Báo Điện tử Gia đình Mới

Làm thế nào để đón Tết an toàn trong mùa dịch COVID-19?

Tết Nguyên đán năm nay rất “đặc biệt” vì dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Vậy làm thế nào để đón Tết an toàn trong mùa dịch COVID-19?

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ bí quyết để bữa ăn ngày tết đầy đủ, ngon miệng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đảm bảo an toàn trong mùa dịch COVID-19. 

Ngày Tết,  nên ăn như thế nào để đảm bảo sức khỏe? 

Để phục vụ những bữa ăn ngày tết, người Việt thường mua nhiều loại thực phẩm để dự trữ và bảo quản trong tủ lạnh.

Những thực phẩm truyền thống như: giò, chả, giò xào, nem chua, bánh chưng, bánh tét,… được chế biến sẵn, những thực phẩm khác như thịt và rau các loại cũng được dự trữ, món rau chủ yếu trong ngày tết là canh măng.

Vì thế, bữa ăn quá thừa thịt, thiếu rau xanh, món ăn thường bị lặp đi lặp lại trong các bữa, làm bạn cảm giác ăn không ngon.

Thông thường hiện nay, vào ngày mồng hai Tết, người kinh doanh ăn uống đã mở bán những món ăn bình dân như: bún ốc, bún cua, phở,… rất đông người ăn, giá lại đắt gấp 1,5-2 lần ngày thường vì họ biết tâm lý người tiêu dùng đã chán, ngấy những món ăn ngày Tết nhiều thịt, thiếu rau xanh, hoa quả mà thèm món ăn dân dã, nóng sốt, nhiều rau, ít thịt, ít béo.

  Bữa ăn ngày Tết thường thiếu rau xanh. Ảnh minh họa

Bữa ăn ngày Tết thường thiếu rau xanh. Ảnh minh họa

Vì vậy, để bữa ăn ngày Tết ngon lành, hấp dẫn và an toàn thì người nội trợ hạn chế mua nhiều thực phẩm để dự trữ và bảo quản, nên mua những phẩm tươi sống và nhớ mua thêm rau xanh và hoa qua chín.

Một chế độ ăn để đảm bảo sức khỏe cho bạn trong những ngày tết là bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, bữa ăn đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu về năng lượng, chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. 

Bữa ăn cân đối là bữa ăn trong đó các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối hợp lý. Năng lượng từ ngũ cốc cung cấp chiếm 55-67 % tổng năng lượng khẩu phần, phần năng lượng còn lại do chất béo cung cấp chiếm 20-25% và 13-20% là từ chất đạm. 

Để bữa ăn đủ chất dinh dưỡng và cân đối, chúng ta cần thực hiện đa dạng hóa bữa ăn, sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau, phối hợp thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật. Ví dụ một bữa ăn hợp lý không chỉ ăn thịt, cá, mà còn ăn đậu phụ, vừng lạc, rau xanh và hoa quả. 

Bữa ăn ngày Tết thường nguội lạnh, món ăn ít thay đổi, ăn vào khó tiêu là do dùng những thực phẩm chế biến sẵn: giò, chả, giò xào, nem chua, bánh chưng, bánh tét, canh măng,… dùng nhiều chất béo, do các món ăn chiên xào,… dùng nhiều đồ ngọt như: bánh, mứt, kẹo, nước ngọt và rượu bia,… 

Vì vậy, giải pháp để có bữa ăn ngon là ăn các món nóng, thay đổi món ăn và cách chế biến (đặc biệt là các món luộc, hấp), tăng cường ăn rau xanh và hoa quả chín, hạn chế đồ ăn ngọt, hạn chế rượu bia, ăn mặn hạn chế dưới 5g muối/người/ngày. 

Tăng cường ăn rau xanh và hoa quả chín trong từng bữa ăn, nhu cầu rau xanh là 400g/người/ngày và quả chín là 100-200gam/người/ngày. Để đảm bảo sức khỏe của bạn trước, trong và sau Tết, cần thực hiện như sau: 

  • Bữa ăn cần đảm bảo đủ nhu cầu về năng lượng, chất đạm, chất béo đặc biệt là rau xanh và hoa quả chín.
  • Không ăn thức ăn ôi thiu, có mùi lạ để đề phòng ngộ độc. Nên ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín. Thức ăn dự trữ hoặc còn dư sau mỗi bữa ăn phải bảo quản trong tủ lạnh cần đun lại thức ăn trước khi ăn.
  • Không lạm dụng rượu bia, nước ngọt có ga hoặc không có ga, không ăn nhiều bánh kẹo. Hãy cảnh giác với rượu giả trên thị trường.
  • Cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn bệnh lý đối với người bệnh bị tiểu đường, gút, thừa cân béo phì,..
  • Thực hiện ăn, nghỉ đúng giờ tránh thay đổi. Quần áo mặc đủ ấm khi trời rét, mát khi trời nóng trong trường hợp phải đi xa.

Xử lý khi bị đầy bụng, khó tiêu sau những bữa ăn ngày tết

Hạnh phúc nhất là sau mỗi bữa ăn chúng ta sẽ có cảm giác no và dễ chịu. Bữa ăn thực sự đem lại cho chúng ta một sự thưởng thức, hào hứng và phấn khởi khi có được 5 cảm giác ngon trước và sau khi ăn từ các cơ quan như: ngon mắt, ngon mũi, ngọn miệng, ngon tai và ngon tim. 

  Bữa ăn ngày Tết cần tạo được 5 cảm giác ngon trước và sau khi ăn từ các cơ quan như: ngon mắt, ngon mũi, ngọn miệng, ngon tai và ngon tim. Ảnh minh họa

Bữa ăn ngày Tết cần tạo được 5 cảm giác ngon trước và sau khi ăn từ các cơ quan như: ngon mắt, ngon mũi, ngọn miệng, ngon tai và ngon tim. Ảnh minh họa

Để đạt được điều đó, nó tùy thuộc vào cách lựa chọn, chế biến, bày biện thức ăn và không khí của các thành viên trong bữa ăn gia đình. 

Bữa ăn như vậy, sẽ giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn rất tốt. Ngược lại, sau khi ăn bị đầy bụng, khó tiêu thì làm cho chúng ta cảm giác khó chịu, nhất là trong bữa ăn ngày tết. 

Nguyên nhân của đầy bụng, khó tiêu thì có rất nhiều. Nhưng nguyên nhân do ăn uống là vì bữa ăn không cân đối các loại thực phẩm, thực phẩm không an toàn, thói quen ăn uống bị thay đổi,… 

Khi bị đầy bụng, khó tiêu làm bạn cảm thấy bụng căng, nhiều khí và nặng nề. Trong trường hợp đó, tuyệt đối bạn không nên sử dụng thuốc và tự ý dùng thuốc, khi dùng thuốc phải có chỉ định của bác sỹ. Triệu chứng đó sau một vài tiếng sẽ đánh hơi (thông hơi) hoặc đi ngoài thì bụng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

Khi xuất hiện cảm giác ậm ạch nặng bụng, bạn cần phải điều chỉnh chế độ ăn: ăn thành nhiều bữa, giảm lượng chất béo trong thức ăn, ăn ngay sau khi thức ăn vừa chế biến xong, hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế sử dụng bánh kẹo, nước ngọt và các loại hạt (dưa, bí, hướng dương, lạc),… 

Thay đổi thói quen ăn uống: Ăn uống đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, chọn các thực phẩm cân đối giữa các thành phần đạm, mỡ, đường.

Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán, không nên sử dụng chất kích thích như cafe, rượu, bia, thuốc lá, đồ uống nhiều gas,… Nên ăn nhiều hoa quả chín, rau xanh để cung cấp cho cơ thể các loại vitamin và khoáng chất. 

Để có cuộc sống an lành trong những Tết, trước hết chúng ta cần có một sức khỏe tốt, muốn có sức khỏe cần thực hiện chế độ ăn hợp lý, chế độ ăn lành mạnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID–19. 

Đồng thời, việc vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi cần hài hòa “giữa ăn và chơi”, không làm thay đổi hay xáo trộn giấc ăn, giấc ngủ, đồng thời thực hiện các trò chơi, giải trí lành mạnh.

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO