Báo Điện tử Gia đình Mới

Cần đề phòng những sự cố gì khi học sinh đi xe tuyến của nhà trường?

Đưa đón học sinh bằng xe tuyến của nhà trường đang được nhiều trường học áp dụng tạo thuận lợi cho gia đình trong điều kiện eo hẹp về thời gian, tuy nhiên cũng sẽ có những sự cố phát sinh.

  Những sự cố có thể xảy ra khi học sinh đi xe tuyến của nhà trường.

Những sự cố có thể xảy ra khi học sinh đi xe tuyến của nhà trường.

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2019- 2020, trên địa bàn Hà Nội có 17 trường có xe đưa đón học sinh với tổng số xe là 629 xe. Phần lớn trong đó là xe 16 chỗ.

Dịch vụ đưa đón học sinh bằng buýt tuyến của nhà trường tạo thuận tiện cho các gia đình neo người và eo hẹp về thời gian.

Thế nhưng, việc kiểm soát quy trình đưa đón học sinh bằng xe buýt trong các trường học hiện nay tương đối lỏng lẻo, mỗi trường sẽ tự tổ chức đưa đón học sinh theo cách riêng chứ chưa có quy định cụ thể nào.

Đa số các cơ sở giáo dục cũng chưa khi nào phân tích cụ thể các tình huống, các sự cố có thể xảy ra trong quá trình đưa đón học sinh bằng buýt tuyến. 

  Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội chỉ ra những tình huống, sự cố có thể xảy ra trong quá trình đưa đón học sinh bằng xe buýt của nhà trường.

  • Thứ nhất, học sinh có thể ngủ quên trên xe:

Với tình huống này, theo thầy Khang trưởng xe và lái xe phải kiểm tra xe trước khi đưa xe về bãi tập kết; đồng thời báo cáo về Trung tâm quản lý xe theo quy định.

Liên quan tình huống này, chuyên gia tâm lý Vũ Việt An (Học viện Thành Công) lưu ý:

- Giáo viên phụ trách đưa đón học sinh phải điểm danh học sinh mỗi lần lên và xuống xe.

- Trong lúc xe chạy, giáo viên phải quan sát từng học sinh ở tất cả các vị trí ghế ngồi để nắm được tình trạng của mỗi học sinh, chủ động gọi học sinh ngủ trên xe dậy khi sắp tới điểm trường/hoặc tới nhà của các em.

- Khi học sinh đã xuống xe vào trường/vào nhà, giáo viên kiểm tra lại lần cuối trên xe xem còn học sinh không.

- Đối với tài xế, sau khi đã trả hết học sinh, trước khi đưa xe về bãi tập kết phải kiểm tra lại toàn bộ xe.

  • Thứ hai, học sinh có thể ngã hoặc va vào phương tiện khác khi lên xuống xe:

Để tránh sự cố này, lái xe cần đỗ sát vỉa hè và quan sát kỹ trước khi đóng/mở cửa xe và chuyển bánh.

Giáo viên phụ trách học sinh trên xe cũng phải quan sát trước khi đưa các bé xuống để đảm bảo an toàn. Nhắc học sinh đi chậm, không chạy nhảy để tránh va chạm.

  Những sự cố có thể xảy ra khi học sinh đi xe tuyến của nhà trường.

Những sự cố có thể xảy ra khi học sinh đi xe tuyến của nhà trường.

  • Thứ ba, xe có thể đụng phải học sinh khi ra/vào nơi tập kết đón học sinh lúc tan trường:

Do đó, cô giáo phụ trách phải đề nghị học sinh xếp hàng ở trong khu vực sân trường. Khi thấy xe dừng đỗ hẳn ở vị trí đón mới dắt học sinh ra xe.

Riêng lái xe phải lái xe chậm, tuân theo sự hướng dẫn của giám thị và đặc biệt chú ý quan sát. 

Ngoài những tình huống thầy Nguyễn Xuân Khang đưa ra, còn một số tình huống phát sinh như sau:

- Học sinh đến muộn giờ xe chạy chiều đón: Giáo viên phụ trách xe và nhà trường cần có thông báo rõ ràng với phụ huynh về giờ xe đón - trả, thời gian đợi là bao nhiêu? (Thông thường chỉ 3 phút).

Nếu học sinh ra muộn quá giờ quy định 3 phút, giáo viên chủ động gọi điện thông báo cho phụ huynh tự đưa con đến trường hoặc đến điểm đón kế tiếp. Trường hợp không liên lạc được với phụ huynh thì trước khi cho xe đi phải nhắn tin báo cho phụ huynh.

- Học sinh đến muộn giờ xe trả: Đối với học sinh ra xe muộn phải gọi điện thông báo cho phụ huynh đến trường đón con. Trường hợp không liên lạc được với phụ huynh thì trước khi cho xe đi phải nhắn tin báo cho phụ huynh; đồng thời báo GVCN.

- Học sinh không tuân thủ quy định trên xe: Tuần đầu tiên đi xe tuyến, giáo viên yêu cầu học sinh đến trước 30 phút trước khi xe chạy để tập huấn.

Trên xe, cô giáo cần sát sao, nhắc nhở nếu thấy học sinh nghịch ngợm trên xe. Trong quá trình tập huấn cần nhấn mạnh sự nguy hiểm nếu các bé không ngồi đúng vị trí trên xe.

- Phụ huynh "quên" hoặc chậm giờ đón trẻ tại nhà:

Giáo viên phụ trách gọi điện cho phụ huynh, thông báo xe đã tới nơi và thời gian đợi là bao lâu (2 - 3 phút theo quy định). Sau thời gian đợi theo quy định mà phụ huynh chưa tới đón, phải gọi điện cho phụ huynh ra điểm kế tiếp hoặc điểm gần nhất đón học sinh.

Không được giao học sinh cho người lạ khi chưa có sự thông báo của phụ huynh, dù có thẻ đón học sinh cũng cần xác nhận rõ ràng.

  Nên hướng dẫn cho học sinh biết các bộ phận của xe cũng như cách thoát hiểm khi xe gặp sự cố.

Nên hướng dẫn cho học sinh biết các bộ phận của xe cũng như cách thoát hiểm khi xe gặp sự cố.

Bên cạnh đó, chuyên gia Vũ Việt Anh cho rằng, quá trình đưa đón học sinh bằng xe buýt tuyến luôn chứa đựng sự phức tạp và những rủi ro hàng ngày. Do đó, gia đình, nhà trường và đơn vị dịch vụ buýt phải có sự phối kết hợp chặt chẽ.

Về phía nhà trường: Kết hợp với đơn vị xe tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách lên - xuống xe, các vị trí ngồi an toàn, các bộ phận của xe và chức năng, các kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố trên xe...

Phía tài xế thì luôn tập trung cao độ để lái xe an toàn.

Giáo viên phụ trách xe sát sao, cẩn thận.

Phụ huynh chủ động đưa đón đúng giờ, hợp tác với nhà trường để quá trình đưa đón con được an toàn tuyệt đối.

Việt Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO