dan ong lam viec nha_2

 

Đàn ông Việt nếu ở nhà làm nội trợ chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều điều tiếng xì xào. Nhưng thật bất ngờ, xu hướng này đang ngày càng phổ biến ở nhiều nước Âu Mỹ, thậm chí cả ở các nước Châu Á bị “mang tiếng” là trọng nam khinh nữ như Nhật Bản, Hàn Quốc.
cham con

 Các ông bố chăm con, làm việc nhà là cách để chia sẻ gánh nặng của người phụ nữ

 

Phương pháp hữu hiệu để đảm bảo hạnh phúc

Tại Anh và Mỹ, việc một người đàn ông ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái, trong khi vợ lo kiếm tiền nuôi gia đình đang trở thành “thường ngày ở huyện”.

Các trang web hướng dẫn kỹ năng như wikiHow thậm chí có nhiều bài viết hướng dẫn về các bí quyết để trở thành ông nội trợ đảm đang, bí quyết để đàn ông làm tốt việc nhà… không kém so với số bài hướng dẫn việc nội trợ cho phụ nữ.

Điều đáng ngạc nhiên là xu hướng “ông nội trợ” không chỉ xuất hiện ở các nước Âu, Mỹ mà đang dần phổ biến ở các nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Cho đến nay, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật đã tham gia nỗ lực bình đẳng giới ở nước này bằng chương trình có tên gọi “Ikumen”, tức chiến dịch khuyến khích đàn ông nghỉ phép để chăm sóc con cái.

Theo Luật nghỉ phép chăm sóc gia đình và con cái mới sửa đổi của Nhật, các ông bố được “nghỉ hộ sản” vào bất kỳ thời điểm nào trong vòng một năm kể từ ngày sinh con. Các ông bố có con nhỏ dưới 3 tuổi cũng sẽ được phép làm việc ít hơn 6 giờ mỗi ngày để khuyến khích họ dành thời gian nhiều hơn ở nhà với vợ con.

Thậm chí, tại đất nước mặt trời mọc còn thành lập một tổ chức  có tên gọi “Fathering Japan” (Làm cha ở Nhật). Đây là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đàn ông có quan hệ gần gũi hơn với vợ mình bằng cách chia sẻ việc nhà.

Giới chức Nhật hy vọng dự án “Ikumen” hay các tổ chức như “Fathering Japan” sẽ là biện pháp hữu hiệu để thay đổi nhận thức ở đàn ông Nhật rằng nuôi con chỉ là công việc của phụ nữ.

Mặt khác, đây cũng là phương án để tăng cường hạnh phúc cho các gia đình ở Nhật, nơi đàn ông được mặc định phải làm việc như robot để kiếm tiền nuôi gia đình, còn phụ nữ thường phải từ bỏ sự nghiệp sau khi lấy chồng, sinh con.

Do sự tăng lên của việc làm được trả lương cao dành cho phụ nhữ, rất nhiều đàn ông Hàn Quốc cũng chọn cách ở nhà lo “tay hòm chìa khóa” để vợ đi kiếm tiền.

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc (SK), 160.000 đàn ông Hàn Quốc làm nội trợ vào năm 2016. Con số này tăng 24% so với năm 2014. Cũng trong năm 2016, số nam giới chăm sóc con cái đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

dan ong lam viec nha_2

Xu hướng "ông nội trợ" lên ngôi 

 

Làm việc nhà với tình yêu chứ không phải sự hậm hực

Tài tử điện ảnh Hàn Quốc Jang Dong Gun (người nổi tiếng với các vai nam chính trong phim “Anh em nhà bác sĩ”, “Cú nhảy cuối cùng”…) là hình mẫu tiêu biểu cho việc hi sinh sự nghiệp để… ở nhà làm nội trợ.

Vợ Jang Dong Gun, nữ diễn viên Ko So Young chia sẻ với báo Newspim: “Khi tôi được mời đóng phim, tôi do dự vì đã lâu không diễn xuất. Nhưng Jang khuyên tôi nên làm những thứ mình muốn vì anh ấy hoàn toàn ủng hộ tôi. Anh ấy sẽ giúp tôi nuôi con ở nhà”.

Sau 10 năm vắng bóng trên màn ảnh, nữ diễn viên Ko đã tự tin trở lại với sự nghiệp do đã có ông xã hậu thuẫn tích cực.

Điều đáng ngưỡng mộ là các ông “nội trợ” tranh làm việc nhà với tâm lý vô cùng thoải mái. Họ làm vì tình yêu, trách nhiệm chứ không bị suy nghĩ mặc cảm, kiểu “vì bất tài nên phải ở nhà rửa bát, quét nhà, trong khi vợ xông pha đi làm kiếm tiền”.

Một nghiên cứu gần đây của đại học Cambridge (Anh) còn cho thấy các ông chồng cảm thấy “tội lỗi” khi họ không chia sẻ việc nhà với vợ.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng các cặp đôi có sự chia sẻ việc nhà cảm thấy hạnh phúc hơn so với những gia đình vợ quán xuyến hết việc nội trợ.

Nhóm nghiên cứu cho biết họ dự đoán là sẽ tìm thấy sự mâu thuẫn hoặc sự thất vọng của các ông chồng trong các gia đình mà người đàn ông đóng vai trò “ông nội trợ”, nhưng thực tế lại hoàn toàn đối ngược.

Với nghiên cứu thực hiện trên 30.000 người ở 34 quốc gia Châu Âu, nhóm nghiên cứu thấy rằng, đàn ông, chứ không phải phụ nữ, cảm thấy vui vẻ khi có sự chia sẻ công bằng về việc nhà giữa nam và nữ.

“Đó có thể là vì đàn ông ngày nay ủng hộ bình đẳng giới nhiều hơn, họ cảm thấy không thoải mái khi phụ nữ làm hầu hết việc nhà, và cũng bởi vì phụ nữ đang ngày càng trở nên tự tin hơn, họ không cảm thấy hài lòng với các đối tác thuộc loại lười chảy thây” – các nhà nghiên cứu lý giải.

dan ong lam viec nha_last

Ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc Jang Dong Gun từ bỏ sự nghiệp để làm "ông nội trợ"

 

Ai tạo ra suy nghĩ sai lầm “Việc nhà là của phụ nữ”?

Theo các nhà nghiên cứu Anh Quốc, định kiến về giới có thể bắt đầu từ chính chúng ta. Nhìn vào bất kỳ cửa hàng đồ chơi nào cũng có thể thấy: bộ đồ nấu ăn màu hồng cho các bé gái, ô tô màu xanh cho các bé trai.

Trong tất cả các quảng cáo về thiết bị nhà bếp, máy giặt… các bà mẹ đều được “vinh danh” là đảm đang khi sử dụng các đồ dùng này, không hề thấy các ông bố.

Chính những hình ảnh lặp đi lặp lại này khắc sâu định kiến sai lầm: việc nhà là của phụ nữ.

“Việc vặt không tên” còn xứng đáng nhận lương cao hơn việc văn phòng

Năm 2008, Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc thực hiện tính giá trị của các công việc nội trợ bằng cách liệt kê danh sách 37 việc nhà điển hình như nấu ăn cho con, đọc sách cho chúng trước khi đi ngủ, là sơ mi cho chồng, chăm sóc bố mẹ chồng… Theo đó, một người làm nội trợ, 37 tuổi với hai đứa con nhỏ, xứng đáng được trả 3,7 triệu won (3.248 USD) mỗi tháng.

Nhiều người sau khi chuyển sang làm nội trợ cho biết công việc này thực chất còn đòi hỏi nhiều công sức hơn so với công việc văn phòng. Theo họ, công việc nội trợ xứng đáng với mức lương khoảng 4,8 triệu won (4.239 USD) mỗi tháng.

Phương Phương

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO