Báo Điện tử Gia đình Mới

Lối sống thiếu lành mạnh khiến giới trẻ đột quỵ vì bệnh tim ngày càng nhiều

Bệnh tim mạch đang có xu hướng trẻ hóa và làm tăng nguy cơ đột quỵ, đột tử ở những người trẻ tuổi. Do đó, việc chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch là cần thiết nhất.

benh-tim-mach2

Hút thuốc lá, uống rượu, bia là những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý về tim mạch 

Để phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả, TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội khuyên rằng, ngay từ lúc còn trẻ phải cố gắng thực hiện được một lối sống lành mạnh để hạn chế đến mức tối đa các yếu tố nguy cơ về tim mạch.

Cụ thể, mỗi người, nhất là những người trẻ tuổi nên cố gắng hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ gây bệnh dưới đây.

Hút thuốc lá, thuốc lào

Trong thuốc lá, thuốc lào có nhiều chất kích thích, đặc biệt nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch và gây tăng huyết áp.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, hút một điếu thuốc lá có thể làm tăng huyết áp tâm thu lên tới 11mmHg, huyết áp tâm trương lên 9mmHg và kéo dài trong 20 - 30 phút.

Vì vậy, không hút thuốc lá cũng là biện pháp phòng bệnh tăng huyết áp, từ đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.

Uống nhiều bia, rượu

Uống rượu, bia quá mức cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, nhất là bệnh tăng huyết áp.

Ngoài ra, uống rượu, bia quá mức còn gây bệnh xơ gan và các tổn thương thần kinh nặng nề khác từ đó gián tiếp gây bệnh tim mạch. Vì vậy, không nên uống quá nhiều rượu, bia để phòng bệnh hiệu quả.

beo-phi

Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, nhất là tăng huyết áp 

Thừa cân, béo phì

Cân nặng có quan hệ khá tương đồng với các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp.

Do đó, chế độ làm việc, ăn uống hợp lý, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều mỡ động vật và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ tránh dư thừa trọng lượng cơ thể.

Đồng thời cũng là biện pháp rất quan trọng để giảm nguy cơ gây tăng huyết áp, nhất là ở những người cao tuổi.

Ăn mặn

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, chế độ ăn nhiều muối khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng cao.

Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều so với những người ở đồng bằng và miền núi.

Bên cạnh đó là thói quen ăn nhiều dưa muối, cà muối, thịt muối… cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, trong đó có tăng huyết áp.

Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể điều trị được bệnh. 

benh-tim-mach

 Chế độ ăn nhạt với nhiều rau xanh, hạn chế chất kích thích sẽ giúp phòng bệnh tim mạch hiệu quả

Rối loạn lipid máu

Nồng độ cholesterol máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa động mạch, dần dần làm hẹp các lòng mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác trong cơ thể.

Động mạch bị xơ vữa sẽ kém đàn hồi và gây ra các bệnh về tim mạch. Vì vậy, một chế độ ăn giảm lipid máu sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả.

Và để giảm lipid máu cần hạn chế ăn trứng, không nên ăn mỡ động vật và phủ tạng động vật. Nên ăn nhiều rau và hoa quả tươi.

Bên cạnh đó, cần bổ sung nhiều cá tươi trong khẩu phần ăn, ít nhất 2 lần/tuần, bởi trong cá có nhiều acid béo không no có tác dụng tốt đối với hệ tim mạch.

Căng thẳng thần kinh (Stress)

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, stress làm tăng nhịp tim. Nhất là với những người trong độ tuổi lao động, công việc nhiều, áp lực nhiều dẫn đến stress, ngủ không đủ giấc… làm tăng nguy cơ đột quỵ, đột tử.

Vì vậy, mỗi người cần rèn luyện cho mình tính tự lập, kiên nhẫn và luôn biết làm chủ bản thân trước mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Có như vậy mới có thể hạn chế tối đa mọi stress, đồng thời phòng bệnh tim mạch. 

benh-tim-mach6

 Tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả

Lối sống tĩnh tại, ít vận động thể lực

Lối sống tĩnh tại cũng được coi là một nguy cơ gây ra các bệnh về tim mạch. Duy trì tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày ở cả người trẻ tuổi và người già có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả. 

Bên cạnh việc hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch thì cần hình thành thói quen thăm khám sức khỏe thường xuyên (khoảng 6 tháng một lần) có kèm với làm một số xét nghiệm cơ bản nhất như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu… để phát hiện sớm và điều trị bệnh có hiệu quả.

Nếu có các bệnh lý như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp thì cần điều trị một cách tích cực để hạn chế tối đa các biến chứng tim mạch có thể xảy ra. 

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO