Món ăn ngon, bổ dưỡng và giúp hỗ trợ điều trị đau dạ dày

Bình luận

Người bị đau dạ dày nếu không ăn uống đúng cách, đủ chất sẽ làm tình trạng đau tăng lên, cơ thể gầy sút, suy kiệt.

Trong Y học cổ truyền, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thuộc phạm vi chứng vị quản thống. Do tình chí bị kích thích dẫn đến can khí uất kết mất khả năng sơ tiết, làm rối loạn khí cơ thăng thanh giáng trọc của tỳ vị mà gây ra các triệu chứng đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua... mà mọi người vẫn thường gọi là đau dạ dày.

Y học cổ truyền chia chứng vị quản thống làm các thể tùy từng thể bệnh mà có những phương thuốc phù hợp. Bên cạnh việc dùng thuốc thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh. Bởi nếu ăn uống không đúng cách sẽ làm bệnh thêm nặng hơn, đau nhiều hơn. Ví như người bị viêm loét dạ dày tá tràng và viêm đại tràng mạn tính thể Tỳ vị hư hàn cần kiêng ăn đồ sống lạnh, nếu không sẽ bị đau dạ dày, đau bụng, bụng ậm ạch khó chịu…

Dưới đây là một số món ăn bổ dưỡng nhằm hỗ trợ điều trị tốt cho người bị đau dạ dày.

  Những món ăn bổ dưỡng từ nấm, thịt nạc, hạt sen... rất tốt cho người bị đau dạ dày. Ảnh minh họa

Những món ăn bổ dưỡng từ nấm, thịt nạc, hạt sen... rất tốt cho người bị đau dạ dày. Ảnh minh họa

Canh thịt lợn nạc và nấm rơm: Thịt lợn nạc 100g, nấm rơm 100g, gia vị vừa đủ. Nấm tươi rửa sạch, thịt nạc rửa sạch thái miếng. Sau đó cho vào nồi đun với lượng nước vừa đủ. Khi thịt chín, nêm gia vị cho vừa miệng.

Cháo phật thủ đường phèn: Quả Phật thủ rửa sách, thái miếng nhỏ sau đó đun với kĩ chắt lấy nước. Sử dụng nước đun phật thủ để nấu cháo gạo lứt hoặc gạo tẻ như bình thường, sau đó thêm đường phèn cho vừa ăn. Có thể nấu cháo để ăn ngày 2 - 3 lần, vào các bữa phụ. Trong vỏ quả phật thủ chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể, có thể trị chứng đầy bụng khó tiêu, điều trị bệnh dạ dày hiệu quả.

Cháo gạo tẻ và gừng tươi: Gạo tẻ 100g, tiểu hồi hương 6g, gừng tươi 6g. Cho gừng tươi và tiểu hồi hương vào nồi sắc lấy nước. Sau đó cho gạo tẻ vào nấu thành cháo loãng. Dùng cho người bị viêm dạ dày mạn tính, yếu lạnh đau bụng.

Món ăn ngon, bổ dưỡng và giúp hỗ trợ điều trị đau dạ dày 1

Canh đậu tương dạ dày lợn: Đậu tương 100g, dạ dày lợn (bao tử lợn) 1 bộ, rửa sạch, thêm nước vừa đủ, đun nhừ chia bữa ăn. Dùng cho người viêm dạ dày mạn tính, sức khỏe kém.

Thịt kho nấm rơm: Sử dụng lượng thịt và nấm theo tỷ lệ 1:1, có thể 200gr thịt lợn nạc với 200gr nấm rơm tươi. Thịt và nấm rửa sạch, thịt thái miếng vừa ăn, nấm rơm bổ đôi. Cho thịt và nấm vào nôi ninh với một chút nước trên lửa nhỏ, khi thịt chín nêm nếm gia vị vừa ăn và dùng với cơm trong các bữa ăn chính. Theo Đông y, nấm rơm là một trong 4 loại nấm có công dụng chữa triệu chứng đau dạ dày hiệu quả.

  Thịt kho nấm là món ăn giúp hỗ trợ điều trị đau dạ dày hiệu quả. Ảnh minh họa

Thịt kho nấm là món ăn giúp hỗ trợ điều trị đau dạ dày hiệu quả. Ảnh minh họa

Canh dạ dày dê: Dạ dày dê một cái hầm với gừng tươi, riềng và nhục quế (lượng vừa đủ), chia ăn vài lần trong ngày. Dùng cho người bị viêm dạ dày mạn tính thể tỳ vị hư hàn.

Cháo vỏ quất: Nấu cháo bằng gạo tẻ như bình thường, nên nấu hơi loãng một chút. Khi cháo chín, tắt bếp và thêm một vài lát vỏ quất tươi, khuấy đều và dùng khi cháo còn ấm. Không ăn cháo khi còn nóng bỏng vì sẽ khiến dạ dày bị tổn thương. Tinh dầu tiết ra trong vỏ quất tươi cũng sẽ kích thích dịch dạ dày bài tiết để trung hòa axit và bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn tốt hơn, chống viêm loét.

  Cháo hạt sen không những bổ dưỡng mà còn giúp hỗ trợ điều trị đau dạ dày. Ảnh minh họa

Cháo hạt sen không những bổ dưỡng mà còn giúp hỗ trợ điều trị đau dạ dày. Ảnh minh họa

Cháo hạt sen, khiếm thực: Gạo tẻ 30g, hạt sen 20g, khiếm thực 30g, một ít đường trắng. Gạo tẻ vo sạch ngâm 20 phút, hạt sen bỏ tim nếu là hạt sen khô ngâm trong nước độ 1 giờ đồng hồ, rồi cho hạt sen, khiếm thực và gạo vào nồi cùng nước nấu thành cháo, khuấy đều, thêm đường trắng.

Để chữa bệnh đau dạ dày hiệu quả, ngoài việc dùng các món ăn giúp hỗ trợ điều trị bệnh thì người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, người bệnh cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê đặc hoặc trà đặc.

Khi ăn cần ăn uống phải đúng giờ, ăn những thứ dễ tiêu hóa. Không nên ăn chua, ăn nguội, quá nóng, quá cay và đồ khô rắn, tránh để đói hoặc no quá. Hình thành thói quen nhai chậm, nhai kỹ khi ăn. Nên ăn nhiều bữa và số lượng thức ăn trong mỗi bữa có thể ít đi. Hạn chế ăn các thực phẩm ướp mặn hoặc xào rán nhiều dầu mỡ.

Bạn đang xem bài viết Món ăn ngon, bổ dưỡng và giúp hỗ trợ điều trị đau dạ dày tại chuyên mục Món ăn bài thuốc của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình