Báo Điện tử Gia đình Mới

Lý do thực sự của việc ‘truyền bia giải độc rượu’ dù Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị

Câu chuyện bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu chữa bệnh nhân ngộ độc rượu methanol bằng cách “truyền bia” gây nhiều tranh cãi. 

  Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh chia sẻ về thông tin truyền bia cứu người ngộ độc rượu

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh chia sẻ về thông tin truyền bia cứu người ngộ độc rượu

Nhiều cơ sở y tế “mồ côi ethanol giải độc”

Theo đó, Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị ngộ độc methanol từ năm 2015 bao gồm phương pháp truyền ethanol nguyên chất vào tĩnh mạch và dùng ethanol nguyên chất theo đường uống. 

Tuy nhiên, khi bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị dùng phương pháp “truyền 5 lít bia” cho bệnh nhân khiến dư luận đặt câu hỏi, vì sao đã có phác đồ nhưng bệnh viện tỉnh phải dùng cách sơ khai như vậy?

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lý giải hiện nay, ngay tại Bệnh viện Bạch Mai cũng gặp khó khăn trong dự trù ethanol tĩnh mạch do chi phí, chưa tìm được nhà cung cấp. Trong ngành y, thuốc giải độc được liệt vào loại “thuốc mồ côi” vì hiếm và ít. 

Vì vậy, Bệnh viện sử dụng ethanol an toàn bằng đường uống, tìm rõ nguồn gốc, có giấy tờ hoá đơn theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc này cũng vô cùng vất vả.

Liên quan về vấn đề này, trong buổi trao đổi với báo chí chiều 11/1, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, ở các cơ sở y tế mới chỉ có các loại cồn sát trùng, chưa dự trù được đủ cồn ethanol điều trị ngộ độc methanol. Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, để xảy ra tình trạng này liên quan đến chi phí. 

“Chúng tôi rất hoan nghênh sáng kiến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đã sử dụng, áp dụng phương pháp sáng tạo. Phương pháp này có thể áp dụng trong tình trạng thực tế khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, giải độc chỉ là giải pháp hỗ trợ, không phải giải pháp chính mà cần có lọc máu, điều trị thải độc… Tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ tiến tới nhập các loại thuốc giải độc đặc hiệu để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân”, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết. 

Giải độc rượu, ethanol không phải tất cả

  Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Với những người sau uống rượu gặp phải các triệu chứng đau đầu nặng, hoa mắt, thở gấp hoặc thở sâu, buồn ngủ và /hoặc rối loạn sau khi uống rượu nhập lậu hoặc do vô tình uống phải methanol tất cả là dấu hiệu cảnh báo của việc ngộ độc. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ 12-24 giờ sau khi phơi nhiễm. 

Việc ngộ độc methanol có thể khiến bệnh nhân nguy kịch đến tính mạng. Chính vì vậy, với bệnh nhân bị ngộ độc, điều cần nhất là đến cơ sở y tế kịp thời nhanh chóng.

Trong điều trị ngộ độc methanol, bệnh nhân sẽ dùng thuốc đặc biệt tuỳ theo triệu chứng, lọc máu, thải độc… Khi có sự kết hợp đầy đủ của các phương pháp trên, nhất là lọc máu. 

Trong phác đồ điều trị khi ngộ độc, quan trọng nhất là lấy chất độc ra khỏi cơ thể bằng tăng đào thải (tự nhiên hoặc nhân tạo). Trong lúc chờ đợi, có thể làm giảm bớt triệu chứng ngộ độc bằng cho uống ethanol để ethanol cạnh tranh đẩy methanol ra khỏi tế bào. Tuy vậy, đổi lại hậu quả là nguy cơ ngộ độc thêm ethanol nếu không định lượng được nồng độ methanol trong máu.

Khi có máy lọc máu sẽ có thể giải quyết được rắc rối. Vì vậy, trong giải quyết ngộ độc rượu, lọc máu mới là giải pháp tiên quyết, còn ethanol được khuyến cáo có thể cho vào nhưng cần kiểm soát chặt chẽ liều lượng.

Vì vậy, BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết, người dân không nên tự ý dùng bia giải rượu hay chữa ngộ độc rượu mà phải được điều trị bởi nhân viên y tế. 

Hồng Hải/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO