Món ngon bài thuốc từ cua giúp bổ dạ dày, lợi tiêu hóa

Bình luận

Với những người bị nóng trong, hay bí tiểu tiện, dạ dày hoạt động kém có thể ăn những món ăn được chế biến từ cua dưới đây giúp cải thiện triệu chứng nhanh, bổ dạ dày, thanh nhiệt, lợi tiêu hóa.

Món rau cải nấu cua

Nguyên liệu gồm: Thịt của bể 250, rau cải 400g, tỏi băm nhỏ 10g, muối ½ thìa con, rượu 1 thìa canh, nước gừng 1 thìa canh, hạt tiêu 1 ít vừa đủ, đường ¼ thìa con, nước sốt 2/3 cốc.

Đem cua rửa sạch, hấp chín cả con, bỏ mai gỡ thịt. Rau cải nhặt và rửa sạch, nhúng qua nước sôi 2 phút, vớt ra để ráo nươc. Đun nóng dầu phi tỏi thơm, cho rau cải vào đảo qua, thêm thịt cua vào đảo cùng đến khi chín cho các loại gia vị, nước sốt đã chuẩn bị sẵn vào là được.

Món rau cải nấu cua có công dụng điều hòa chức năng dạ dày, làm thức ăn dễ tiêu, thanh nhiệt tan kết ứ, thông mạch bổ âm, bình gan, sáng mắt.

  Thường xuyên ăn cua rán có tác dụng bổ gân ích khí, điều hòa chức năng dạ dày

Thường xuyên ăn cua rán có tác dụng bổ gân ích khí, điều hòa chức năng dạ dày

Món cua rán

Nguyên liệu gồm: Cua sống 800g, tỏi băm nhỏ 10g, gừng thái sợi 5g, muối 1/5 thìa con, rượu 2 thìa canh, hành giấm mỗi thứ một ít vừa đủ.

Sau khi chuẩn bị đủ nguyên liệu đem cua rửa sạch, lấy xiên tre chọc từ phía đầu càng vào trong, lắc nhẹ cho cua chết, làm như vậy khi rán cua không bị rụng càng, rồi tiếp tục cho gia vị đã chuẩn bị vào ướp cua.

Đun sôi dầu ăn và bỏ cua vào chảo dầu rán nhỏ lửa cho cua chín vàng đều thì gắp cả con ra đĩa.

Đem gừng, tỏi, hành, giấm, nước mắm ngon chế biến thành nước chấm để chấm cua rán.

Thường xuyên ăn cua rán có tác dụng bổ gân ích khí, điều hòa chức năng dạ dày, làm thức ăn dễ tiêu hóa, thanh nhiệt tán kết, thông mạch dưỡng âm, thích hợp dùng cho người bị huyết ứ sau khi sinh đẻ.

Món cua hấp

Nguyên liệu gồm: Cua bể 6 con (khoảng 0,8kg), gừng vài lát, hành vài nhánh.

Đem cua rửa sạch, thấm khô nước, chặt thành miếng. Gừng, hành bỏ vỏ, rễ, rửa sạch và đặt ở đáy nồi. Xếp cua theo nguyên dạng để trong đĩa, hấp cách thủy khoảng 10 phút cho cua chín, lấy ra và nhặt bỏ gừng, hành. Đun mỡ nóng và tưới lên cua, ăn nóng.

Công dụng của món cua hấp là giúp dưỡng gân bổ khí, điều hòa chức năng dạ dày, dễ tiêu hóa thức ăn, thanh nhiệt, tan kết, mát gan, sáng mắt.

Tuy nhiên, với những người lạnh bụng nên ăn ít, phụ nữ có thai không nên ăn món cua hấp để đảm bảo an toàn cho sức khỏe 2 mẹ con.

  Canh cua nấu mướp mồng tơi có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiêu hóa, tốt cho dạ dày

Canh cua nấu mướp mồng tơi có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiêu hóa, tốt cho dạ dày

Món canh cua mồng tơi và mướp

Nguyên liệu gồm: Cua đồng 200g, mướp 2 quả vừa, mồng tơi 1 mớ vừa, bột canh, bột ngọt, dầu ăn mỗi loại một ít vừa đủ.

Cua rửa sạch, bóc bỏ mai, miệng cua rồi để ráo nước. Gạt lấy phần gạch cua và cho ra bát nhỏ.

Cho cua vào cối giã nhỏ hoặc cho vào máy xay, xay nhỏ, thêm nước vừa đủ để nấu canh vào khuấy đều để thịt cua tan vào nước và lọc bỏ bã, lấy nước nấu canh.

Rau mồng tơi nhặt lá, rửa sạch, để ráo và thái đoạn nhỏ. Mướp gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng vừa ăn. Hành khô bóc vỏ, đập dập.

Tiếp đó cho nước cua vào nồi và đun nhỏ lửa, nêm thêm chút bột canh và bột ngọt. Trong lúc chờ cua nổi thịt thì lấy một nồi khác phi thơm hành và cho gạch cua vào đảo cùng.

Sau đó cho mướp vào đảo cùng, thêm một chút nước để mướp chín đều, nêm gia vị cho vừa ăn rồi cho rau mồng tơi vào đảo cùng. Đến khi rau chín tái thì tắt bếp.

Khi nước cua nổi thịt, vớt thịt cua ra bát con. Đổ phần nước còn lại vào nồi rau. Bật bếp đun sôi trở lại. Nêm lại gia vị cho vừa. Trút canh ra bát và đổ phần thịt cua lên trên.

Canh cua nấu mướp mồng tơi có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiêu hóa, tốt cho dạ dày. Món canh cua mồng tơi không chỉ bổ dưỡng, tốt cho tiêu hóa mà còn có nhiều canxi nên rất tốt cho trẻ nhỏ và những người bị thiếu canxi, cần bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Bạn đang xem bài viết Món ngon bài thuốc từ cua giúp bổ dạ dày, lợi tiêu hóa tại chuyên mục Dinh Dưỡng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình