Báo Điện tử Gia đình Mới

'Kính mời nhân dân đọc sách, báo, tài liệu...'

Dòng chữ ‘Kính mới nhân dân đọc sách, báo, tài liệu. Văn hoá là vô giá’ được treo khu vực giáp bờ tường khuôn viên Gò Đống Đa đã thu hút không biết bao nhiêu người từ trẻ đến già tới trải nghiệm.

IMG_2551

 Tiệm sách bà Dung thu hút biết bao độc giả ở mọi lứa tuổi. 

Đó là quầy sách nho nhỏ nằm đối diện số 55 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội của bà Phạm Thị Huyền Dung.

Ở tuổi 72 nhưng ‘thủ thư’ của quầy sách, báo miễn phí vẫn nhanh nhẹn, niềm nở với những ai tới tiệm sách, báo miễn phí của bà để tìm về văn hoá đọc.

Sáng nào, bà cũng đều đặn dậy sớm, sắp xếp những cuốn sách, tờ báo vào đúng vị trí, sẵn sàng đón chào bạn đọc.

Từ vài tờ báo trở thành tiệm sách, báo đồ sộ

Sáng sớm mưa nặng hạt, ‘thủ thư’ của tiệm sách lật mấy tấm bạt lên, mở xem sách, báo có bị ướt nhiều không. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà đều đặn ‘chăm sóc’ tiệm sách nhân văn này.

IMG_2552

Quỳnh là một trong nhiều độc giả trung thành của tiệm sách. Hai bà cháu thân thiết tới mức bà Dung còn tìm nhà cho cô giáo viên tiếng Anh này. 

Những ngày mưa như thế, bà cứ ra ngóng vào trông, không biết mưa to gió lớn sách báo có bị ướt không, nhỡ có ai đến quầy mà không thấy có bà ở đó thì sao?

Có một mình, bà vẫn cố gắng lẹ làng lật bạt kiểm tra từng tờ báo, trang sách xem có bị ướt không, xót xa nhìn những cuốn sách bị thấm ướt.

Tuy đã được che chắn cẩn thận, kĩ lưỡng nhưng trời mưa nặng hạt, những cuốn sách ở ngoài rìa vẫn bị thấm ẩm.

IMG_2558

Ai mang sách, báo, truyện tới, bà Dung đều đặt trên bàn trước quầy. Nhưng cuốn sách bị mưa thấm ẩm cũng được đặt ở đây để hong khô. 

Những ngày ốm quá, bà ngồi giường bên cửa sổ tầng 3 phía đối diện trông xuống tiệm sách, ai làm gì, mượn gì bà cũng biết hết.

Tuổi già ngủ ít nên cứ 4 giờ sang là bà tỉnh giấc rồi, 5 giờ trở ra bà xuống nhà dọn sách.

Không ai nghĩ một người ở tuổi 72 lại có thể tự sắp xếp từng kệ sách để cho những người đến đây có chỗ để đọc.

Chỉ khi nào nặng nhọc quá bà mới nhờ tới sự giúp đỡ của các cậu con trai ở ngay gần đó hoặc những người xung quanh.

IMG_2557

Đây là lần đầu tiên Nam đến với tiệm sách của bà Dung. Cô bé rụt rè chọn 1 cuốn ưng ý và mượn bà. 

Bà bố trí sách, báo, bàn, ghế đâu ra đấy rồi mới về nhà mang đồ ăn sáng sang vừa ăn vừa trông tiệm.

Bà được Đảng bộ Hà Nội tặng một tờ báo Hà Nội Mới mỗi ngày theo tuôi chuẩn 50 năm tuổi Đảng. Bà nghĩ đọc 1 mình rồi bỏ đi thì phí quá.

Vì với bà, để có được một tác phẩm báo chí đến với công chúng, là sự đóng góp công sức của nhiều người bao gồm phóng viên, biên tập, nhà in.

Nên đã mở tiệm đọc sách, báo miễn phí cho nhiều người cùng đọc, để biết thêm tin tức trong nước và thế giới.

IMG_2548

Cụ Loan ngày nào cũng đến đây. Hôm nay, cụ dặn và Dung thấy tờ báo Hà Nội Mới ngày 14/8 thì nhớ để gọn vào cho cụ mượn. 

Ban đầu, nhiều người lời ra tiếng vào với hành động của bà nhưng vì câu nói động viên của 1 cụ lão thành: ‘Bà muốn giúp dân đọc sách báo thì cần phải bền bỉ, kiên trì, không có thì không bao giờ thành công được’, bà quyết tâm duy trì bằng được văn hoá đọc đang dần bị mai một.

IMG_2545

Đây là những dòng đầu tiên bà Dung viết vào cuốn sổ nhân ngày đầu mở tiệm. Những lời lẽ dễ đọc, dễ hiểu và dễ đi vào lòng người này đã hút hồn bao tâm hồn ưa đọc. 

Theo bà Dung, sức mạnh của văn hoá đọc sẽ chiến thắng tất cả và trường tồn cùng thời gian.

Những ngày đầu tiên, sạp sách, báo của bà chỉ có tấm biển bằng gỗ ‘Mời nhân dân đọc báo’ và duy nhất tờ báo Hà Nội Mới. Bà lo không có ai tới nên phải đứng mời những người đi qua vào đọc.

IMG_2555

Bà Dung nhớ lại những ngày đầu tiên, khi chỉ có cái biển gỗ viết tay và vài tờ báo Hà Nội Mới được cấp phát hằng ngày. 

Bà không ngờ, có nhiều người dừng lại đọc quá. Bà quyết định mở rộng mô hình đặc biệt này.

Bằng cách trích 1 phần lương hưu của mình để mua thêm, sách cũ và nhiều đầu báo mới. Mỗi ngày, bà bỏ ra hơn 30.000 đồng để mua các loại báo cho mọi người cùng đọc.

IMG_2556

Với những người mượn sách lần đầu, bà Dung yêu cầu ghi lại thông tin cá nhân để họ có ý thức mang trả sách, báo đã mượn. 

Bà chia sẻ, ‘Tiền rất quý, ai cũng cần tiền nhưng trên đời vẫn có thứ quý hơn tiền rất nhiều. Đó chính là cái tình, là tấm lòng thơm thảo giữa người với người’.

Dù là miễn phí nhưng tiệm sách của bà Dung có những quy định riêng. Với những độc giả bà đã quen mặt, họ có thể thoải mái mượn sách, báo đọc. Tuy nhiên, với những người đến lần đầu, mượn những cuốn sách giá trị thì bà yêu cầu ghi lại thông tin cá nhân và đặt cược tiền.

IMG_2543

Bà Dung tận tình với độc giả qua việc lượm những chiếc kính lão để họ có thể đọc rõ chữ. Theo thời gian, gần 20 chiếc kính treo lủng lẳng trước những quầy sách như thế này bị rơi mất. 

‘Các con yên tâm, các con đặt cọc tiền, khi nào các con đọc xong, quay lại đây, bà trả lại 100%’, bà Dung chia sẻ.

Ngoài ra, bà Dung còn nghiêm khắc: ‘Các con đến đây đọc bà yêu lắm. Nhưng và yêu cầu các con lấy ở đâu thì để lại vào đấy, phải thật thà. Tuy và không ghi nhưng bà nhớ mặt, và cấm lần sau không được đến đọc nữa’.

IMG_2549

'Bà ơi cho con mượn tiếp cuốn này nhé, cuốn kia con đọc còn 1 ít. Khi nào đọc xong con mang trả bà luôn 1 thể' - 'Cứ thoải mái đi'.

Có lẽ tấm lòng của một nguyên giảng viên Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia đã thôi thúc bà làm việc mà mọi người hay cười bảo ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’.

‘Thư viện bà Dung’ có phong phú các thể loại sách. Độc giả có thể tìm thấy những bộ truyện tranh tuổi thơ hoặc những cuốn tiểu thuyết lãng mạn, sách dậy tiếng Anh, sách kinh tế…

Báo, tạp chí ở đây cũng đa dạng với những tờ tin tức thời sự và chuyên đề, đặc san.

IMG_2554

Một cụ già đi ngang qua đường tò mò về tiệm sách, báo miễn phí của bà Dung. 

Cứ như vậy, suốt nửa năm qua, từ một tờ báo được cấp phát, tới nay, số lượng sách, báo ở tiệm của bà tăng lên theo cấp số nhân.

Từ nỗi lo không có người đọc, không có sách, báo phục vụ độc giả, giờ đây, bà lo không biết cứ như thế này thì còn chỗ để không.

Nơi lưu giữ kỉ niệm và sẻ chia tấm lòng

‘Thư viện bà Dung’ thu hút tất cả các lứa tuổi, từ cháu bé lên ba tới cụ ông gần trăm tuổi.

‘Với người già thì bà trân trọng lắm, với lũ nhí thì có cái kẹo cái bánh nào bà cũng mang cho chúng nó. Bà còn vẽ cho mấy đứa 3 tuổi tô màu’, bà Dung tâm sự.

IMG_2550

Đây là 1 trong những 'nhà tài trợ vàng' của tiệm sách bà Dung. Đều đặn hằng ngày, anh đều mang tới đây những tờ báo hữu ích. 

Tiệm sách, báo của bà Dung nhận được sự động viên, ủng hộ từ nhiều người. Tất cả đều được bà trân trọng ghi nhận trong một cuốn sổ đặt trong hòm và ghi tên người quyên góp sách trên từng cuốn.

Trong đó, không thể không kể đến sự đóng góp to lớn của cựu nhà báo Mai Trang. Cụ Trang ra đi ở tuổi 81 với di nguyện góp hết sách, báo và kệ sách cho tiệm sách bà Dung.

Hay những đóng góp nhỏ xíu nhưng có giá trị tinh thần lớn, từ 4 cái ô giúp che mưa che nắng cho người đọc đến những bình nước ‘hết con lại mang qua cho bà’ của rất nhiều người.

IMG_2546

Những câu cười từ bà Dung và 2 vợ chồng góp nước, giá sách khiến góc phố rộn ràng. 

Những cô cậu sinh viên ở các trường gần đó thi thoảng lại tới giúp bà thu dọn sách báo, sắp xếp chúng theo từng thể loại.

Đây cũng là nơi để những người tạo cho mình những khoảng lặng riêng, suy ngẫm về sự đời giữa cuộc sống xô bồ ngoài kia.

IMG_2547

Các cụ ông cười nói hồ hởi khi gặp nhau. Tại đây, biết bao câu chuyện vui buồn, tâm tư của các cụ được bộc bạch. Và bao giờ trong cuộc nói chuyện, thảo luận cũng không thể thiếu những nụ cười hiền. 

Những người tới đây, chẳng ai biết tên ai ngoài tên ‘thủ thư’ tiệm sách, ấy vậy mà mỗi người 1 câu, họ góp vui với nhau tạo thành những câu chuyện thú vị. Nhiều vấn đề được đưa ra để thảo luận và không có hồi kết.

Hơn nửa năm ‘ra mắt’ tiệm đọc miễn phí, nơi đây không còn là quầy đọc sách, báo miễn phí của bà Dung nữa là của cả cộng đồng.

Mỗi người 1 chút, bồi đắp lên một thư viện sách, báo đầy đặn mỗi ngày.

IMG_2544

Cuốn sổ chất chứa bao tâm tư của độc giả được bà Dung lưu giữ cẩn thận. 

‘Bà mở tiệm sách này vừa ích nước lại lợi nhà. Bản thân bà thấy vui mà mọi người đến đây đọc cũng thu được nhiều kiến thức bổ ích’, bà Dung hào hứng.  

Với tấm lòng thơm thảo, bà Dung mong muốn mô hình đặc biệt này được nhân rộng ra nhiều con phố ở Hà Nội, để những có thói quen đọc có nơi thoả mãn sở thích đó.

Tú Anh /giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO