Báo Điện tử Gia đình Mới

Chúng ta đang ôm con hay ôm… điện thoại?

Bài viết của ThS.BS Trần Quốc Khánh, Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội chia sẻ về một vấn đề "đụng chạm" đến rất nhiều người lớn trong chúng ta.

  Bác sĩ Trần Quốc Khánh

Bác sĩ Trần Quốc Khánh


Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Việt Đức vừa có chia sẻ về mặt trái trong lối sống của người Việt lan toả rất lớn trong cộng đồng mạng. Được sự đồng ý của bác sĩ, Gia Đình Mới xin đăng tải bài viết này. 

"Bạn có thường “ích kỷ” đưa điện thoại, máy tính bảng hay mở TV cho con xem với mục đích con ngồi yên để mình còn nhậu, buôn chuyện hoặc làm một việc gì đó khác mà mình yêu thích hay không? Dẫu trong sâu thẳm bạn biết rằng điều đó rất không tốt với con.

Đã bao lâu rồi bạn “quăng” điện thoại 1 góc để vui chơi với con vài ba tiếng mà không ngó ngàng đến cái smartphone kia?

Đã bao lâu rồi bạn ngồi đọc cho con nghe một câu chuyện trong sách? Đã bao lâu rồi bạn ngồi nói chuyện-hỏi han con về những điều con mong muốn, những điều con ước mơ, suy nghĩ?

Đã bao đêm rồi bạn ôm con vào lòng âu yếm trước khi con đi vào giấc ngủ? Hay bạn chỉ ôm... điện thoại mà thôi. Có một người bạn của tôi từng nói, hiện nay chúng ta đang là “Nửa người nửa máy”, vì không thể sống xa rời chiếc smartphone được. Càng nghĩ tôi càng thấy nó đúng.

Bạn có biết, smartphone đang từng ngày gây ra những mặt trái vô cùng khủng khiếp với con trẻ và với cả chính chúng ta hay chưa? Tôi xin chia sẻ một chút nhé!

1. Tổn thương vĩnh viễn hoặc khó điều trị các bệnh lý liên quan đến mắt, bao gồm: Mắt nháy, ngứa và đỏ, khó tập trung vào một vật gì đó, mắt mỏi hoặc mờ. Những tổn thương này đặc biệt dễ xảy ra ở trẻ em.

Chúng ta đang ôm con hay ôm… điện thoại? 1

2. Tăng nguy cơ bị suy tĩnh mạch, xỡ vữa mạch máu, huyết khối.

3. Béo phì, đặc biệt béo bụng khi chúng ta ngồi lâu không vận động.

4. Tăng nguy cơ loãng xương vì chúng ta giảm thời gian vận động và ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên.

5. Các vấn đề về cổ: đau cổ, thoái hoá cột sống cổ, hội chứng co cứng cơ cột sống cổ do nhìn xuống điện thoại di động hoặc máy tính bảng liên tục, kéo dài. Ở trẻ em, khi trẻ ngồi xem một tư thế quá lâu góp phần làm tăng tỷ lệ gù, vẹo cột sống học đường.

6. Những vụ tai nạn ô tô: Nhiều người tin rằng họ có thể đa nhiệm và vẫn sử dụng điện thoại của họ trong khi lái xe, nhưng thực sự không phải như vậy.

Việc nhắn tin, nghe điện thoại lúc lái xe gây ra tình trạnh mất tập trung để xử lý những tình huống đòi hỏi tốc độ nhanh chóng, dẫn tới đặt người lái xe và những người khác trên đường gặp nguy hiểm.

Nghiên cứu đã tiết lộ rằng nhắn tin và lái xe có thể nguy hiểm như uống rượu lái xe.

7. Vô sinh ở nam giới. Nghiên cứu sơ bộ đã tiết lộ rằng bức xạ điện thoại di động có thể làm giảm số lượng tinh trùng, nhu động tinh trùng và khả năng sống sót.

8. Suy giảm trí nhớ, giảm khả năng kết nối-tương tác trong não bộ.

Chúng ta đang ôm con hay ôm… điện thoại? 2

9. Rối loạn giấc ngủ, đau đầu kéo dài: Nghiện điện thoại di động đã được liên kết với sự gia tăng rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi ở người dùng.

Sử dụng điện thoại di động trước khi lên giường đi ngủ làm tăng khả năng mất ngủ. Ánh sáng chói có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ.

Việc sử dụng điện thoại thông minh có thể làm tăng lượng thời gian cần thiết để ngủ. Ánh sáng phát ra từ điện thoại di động có thể kích hoạt não bộ.

10. Trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, các mối quan hệ ngoại tuyến có thể bị ảnh hưởng do sử dụng điện thoại di động hoặc các phương tiện truyền thông xã hội quá mức.

Hầu hết những người nghiện điện thoại và mạng xã hội sẽ lựa chọn cho mình cuộc sống tách biệt, ít giao tiếp với xã hội thực bên ngoài, khi tình trạng này kéo dài, những tổn thương sâu sắc trên bộ não sẽ là rất khó hồi phục.

11. Đặc biệt, khi dùng smartphone quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện suy nghĩ tự tử và thực hiện chúng, đặc biệt ở trẻ vị thành niên. Jean Twenge là giáo sư tâm lý học tại Đại học bang San Diego-Mỹ, đồng thời là tác giả rất nhiều những cuốn sách, những công trình nghiên cứu về tâm lý cũng như ảnh hưởng của thời đại 4.0 lên con trẻ.

Trong một nghiên cứu năm 2017, Twenge và các đồng nghiệp đã tìm thấy mối tương quan đáng lo ngại: Thanh thiếu niên dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử hơn bảy giờ một ngày có khả năng được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm cao gấp hai lần so với những người sử dụng chúng một giờ mỗi ngày.

Chúng ta đang ôm con hay ôm… điện thoại? 3

Chỉ trong năm năm từ 2010 đến 2015, số thanh thiếu niên Mỹ cảm thấy vô dụng và không vui cũng như nỗ lực tự tử tăng 23%. Thậm chí ở lứa tuổi từ 13 đến 18, tỷ lệ tự tử tăng 31%.

Tất cả các nghiên cứu đều đi đến kết luận: Nguyên nhân chính là sự trỗi dậy đột ngột của điện thoại thông minh. Trong cuộc sống xã hội, tương tác “Mặt gặp mặt, tay nắm tay nhau” trong đời sống thực là một trong những giếng sâu nhất của hạnh phúc của con người, không có nó, tâm trạng của chúng ta sẽ bắt đầu đau khổ và tự kỷ.

Thời gian sử dụng smartphone cũng như hoạt động trực tuyến quá nhiều kèm theo cảm giác bị cô lập về mặt xã hội, ngủ không đủ giấc chính là những yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm, tự tử tăng cao ở con trẻ trong thời đại 4.0 này.

  Trẻ cần giao lưu với bố mẹ mỗi ngày

Trẻ cần giao lưu với bố mẹ mỗi ngày

12. Những “BỆNH” mới thời đại 4.0, chúng bao gồm:

- Hội chứng Nomophobia (hội chứng sợ hãi khi thiếu vắng điện thoại thông minh): Chỉ những người có cuộc sống quá phụ thuộc vào những thiết bị công nghệ thông minh.

- Hội chứng Text Neck (hội chứng cổ tin nhắn): Là một khái niệm thời hiện đại để mô tả chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại và đau ở cổ do xem quá nhiều hoặc nhắn tin trên các thiết bị cầm tay trong một thời gian dài.

Cứ mỗi khi chúng ta cúi thêm một độ ra trước để sử dụng và xem điện thoại, áp lực đè lên các đĩa đệm lại tăng thêm một con số nhất định, sự căng cứng hệ thống cơ cổ-gáy phía sau cũng tăng lên.

Chính những nguyên nhân này làm chúng ta thấy đau và cứng cổ, co rút cơ, đau đầu, giảm trí nhớ và giảm sự tập trung, cảm giác tê yếu hai tay...

- Texting Thumb Syndrome (hội chứng Quervain): Chỉ tình trạng tổn thương gân ngón cái do chúng ta sử dụng chúng nhắn tin, gõ máy tính hay chơi game quá nhiều.

Biểu hiện ngón cái của chúng ta tê mỏi, đau nhức lan dọc từ đầu ngón đến vùng cổ tay, thi thoảng cảm giác của ngón tay đó cũng giảm đi và ta cảm giác không thật.

Những giải pháp đang ở đâu?

Tâm hồn và tình cảm yêu thương của con trẻ chỉ được ươm mầm nuôi dưỡng bởi những cử chỉ yêu thương, quan tâm chăm sóc của cha mẹ mỗi ngày.

Chúng ta chính là những “Người ảnh hưởng” lớn nhất đến tương lai sau này của các con. Vậy chúng ta sẽ mong đợi điều gì ở con trong tương lai khi đã lâu lắm rồi, ta chỉ yêu và ôm cái điện thoại của mình mà thôi?

Chúng ta đang ôm con hay ôm… điện thoại? 5

- Giải pháp số 1 và đóng vai trò quyết định đó chính là chúng ta cần thay đổi. Tôi mạnh dạn khẳng định rằng rất nhiều trong chúng khi về nhà dùng điện thoại là để giải trí hoặc vì những việc không rõ ràng, không mục đích. Chúng ta đang “ăn cắp” thời gian này của con trẻ.

Tại sao bạn không dành thời gian đó để chơi với con (đưa con đi dạo, đọc sách cùng con, chơi cờ, đá bóng cùng con…) hoặc đưa con đi dạo, đưa con vào các cửa hiệu sách, đi thăm những bảo tàng, thư viện… Cuối tuần thì đưa con về thăm ông bà, cô dì chú bác hoặc ở thành phố thì ra ngoại ô.

- Chúng ta cũng chỉ nên chọn theo dõi 1 số người, 1 số trang nhất định có ý nghĩa và mang có năng lượng tích cực hoặc theo dõi những kênh phục vụ cho công việc, chuyên môn của mình mà thôi.

Và chúng ta cũng mặc định mỗi ngày chỉ lên mạng một thời gian nhất định. Hiện nay nhiều người đang “lang thang vô định” và “bị động” trên mạng xã hội cũng như mạng internet nói chung.

- Hình thành, duy trì và phát triển thói quen đọc sách cho các con, đặc biệt lúc ra ngoài hoặc những buổi tối trước khi đi ngủ. Muốn làm được việc đó, bạn cũng cần “cai” dần điện thoại và tạo thói quen đọc sách mỗi ngày. Để dễ thực hiện, chúng ta nên chọn những mẫu chuyện ngắn đọc trước, trẻ dễ hoàn thành và không nản.

  Những giây phút quý giá lẽ ra cần dành cho con thì chúng ta đã trao nó cho điện thoại

Những giây phút quý giá lẽ ra cần dành cho con thì chúng ta đã trao nó cho điện thoại

Trẻ em rất dễ hình thành những thói quen này, tuy nhiên trẻ em cũng rất dễ “hư” theo cha mẹ nếu chúng ta có thói quen dùng điện thoại quá nhiều và dùng điện thoại để “phỉnh” con trẻ.

Sự cải thiện về kiến thức, thói quen...và rất nhiều những giá trị khác sẽ dẫn thấy rõ sau 3 tháng hình thành thói quen đọc sách cho gia đình mỗi ngày, bạn ạ. Bạn tin Bs nhé!

- Quy định mỗi ngày chỉ cho con tiếp xúc với TV, điện thoại một thời gian nhất định mà thôi. Theo các khuyến cáo, với con trẻ chỉ nên cho tiếp xúc với những thiết bị thông minh không quá 1 giờ/ngày.

Lời kết: Sự ích kỷ đang lên ngôi ở thời đại 4.0 này. Và thật buồn vì đến những đứa con của chính mình cũng đang bị những chiếc smartphone... đánh bại: Rất nhiều người có thể xa con vài ngày nhưng không thể xa chiếc điện thoại vài giờ.

Bạn hãy đổi thay, vì tương lai những đứa con thân yêu của mình, bạn nhé!

BS Trần Quốc Khánh

ThS.BS Trần Quốc Khánh

Chúng ta đang ôm con hay ôm… điện thoại? 7
  • Tốt nghiệp loại giỏi bác sĩ nội trú, chuyên ngành chấn thương chỉnh hình - Phẫu thuật cột sống
  • Đại học Y khoa Hà Nội.
  • Bác sĩ khoa Phẫu thuật Cột sống - Viện chấn thương chỉnh hình
  • Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

  • Bạn đọc của Tạp chí Gia Đình Mới mong muốn tư vấn-thăm khám về sức khoẻ nói chung & xương khớp cột sống nói riêng, có thẻ trực tiếp gọi điện cho bác sĩ Khánh theo số điện thoại: 0963186789

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO