Báo Điện tử Gia đình Mới

Hà Nội xuất hiện ca viêm não Nhật Bản đầu tiên năm 2018

Bệnh nhân là một bé gái 10 tuổi ở xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội, nhập viện với các triệu chứng sốt cao, li bì...

Trao đổi với báo chí chiều 11/6, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên năm 2018. Hiện, bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng sức khỏe tiến triển rất tích cực.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, tuần trước, khoa Truyền nhiễm tiếp nhận 2 trẻ mắc viêm não Nhật Bản rất nặng. Hai ca này đều không tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine theo quy định.

Bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản nặng, phải thở máy đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản nặng, phải thở máy đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương

Hiện, khoa đang điều trị nội trú cho hơn 20 ca viêm não, ngoài ra còn nhiều ca bệnh kèm viêm màng não. Các bệnh nhân nằm điều trị chủ yếu ở khoa Hồi sức, Truyền nhiễm. Trong số này có một số trẻ mắc bệnh nặng, phải thở máy.

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25-35%). Từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần như sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp…

Điều đáng nói là bệnh viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1 - 2 ngày là trẻ tử vong. Nguy hiểm hơn là bệnh để lại những di chứng thần kinh về sau.

Theo các chuyên gia y tế, hiện tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đã có trong chương trình tiêm chủng quốc gia do đó cha mẹ nên lưu ý thực hiện các mũi tiêm này từ khi trẻ còn nhỏ theo thời gian sau: 

Mũi 1: khi trẻ 1 tuổi.

Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.

Mũi 3: 1 năm sau khi tiêm mũi 2.

Ba mũi tiêm này có khả năng bảo vệ trẻ từ 5 - 7 năm, sau đó nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, nguy cơ mắc bệnh lại tăng lên. Do đó, sau khi tiêm mũi 3, cha mẹ cần tiêm nhắc lại cho trẻ sau 3 - 4 năm, đến khi trẻ được 15 tuổi.

Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Khi ngủ cần buông màn, không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO