Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Kinh nghiệm đẻ mổ, đẻ thường tại các bệnh viện TP. HCM các mẹ bầu mách nhau

“Nên đẻ tại Bệnh viện Từ Dũ hay Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Hùng Vương...” là câu hỏi các bà bầu khi đến những tháng cuối của thai kỳ thường hỏi nhau.

  Sinh nở là việc thiêng liêng và vô cùng khó khăn, vì vậy các bà mẹ chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn bệnh viện để lâm bồn - Ảnh minh họa

Sinh nở là việc thiêng liêng và vô cùng khó khăn, vì vậy các bà mẹ chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn bệnh viện để lâm bồn - Ảnh minh họa

Gia Đình Mới tổng hợp những chia sẻ của những bà mẹ đã từng có trải nghiệm ở các bệnh viện nêu trên, mong rằng giúp mẹ sắp sinh có thêm kinh nghiệm “bỏ túi”.

Kinh nghiệm đẻ thường tại Bệnh viện Từ Dũ: Chi phí thấp, bác sĩ tận tình

1. Nhập viện, bắt đầu hành trình đi đẻ:

Mình nhập viện Từ Dũ với các cơn co thắt liên hồi. Vào khu cấp cứu bên tay trái cổng Cống Quỳnh. Bác sĩ sẽ chỉ định mình vào phòng khám 1,2 hay 3. Nữ hộ sinh sẽ khám trong, đo huyết áp và tim thai cho mình.

Lúc đó mình nở 1,5 phân, nữ hộ sinh nói mở ít nhưng nhà xa nên thôi cho mình nhập viện luôn (nhà mình ở Q12).

Mình được chỉ định đi siêu âm tại 1 phòng ngay gần khu cấp cứu. Mang kết quả quay lại quầy gặp bác sĩ lúc đầu để làm thủ tục nhập viện. Mình được cấp 1 dây đeo có tên, tuổi, và mã số hồ sơ nhập viện.

Người nhà đi nộp tạm ứng 2 triệu tại phòng thu tạm ứng viện phí gần đó. Mang 1 phiếu nộp lại quầy làm thủ tục nhập viện, 1 phiếu người nhà giữ lại để khi ra viện còn thanh toán với bệnh viện.

Sau đó ngồi chờ một lát sẽ có người của bệnh viện dẫn đi nhận phòng.

Trước khi nhận phòng, sẽ được lấy máu xét nghiệm (trừ khi bạn có xét nghiệm máu trong thời gian gần, còn nếu cách vài tuần trở lên thì phải xét nghiệm lại).

Khoản phí xét nghiệm này sẽ được tính vào phí dịch vụ, bảo hiểm không thanh toán cho khoản này nhé.

Sau khi lấy máu xét nghiệm xong mình được chỉ về phòng, về đó thì tự tìm giường nào trống thì nằm chờ, lúc này chưa bị cách ly với người nhà đâu nhé. Khoảng 2 tiếng sau mình được hộ lý gọi ghé phòng máy để đo tim thai và cử động thai nhi, cơn gò.

Vì cơn gò của mình khá nhiều, nên sau khi nghe xong thì mình được cho lên phòng chờ sinh luôn ở lầu 2.

Tại đây, họ sẽ hỏi mình chọn sinh thường hay sinh dịch vụ. Cô ấy nói sinh dịch vụ thì nộp thêm 1,5 triệu, bác sĩ đỡ, còn ngoài ra thăm nom chăm sóc y như nhau. Ông xã bảo mình chọn sinh dịch vụ đi. Nhưng mình thì quyết định sinh thường, vì nhớ có người nói sinh thường vắng hơn.

Mình được cho thay đồ, thay dép, tất cả tư trang, điện thoại, tiền đưa người nhà giữ hết, đã vào phòng chờ sinh là không được mang gì theo.

Mình được cho thông cầu, rồi được hộ lý thực tập đưa cho 1 bịch gồm tã mẹ, khăn giấy, quần dùng 1 lần.

  Giai đoạn chờ sinh có mẹ đau nhiều, có mẹ đau ít, nhưng tất cả đều vô cùng hồi hộp - Ảnh minh họa

Giai đoạn chờ sinh có mẹ đau nhiều, có mẹ đau ít, nhưng tất cả đều vô cùng hồi hộp - Ảnh minh họa

Rồi vào phòng chờ sinh, đi cầu. Sau khi vào phòng chờ sinh khoảng 10 phút thì hộ lý trực ca đó sẽ cho nghe tim thai và cơn gò, ai mới vào phòng chờ sinh cũng đều qua bước này.

Sau đó thì được khám trong để xem mở bao nhiêu phân rồi.

Mình thì mãi mới chỉ mở 2 phân, nên cứ nằm chờ thôi. Nguyên 1 ngày chẳng có cơn gò nào cả, thế là cứ nằm xem các mẹ vào đẻ rồi đi ra thui.

Nhưng cũng nhờ nằm chờ lâu nên mình nhận thấy việc chăm sóc của bệnh viện đối với sản phụ tương đối tốt. Mình chỉ nằm ở phòng sinh thường thôi, nhưng 1 ngày 3 lần bác sĩ ghé khám từng sản phụ, hội chẩn xem cho sinh thường hay sinh mổ, để tự nhiên hay chích thuốc giục sinh…

Với trường hợp của mình thai to mà mẹ nhỏ bé nên bác sĩ nào khám cũng cẩn thận hỏi chiều cao, tiền sử có bệnh ko, con đầu sinh nhiêu ký…

Các hộ lý trực thì cứ 2 tiếng lại cho nghe tim thai 1 lần, khám trong. Thấy mẹ nào đau là ra khám liền, hoặc ai yêu cầu khám trong hay có vấn đề gì hộ lý tới kiểm tra.

4h sáng hôm sau các cơn co của mình mới quay trở lại và nhanh dần lên tới 11h thì đau nhiều.

Hộ lý khám cho mình và nói rất nhẹ nhàng là mở 3-4 phân rồi, nhưng nếu chị muốn nhanh gặp con, thì cố gắng hít thở, thả lỏng cơ thể, đừng gồng mình khi có cơn co, vì như thế sẽ làm cổ tử cung cứng lại, con không ra được.

  Khi chờ sinh mẹ bầu nhớ nghe theo hướng dẫn của y bác sĩ - Ảnh minh họa

Khi chờ sinh mẹ bầu nhớ nghe theo hướng dẫn của y bác sĩ - Ảnh minh họa

2. Vào phòng sinh

Thế là mình nghe theo, mặc dù rất đau nhưng cố gắng ko nắm thành giường và gồng mình nữa. 30 phút sau mình yêu cầu khám lại. Vẫn chị đó khám, và khen giỏi lắm, sắp đồ vào phòng sinh thôi. (mang bịch tã và quần chip theo để sau khi sinh thì mặc vào)

Nếu bạn ko chịu được cơn đau và muốn chích 1 mũi đẻ không đau thì hộ lý sẽ gọi người nhà của bạn vào, ký nhận vào giấy yêu cầu chích, 600 ngàn tiền phí này bảo hiểm sẽ không chi trả, bạn phải tự trả nhé.

Sinh xong, bạn sẽ được yêu cầu mở mắt ra nhìn con mình xem là gái hay trai. Hộ lý thực tập sẽ lau chùi, vệ sinh cho con, ghi tên mẹ lên đùi con, dán 1 miếng băng keo giấy có tên mẹ, mã hồ sơ nhập viện của mẹ lên ngực con, và còn đeo thêm 1 cái dây có tên mẹ, tuổi mẹ, mã hồ sơ của mẹ lên tay con nữa.

Sau đó là khâu, tất cả đều được khâu chỉ tiêu, và khi xong, hộ lý sẽ dặn dò ăn uống sao để vết khâu chóng lành, an toàn.

Sinh xong mình phải chờ 2 tiếng sau mới được ra ngoài. Trong 2 tiếng đó mình được khâu, truyền nước hồi sức, nằm nghỉ, và để chờ bệnh viện sắp xếp giường cho mình.

Khi được đẩy ra ngoài, lúc này người nhà mới được thông báo lên gặp sản phụ, và cũng tới lúc này người nhà mới biết là sản phụ đã sinh.

  Giây phút đầu tiên người cha chào đón thiên thần bé nhỏ - Ảnh minh họa

Giây phút đầu tiên người cha chào đón thiên thần bé nhỏ - Ảnh minh họa

3. Chăm sóc sau sinh

Mình có giường nằm luôn chứ không phải nằm ngoài hành lang. Tuy nhiên khu sinh thường thì không có điều hòa, chỉ có quạt thôi, nên hơi nóng.

Mỗi ngày thay ga 1 lần, thay quần áo 1 lần. Mới sinh xong thì họ sẽ tới tận giường rửa vệ sinh cho mình. Còn sinh được 1 ngày thì họ khuyến khích tự ra nhà vệ sinh rửa. Con tắm ngày 1 lần vào khoảng 8h sáng.

Sáng từ 6h30 tới 10h người nhà không được ở lại, vì lúc này là lúc bác sĩ thăm khám, phát thuốc, tắm con và vệ sinh mẹ. Con sinh tới ngày thứ 2 thì được chích ngừa 2 mũi lao và viêm gan. Con gái thì được xỏ lỗ tai, hình như 50 ngàn.

Mình sinh thứ 7 thì thứ 2 được cho ra viện luôn vì sinh thường, mẹ con đều khỏe.

Chi phí sinh thường, có chế độ Bảo hiểm y tế (80%) của Bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM) chỉ ở mức 1,2 – 1,5 triệu. Đánh giá chung của nhiều bệnh n hân về bệnh viện Từ Dũ là “Sạch sẽ – Chuyên nghiệp – An toàn – Hài lòng”

Kinh nghiệm sinh thường tại Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM: Bác sĩ, y tá, hộ lý đều nhiệt tình, tận tâm, cơ sở vật chất tốt

1. Chuẩn bị nhập viện:

Theo các bà mẹ trước khi sinh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM (BV ĐHYD), các bà mẹ nên tham khảo các hình thức dịch vụ. Đây là bệnh viện mới cải tạo, mở rộng, có cơ sở vật chất tương đối tốt. Chi phí cao hay thấp là do các mẹ chọn dịch vụ.

Sản phụ có thể lựa chọn bác sĩ đỡ đẻ, không tốn thêm chi phí. Vì thế sản phụ nên nghiên cứu trước để hoàn toàn yên tâm về ca sinh nở.

2. Kinh nghiệm sinh tại BV ĐHYD của mẹ heosuarom:

Được 1 mẹ giới thiệu bác sĩ H.U. ở Y Dược, mình khám bác, bác rất tận tình và dễ thương, khám được 2 lần là mình sinh luôn.

Mình hỏi ý kiến và xin bác cho mổ, nhưng bác động viên và nói rằng mình sinh thường được, đảm bảo mình sinh dễ. Mà mình thì nhỏ con, có thai chỉ lên 8kg thôi, cứ sợ sinh không nổi, nhưng bác chắc chắn rằng mình dễ sinh và động viên, nhiệt tình với mình lắm.

Chiều thứ 6 mình đến khám bác và xin mổ vì nôn nóng và hồi hộp quá, không chịu nổi. Bác nói rằng tử cung mình đã nở 1 phân rồi, để sinh thường đi, bác tiếc lắm khi mình mổ và bác nói mình muốn sinh liền không thì bác làm cho.

Mình gật đầu, thế là bác ấn tay vào trong để tử cung mình nở thêm 1 phân nữa là 2 phân. Bác bảo về nhà chuẩn bị đồ, nếu khuya hay sáng mai đau cách 5 phút thì nhập viện.

Thế nhưng suốt ngày hôm sau là t7, và qua hôm sau nữa là chủ nhật mình vẫn tỉnh bơ. Thế là gọi điện cho bác xin mổ vì nôn sinh quá rồi, bác bảo sáng thứ 2 vô xét nghiệm đo khung xương chậu xem thế nào. Sáng thứ 2 mình vào, bác khám bảo đã nở 3 phân, nhập viện luôn.

Lúc mình lên phòng cấp cứu, nằm khoảng 2 tiếng thì nở 4 phân, nữ hộ sinh Út khám trong rất nhẹ nhàng và tách nước ối cho mình (mình đọc trên này nghe tách ối đau khủng khiếp mà sao mình thấy không hề đau hay khó chịu chút nào).

Sau đó 1 tiếng nữa thì nở 5 phân, bụng hơi quặn tíu xíu thì tiêm mũi sinh không đau gây tê màng cứng. Mình không có cảm giác gì luôn, sau đó khoảng hơn 1 tiếng nữa thì mình nở 10 phân luôn.

Bác U. lên đỡ sinh cho mình, rặn 3 hơi là ra rồi. Không ngờ mình sinh thường mà không hề biết đau đẻ là gì, không biết mắc rặn luôn, bác U. kêu rặn là rặn theo lời bác thôi.

Chi phí sinh thường ở BV ĐHYD:

Mình ở 2 đêm, sau đó xuất viện, ở phòng 3 người 700.000/ ngày. Tổng cộng tất cả chi phí hết tất cả từ xét nghiệm trước sinh, tiêm ko đau, phòng ốc, tiền thuốc…. là 9 triệu

  Giây phút đầu tiên được gặp con thật cảm động - Ảnh minh họa

Giây phút đầu tiên được gặp con thật cảm động - Ảnh minh họa

Bệnh viện Hùng Vương: nhiều dịch vụ để mẹ lựa chọn

1. Chuẩn bị

Bệnh viện Hùng Vương được đánh giá là nơi có cơ sở vật chất tốt, tương đương với Bệnh viện Từ Dũ. Ngoài ra, bệnh viện này có nhiều gói dịch vụ để các bà mẹ lựa chọn.

Bênh viện Hùng Vương có 8 dịch vụ sinh cho các mẹ là:

- Dịch vụ sanh theo yêu cầu tại bv Hùng Vương

- Dịch vụ sanh gia đình ở bv Hùng Vương

- Dịch vụ sanh Vip tại bệnh viện Hùng Vương

- Dịch vụ đẻ không đau Hùng Vương giá rẻ

- Dịch vụ người thân cắt rốn bé khi sanh

- Dịch vụ da kề da; Mổ lấy thai và Lấy máu cuống rốn

Các mẹ hãy chọn dịch vụ phù hợp với mình tùy theo dịch vụ và kinh phí của bản thân nhé.

Khi đi sinh các mẹ bầu nhớ đem theo giấy CMND hoặc thẻ căn cước, hộ khẩu, và nếu có bảo hiểm y tế thì nhớ mang theo luôn.

2. Khi vào phòng chờ sinh và sau sinh

Khi vào phòng chờ sinh các mẹ sẽ được hộ sinh làm vệ sinh cho mình và kiểm tra cổ tử cung. Sau đó thì sẽ được đưa vào phòng sanh.

Sau khi sanh xong bé sẽ được đặt lên bụng mẹ, lúc này nên cho bé bú ngay nhé để kích thích tuyến sữa về sớm, dù cho bạn cảm thấy mệt nhưng hãy cố gắng một chút.

Bé sẽ được đi tắm và cân ký, còn mẹ thì được đẩy ra phòng hồi sức để nằm nghỉ ngơi chờ bé ra. Sau đó các hộ lý sẽ chăm sóc, cho thuốc uống hoặc tiêm tùy vào thể trạng của mẹ.

Các mẹ sẽ được chọn phòng tùy theo dịch vụ và kinh phí của mỗi mẹ.

Mỗi buổi sáng lúc 9h sẽ được tắm bé, bé được chích ngừa và thử máu.

Ở khoảng 2-3 ngày nếu sức khỏe mẹ và bé tốt thì được về.

Chi phí sinh tại Bệnh viện Hùng Vương:

Đây là chi phí hiện tại của bệnh viên khi chưa kèm theo các dịch vụ và chi phí khác: Sinh thường: 446.000 đã có BHYT, và 1.300.000 (DV); Sinh hút: 451.000 đã tính BHYT, 2.000.000 (DV); Sinh kềm forceps: 451.000 đã tính BHYT, 2.000.000 (DV); Sinh thường (B): 446.000 đã tính BHYT, 1.700.000 (DV).

Mai Anh (tổng hợp)/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO