Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Làm phụ nữ đã khổ, làm phụ nữ Việt Nam càng khổ hơn!

Với suy nghĩ con dại cái mang ăn sâu vào tư tưởng đã làm nhiều phụ nữ Việt phải gánh chịu những nghi ngờ, chỉ trích khi con ốm đau. Không ít các bà mẹ hết lòng vì con nhưng vẫn bị trách không biết chăm con.

  Phụ nữ Việt Nam rất áp lực trong việc chăm con

Phụ nữ Việt Nam rất áp lực trong việc chăm con

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM có những chia sẻ khi phải chứng kiến cảnh một bà mẹ trẻ bị chồng và mẹ chồng nghi ngờ truyền bệnh nguy hiểm cho con. Gia Đình Mới xin đăng tải bài viết.

"Tôi vẫn thường hay nghe mọi người nói “làm phụ nữ đã khổ, làm phụ nữ Việt Nam càng khổ hơn”, đặc biệt, là từ mẹ tôi. Và hôm nay, tôi chứng kiến câu chuyện tương tự.

Bé trai 1 tuổi cách đây 2 tuần đến khám bệnh viện vì thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc (hồng cầu trong con chỉ bằng một nửa các bé khác).

Mình còn nhớ rất rõ hình ảnh người mẹ cứ lầm lũi cúi mặt xuống đất khi mình hỏi bệnh. Bé được xét nghiệm máu ở Tây Ninh và nói con thiếu máu rất nặng nên cần nhập viện lên thành phố.

Bé ngủ rất ngon trong vòng tay mẹ, còn bố thì cứ lăm lăm những câu hỏi đại khái như "con trai em bị bệnh gì vậy bác?" "Con trai em bệnh nặng không bác ?"... Liếc nhìn người mẹ không dám ngước mắt lên nhìn mình hay nhìn người chồng, chỉ cúi lầm lầm xuống dưới nhìn con.

Từ sâu thẳm, tôi cảm nhận có gì đó không ổn và không bình thường. Và khi ông chồng hỏi một câu "Con em bị bệnh này có liên quan gì đến sữa của mẹ nó không bác sĩ ?" là mình hiểu rõ sự tình câu chuyện mà mình vẫn hay gặp: Bệnh này là do mẹ bé gây ra, hay mở rộng ra là do bên ngoại đúng không? Không phải do bên nội.

Mình hỏi "Tại sao bố lại hỏi vậy?". "Thì con em thiếu máu, em nghĩ là do sữa mẹ của bé thiếu chất hoặc do vợ em bị bệnh gì đó nên con em thiếu máu" - người chồng trả lời nhanh không chớp mắt.

Cái suy nghĩ "con dại cái mang" đã ăn sâu vào tâm tư của người Việt Nam chúng ta bao năm nay và giờ nó vẫn còn len lỏi đâu đó trong cái xã hội này.

Tại sao người ta chỉ hiểu từ “cái” theo một nghĩa hẹp là “mẹ” mà không bao giờ hiểu rằng: Một đứa bé bị bệnh có thể do bố hoặc mẹ hoặc thậm chí từ ông bà hoặc kết hợp tất cả yếu tố trên mà cứ vội quy chụp cho người mẹ?

Tôi phải xin lỗi người bố vì ngắt ngang anh và quay sang hỏi thêm người mẹ một số câu hỏi để củng cố thêm bệnh sử cho bé. Mẹ bé vẫn vậy - trả lời bằng giọng điều đầy run sợ và lo lắng.

"Thông qua những xét nghiệm tôi hiện đang có về con trai của anh và chị thì tôi nghĩ rằng bé có thể là tình trạng tan máu bẩm sinh hay còn gọi là Thalassemia.

Tôi cần làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu cho con trai của anh chị cũng như lấy máu của anh và chị xét nghiệm.

Cho đến khi có kết luận cuối cùng, tôi xin khẳng định chưa thể xác định ai là nguyên nhân truyền bệnh cho con. Có thể là từ cả bố và mẹ. Có thể từ bố. Có thể từ mẹ. Kết luận con bị bệnh do vợ anh là một kết luận vội vàng và hoàn toàn chưa có cơ sở".

Người chồng dạ thưa rồi dẫn vợ về nhưng lòng mình vẫn có một điều gì đó không an tâm lắm.

  Khi con chẳng may ốm đau, người mẹ luôn bị nghi ngờ không biết chăm con, truyền bệnh cho con. Ảnh minh họa

Khi con chẳng may ốm đau, người mẹ luôn bị nghi ngờ không biết chăm con, truyền bệnh cho con. Ảnh minh họa

Hôm nay, bé lại tái khám đúng hẹn. Nhưng lần này không phải bố mẹ và là mẹ và bà nội. Trời ơi, sau 2 tuần, đôi mắt mẹ của bé quầng thâm, chị gầy sộp hẳn, nhìn phờ phạc, thẫn thờ.

Nhìn cái bước chân của chị còn liêu xiêu hơn người bà nội của bé, tôi cảm thấy lo lắng vô cùng. Và rồi, mọi chuyện không ngoài dự đoán của tôi...

Người bà đi rất nhanh và bé theo bé trai. Người mẹ lủi thủi theo sau. Nhìn bộ đồ của chị, nhìn mái tóc và các chị chăm chút cho bản thân... tôi thấy thương cho chị vô cùng.

"Chào bác sĩ, tôi đưa cháu nội tôi tới tái khám và đây là kết quả xét nghiệm của bé cũng như của bố mẹ bé", bà nội nói giọng đầy nôn nóng.

Tôi cố gắng tập trung tối đa để phân tích và xâu chuỗi mọi dữ kiện. Sau 1 phút lựa lời nói, tôi bắt đầu mọi chuyện theo cách mà tôi muốn…

- "Chào bà và chào mẹ. Tôi đã có kết quả cuối cùng. Ở đây có mẹ là người thân nhất của bé. Tôi muốn hỏi rằng: Mẹ có đồng ý cho bà nội cùng lắng nghe tôi giải thích bệnh của con chị không?".

- Người mẹ thoáng bất ngờ và nhìn tôi bằng đôi mắt khó hiểu. Tôi tiếp tục: "Trên nguyên tắc, tôi chỉ giải thích cho người thân nhất của bé. Trong trường hợp này, chỉ bố và mẹ thôi " kèm một nụ cười. Tôi chả hiểu tại sao tôi lại cười lúc đó. Chắc có lẽ tôi muốn trấn an chị.

- "Vâng.... bác sĩ cứ nói... em chỉ mong bác sĩ chữa cho con"

- "Bệnh của bé là do di truyền. Mà người di truyền cho bé chính là từ bố của bé. Xét nghiệm máu cho thấy rằng bố của bé cũng có tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc giống như con trai của chị.

Còn chị thì công thức máu bình thường. Xét nghiệm gen cũng cho thấy anh nhà bị alpha thalassemia còn chị thì hoàn toàn bình thường. Nghĩa là con của chị bị bệnh thalassemia thể nhẹ do di truyền từ bố".

Người bà có vẻ bất ngờ lắm và hỏi "Sao ạ?". Tôi giải thích lại lần thứ hai cùng một nội dung. Người bà bào chữa "Con trai tôi xưa giờ khỏe lắm, nó hoàn toàn không bệnh vặt, ốm vặt gì cả. Ăn uống hoàn toàn bình thường. Nó còn là phó giám đốc công ty cơ mà".

"Giải thích thêm cho bác, nhiều người Thalassemia thể nhẹ thì họ hoàn toàn giống như chúng ta, nghĩa là hoàn toàn làm việc, sinh sống bình thường mà không hề có biểu hiện. Chỉ phát hiện tình cờ qua xét nghiệm máu mà thôi". Người bà lúc này mới chịu ngồi yên và chấp nhận sự thật.

"Giờ không phải là lúc đổ lỗi do ai, tại ai khiến cháu bà bệnh. Giờ là lúc cả nhà cùng ngồi lại với tôi để lên kế hoạch theo dõi và điều trị cho con làm sao tốt nhất".

Sau câu nói đó, cả 3 chúng tôi đều trở nên cởi mở hơn, trao đổi thẳng thắn hơn và người bà như cũng hiểu rõ hơn bản thân cư xử không phù hợp thế nào.

Nhìn ba bà cháu dắt díu nhau về, khác hẳn lúc vào, tôi thấy lòng nhẹ nhàng hẳn. Hy vọng sau chuyện này, chị có thêm tự tin để nuôi con.

Họ đi rồi, trong đầu tôi vẫn quanh quẩn câu nói "Làm phụ nữ đã khổ, làm phụ nữ Việt Nam càng khổ hơn".

Mong sao người vợ - người mẹ sẽ vững tâm hơn sau chuyện này để nuôi dạy con và chăm lo cho gia đình tốt hơn. Tôi không rõ chị đã trải qua những gì nhưng tôi cảm nhận đó là 2 tuần tra tấn tâm lý cũng như dằn vặt chị cực kỳ nặng nề.

Thalassemia (còn gọi là Bệnh tan máu bẩm sinh) được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925, tại Việt Nam, bệnh được các nhà khoa học nghiên cứu vào năm 1960. Thalassemia là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên thế giới. 

Tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 20.000 người bị Thalassemia thể nặng, mỗi năm có thêm khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia.

Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được khi có hiểu biết đầy đủ về bệnh và có biện pháp phòng tránh ngay từ hôm nay.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang/Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO