Báo Điện tử Gia đình Mới

Nhà báo Thu Hà: Chữ ô vuông là một cách học, giống như dùng que tính để học cộng, trừ

Nhà báo Thu Hà (nguyên phóng viên báo Hoa Học Trò) mới đây chia sẻ những suy nghĩ đa chiều về cách học đánh vần bằng chữ ô vuông, tam giác đang được áp dụng trong sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục.

Được sự đồng ý của nhà báo Thu Hà, Gia Đình Mới xin chia sẻ với độc giả, các bậc phụ huynh học sinh bài viết này:

Facebook đang dậy sóng vì việc đọc vần tiếng Việt, làm nhiều ba mẹ hoang mang quá đỗi.

Các ba mẹ ơi, yên tâm là tiếng Việt vẫn là tiếng Việt, như hàng ngàn năm nay! Chữ viết, cách nói không bị “hủy hoại”, vẫn y như thế.

Chương trình công nghệ chỉ mới về quy ước cách ghép âm, quy ước để đánh vần, để tập đọc, hi vọng trẻ lớp 1 sẽ biết đọc nhanh hơn, viết chính tả dễ hơn thôi.

Và quy ước này chỉ "hành" các con một đoạn đường ngắn ở lớp 1, rồi các con không phải đánh vần nữa, chỉ đọc trơn. Chúng ta sẽ chia tay nhau, như việc dùng nắm que tính để học tính cộng trừ vậy đó!

  Nhà báo Thu Hà ủng hộ cách dạy của Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Nhà báo Thu Hà ủng hộ cách dạy của Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Nhưng vốn sẵn lo lắng, mất lòng tin với Bộ Giáo dục từ lâu, nên nhiều bác auto chửi, auto “buôn than”, share ảnh chế về cách đọc các cạnh 1 bài toán hình học, rồi những clip cố tình đọc sai tiếng Việt, rồi thậm chí share cả 1 bản tin tiếng Mường về chửi là “quái thai”, rồi lo mấy ông giáo sư sẽ hủy hoại tiếng Việt, rồi lẫn lộn giữa 2 ông Hồ Ngọc Đại và Bùi Hiền… Nản quá.

Mình từng học ĐH Sư Phạm tiểu học, mình biết rằng Chữ Cái Âm là khác nhau.

Thôi thì không phải ai cũng học sư phạm, nhưng hầu như chúng ta đã học tiếng Anh mà! Và trong tiếng Anh, cách đọc bảng chữ cái Anphabet cũng khác với cách đọc những chữ cái đó trong phần phiên âm. Vẫn là nó, ABCDEFG… mà sang phần âm nó thành tùm lum tà la, rồi cũng quy định đứng cạnh nguyên âm thì sao, bật hơi, cong lưỡi thì sao…

Chữ cái và âm Tiếng Việt công nghệ cũng gần gần vậy, ví dụ cùng là 1 con chữ Q, nhưng khi vị trí và vai trò của nó khác nhau, thì đọc khác nhau. Âm Q trong Cách- Đánh-Vần khác với chữ Q đứng như Một-Chữ-Cái trong bài hình học ạ.

Và ba mẹ đừng lo mình không dạy được con đánh vần. Việc này giáo viên làm được, và làm tốt, thì hãy để họ làm đi. Đừng lấn sân! Trẻ lớp 1 chưa bị nhiều thói quen cũ đóng khung, lại thích tư duy qua hình ảnh, nên tụi nó học lẹ lắm.

Hãy dành sức để đá rất nhiều sân khác đang để trống kìa. Dạy đánh vần là việc của cô, còn dạy cho con yêu việc đọc, đọc hào hứng, đọc tự lập, đọc tự do, đọc có chính kiến là việc của mẹ. Chia vậy okie không?

  Cách tập đọc bằng chữ ô vuông, tam giác chỉ đi theo trẻ một thời gian ngắn, phù hợp với tư duy bằng hình ảnh của trẻ - Ảnh minh họa

Cách tập đọc bằng chữ ô vuông, tam giác chỉ đi theo trẻ một thời gian ngắn, phù hợp với tư duy bằng hình ảnh của trẻ - Ảnh minh họa

Vì chỉ có ba mẹ mới làm tốt nhất việc này. Hát ru, kể chuyện, đọc sách và truyền cho con yêu việc đọc sách từ sớm, từ 1, 2, 3 tuổi, và thường xuyên, đó chính là khởi nguồn của việc các bạn ấy yêu khám phá tri thức.

Cải thiện con số người Việt đọc chỉ 0,8 cuốn sách/năm, là nhiệm vụ chính của ba mẹ!

Nhắc lại một lần nữa, rằng quy ước đánh vần này chỉ đi cùng các con 1 đoạn đường ngắn của lớp một thôi. Hãy đóng nó trong cái khung nhỏ.

Công nhận là cuốn sách này còn khá nhiều sạn, nhưng cơn bão trên Facebook tuần rồi cũng chỉ là một "cơn bão trong tách trà" mà thôi.

Nhà báo Thu Hà: Chữ ô vuông là một cách học, giống như dùng que tính để học cộng, trừ 2

Tiếng Anh cũng có nhiều cách dạy đọc khác nhau

Chúng ta không đếm được có bao nhiêu cách dạy đọc tiếng Anh. Vậy mà ngay lúc này, họ vẫn đang tiếp tục đẻ ra thêm những cách mới, vì chẳng bao giờ có cách nào là 100% hoàn hảo, 100% toàn bích cả.

Tại sao lại phản đối việc 90 triệu dân Việt Nam có quyền có hơn 1 cách dạy tập đọc Tiếng Việt?

Nhà báo Thu Hà

Đừng vì nó khác xưa, vì nó khó hiểu với ba mẹ mà làm con ghét trường, và tuyệt vọng về giáo dục, rồi sau đó lại vẫn cho con vào đó học! Thà bạn đủ sức cho con đi du học luôn thì còn đỡ, còn nếu con vẫn đang hít thở và sống trong đó mỗi ngày mỗi ngày, năm này qua năm khác suốt cả 12 năm, thì bạn đang rất ác với con mình đấy!

Bời vì, ba mẹ có sức mạnh khủng khiếp trong việc ảnh hưởng tới niềm tin từ trong tiềm thức của con. Những chửi rủa, uất ức của ba mẹ sẽ tạo nên niềm tin giới hạn trong con.

Phật dạy "Cái cho đi lớn nhất là cho người ta không sợ hãi". Những Facebook nào hay làm bạn sợ hãi, và lo lắng, và mất ngủ, hãy né nó đi, ẩn nó đi!

Đó là chưa kể thầy cô giáo cũng là con người, các mẹ ạ. Ba mẹ gây sức ép lên các thầy cô giáo, tấn công thầy cô bằng năng lượng tiêu cực, thì hiển nhiên theo định luật 3 Newton, lực tác động lại cũng tiêu cực. Thầy cô giáo hạnh phúc thì thế giới sẽ thay đổi.

Con cái mình yêu trường, tin tưởng thầy cô là cách tốt nhất để con học tốt.

Hôm rồi, Xu học bài về năng lượng, mình cũng nói với Xu rằng một nguồn năng lượng rất quan trọng là cảm xúc ấy. Nhớ năm ngoái Xu được học theo chương trình Mỹ, SGK Mỹ, nhưng không may Xu rơi vào một sự cố mà làm con rất ghét một giáo viên, bị một bạn bắt nạt, nên cả chuỗi ngày tới trường của Xu rất nặng nề.

Tới khi phải chuyển sang một trường khác, dù không xịn bằng, Xu mới thấy đi học khỏe hẳn đó ạ.

Do đó, chương trình học, sách giáo khoa, không ảnh hưởng tới con bằng tình yêu và lòng tin đâu ạ.

Chỉ mong các ba mẹ bình tĩnh hơn, share bài, share clip chậm tay hơn. Chửi chậm hơn, tuyệt vọng chậm hơn…

Bởi vì, chậm lại thì nó tốt hơn cho con của mình!

Nhà báo Thu Hà/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO