Báo Điện tử Gia đình Mới

Vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em diễn ra phổ biến trong giáo dục Việt Nam

2 vụ việc ép trẻ tát bạn thời gian vừa qua đã cho thấy hiện trạng vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em diễn ra khá phổ biến trong giáo dục Việt Nam.

  TS.Vũ Thu Hương cho biết:

TS.Vũ Thu Hương cho biết: "ép trẻ tát bạn cho thấy hiện trạng vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em diễn ra khá phổ biến trong giáo dục Việt Nam"

Hai vụ việc cô giáo ép trẻ tát vào mặt bạn xảy ra liên tiếp trong mấy ngày qua đã cho thấy hiện trạng vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em diễn ra khá phổ biến trong giáo dục Việt Nam.

Trao đổi với Gia Đình Mới về vấn để này, TS. Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Như chúng ta đã biết Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990.

Hai trong những quyền trẻ em nằm trong Công ước này là: Quyền riêng tư và sự giáo dục không bạo lực trong ý nghĩa của bình đẳng và hòa bình và Quyền được trợ giúp ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp và thảm họa, và được bảo vệ khỏi sự tàn ác, bỏ bê, lạm dụng, khai thác và bách hại.

Tuy nhiên, 2 vụ việc ép trẻ tát bạn thời gian vừa qua đã cho thấy hiện trạng vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em diễn ra khá phổ biến trong giáo dục Việt Nam”. 

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương chỉ rõ, tuần qua, câu chuyện 231 cái tát do cô giáo yêu cầu cả lớp tát bạn để tỏ rõ uy quyền của mình đã làm nóng mọi diễn đàn giáo dục.

Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì ngay tại Hà Nội, một cô giáo tại ngôi trường nổi tiếng thuộc loại hàng đầu Thủ đô lại sử dụng biện pháp tát bạn để bạo hành học sinh.

Phải chăng giáo dục Việt Nam là phải bạo lực? Phải chăng giáo viên là người có đầy uy quyền và muốn làm gì cũng được những đứa trẻ. Phải chăng các giáo viên không có cách nào khác phải sử dụng những hình thức độc ác như vậy để giáo dục trẻ? Liệu rằng hành hạ người khác, đặc biệt là 1 đứa trẻ, họ có vui không?

  Trường học sử dụng hình thức trắc nghiệm các câu hỏi để ép cung trẻ em. Ảnh minh họa

Trường học sử dụng hình thức trắc nghiệm các câu hỏi để ép cung trẻ em. Ảnh minh họa

Rồi khi bị báo chí, cộng đồng mạng giận dữ lên án, trường học đã sử dụng hình thức trắc nghiệm các câu hỏi để ép cung trẻ em. Những đứa trẻ thơ ngây bị ép phải nói dối để làm giảm nhẹ tội trạng cho cô giáo, người đã thật sự gây ra vụ việc đáng sợ đó.

Rõ ràng khi bạo hành đã xảy ra, những đứa trẻ vẫn không được bảo vệ. Chúng vẫn không được bảo vệ khỏi sự tàn ác, lạm dụng, khai thác và bức hại như công ước đã nêu rõ.

Vị chuyên gia giáo dục này đã dẫn chứng bằng một câu chuyện cụ thể: “Tháng 9 năm nay, khi các trường đang rục rịch khai giảng, một phụ huynh đã đến tìm tôi và chia sẻ nỗi ấm ức vì con trai bị cô giáo trông trưa bạo hành. Con trai cô ấy là một cậu bé rất ngoan, đặc biệt hiểu biết. Thằng bé là đứa trẻ được dạy dỗ bài bản nên rất rõ các nội quy, luật lệ dù mới 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1.

Khi vào lớp, con không bao giờ phá rối, gây sự, để cô giáo mắng. Đơn giản vì con hiểu rằng tuyệt đối không được làm phiền người khác.

Thằng bé bị đánh chỉ vì con không có thói quen ngủ trưa. Trong giờ bán trú, cô giáo đã cầm thước quật vào chân con 2 cái khi cô đi kiểm tra. Vụ việc lặp lại suốt hơn 1 tuần và cháu bé vô cùng bức xúc. Cháu bé đã chia sẻ việc này với thái độ bất tuân cô giáo. Cháu nói cô giáo bạo hành con, ngôi trường này không tốt vì có những người giáo viên trông trưa bạo hành trẻ.

Sau khi nghe tôi tư vấn, người mẹ quyết định rèn nếp ngủ trưa cho con để con đỡ bị bạo hành. Tôi cũng đã nói chuyện và hứa với con là nếu việc bạo hành này diễn ra, tôi sẽ là người trực tiếp xử lý vấn đề bạo hành tại ngôi trường nói trên. Thật may sau 1 tuần nghỉ lễ 2/9, con đã có nếp ngủ trưa và trở lại trường an toàn và vui tươi”.

Việc bị các cô trông trưa, các bạn lớp trưởng lớp phó đánh vào giờ ngủ trưa không hề hiếm gặp ở các trường học Việt Nam. Có vô vàn phản ánh như trường hợp trên. Vì thế, có thể nói, bạo hành đã trở thành kiểu giáo dục quen thuộc tại nước ta.

“Đã 28 năm trôi qua kể từ ngày Việt Nam đặt bút kí vào Công ước quyền trẻ em. Vậy nhưng suốt 28 năm qua, chúng ta vẫn không thể xây dựng cho trẻ một môi trường giáo dục không bao lực.

Liệu rằng việc thay đổi một chương trình mới, một bộ sách giáo khoa mới, có cần thiết khi kiểu giáo dục bạo lực này vẫn tồn tại trong các trường học Việt Nam. Điều này chúng tôi chờ đợi câu trả lời từ phía bộ Giáo dục và Đào tạo” – TS Thu Hương nói.

An Bình/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO