Báo Điện tử Gia đình Mới

Hà Nội: Hơn 85% ca mắc sởi chưa được tiêm phòng bệnh

Nhiều phụ huynh còn chủ quan không cho trẻ tiêm phòng sởi hoặc cho rằng, sởi là bệnh lành tính nên không chú trọng điều trị. Nhưng trên thực tế, không ít bệnh nhân bị biến chứng, có khi tử vong vì sởi.

Bệnh sởi thường phát vào dịp mùa đông xuân

Bệnh sởi thường phát vào dịp mùa đông xuân

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, năm 2017, cả nước có 431 trường hợp phát ban nghi sởi.

Trong số 141 trường hợp dương tính với sởi có 54 trường hợp dưới 9 tháng chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 trường hợp không tiêm chủng.

Riêng Hà Nội ghi nhận 83 trường hợp mắc sởi, 1 ca tử vong. Đặc biệt, 85,5% số ca mắc bệnh chưa được tiêm phòng bệnh sởi.

Tin vào các lời đồn thổi về sự cố, nguy hại trong tiêm sởi như tiêm nhầm vắc xin, phản ứng phụ có thể khiến trẻ yếu, tử vong nên không ít cha mẹ lơ là không đưa trẻ đi tiêm chủng.

Chưa kể tới, nhiều người cho rằng bệnh lành tính, chỉ bị một lần trong đời, ‘giữ kín gió, kín nước’ có thể khỏi nên không mấy người mặn mà với vắc xin sởi.

Tuy nhiên, virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng, lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc gần nên dễ có thể gây dịch lớn.

Theo ông Trần Đắc Phu, các ca mắc sởi đa số đều do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ số mũi theo quy định. Trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng sởi nguy cơ mắc bệnh lên tới 99%.

Chưa kể tới, sởi có khả năng biến chứng nặng nề, đặc biệt với trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng

Trao đổi với Gia Đình Mới về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vi rút gây bệnh sởi làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tay giữa. Phần lớn trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng.

Có 2 dấu hiệu chính để cha mẹ nhận biết trẻ bị viêm phổi. Đó là khi thấy trẻ thở nhanh và rút lõm lồng ngực. Dấu hiệu thở nhanh ở trẻ được hiểu là, một em bé bị sởi, kèm theo ho hoặc sốt mà xuất hiện nhịp thở nhanh hơn những ngày thường.

Ngoài ra, biến chứng viêm não có thể xuất hiện khi sởi đã bay hết nên cha mẹ lại chủ quan. Biến chứng càng nặng nề khi trẻ nhỏ tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, thể trạng yếu.

Bên cạnh đó, bác sĩ lưu ý, sởi kị nhất corticord – thành phần có rất nhiều trong thuốc. Vì vậy, cha mẹ nên thận trọng trong việc sử dụng thuốc cho con.

Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh không nên dùng thuốc đông y bừa bãi. Khi trẻ có biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, ho nhiều, tiêu chảy…, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị tránh biến chứng.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên, cha mẹ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, nằm nơi ấm áp, tránh gió, không cần kiêng tắm.   

Phân biệt sốt phát ban và sởi:

Sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39 độ C, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.

Phát ban thông thường là những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm. Quá trình mọc ban đỏ cũng không theo trình tự nào, có thể sau sốt 1 – 2 ngày.

Còn sởi thì ban xuất hiện ở sau tai trước, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.

Bắt đầu với các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39 - 40oC mệt mỏi kèm chảy nước mũi, ho, nổi phát ban.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO