Báo Điện tử Gia đình Mới

Học sinh lớp 6 học tích hợp: Vì sao phải tích hợp liên môn?

Từ năm học 2021-2022, sách giáo khoa lớp 6 sẽ tích hợp Lịch sử và Địa lý thành 1 môn Lịch sử và Địa lý. 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học tích hợp thành môn Khoa học Tự nhiên. Các chuyên gia đánh giá sao về việc này?

Vì sao phải tích hợp?

Theo thông tin từ chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2021-2022, lớp 6 sẽ học sách giáo khoa mới và sẽ có thay đổi về một số môn học.

Cụ thể: 2 môn Lịch sử và Địa lý sẽ gộp thành 1 môn Lịch sử và Địa lý. 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học tích hợp thành môn Khoa học Tự nhiên.

Theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên SGK môn Khoa học tự nhiên lớp 6 - bộ Cánh Diều, khi làm SGK lớp 6, đơn vị xác định xây dựng Khoa học tự nhiên là môn học tích hợp, còn Địa lí và Lịch sử là môn học phối hợp. Các tác giả biên soạn xây dựng theo mạch nội dung, tích hợp các kiến thức. 

  2 quyển sách giáo khoa lớp 6 mới 'Lịch sử và Địa lý' và 'Khoa học tự nhiên'.

2 quyển sách giáo khoa lớp 6 mới "Lịch sử và Địa lý" và "Khoa học tự nhiên".

Lý giải về việc tại sao phải học tích hợp, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới giải thích môn học tích hợp giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực, tránh trùng lặp kiến thức, tiết kiệm thời gian cho học sinh, giáo viên, góp phần giảm tải.

Đây cũng là cốt lõi của đổi mới giáo dục, hướng đến mục đích giúp học sinh mang kiến thức được học ra ứng dụng vào thực tiễn. Qua đó giúp học sinh hiểu được bản chất của bài học, liên hệ thực tiễn với cuộc sống thay vì học theo kiểu ghi nhớ, thuộc lòng.

Việc này trên thực tế đã được giáo viên ở nhiều trường áp dụng nhưng theo ông Thuyết, nếu triển khai từ khâu xây dựng chương trình, sách giáo khoa (SGK), giáo viên sẽ thuận lợi hơn, việc dạy học sẽ hiệu quả hơn trên toàn hệ thống.

Việc dạy học tích hợp triển khai theo ba định hướng: Tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau, giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng trong cùng một môn học, tích hợp giữa. Tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau (ở mức thấp là liên hệ kiến thức được dạy với những kiến thức có liên quan trong dạy học; ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp). 

Thầy đổi mới, trò sáng tạo

Trao đổi với PV Gia Đình Mới, thầy Đặng Việt Hà – Hiệu trưởng THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018 rất tiến bộ, phù hợp với xu thế của thế giới và phù hợp với mong muốn của người học là học để vận dụng, mang kiến thức ra ứng dụng vào thực tiễn chứ không học kiến thức mang tính hàn lâm.

Xu hướng này rất tiến bộ và phù hợp bởi xã hội hiện nay không cần nhiều những con người rập khuôn, máy móc, mà phát triển nhờ những con người năng động, tích cực, chủ động, sáng tạo.

  Thầy Đặng Việt Hà cho rằng việc dạy học các môn tích hợp là tiến bộ, phù hợp xu thế của thế giới.

Thầy Đặng Việt Hà cho rằng việc dạy học các môn tích hợp là tiến bộ, phù hợp xu thế của thế giới.

Cách học tích hợp sẽ tạo sự sáng tạo cho học sinh. Tuy nhiên, muốn học sinh sáng tạo thì trước tiên giáo viên phải đổi mới sáng tạo trước.

Các thầy cô phải tăng cường trao đổi chuyên môn, đặc biệt phải tìm tòi nhu cầu xã hội, học sinh khi học bài này thì sẽ để làm gì, từ đó giáo viên phải quan tâm tìm ra cách dạy. Trong cách dạy cũ thì chủ yếu dạy kiến thức trong sách giáo khoa, giờ phải tìm hiểu nhiều về nhu cầu xã hội, học sinh học xong để làm gì, từ đó giáo viên có kiến thức tổng thể truyền đạt tới học sinh.

Các tình huống dạy học tích hợp gắn với thực tiễn cuộc sống, gần gũi và hấp dẫn, người học cần lập luận, xây dựng các mô hình giả định để giải quyết... Chính qua đó tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng lực giải quyết vấn đề. Chúng tôi luôn cố gắng đổi mới trong mỗi tiết dạy của mình để làm sao phát huy tối đa tính tích cực và sáng tạo của học sinh, thúc đẩy quá trình học tập, chủ động của các em.

Đối với học sinh, việc học các môn tích hợp, học sinh sẽ thấy thú vị vì các em sẽ hiểu được bản chất của kiến thức mình học, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Mỗi giờ học là cô trò cùng nhau trải nghiệm, tìm ra kiến thức mới thay vì chờ giáo viên cung cấp kiến thức và ghi nhớ.

 

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO