tắt mười trang giấy, kết quả sau lần đầu tiên bạn tóm tắt lại còn 3 trang.

Đừng dừng lại, hãy tiếp tục tóm tắt ba trang về thành một trang. Vừa đọc tài liệu vừa suy nghĩ xem 'Cái này có quan trọng không?'.

Đến cuối cùng bạn có thể tóm tắt lại chỉ gỏn gọn 1 mẩu giấy (sau những sự sàng lọc, phân tích kỹ).

Lúc này thông tin của bạn ngắn gọn, dễ nhớ hơn nhiều, mà bạn sau vài lần ghi chép và tóm tắt liên tục cũng đã nhớ hơn rồi.

Khi nhìn vào mẩu giấy bạn sẽ không chỉ thấy những con chữ mà hiểu được nhiều hơn vì chính bạn đã ghi nó ra đến 3 lần và suy nghĩ sâu sắc về nó rồi.

4. Kết nối các thông tin

Muốn ghi nhớ thông tin trước hết bạn phải hiểu nó. Sau đó là liên hệ với những điều đã biết, tức là tạo kết nối bằng cách liên tưởng 'Cái này cũng giống cái A, chỉ khác ở chỗ B...'

Bạn có thể đặt thêm câu hỏi để tạo thêm kết nối như: 'Điều ngược lại với A là...' 'Cái này có ba điểm chung với A là...'

Hãy tự giải thích vấn đề cho chính mình hoặc ai khác bằng lời thật rành mạch và dõng dạc. Khi diễn đạt lại bạn sẽ thấy được các mối liên kết giữa những thông tin và thấy mình nhớ rõ ràng hơn.

5. Sử dụng thời gian nghỉ

Khi đang cố gắng học dồn những phút cuối trước kỳ thi chắc chắn bạn không thể áp dụng ôn tập phương pháp lặp lại cách quãng, nhưng bạn có thể thực hiện ở quy mô nhỏ hơn.

Thay vì học một môn A trong ba tiếng vào ban đêm, hãy chia nhỏ thời gian học thành 3 lần, mỗi lần một tiếng xen kẽ bởi những khoảng nghỉ một vài tiếng.

Để đạt hiệu quả tối đa hãy học ngay khi thức dậy, ôn lại vào buổi trưa rồi ôn tập lần hai, ba lúc 4 giờ chiều, 9 giờ tối, chẳng hạn như vậy.

Đừng chỉ tập trung một môn học suốt vài tiếng đồng hồ vì ký ức cần thời gian để ghi nhớ vào bộ não và nhồi nhét quá cũng không hiệu quả đâu.

Một lần nữa cần nhắc lại, là học dồn chỉ hiệu quả theo kiểu 'ứng phó' thi cử mà thôi, kiến thức học cấp tốc như thế sẽ biến mất khỏi đầu bạn rất nhanh.

hoc don truoc ki thi

Với những kiến thức quan trọng mà bạn sẽ gặp đi gặp lại suốt các bài kiểm tra và những kỳ thi, thậm chí các kỳ thi lớn thì tuyệt đối không nên học dồn. Đừng để lúc nào cũng nước đến chân mới nhảy nhé!

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO