Giáo sư Nguyễn Bá Đức cho rằng, sẽ rất hữu ích nếu người bệnh chia sẻ tâm tư, suy nghĩ của mình với người thân hoặc với những người đã mắc và chiến thắng ung thư.

GS.TS Nguyễn Bá Đức mở đầu cuộc trò chuyện bằng những vần thơ ông viết về mùa thu – mùa mang lại nhiều cảm hứng sáng tác nhất cho ông.

Khuấy đều cốc cà phê sữa, Giáo sư Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương chia sẻ về những vấn đề xoay quanh căn bệnh ung thư, về những đứa trẻ mắc căn bệnh quái ác này và về cuộc đời thơ ca của ông bắt đầu từ khi nghỉ quản lý cách đây 10 năm.

Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng bởi cuộc gọi, màn hình sáng và hiện lên chữ ‘Vợ…’. Giáo sư Đức ái ngại nói xin lỗi, bà nhà tôi mới vào Đà Nẵng với con gái, tôi bận việc không đi cùng được, chắc gọi tôi có việc gì… Ông nhấc máy và xưng ‘anh’, gọi ‘em’ ngọt ngào.

Cơ duyên nào đã đưa ông tới với nghề y và sau đó là chuyên khoa ung thư?

- Mẹ tôi bị chết vì bệnh lao phổi. Đây là tác động lớn khiến tôi chọn ngành y. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đi học y để chữa bệnh, sau đó lại bén duyên với ngành ung thư.

Năm cuối đại học, nhà trường phân chuyên khoa cho mỗi sinh viên. Ai cũng thích theo nội, ngoại, sản, nhi, nhà trường phân tôi học chuyên khoa ung thư.

Hơn 40 năm trước, ông được chọn là một trong những người đầu tiên xây dựng ngành Ung thư Việt Nam. Nhớ lại những ngày đó, ông nhớ nhất điều gì?

- Đó là thời kỳ nghèo và khó khăn. Khó đến nỗi, khi xem tiêu bản trên kính hiển vi, tôi và các đồng nghiệp phải dùng đá cuội để ‘đếm tế bào ung thư’.

Máy xạ trị có một cái duy nhất của Liên Xô sản xuất mà không phải lúc nào cũng chạy được. Vào thời đó, thuốc chữa ung thư, hóa chất có tiền cũng khó mua được.

Trước tình hình khó khăn đó, lý do khiến ông ở lại theo đuổi ngành ung thư là gì, thưa giáo sư?

- Bước vào con đường chữa bệnh ung thư, tôi tìm được niềm hứng khởi và say mê. Khi làm việc, tiếp xúc với bệnh nhân, tình yêu thương con người của tôi lớn dần lên và lòng yêu nghề cũng lớn theo.

Niềm hứng khởi đó đến từ đâu, thưa ông?

- Tôi thấy phấn khởi khi giúp được nhiều bệnh nhân. Bất kì ai cũng thấy yêu nghề nếu làm có tâm và làm tốt phận sự của mình.

Trong số những người tạo nên niềm hứng khởi cho ông, người bệnh nào khiến ông nhớ nhất?

- Tôi có nhiều kỷ niệm với người bệnh lắm nhưng tôi nhớ nhất một bệnh nhân ung thư vú mà tôi điều trị khi bắt đầu làm việc tại Bệnh viện K.

Tôi nhớ, khi tôi được phong hàm Giáo sư, bệnh nhân đó đến tặng tôi lọ hoa nhỏ ghi dòng chữ ‘Kính tặng GS.TS. Nguyễn Bá Đức’ và ký ‘Bệnh nhân ung thư 40 năm’.

Ông đã bao giờ bất lực trước một ca bệnh nào chưa? Khi đó, ông đã làm gì?

- Có nhiều bệnh nhân, thậm chí là người thân của mình, tôi nhìn họ ra trong bất lực. Đau đớn nhất của người thầy thuốc là không cứu được người bệnh. Bác sĩ nào cũng muốn mình cứu sống được bệnh nhân nhưng nhiều khi cũng phải chấp nhận số phận.

Cuốn ‘Chiến thắng bệnh ung thư’ do ông là chủ biên tập hợp hơn 50 câu hỏi xoay quanh căn bệnh này. Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ung thư, câu hỏi mà ông nhận được nhiều nhất từ họ là gì?

- Tôi viết hơn 30 cuốn sách về chuyên môn. Trong đó, cuốn ‘Chiến thắng bệnh ung thư’ là những câu hỏi chắt lọc, những kiến thức thông thường về căn bệnh ung thư.

Những câu hỏi mà nhiều người bệnh ung thư thắc mắc nhất là: Tôi sống được bao lâu? Tại sao tôi bị bệnh? Tôi có phải kiêng gì không?

Với những câu hỏi đó, ông đã giải thích cho bệnh nhân như thế nào?

- Nhiều người bệnh ung thư hỏi ‘Tôi đã làm gì sai?’ hay ‘Tại sao lại là tôi?’. Họ tự vấn bản thân rằng họ đã làm gì để bị căn bệnh ung thư. Nhiều người tin họ bị trừng phạt do những việc họ đã từng làm ở ‘kiếp trước’ hoặc trong quá khứ.

Những người bệnh có suy nghĩ như vậy rất tai hại. Những bệnh nhân ung thư cần phải biết họ bị bệnh không phải là sự trừng phạt cho những điều họ đã làm hay không làm trong quá khứ mà phần lớn là do những tác nhân từ môi trường họ đang sống.

80% nguyên nhân gây ung thư do tác động môi trường, 20% do tế bào trong cơ thể tự đột biến. Con người cũng như cái xe chạy mãi cũng hỏng, tuổi càng cao càng hay hỏng hóc, càng dễ sinh ra tế bào lạ, phát triển lên. Vì thế ung thư không phải trời phạt, số phận, lỗi lầm gì mà do môi trường tạo ra.

Nhiều người nghĩ bị mắc bệnh ung thư là mang trong mình án tử hình. Nhưng sự thật hầu hết các loại bệnh ung thư đều có thể chữa trị được. Ở Việt Nam, có biết bao người đã chữa bệnh ung thư và đang sống khoẻ mạnh và tích cực.

Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh ung thư. Dinh dưỡng tốt là chế độ ăn uống hợp lý có nhiều trái cây, rau, ngũ cốc toàn phần, thịt có hàm lượng chất béo thấp, các sản phẩm từ sữa và hạn chế đường và chất béo.

Mỗi người bệnh lại có chế độ dinh dưỡng khác nhau. Mục đích của việc duy trì chế độ dinh dưỡng tốt để đảm bảo cho cơ thể đủ năng lượng chống đỡ với bệnh tật và các tác dụng phụ do điều trị gây nên.

Người bệnh ung thư thường có phản ứng đầu tiên như thế nào khi nghe tin, thưa giáo sư?

- Những người bệnh mới nghe tin đều có cảm xúc không tin, sốc, sợ hãi và giận dữ là bình thường. Những cảm xúc này khiến người bệnh mệt mỏi và suy sụp.

Người bệnh ung thư cần một khoảng thời gian để tiếp cận và hiểu về chẩn đoán ung thư cũng như các lựa chọn điều trị có ý nghĩa thế nào với họ và người thân, cả về vật chất và tinh thần.

Có một điều, người bệnh ung thư đừng giấu bệnh, đừng chần chừ. Sẽ rất hữu ích nếu người bệnh chia sẻ tâm tư, suy nghĩ của mình với người thân hoặc với những người đã mắc và chiến thắng ung thư.

Nhiều người chia sẻ, sau khi họ nhận chẩn đoán bị mắc ung thư, họ có cơ hội để dừng lại suy ngẫm về cuộc đời và tìm thấy sức mạnh, trải nghiệm này đã giúp họ tìm ra được ý nghĩa thực sự của cuộc sống.

Rõ ràng việc người bệnh ung thư chấp nhận chính mình và người thân của họ mắc bệnh là một điều khó khăn. Theo ông, người mắc ung thư sẽ chia sẻ như thế nào với gia đình và bạn bè về căn bệnh của họ để nhận được sự giúp đỡ?

- Nhiều người bệnh suy nghĩ việc họ bày tỏ sự buồn bã, nỗi sợ hãi và sự giận dữ là một việc làm thể hiện sự yếu đuối. Việc bày tỏ cảm xúc nhiều khi còn khó khăn hơn việc cố gắng che giấu chúng.

Có nhiều cách để người bệnh có thể thể hiện cảm xúc của mình mà không cần phải nói ra. Có người viết nhật ký, có người bày tỏ cảm xúc qua âm nhạc, thơ ca, hội hoạ…

Việc người bệnh ung thư chia sẻ, giải thích với gia đình, bạn bè cũng tránh được những cảm giác tủi thân khi gia đình, bạn bè họ không hiểu vấn đề, kỳ thị họ.

Hãy cố gắng mở rộng vòng tay bằng cách hướng tới bạn bè, gia đình và các tổ chức hỗ trợ. Đây là những người giúp bệnh nhân tránh cô đơn trong giai đoạn này.

Ông nói nhiều người bệnh ung thư bị kỳ thị. Sự kỳ thị đó là gì, thưa giáo sư?

- Nhiều người có suy nghĩ họ sẽ bị lây bệnh ung thư nếu tiếp xúc với người bệnh ung thư.

Vậy theo giáo sư, người bệnh ung thư cần chú ý những điều gì khi chia sẻ với gia đình và bạn bè?

- Người bệnh và người nhà cần trao đổi về những thay đổi trong sinh hoạt gia đình. Người bệnh có thể đưa ra những yêu cầu, nguyện vọng và sắp xếp công việc để đảm bảo mọi người đều cảm thấy có trách nhiệm với những thay đổi này.

Ngay cả trong một gia đình hoà thuận và yêu thương nhau thì các thành viên trong gia đình thi thoảng cũng sẽ cảm thấy bực bội hoặc mệt mỏi khi một người ốm làm xáo trộn nếp sinh hoạt.

Có thể người bệnh là nạn nhân của sự bực bội nhưng đó là phản ứng thông thường trước sự thay đổi quá lớn trong cuộc sống và lỗi không phải của người bệnh.

Trước khi nói với bạn bè và họ hàng về căn bệnh, người bệnh ung thư hãy suy nghĩ kỹ về cảm xúc và những lý do để nói cho họ biết và những điều mong chờ từ họ.

Người bệnh ung thư nên cố gắng giúp họ hiểu những gì đang trải qua, giải thích loại bệnh ung thư và các phương án điều trị có thể; nên cho họ một bức tranh rõ ràng và thành thật về cuộc sống của người bệnh ung thư lúc này.

Nói với họ rằng bệnh ung thư không phải là án tử hình và họ không thể bị lây bệnh từ người bệnh ung thư.

Với những gia đình có trẻ nhỏ, có nên chia sẻ cho chúng biết không, thưa giáo sư?

- Các thành viên trong gia đình cần quyết định trước thời điểm nào phù hợp nhất để nói chuyện với đứa trẻ về căn bệnh ung thư. Nhiều khi người lớn có những cảm xúc mạnh và riêng tư khi được chẩn đoán ung thư và họ có thể muốn bảo vệ con cái trước sự sợ hãi và lo lắng của họ.

Khi nói chuyện với trẻ em về bệnh ung thư, người lớn cần cho chúng những thông tin trung thực nhất mà chúng có thể hiểu được.

Khi được chẩn đoán mắc ung thư, bệnh nhân lúng túng không biết nên điều trị bệnh theo phương pháp nào. Ông có lời khuyên gì với họ?

- Hiện nay có bốn hình thức điều trị chính cho bệnh ung thư: mổ, xạ trị, hoá trị và trị liệu sinh học. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người.

Mỗi loại ung thư sẽ phản ứng có hiệu quả khác nhau với từng lựa chọn điều trị. Do đó, người bệnh ung thư cần biết rõ loại ung thư của mình để đưa ra quyết định hình thức điều trị hợp lý.

Lời khuyên với những bệnh nhân ung thư trong từng giai đoạn là gì, thưa bác sĩ?

- Với những bệnh nhân phát hiện trong giai đoạn sớm thì bác sĩ nên động viên họ, giúp họ có tinh thần chiến đấu và chiến thắng ung thư. Bệnh họ mắc có thể nhẹ hơn nhiều bệnh không phải ung thư khác, có thể khỏi được nếu điều trị bài bản, đến nơi đến chốn.

Bệnh nhân hãy trao đổi với các bác sĩ điều trị nếu có những thắc mắc về cơ hội chữa khỏi bệnh của mình và thời gian bệnh nhân có thể chiến thắng căn bệnh này. Bởi vì, bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân chính là người nắm rõ tình hình của họ nhất.

Nhiều trường hợp người bệnh phát hiện bệnh ung thư của mình ở giai đoạn cuối. Đây là một điều khó để đối mặt với bất kỳ ai. Bệnh nhân bị nặng có thể lựa chọn giải pháp điều trị giảm nhẹ các triệu chứng và chăm sóc nâng cao chất lượng sống một cách tốt nhất.

Những yếu tố nào ảnh hưởng tới khả năng điều trị bệnh ung thư, thưa ông?

- Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng điều trị khỏi bệnh ung thư: loại bệnh ung thư, giai đoạn bệnh và đáp ứng của bệnh với điều trị.

Có nhiều loại bệnh ung thư hiện nay có thể điều trị khỏi. Khoảng 7 trong số 10 trẻ em mắc ung thư có thể khỏi bệnh.

Ung thư tinh hoàn, phần lớn các trường hợp ung thư da có thể chứa khỏi bằng phẫu thuật. Nhiều trường hợp bệnh ung thư tuyến giáp trạng và ung thư dây thanh được điều trị khỏi bằng xạ trị. 75% bệnh nhân ung thư vú có thể được điều trị khỏi nếu bệnh được phát triển ở giai đoạn sớm.

Ông từng chia sẻ, ung thư giống như cái hoạ. Ông có thể nói rõ hơn về cái hoạ mà ông nhắc tới là gì?

- Ung thư giống như cái họa. Mà họa thì vô đơn chí. Cái họa ung thư ập đến, nghĩa là đau đớn về thể xác, khủng hoảng về tinh thần. Rồi kéo theo cái họa kiệt quệ tài sản... mà vẫn không qua khỏi. Có khi, người bệnh chết rồi mà cái họa vẫn không tha cho những người còn sống.

Như giáo sư nói thì bệnh ung thư có thể chữa khỏi được?

- Trên 80% bệnh nhân ung thư có thể chữa khỏi bệnh ở giai đoạn sớm. Những người đã được điều trị thành công bệnh ung thư và không có bệnh tái phát trở lại trong vòng 5 năm được coi là điều trị khỏi, do nguy cơ bệnh tái phát trở lại là rất thấp.

Điều ông nghĩ mình làm được nhất khi sáng lập Bệnh viện K cơ sở 2 và cơ sở 3 là gì?

- Đó là việc thành lập Khoa Nhi và Khoa Chống đau.

Đối tượng bệnh nhân của khoa Chống đau là ai và sự chăm sóc với họ có gì khác biệt so với các khoa khác?

- Khoa Chống đau là những bệnh nhân nặng. Tại Khoa Chống đau, tuỳ vào mức độ bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ cân nhắc phương án điều trị.

Hiện nay, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư không chỉ là kéo dài sự sống mà đó còn là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Ngoài ra, chăm sóc giảm nhẹ chủ yếu để tránh sự mệt mỏi, căng thẳng cho người nhà.

Tại Bệnh viện K, Khoa Chống đau đã lập kế hoạch chăm sóc theo từng bước tương ứng các giai đoạn bệnh cho đến sau khi bệnh nhân mất:

Điều trị nâng cao thể trạng.

Điều trị các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu, mất ngủ.

Điều trị các triệu chứng gây ra bởi tác dụng phụ của điều trị đặc hiệu như đau, nôn, tiêu chảy, táo bón, nhiễm trùng, thiếu máu, chảy máu, rụng tóc, tổn thương da, loét trợt giai đoạn sớm.

Kiểm soát cơn đau.

Kiểm soát cơn khó thở.

Chăm sóc loét – hoại tử.

Chăm sóc thân nhân sau khi bệnh nhân mất.

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của khoa Chống đau?

- Tôi nghĩ Khoa Chống đau cần thiết với các bệnh viện chứ không riêng gì bệnh viện K. Bệnh viện K đã thành lập Khoa Chống đau từ năm 2000. Đến nay, khoa đã đóng góp quan trọng trong công tác chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư.

Trong điều trị ung thư, công tác chăm sóc giảm nhẹ có vai trò rất quan trọng, nhất là trong điều kiện ở nước ta người bệnh bị ung thư đa số đến khám ở giai đoạn muộn.

Xuất phát từ đâu mà ông thành lập Khoa Nhi chuyên điều trị ung thư cho trẻ em? Phải chăng tỷ lệ ung thư ở trẻ con ngày một gia tăng?

- Trước đây, tôi đi đến khoa nào cũng có bệnh nhân là trẻ em. Tôi nghĩ trẻ em cần có điều kiện chăm sóc khác nên đã nảy sinh chuyện xây dựng khoa trẻ em ung thư.

Theo ông, nguyên nhân chính mà trẻ em Việt Nam mắc ung thư là gì?

- Các nguyên nhân gây ung thư: thực phẩm bẩn chiếm 35%, hút thuốc lá chiếm 30%, di truyền chiếm 10% và đến từ các nguyên nhân khác là 15%.

Trẻ em mắc ung thư thường có liên quan tới yếu tố di truyền; đột nhiễm, phơi nhiễm thường bị ảnh hưởng khi đứa trẻ còn trong bào thai. Cơ thể trẻ em mỏng manh nên dễ bị tổn thương hơn người lớn.

Theo giáo sư, các y bác sĩ làm việc tại Khoa Nhi cần phải chú ý điều gì?

- Các bác sĩ tại Khoa Nhi, Bệnh viện K phải được đào tạo bài bản cả hai lĩnh vực: nhi khoa và ung thư học. Nếu bác sĩ đã học chuyên khoa nhi thì cần học thêm chuyên khoa về ung thư và ngược lại. Tâm lý trẻ em như thế nào và việc chăm sóc trẻ em ra sao, bác sĩ phải thành thạo.

Trẻ em khó có thể nói ra các triệu chứng cơ thể, chúng chỉ biết kêu đau. Nên bác sĩ phải biết cách lắng nghe để hiểu và có cách chăm sóc cho trẻ em tốt.

Bí quyết để nói chuyện với trẻ em mắc ung thư là gì, thưa giáo sư?

- Tôi nghĩ, các bé không nhất thiết phải hiểu ung thư là bệnh gì, chỉ cần làm cách dỗ các bé nằm viện để điều trị. Khoa Nhi ở Bệnh viện K được trang trí như một nhà trẻ, có đồ chơi và tranh trên tường sinh động, giúp các bé vui tươi và thoải mái dù đang mắc bệnh.

Với những bé bị nặng, không đi lại được thì các bác sĩ sẽ hỏi han ngay tại giường bệnh. Còn những bệnh nhân có thể đi lại, vui chơi được thì các bác sĩ cùng các bé tới khu đồ chơi của khoa, vừa chơi bác sĩ vừa hỏi han bệnh và giải thích cho bé hiểu.

Như ông chia sẻ, ông là người tâm huyết với bệnh nhân ung thư là trẻ con. Kỷ niệm nào với bệnh nhi ung thư mà ông nhớ nhất?

- Tôi nhớ mãi một bé tên Thuý bị ung thư máu, nằm ở Bệnh viện K trong ba năm. Thuý sinh ra trong một gia đình hoàn cảnh có bố bị nghiện, đi tập trung cai nghiện ở trung tâm và mẹ bỏ đi lấy chồng.

Thuý ở cùng bà. Hai nỗi bất hạnh gánh trên đôi vai cô bé 6 tuổi nhưng bé luôn hồn nhiên, nhí nhảnh.

Nhìn thấy đầu của cháu bị trọc lốc vì theo phác đồ điều trị, tôi thương lắm. Nhớ lại đôi mắt trong trẻo của Thuý, tôi đã viết cho cô bé mấy vấn thơ: ‘6 tuổi đầu 3 năm nằm viện/ Đôi mắt trong còn mãi nụ cười tươi…’

Hình ảnh đó đã thôi thúc tôi và một số đồng chí ở Bộ Y tế phát động phong trào quyên góp ủng hộ cho bệnh nhân ung thư nghèo và có hoàn cảnh khó khăn.

Đến nay, quỹ đó còn hoạt động không, thưa ông?

- Từ câu chuyện của bé Thuý, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng ra đời, tập trung chính vào đối tượng trẻ em và những người nghèo khác. Từ đó đến nay, quỹ hỗ trợ các bệnh nhân ung thư khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm.

Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng là tổ chức hoạt động từ thiện được thành lập ngày 18-8-2011 theo Quyết định số 1583/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ.

Quỹ có chức năng, nhiệm vụ chính là hỗ trợ bệnh nhân ung thư nghèo trên toàn quốc; hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và tuyên truyền phòng chống ung thư cũng như thực hiện sự ủy thác của các nhà tài trợ.

Trong 5 năm qua, Quỹ đã vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: hỗ trợ điều trị và tặng quà cho 16.103 bệnh nhân ung thư nghèo trên toàn quốc trị giá hơn 16 tỷ đồng; đã và đang hỗ trợ thuốc điều trị ung thư cho bệnh nhân trị giá hơn 400 tỷ đồng; Khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cho hơn 43.000 người dân trị giá hơn 21 tỷ đồng. 

10 năm nghỉ quản lý và 5 năm nghỉ hưu, ông dành thời gian cho điều gì?

- Tôi dành thời gian cho gia đình, bạn bè và thơ. Tôi vẫn làm việc nhưng khối lượng công việc không nhiều như trước.

Vậy là từ khi nghỉ quản lý, ông mới bắt đầu sáng tác thơ?

- Trước đây, tôi có làm một vài bài thơ đăng báo tường. Công việc quay cuồng, khi nghỉ hưu thì thơ lại về. Nhiều người hỏi ngày trước không bao giờ thấy tôi làm thơ mà chục năm nay lại sáng tác.

Bản thân tôi nghĩ mãi không ra. Cuối cùng, có người bạn bảo tôi mà tôi thấy đúng nhất ‘Khi không làm được gì nữa thì làm thơ’.

Cảm hứng sáng tác thơ của ông đến từ đâu?

- Cảm hứng sáng tác của tôi đến nhiều nhất từ gia đình. Hầu như bài thơ nào tôi sáng tác cũng có bóng dáng gia đình ở đó. Trong đó, hình ảnh vợ tôi chiếm tới 50%. Nó giống như nhật ký vậy.

Tôi thường tranh thủ trước giờ hội thảo, giờ giải lao giữa các tiết dạy, những chuyến đi chơi, công tác nước ngoài dài ngày… để làm thơ.

Bài thơ đầu tiên ông viết có phải dành tặng người vợ của mình không?

- Bài đầu tiên tôi viết trong hoàn cảnh vợ đi Đà Nẵng, ở nhà một mình, lang thang, cảm hứng sáng tác tự nhiên đến. Tôi viết xong gửi ngay cho vợ. Bà ấy rất thích.

Bài mới nhất tôi làm cũng là về vợ của mình, cũng trong hoàn cảnh vợ đi vào Đà Nẵng với con gái, tôi không đi cùng được, ở nhà một mình, xem lại ảnh hai vợ chồng chụp ở vườn cúc hoạ mi, sáng tác bài ‘Màu trắng cúc hoạ mi’.

Trong số 7 cuốn thơ đã xuất bản, ông có bài thơ nào lấy cảm hứng từ người bệnh nhân ung thư không?

- Cũng có nhiều. Tôi nhớ mãi bài ‘Mẹ vẫn tin’ quý tặng chị Đậu Thị Huyền Trâm - người mẹ từ chối chữa bệnh ung thư để cứu sống đứa con của mình.  

Có vẻ như thời gian ông dành cho thơ khá nhiều, vợ ông đã phản ứng như thế nào về điều này?

- Có những lúc vợ bảo tôi đừng làm thơ nữa, mất thời gian. Nhưng sau khi tôi sáng tác, tôi đưa cho vợ đọc thì vợ đều thấy vui. Cũng có những khi tôi dùng thơ để hoá giải những tranh cãi giữa hai vợ chồng. Mọi tranh cãi đều bị ngã gục trước thơ.

Hôm trước, tôi làm một bài thơ nhân dịp hai vợ chồng đi chơi ở vườn cúc hoạ mi. Vợ tôi bảo ‘Thôi anh đừng đăng ảnh lên facebook nữa’ – ‘Không, đấy là ảnh đăng trước thôi. Đảm bảo mai anh đăng ảnh đẹp, em sẽ thích’, tôi đáp lại.

Nên hôm qua tôi gửi ngay cho vợ duyệt hình ảnh trước khi đăng lên trang cá nhân. Chắc chắn vợ sẽ khen bài thơ tôi viết tặng bà ấy.

Thơ mang tới cho ông điều gì?

- Thơ mang tới cho tôi những trải nghiệm.

Tất cả những gì trước đây tôi không nói ra được thì giờ tôi thể hiện chúng qua thơ. Tôi viết thơ cũng không dài, cố gắng dừng lại chỉ ở mức 4 – 5 khổ nên phải cô đọng và dùng từ ‘đắt’.

Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện!

Tú Anh - Ái Linh - Thu Hương

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO