Báo Điện tử Gia đình Mới

Khi nào mẹ bầu có thể phát hiện dị tật song thai dính liền như cặp Song Nhi?

Dị tật thai nhi nói chung và dị tật song thai dính liền nói riêng là điều không thai phụ nào mong muốn. Để phát hiện sớm dị tật thai nhi, mẹ bầu cần ghi nhớ những điều dưới đây.

Thai nhi bao nhiêu tuần tuổi có thể phát hiện di tật song thai dính liền?

Theo BSCKII Nguyễn Xuân Chường, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các biện pháp chẩn đoán trước sinh như xét nghiệm di truyền tiền làm tổ, sinh thiết gai rau, siêu âm, xét nghiệm dịch ối, xét nghiệm máu mẹ Double test, triple test, NIPT… được thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe thai nhi, giúp phát hiện sớm nhất những bất thường và kịp thời chăm sóc, điều trị, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và em bé.

  BSCKII Nguyễn Xuân Chường, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội siêu âm cho thai phụ

BSCKII Nguyễn Xuân Chường, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội siêu âm cho thai phụ

Và trong các biện pháp chẩn đoán trước sinh thì siêu âm là biện pháp hữu hiệu trong chẩn đoán song thai dính liền.

Siêu âm đầu dò âm đạo có thể chẩn đoán số bánh nhau và số buồng ối trong song thai sau tuần thứ 7 thai kỳ. Trong trường hợp song thai 1 bánh nhau và 1 buồng ối, các bác sĩ sẽ làm thêm các biện pháp chẩn đoán khác để khảo sát kỹ xem 2 thai có dính nhau hay không.

Bác sĩ Chường nhấn mạnh, hiện, siêu âm vẫn là cách tốt nhất để phát hiện dị tật thai nhi nói chung và dị tật song thai dính liền nói riêng. Các xét nghiệm máu, dịch ối hay nhiễm sắc thể không thể kết luận được song thai dính nhau.

Cặp song sinh dính liền có thể được chẩn đoán bằng siêu âm thai ngay từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 14. Phát hiện càng sớm càng tốt. Siêu âm tim, siêu âm màu được sử dụng tuần thứ 20 để đánh giá rõ hơn mức độ kết nối, giải phẫu và hoạt động của các cơ quan của chúng.

Nếu siêu âm phát hiện cặp song sinh dính liền, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định thai phụ chụp cộng hưởng từ (MRI). Bởi MRI có thể cung cấp chi tiết hơn về vị trí cặp song sinh dính liền được kết nối và cơ quan nào chia sẻ. MRI thai nhi và siêu âm tim thai hỗ trợ lập kế hoạch chăm sóc trong và sau khi mang thai.

  Chụp cộng hưởng từ có thể cung cấp chi tiết hơn về vị trí cặp song sinh dính liền được kết nối và cơ quan nào chia sẻ

Chụp cộng hưởng từ có thể cung cấp chi tiết hơn về vị trí cặp song sinh dính liền được kết nối và cơ quan nào chia sẻ

Ngoài ra, các xét nghiệm hình ảnh học khác được chỉ định tuỳ từng loại kết nối khác nhau của cặp song thai dính liền.

Những trường hợp có cùng ngôi thai, đặc biệt khi hai thai nhìn trực diện nhau, tùy vào vị trí hai thai dính vào nhau mà có những dấu hiệu khác nhau.

Song thai dính liền có thể dính nhau phần đầu, phần xương cùng,.. nhưng thường gặp nhất là dính phần ngực bụng.

Những dấu hiệu siêu âm của hai thai dính nhau phần ngực bụng là: Hai đầu ngửa và nhìn vào nhau, có hai cột sống nhưng phần thân rộng, có 1 tim, 1 gan và 1 cuống rốn chung, có cử động chung.

Trong trường hợp phát hiện song thai dính liền, các bác sĩ sản và nhi khoa sẽ đánh giá kỹ các vị trí dính nhau, xem các bộ phận còn lại của thai nhi có bất thường không, tiên lượng nuôi sống của 2 thai và khả năng phẫu thuật sau sinh…

Từ đó sẽ tư vấn cho thai phụ và gia đình về tình trạng sức khỏe của các bé và lên kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, khả năng phẫu thuật tách dính để mang thai cuộc sống bình thường cho 2 trẻ về sau.

  Phẫu thuật tách dính sau sinh sẽ được thực hiện để mang thai cuộc sống bình thường cho các cặp song sinh dính liền. Ảnh minh họa

Phẫu thuật tách dính sau sinh sẽ được thực hiện để mang thai cuộc sống bình thường cho các cặp song sinh dính liền. Ảnh minh họa

Mẹ bầu cần làm gì trong quá trình mang thai?

Trong thời kỳ mang thai, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và bé, bác sĩ Nguyễn Xuân Chường khuyến cáo chị em cần chú ý một số điều sau:

  • Chị em nên sinh con sớm, dưới 35 tuổi để giảm nguy cơ dị tật thai nhi. Độ tuổi mang thai và sinh con tốt nhất là 25 – 30 tuổi. Ở độ tuổi này tỷ lệ dị tật chỉ chiếm 1%, nhưng nếu trên 30 tuổi, tỷ lệ dị tật đã tăng lên 4%. Trên 35 tỷ lệ lại càng tăng cao hơn.
  • Thai phụ nên đi thăm khám thai định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ sản phụ khoa tại các cơ sở y tế có chuyên ngành sản phụ khoa hoặc tại các bệnh viện chuyên khoa sản để phát hiện dị tật thai, khám thai và quản lý thai nghén đúng quy trình.
  • Không được bỏ qua các mốc quan trọng của thai kỳ. Có 3 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần nhớ là 12 tuần (đo độ mờ da gáy đồng thời làm double test), 22 tuần (siêu âm hình thái) và 32 tuần để đánh giá sự phát triển của thai và phát hiện một số bất thường muộn. Dị tật không phải đến tuổi thai đó mới có mà phát triển từ rất sớm, khi phát hiện ở thời điểm nào thì bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định cần thiết cho mẹ và bé.
  • Nếu chẳng may thai nhi bị dị tật dính liền thì tùy vào phần dính và tỷ lệ dính mà bác sĩ có lời khuyên cho sản phụ nên giữ hay cân nhắc quyết định đình chỉ thai nghén. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào đặc điểm riêng của các bé như tình trạng sức khỏe, vị trí dính liền…
Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO