Báo Điện tử Gia đình Mới

Muốn con trưởng thành, đừng tự biến mình thành 'cha mẹ siêu nhân'

Cha mẹ không phải là siêu nhân, cha mẹ không thể lo toan cho con tất cả, không thể sống cuộc sống của con.

Empty

Tôi đã trở thành một người mẹ vào mùa hè 2018. Vì thế khi vừa đọc lời mở đầu của cuốn sách “Cha mẹ hạnh phúc hay cha mẹ siêu nhân” của Lee Na Mi – một tác giả, một người mẹ người Hàn Quốc tôi nhớ mẹ tôi vô cùng và nhận ra, tôi đã có nhiều lầm tưởng trong quá trình nuôi dạy con.

Xin được trích dẫn đoạn đầu trong lời mở đầu ấy – lý do khiến tôi bỗng rất nhớ mẹ tôi trong mớ bộn bề của gia đình nhỏ và những đứa con bé nhỏ của mình.

“Mẹ không thích ăn mì đen” là một câu trong bài hát của nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc GOD. Người con hằng ngày một mình ở nhà đợi mẹ đi làm về đã quá chán mì tôm nên đòi mẹ: “Con muốn ăn thứ gì đó ngon hơn cơ”, vậy là bà mẹ đành trích một phần tiền dự phòng để mua một bát mì đen cho con. Lời bài hát chứa đựng sự hồi tưởng của người con về cảnh mình ăn ngon lành, còn mẹ thì nói rằng mẹ không thích ăn mì đen và không hề động đũa. Lần đầu nghe bài hát này tôi đã bật khóc và bây giờ mỗi lần nghe lại vẫn cảm thấy tim đau nhói”.

Tôi đã khóc khi đọc câu chuyện được kể trong lời mở đầu cuốn sách. Cũng như hồi lớp 9, tôi khóc suốt 2 tiết học 90 phút của môn văn, khi bài giảng của cô hôm đó là bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy. Bởi cả hai lần, đều khiến tôi nhớ tới câu “Không, mẹ không thích ăn” của mẹ mỗi khi có món ngon nào đó trong bữa ăn gia đình. Với một đứa trẻ khi ấy, câu nói của mẹ chẳng khiến tôi nghi ngờ điều gì.

Chị em tôi lớn lên, nhà chúng tôi không giàu nhưng có đủ điều kiện ăn uống mà không ai phải nhường ai. Nhưng tình yêu thương qua sự nhường nhịn đồ ăn ngon của mẹ cho các con vẫn không thay đổi. Có lẽ vì vậy, bên cạnh bản năng yêu thương cha mẹ, tôi trân quý sự hi sinh, cố gắng của cha mẹ để cho chúng tôi có cuộc sống hạnh phúc.

Giờ đây, tôi đã là một bà mẹ của hai đứa con. Như cha mẹ tôi, tôi yêu con mình không gì có thể đong đếm. Tôi đang kiên trì với quyết tâm, nuôi dạy con trở thành người tài giỏi.

Cho đến khi, tôi đọc tiếp những trang sau cuốn sách “Cha mẹ hạnh phúc hay cha mẹ siêu nhân”.

Tôi giật mình và bỗng nghi ngờ cách yêu thương và dạy con hiện tại của mình. Càng đọc, tôi càng băn khoăn, liệu phương pháp giáo dục đang áp dụng có phù hợp với con, liệu sự hi sinh của mình cho con có phải vô điều kiện hay có sự đòi hỏi, và tôi có chắc con mình là một đứa trẻ như mình và gia đình vẫn nghĩ? Vợ chồng tôi có phải là người cha người mẹ hạnh phúc?

Empty

 “Cha mẹ hạnh phúc hay cha mẹ siêu nhân” giúp gỡ bỏ nhiều lầm tưởng trong quá trình nuôi dạy con

Cuốn sách bao gồm 22 nguyên tắc nuôi dạy con vô cùng thú vị, đã khiến tôi vỡ lẽ nhiều điều.

Hiện nay, “cơn lũ” thông tin khiến các cha mẹ, đặc biệt là người trẻ tuổi phải loay hoay giữa muôn vàn cách nuôi dạy con. Khi quá kỳ vọng về con người tài giỏi, thành đạt mà con sẽ trở thành, họ càng quay cuồng đi tìm phương pháo giáo dục “tốt” cho con.

Nhưng họ không biết rằng, nền tảng giáo dục được xây dựng từ những điều rất nhỏ, chỉ cần tận hưởng những khoảnh khắc bên con đã là cách nuôi dạy con lý tưởng. Bởi “Nuôi dạy con không phải là “trò chơi một bên được một bên mất” khiến cha mẹ phải hi sinh mọi thứ để “nuôi dạy con thành đứa trẻ thông minh; nuôi dạy con là “cuộc chơi vui vẻ” giúp cha mẹ tận hưởng từng giây phút bên con”.

Một điều tác giả viết khiến tôi bỗng chột dạ, “trải qua quá trình nuôi con vất vả, mọi bậc cha mẹ, một cách vô thức, đều mong muốn được báo đáp công sức của mình bỏ ra”. Tôi nghĩ về mình và cho rằng tôi không mong con mình báo đáp gì cả. Nhưng hóa ra, việc “mong muốn con trở thành nhân tài để cha mẹ có thể tự hào” của cha mẹ là một ý muốn được con báo đáp.

“Trải qua quá trình nuôi con vất vả, mọi bậc cha mẹ, một cách vô thức, đều mong muốn được báo đáp công sức của mình bỏ ra”

Với bản năng của một người mẹ, tôi dành cho con tất cả những điều tốt đẹp, tôi dồn hết tiền bạc và thời gian để nuôi dạy con, tôi nghĩ tất nhiên tôi đang hi sinh tận lực vì con mình. Nhưng tôi chưa từng nghĩ, con có thể sẽ “chán ngán với sự quan tâm và đầu tư thái quá của cha mẹ” như tác giả cuốn sách nói. Tôi ngẫm về điều này và bắt đầu có chút hối hận về việc kè cặp lo cho con từng chút đến quên ăn, bắt con học chữ, học số quá sớm hay dù con chưa biết nói đã cho con nghe CD tiếng Anh mỗi ngày.

Tác giả cuốn sách khuyên rằng, để nuôi dạy con “hãy nhìn thẳng vào con người vốn có của con”. Bởi để con hạnh phúc, không phải “người làm cha mẹ như mình muốn gì” mà chính là “con thích thú với cái gì”. Có lúc tôi thấy không hài vì những bộ đồ chơi tôi mua chất đầy phòng mà con không chơi, hay cuốn sách tô màu rất đẹp mà con không chịu mở.

Vì tôi cho rằng thứ mình chọn là tốt nhất cho con. Nhưng thực tế, để con vui vẻ, cha mẹ cần tôn trọng ý thích của con. Và hơn hết, để bắt đầu nuôi dạy con, trước hết cha mẹ cần rèn luyện thể lực cơ bản cho con.

Một trong những điều tôi được cuốn sách thức tỉnh, là đừng quá kỳ vọng vào con. Tôi nhận ra, dù không quá quan trọng điểm số con đạt được nhưng tôi vẫn luôn muốn con học tập theo định hướng của mình. Để thay đổi điều này, chắc chắn tôi cần một buổi trò chuyện cùng con về môn học con yêu thích, con thích chơi trò gì, có đam mê nào con muốn thực hiện hay không,..

“Cha mẹ hạnh phúc hay cha mẹ siêu nhân” cũng giúp các bậc cha mẹ, những người lần đầu nuôi con có được những kỹ năng quan trọng như làm sao để con có thói quen ăn uống hợp lý, tầm quan trọng của tấm gương là cha mẹ,…

Tuy nhiên, cha mẹ không phải là siêu nhân, cha mẹ không thể lo toan cho con tất cả, không thể sống cuộc sống của con. Việc nuôi dạy một đứa trẻ, yếu tố quyết định là giáo dục gia đình từ bố mẹ, ông bà nhưng vai trò của môi trường xã hội, đất nước cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Và kết quả hoàn hảo của quá trình giáo dục hòa hợp giữa các yếu tố gia đình và sự tác động của xã hội chính là thời điểm con cái rời xa bố mẹ. Bởi đây là lúc con trưởng thành. Sinh con, nuôi dạy con là một việc cực kỳ khó khăn nhưng cũng là thứ hạnh phúc không thể đong đếm. Và “trái ngọt” chính là lúc con lớn khôn, có thể tự lập, xây dựng cuộc sống riêng, cũng là lúc cha mẹ sẵn sàng cho cuộc sống độc lần thứ hai trong đời.

Khi đọc “Cha mẹ hạnh phúc hay cha mẹ siêu nhân”, bên cạnh so sánh với cách nuôi dạy con của mình, tôi nghĩ về cha mẹ tôi nhiều hơn, tôi nhớ về khoảng thời gian thơ ấu rồi thiếu niên tôi sống bên cha mẹ.

Tôi nhận ra, tôi được cha mẹ dạy cách nhìn nhận đúng sai, tôi được tự do lựa chọn học những điều tôi thích. Tôi từ đó thấu hiểu sự vất vả và sự bao dung của cha mẹ. Vì thế tôi trở thành người biết quan tâm người khác và được mọi người yêu quý.

Và qua cuốn sách, tôi biết được mình cần cởi bỏ những áp lực trong việc nuôi dạy con để trở thành cha mẹ hạnh phúc. Tôi sẽ cùng con học và chơi những điều con thích, giúp con có thái độ đúng mực với sự vật, sự việc xung quanh chứ không trở thành siêu nhân dồn hết năng lượng của mình cho con.

Thục Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO