Báo Điện tử Gia đình Mới

Giữ lửa nồi cháo 10 năm vì đâu đó vẫn có người nhịn ăn để tiền chữa bệnh

Mỗi bát cháo nóng trong hàng ngàn suất ăn mỗi ngày dành cho bệnh nhân ung thư đều chứa đựng tình thương bao la của những nhà hảo tâm đối với những số phận bên hành lang bệnh viện.

Không có gì ngoài cả tấm lòng 

Ngược thời gian 11 năm trước, vào năm 2006 qua báo chí ni sư Thích Nữ Như Hiền trụ trì chùa Linh Sơn (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng một người bạn biết được có một bệnh nhân người dân tộc Thái bị ung thư lưỡi. Lưỡi của người ấy lúc đó dài đến hơn 20 phân, cân lên còn được 2,3 cân.

Ở thời ấy, bị ung thư cũng giống như nhận một án tử treo lơ lửng trên đầu bệnh nhân. Biết được hoàn cảnh người bệnh khó khăn, sư thầy biết vậy tới bệnh viện K thăm và tặng tiền để người nhà chuẩn bị đưa về lo hậu sự.

Đến khi tới nơi thì nhiều người khổ quá cũng xin tiền thầy. Thương người, thầy cho hết đến nỗi không còn tiền để đi xe về nữa. Nhìn cảnh người dân nhiều khi nhịn đói dành tiền mua thuốc, ni sư liền nảy ra ý tưởng nấu những suất ăn miễn phí cho bệnh nhân ung thư.

Ban đầu, thầy bỏ tiền túi ra nấu 50 suất cháo để phát cho bệnh nhân. Những bát cháo đầu tiên đã đến tay của những người nghèo khó với tất cả sự xúc động, ấm áp tình người. Từ đó, người nọ mách người kia, các nhà hảo tâm tìm đến ủng hộ công việc từ thiện của thầy.

Thầy kể: “Ở đây ai công đức gì là chúng tôi nhận hết. Từ rau, củ, quả cho đến tiền mặt. Có gia đình mỗi tháng đóng góp 10 triệu là nhiều nhất. Hôm rồi có bà cụ hôm trước mang đến 3 lạng gạo, hôm thì bà mang đến 1 cái bắp cải. Người ta khó khăn nhưng vẫn nhịn ăn một phần để đem đi đóng góp cho những bệnh nhân ngoài kia”.

Bác Phương (62 tuổi), người đã làm công việc từ thiện này từ những năm đầu tiên chia sẻ: “Tôi đi phát cơm ở bệnh viện mới thấy có nhiều người khổ quá. Có bệnh nhân không ăn uống được thì chia ra cho người nhà của họ ăn. Có người thì bị u bưới to quá chặn hết cổ họng, vợ lếch thếch đi theo cứ nhìn những suất cơm nhưng không dám xin vì không có phiếu nhưng tôi vẫn bảo họ chờ đến khi phát hết những suất có phiếu vì lúc nào chúng tôi cũng nấu thêm mấy chục suất dư ra”.

Người góp công, người góp của đến hôm nay mỗi ngày có 500 suất cơm, 700 suất cháo được chở đi khắp cả 3 cơ sở của bệnh viện K dành tặng những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.

Vì những người đang chờ suất cháo ở đâu đó

Chị Trần Thị Tuyết (Nam Định), đang điều trị hoá chất ở bệnh viện K cơ sở 3 ở Tân Triều nhận xét: “Các món ăn đủ chất, tốt cho sức khoẻ của người bệnh chúng tôi. Mà những suất ăn này đỡ cho chúng tôi nhiều lắm chứ! Bao nhiêu chi phí mua thuốc thang, viện phí; đỡ được tiền ăn là đỡ được một khoản rồi”.

Anh Liều Quang Phà (Điện Biên) đang có con gái điều trị u xơ ở đây cũng cảm kích: “Tô cháo không phải bỏ tiền mua giúp được tôi một phần rồi”.

Để mang suất ăn đến cho bệnh nhân nghèo, các cơ sở từ thiện đều phải xin phép bệnh viện, thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các bệnh viện còn yêu cầu phải lưu lại một suất trong tủ lạnh một thời gian để đề phòng những vấn đề phát sinh đối với bệnh nhân.

Sư thầy Thích Nữ Như Hiền nhớ lại: “Có người sau này được ra viện lại quay lại chùa để cảm ơn. Có người không đến được thì viết thư, làm thơ tặng tôi”.

11 năm, ni sư Thích Nữ Như Hiền vẫn giữ nguyên tâm niệm: “Sức mình làm được đến đâu thì mình làm đến đấy, mình cho ai được tí nào người ta đỡ khổ thì mình làm”.

Dưới đây là ghi nhận của Phóng viên Gia đình mới: 

3

Đều đặn như vòng quay của kim đồng hồ, cứ 4 giờ sáng hàng ngày là cánh cổng chùa Linh Sơn mở ra.

Gần 30 người rời khỏi nhà khi trời vẫn còn tối mịt cùng sư thầy Thích Nữ Như Hiền, với cái tâm phục vụ người ốm, bắt tay vào việc.

Đến 9 giờ sáng mọi suất cơm đã nằm ngay ngắn trên xe ô tô chở cơm đến các cơ sở bệnh viện K, không để bệnh nhân phải chờ.

4

Người nhóm bếp, nhặt rau, tất bật cùng nhau hoàn thành hàng trăm suất cơm như một việc đã quá quen thuộc suốt 11 năm qua.

Sư thầy tuổi đã ngoài 70 nhưng vẫn tham gia vào tất cả các công đoạn từ sơ chế, nấu nướng, chia cơm cho các suất ăn.

6

Bên hành lang bệnh viện, trong hàng người nối dài ấy là những câu chuyện đẫm nước mắt. Có những người đã ăn những suất cơm ấy 6 năm trời, đồng nghĩa với 6 năm nằm viện.

7

Một phụ nữ trong số hàng trăm người đến xếp hàng từ sớm chờ chuyến xe chở cháo từ thiện buổi sáng ở bệnh viện K3.

Con rể đột tử, chồng bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, chị phải bỏ hết ruộng vườn ở nhà đi lên viện để chăm sóc chồng. Chi phí chữa bệnh cũng đi vay hết người nọ đến người kia với niềm tin "Mình còn sức thì mình làm trả nợ được". Tâm sự với tôi vài câu, bỗng nhiên chị bật khóc...

8

Đối với những bệnh nhân đang truyền nước hoặc không có sức xuống lấy cơm nữa, người phát cơm sẽ mang lên tận phòng cho bệnh nhân.

9

“Cảm ơn cô chú, tôi cảm ơn cô chú và nhà chùa nhiều lắm!” là câu tôi nghe nhiều nhất từ bệnh nhân khi họ cầm trên tay suất ăn của mình.


Kiều Dương/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO