Báo Điện tử Gia đình Mới

Mang thai 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu ăn gì để khỏe mạnh trong mùa COVID-19?

Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ thai nhi phát triển nhanh, nên mẹ bầu cần tăng cường dinh dưỡng, bổ sung nhiều loại thực phẩm để mẹ và bé khỏe mạnh trong mùa COVID-19.

Theo khuyến cáo của Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam, 3 tháng giữa của thai kỳ là giai đoạn thai phát triển nhanh, mẹ hết nghén, chưa mệt mỏi nhiều do thai chèn ép. Đây là lúc có thể tăng năng lượng cho khẩu phần ăn của bà mẹ để cân nặng tăng khoảng 4 - 5 kg/3 tháng giữa.

Mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày khi có thai 3 tháng giữa thai kỳ tăng thêm 250 kcal/ngày (tương đương với một bát cơm và thức ăn hợp lý).

  Mang thai 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu nên ăn gì để khỏe mạnh trong mùa COVID-19. Ảnh minh họa

Mang thai 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu nên ăn gì để khỏe mạnh trong mùa COVID-19. Ảnh minh họa

Giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ là giai đoạn phát triển về khung xương, chiều cao của trẻ, vì vậy bà mẹ cần chú ý ăn các thực phẩm giàu canxi, kẽm như tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản…

Để mẹ và bé đều khỏe mạnh trong mùa dịch COVID-19, phụ nữ mang thai 3 tháng giữa thai kỳ cần lưu ý lượng lương thực, thực phẩm trung bình một ngày được khuyến cáo như sau:

- Ngũ cốc: Tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 13 đơn vị ngũ cốc/ ngày. Nếu bà mẹ có rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ nên sử dụng gạo lứt hoặc gạo lật nảy mầm. (1 đơn vị ăn = 20g glucid)

- Thịt/ thủy sản/ trứng/ đậu đỗ: Tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 6 đơn vị thực phẩm cung cấp chất đạm/ ngày. (1 đơn vị = 7g protein)

- Rau lá, rau củ: Tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 4 đơn vị/ ngày. Nếu có rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ, nên tăng sử dụng rau lá, rau củ. (1 đơn vị ăn = 80g)

  Mẹ bầu nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, bổ sung các thực phẩm giàu đạm để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Ảnh minh họa

Mẹ bầu nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, bổ sung các thực phẩm giàu đạm để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Ảnh minh họa

- Quả chín: Tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 4 đơn vị/ngày. Nếu có rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ, nên sử dụng quả chín ít ngọt như bưởi, thanh long, ổi... (1 đơn vị ăn = 80g)

- Sữa và chế phẩm sữa: Tăng thêm 2 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 5 đơn vị/ ngày. Nếu có rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ nên sử dụng sữa và chế phẩm sữa không đường hoặc sử dụng sản phẩm sữa đặc hiệu cho bệnh nhân đái tháo đường theo sự chỉ dẫn của bác sỹ, cán bộ dinh dưỡng. (1 đơn vị ăn = 100mg canxi)

- Dầu mỡ: Không thay đổi so với 3 tháng đầu, sử dụng 5 đơn vị/ ngày. (1 đơn vị ăn = 5ml dầu ăn = 5g mỡ lợn)

- Đường: Không thay đổi so với 3 tháng đầu, sử dụng dưới 5 đơn vị/ ngày. Nếu có rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ cần hạn chế sử dụng đường. (5 đơn vị tương đương 25g đường)

- Muối: Không thay đổi so với 3 tháng đầu. Sử dụng dưới 5 g muối/ngày.

- Nước: Tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu. Sử dụng 9 đơn vị/ ngày. Mỗi đơn vị tương đương với 200 ml nước

- Vi chất: Thai phụ tiếp tục uống bổ sung viên sắt/ acid folic hoặc viên đa vi chất theo chỉ định.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO