Báo Điện tử Gia đình Mới

Từ 'Thần đồng phương Đông', nghĩ về câu chuyện giáo dục ở Việt Nam

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của giáo dục đời sống bên cạnh giáo dục tri thức khoa học và thi cử.

Câu chuyện về thần đồng Ngụy Vĩnh Khang

Từ 'Thần đồng phương Đông', nghĩ về câu chuyện giáo dục ở Việt Nam 0

Có một câu chuyện được tác giả Đông Tử dẫn ra trong cuốn sách “Người cha tốt hơn là người thầy tốt” khiến tôi chú ý. Nó, cùng với câu "Con người không đọc sách sẽ bị số phận trừng phạt, một dân tộc không đọc sách sẽ bị lịch sử trừng phạt" trong sách để lại cho tôi ấn tượng.

Với tôi, cuốn sách hay nhất ở hai điểm này vì phần lý luận và các kinh nghiệm còn lại đều có thể tìm thấy ở nhiều cuốn khác.

Câu chuyện Ngụy Vĩnh Khang thế này. Xin trích nguyên văn từ cuốn sách.

“Rất nhiều báo đưa tin “Thần đồng phương Đông” - Ngụy Vĩnh Khang bị bắt buộc phải nghỉ học. Mới 13 tuổi, thần đồng này đã hoàn thành tất cả các chương trình từ tiểu học đến trung học phổ thông, rồi thi đỗ Đại học Tương Đàm với thành tích xuất sắc; bốn năm sau lại thi đỗ cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ vào Trung tâm nghiên cứu Vật lí cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc với thành tích xếp thứ hai.

Điều khiến mọi người bất ngờ là vào tháng 8 năm 2003, Ngụy Vĩnh Khang bị Viện Khoa học Trung Quốc cho nghỉ học với lí do không thể thích nghi được với việc học nghiên cứu sinh. Sự thực là do Ngụy Vĩnh Khang không thể thích nghi được với cuộc sống.

Từ nhỏ cho đến khi bước chân vào Viện Khoa học Trung Quốc, tất cả những công việc hàng ngày liên quan đến việc hoạt động “sống” của Ngụy Vĩnh Khang đều do mẹ làm hết; thậm chí hơn 20 tuổi mà ăn cơm, giặt quần áo, tắm, rửa mặt, bê bát, cậu đều cần đến sự giúp đỡ của mẹ” (tr. 34).

Trong sách cũng có phần chú thích về Ngụy Vĩnh Khang như sau:

“Ngụy Vĩnh Khang (1983) được coi là thần đồng Trung Quốc, sinh ra trong một gia đình bình thường tại huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam. Cha là Ngụy Bỉnh Nam, một thương binh phải nằm liệt giường do bị thương khi tham gia vào cuộc chiến tranh Triều Tiên. Mẹ là Tăng Học Mai, một công nhân bình thường. Mới hai tuổi, cậu bé Ngụy Vĩnh Khang đã nức tiếng gần xa với câu chuyện “Thần đồng phương Đông”.

Trường hợp của thần đồng Ngụy Vĩnh Khang ở trên phản ánh có tính chất biểu tượng điểm yếu chết người của giáo dục kiểu cũ: Gia đình và nhà trường đã chỉ chú tâm đến giáo dục tri thức khoa học và thi cử mà bỏ quên giáo dục tinh thần tự lập.

Tự lập đầu tiên của con người là tự lập trong sinh hoạt đời sống thường ngày.

Những thói quen đời sống như ăn, mặc, ở, vệ sinh, đi lại, ngủ, thức dậy…phải được hình thành đúng cách thông qua sự trải nghiệm có hướng dẫn từ khi trẻ ra đời cho đến khi hết tiểu học.

Tuy nhiên, giáo dục gia đình chỉ nằm trong phạm trù kinh nghiệm. Cha mẹ chủ yếu dạy con về đạo lý và xử thế cùng các kĩ năng sinh hoạt sơ sài và vụn vặt. Cha mẹ không có đủ nhãn quan để nhìn rộng hơn để biết thông qua giáo dục các thói quen sinh hoạt lành mạnh mà tạo lập con người khỏe mạnh cả về thể chất và tâm hồn.

  Nhiều trẻ em thiếu kỹ năng sống, được bao bọc quá nhiều

Nhiều trẻ em thiếu kỹ năng sống, được bao bọc quá nhiều

Trẻ chủ yếu học kĩ năng và kinh nghiệm đời sống một cách tự phát nhờ vào sinh hoạt trong đại gia đình nhiều thế hệ và đời sống xã hội địa phương (chơi cùng trẻ em khác, sinh hoạt cộng đồng, tham gia vào sản xuất…)

Tuy nhiên, khi xã hội công nghiệp hóa, đại gia đình nhiều thế hệ bị phá vỡ, chức năng sản xuất của gia đình bị chuyển ra không gian khác (nhà máy, công sở), cộng đồng địa phương truyền thống không còn tồn tại (cư dân sống trong đô thị, trong chung cư không có mối quan hệ gắn bó về huyết thống, sản xuất…), các kĩ năng xã hội của trẻ em không có cơ hội được hình thành đúng cách. Trường học chỉ tập trung vào nội dung các môn giáo khoa và thi cử.

Nếu nhìn vào chương trình giáo dục của Việt Nam, người làm nghề sẽ nhận ra rằng nó thiếu vắng một nội dung vô cùng quan trọng là Giáo dục Đời sống.

Nếu như ở Nhật học sinh được học môn Đời sống (lớp 1, 2), Xã hội (từ lớp 3-12), Gia đình (3-12)… để trải nghiệm và nâng cao trải nghiệm về đời sống thì ở Việt Nam ngay cả trong chương trình mới nhất người ta cũng thấy sự mờ nhạt của nội dung này.

Học sinh không được học một cách thật sự (cả tri thức và kĩ năng thực hành) về ăn, mặc, ở, vệ sinh, điều chỉnh nhịp điệu sinh học… trong nhà trường nơi học sinh sử dụng phần lớn thời gian của mình.

Trong chương trình học cho dù có nói đến và một số môn như Đạo đức, tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội…có nói đến đời sống nhưng nó chỉ dừng lại ở dạng “Giáo dục bằng và thông qua ngôn ngữ” kiểu thầy giảng giải trò nghe. Một kiểu giáo dục cổ điển không thích hợp với giáo dục đời sống.

Tư duy của người làm chương trình, viết sách giáo khoa và cả giáo viên dạy trực tiếp về giáo dục đời sống rất kém.

Ví dụ, nếu làm một thí nghiệm đại trà thử cho học sinh tiểu học rửa tay, gấp quần áo, sắp xếp đồ đạc, tự lập thời gian biểu sinh hoạt… thì bao nhiêu em sẽ làm đúng cách?

Nếu bắt giáo viên thi nội dung này, bao nhiêu giáo viên mầm non, tiểu học sẽ trở thành “khuôn vàng thước ngọc”.

Trong khi ở Nhật đấy là tiêu chuẩn bắt buộc để trở thành giáo viên ở bậc học này vì một trong những nội dung lớn họ phải làm là “Chỉ đạo về đời sống”.

Các thực tập sinh kĩ năng Việt Nam (ở Việt Nam quen gọi là người đi xuất khẩu lao động) khi sang Nhật lao động cũng tiếp nhận “chỉ đạo đời sống” từ một người được chỉ định ở công ty (Luật quy định).

Họ sẽ hướng dẫn thực tập sinh về ăn, ở, đi lại, vệ sinh, chăm sóc bản thân…

Vì thiếu giáo dục đời sống nên cho dù thông minh, sáng láng và học hành tiên bộ, thi cử bách chiến bách thắng, 12 năm là học sinh giỏi trong các trường top đầu, rất nhiều học sinh Việt Nam có sự trưởng thành trong nhận thức xã hội và kinh nghiệm đời sống nhợt nhạt.

Nhiều em sống, lớn lên và thành người lớn như cỏ dại.

Nhìn vào xã hội, nhìn vào đường phố, nhìn vào thanh niên, nhìn vào nhà cửa, ăn uống, tiệc tùng, ma chay, cưới xin là thấy. Tất cả bày ra đấy vì không được học.

Con ngoan trò giỏi nhưng... chẳng để làm gì

Từ 'Thần đồng phương Đông', nghĩ về câu chuyện giáo dục ở Việt Nam 2

Có hai câu chuyện thật thế này. Xin kể lại: 

Khi ở Nhật tôi thường đi làm thông dịch viên miễn phí cho bạn bè người quen ở Nhật khi họ cần xin cho con đi học, đưa con đi khám bệnh. Có một chị khi cho con đi chữa răng sâu đã bị bác sĩ từ chối hai lần vì đánh răng cho con không sạch (do không đánh răng đúng cách). Lần thứ ba, hết kiên nhẫn ông bác sĩ cho y tá đánh lại. Một tiền lệ ít có.

Một ông bạn khác của tôi là tiến sĩ hóa học ở Đức về. Ông kể ông phải vào viện điều trị lâu dài vì sau một thời gian dài học gạo ông bị hưng cảm thần kinh quá mức không ngủ được và ngủ không ngon.

Bác sĩ đông y khám chữa cho ông cho rằng toàn bộ nhịp điệu sinh học của ông đã bị hỏng do thức, ngủ bừa bãi và sinh hoạt không điều độ thời còn là học sinh, sinh viên. Ăn cơm cùng tôi ông hay nhắc đi nhắc lại cay đắng rằng suốt gần 20 năm là con ngoan trò giỏi nhưng giờ mới biết “chẳng để làm gì”.

Sợ hơn ông bảo số bệnh nhân đang điều trị cùng ông nhiều kinh khủng và toàn là thanh niên. Nhìn bên ngoài to cao, đẹp đẽ nhưng cơ thể thì rệu rã và tinh thần thì chán nản.

Trong xã hội ngày nay, nhiều gia đình giàu lên nhanh. Ý thức về việc học để thay đổi địa vị mạnh lên trong dân chúng. Chính vì vậy rất nhiều gia đình ở nông thôn hi sinh hết cho con để con học. Con không cần phải làm gì chỉ cần ngồi vào bàn học để có điểm cao và thi đỗ.

Kết quả là một thế hệ thanh niên “Nghèo nhưng không khổ” trở thành sinh viên đại học và thành người trường thành.

Ở họ có trí tuệ nhưng thiếu sự cảm thông.

Có thông minh nhưng thiếu bao dung và kiên nhẫn.

Có tham vọng nhưng thiếu khả năng chịu đựng gian khổ

Và khi kết hôn, có gia đình, phải nuôi con chắc chắn họ sẽ gặp khó khăn trong thế giới tinh thần vì tinh thần của họ đã không được giáo dục tốt thông qua đời sống. Họ sẽ luôn cảm thấy tự ti hoặc bực dọc, chán nản hoặc phản ứng cực đoan mang sắc màu bạo lực.

(Nguồn: Facebook Nguyễn Quốc Vương - Tít do Gia Đình Mới đặt lại)

Nguyễn Quốc Vương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO