Báo Điện tử Gia đình Mới

Hội chứng tâm lý đáng sợ khiến hơn 500.000 người Nhật giam mình trong nhà hơn 6 tháng

Hikikomori – một hội chứng khiến con người xa lánh xã hội đang trở thành mối lo ngại của đất nước này.

hikikomori-chung-benh-tam-ly-nhat-ban

Hayashi Kyoko bắt đầu sống thu mình khi Hiệu trưởng trường chị phát biểu về kỳ thi đại học ngay trong ngày đầu tiên đến trường.

Chị tâm sự: ‘Những năm tháng 3 vui vẻ mà tôi mong đợi đã trở thành một thời kỳ luyện thi đại học, không hơn không kém.

Đó là một cú sốc lớn. Tôi đã có cảm giác là mình không phù hợp với hệ thống giáo dục hà khắc này.

Nó dần dần trở thành những triệu chứng thể chất và tôi không đến lớp nữa’.

Khi lớn lên, chị bắt đầu đi làm thêm và với áp lực từ phía mẹ mình, Kyoko nói chị chạm đến giới hạn và không thể rời khỏi nhà hay gặp gỡ mọi người được nữa.

Căn phòng của một người mắc chứng hikikomori

Căn phòng của một người mắc chứng hikikomori

Kyoko không phải người duy nhất lâm vào tình trạng này. Chị đã trở thành một trong nửa triệu người mắc hội chứng ‘hikikomori’, từ tiếng Nhật để chỉ những người giam mình trong nhà, không liên lạc hay gặp gỡ ai.

Thời điểm khủng hoảng nhất của chị là giai đoạn 25 tuổi, chị chia sẻ: ‘Tôi dành cả ngày chì chiết bản thân.

Tất cả những gì tôi làm là thức dậy vào buổi chiều, ăn, đi vệ sinh và thở. Tôi sống như một cái xác không hồn.

Tôi không thấy bản thân có chút giá trị nào. Tôi nghĩ cuộc đời mình vô nghĩa.

Tôi lúc nào cũng giận dữ và không biết giải tỏa vào đâu. Lúc nào tôi cũng thấy kiệt sức’.

Nguyên nhân và biểu hiện

Chính phủ Nhật chính thức định nghĩa hikikomori là những người không rời khỏi nhà hoặc không tiếp xúc với ai trong ít nhất 6 tháng.

Nhưng chứng bệnh này có nhiều dạng: Có người bị nặng đến mức họ không đủ sức đứng dậy để đi vệ sinh.

Có những người mắc các chứng rối loạn ám ảnh nặng đến độ họ tắm vài tiếng mỗi ngày hoặc lau chùi vòi hoa sen hàng giờ liền.

Người khác lại cho biết, họ chơi điện tử cả ngày để tìm được bình yên.

Theo tờ The New York Times, các bác sỹ bắt đầu theo dõi hikikomori từ giữa những năm 1980, khi những người nam thanh niên có dấu hiệu mệt mỏi, phờ phạc, từ chối giao tiếp và nhốt mình trong phòng.

Có nhiều nguyên nhân khiến người Nhật mắc hội chứng này, chủ yếu là do mất phương hướng trong cuộc sống và áp lực từ những người xung quanh

Có nhiều nguyên nhân khiến người Nhật mắc hội chứng này, chủ yếu là do mất phương hướng trong cuộc sống và áp lực từ những người xung quanh

Có nhiều lý do người ta mắc hội chứng này. Một số người, giống như Kyoko, trốn tránh xã hội vì họ cảm thấy mất phương hướng và không thể chịu được áp lực từ những người xung quanh.

Những người khác bị quật ngã bởi những biến cố xảy ra trong cuộc sống.

Nhà tâm lý học Sekiguchi Hiroshi cho biết: ‘Những người mắc chứng bệnh này cảm thấy rất xấu hổ vì không thể làm những công việc như người bình thường.

Họ cho rằng bản thân vô dụng và không xứng đáng được hạnh phúc. Hầu hết họ cũng đau buồn vì phụ lòng mong mỏi của bố mẹ.

Đồng thời, họ cũng bị giằng xé nội tâm: họ không thể ra khỏi nhà nhưng luôn dằn vặt mình vì điều đó’.

Chứng bệnh của tầng lớp trung lưu

Giáo sư về Châu Á học Jeff Kingston ở Đại học Temple, Tokyo cho hay: ‘Thật khó để khái quát những đối tượng thường mắc hội chứng này.

Tuy nhiên, có vẻ như nam giới thường có nhiều các triệu chứng cực đoan hơn. Họ chủ yếu là những người sống với bố mẹ và được bố mẹ chăm sóc.

Họ hiếm khi ra khỏi nhà và thường chỉ sống trong thực tế ảo.

Những người bị hikikomori chỉ sống dựa vào thực tế ảo, không ra khỏi phòng cũng như giao tiếp với ai

Những người bị hikikomori chỉ sống dựa vào thực tế ảo, không ra khỏi phòng cũng như giao tiếp với ai

Đây được coi là căn bệnh của giới trung lưu vì chỉ những người này mới có thể trông vào sự giúp đỡ từ phía gia đình’.

Theo số liệu của chính phủ, tính đến năm 2015, đã có hơn 541.000 người mắc chứng bệnh này ở độ tuổi 15 – 39 ở Nhật.

Không có con số thống kê ở các nhóm tuổi khác, vì vậy nhiều khả năng con số này còn lớn hơn rất nhiều.

Nam giới thường có những triệu chứng hikikomori cực đoan hơn

Nam giới thường có những triệu chứng hikikomori cực đoan hơn

Nhiều gia đình cũng không muốn báo cáo có người mắc chứng hikikomori trong nhà.

Chủ Nhật vừa rồi, chính phủ Nhật công bố sẽ thực hiện một cuộc khảo sát toàn quốc về chứng hikikomori ở những người độ tuổi 40 – 59 vào cuối năm nay.

Quyết định này được đưa ra do độ tuổi mắc hikikomori gia tăng và thời gian tách biệt với xã hội cũng lâu hơn.

Qua hành động này, Nhật Bản đang hy vọng sẽ thấu hiểu những sự hỗ trợ mà các gia đình của người mắc chứng hikikomori cần.

Khi họ lớn tuổi hơn và bố mẹ cũng già yếu, không đủ sức chăm sóc cho họ nữa, số phận của họ sẽ đi về đâu trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ảnh hưởng kinh tế của hikikomori

Vì những người mắc hội chứng này không chịu đi làm cũng như ra ngoài giao tiếp với xã hội, nền kinh tế Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng.

Giáo sư Kingston cho hay: ‘Họ làm giảm nguồn nhân lực, khiến cho thị trường lao động càng thêm khó khăn.

Những người mắc chứng hikikomori thường trong độ tuổi lao động 15 - 39. Việc họ không đi làm gây ra một sức ép lớn lên thị trường lao động và kinh tế

Những người mắc chứng hikikomori thường trong độ tuổi lao động 15 - 39. Việc họ không đi làm gây ra một sức ép lớn lên thị trường lao động và kinh tế

Ngoài ra, họ không thể tự nuôi sống bản thân, vì vậy khi gia đình gặp vấn đề về tài chính, họ buộc phải dựa vào hỗ trợ của chính phủ’.

Nhật Bản hiện đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số và thiếu lao động trầm trọng.

Tháng 9 vừa qua, chính phủ cho biết có 1,5 chỗ trống cho mỗi ứng viên, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Giải pháp

Kyoko, người phụ nữ giam mình trong nhà trong những năm tháng tuổi 20 cho biết, chị đã tái hòa nhập với xã hội sau 10 năm.

Trong 10 năm đó, chị suýt tự tử, gặp bác sỹ tâm lý và bắt đầu nói chuyện với những người mắc chứng hikikomori khác.

Khi bước sang tuổi 40, chị cũng bắt đầu tổ chức các nhóm giúp đỡ người mắc hikikomori ở Yokohama, nơi chị sinh sống.

Nhiều tổ chức tình nguyện đã đưa ra các chương trình để hỗ trợ những người mắc hikikomori hòa nhập với cộng đồng

Nhiều tổ chức tình nguyện đã đưa ra các chương trình để hỗ trợ những người mắc hikikomori hòa nhập với cộng đồng

Các nhóm tình nguyện khác, ví dụ như New Start, cố gắng đưa họ đến những trung tâm cồng đồng để có kinh nghiệm làm việc và giao tiếp với mọi người.

Tổ chức New Start cũng thực hiện chương trình ‘Rental Sister’, trong đó các tình nguyện viên đến thăm nhà của những người mắc hikikomori, nói chuyện với họ từ ngoài cửa và cố gắng đưa họ ra khỏi nhà.

Thường phải mất 1 – 2 năm để các tình nguyện viên đưa được những người bị hikikomori ra khỏi nhà.

Ngoài ra, một tờ báo có tên Tờ báo Hikikomori cũng được thành lập từ tháng 11/2016 để nâng cao nhận thức của người dân về chứng bệnh này, hy vọng là cầu nối giữa những người mắc hikikomori với thế giới bên ngoài.

Giáo sư Kingston hy vọng, khi được tiếp cận với nhiều cách trị liệu và với nhiều chiến dịch sức khỏe về vấn đề này, sẽ có nhiều người hơn tìm kiếm sự trợ giúp và học cách kiểm soát các triệu chứng của mình để sống hạnh phúc hơn.

Quỳnh Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO