Báo Điện tử Gia đình Mới

Một bệnh nhân bị mù sau khi bị cảm thông thường, cảnh báo tình trạng ‘nhờn’ kháng sinh trầm trọng

Với sự gia tăng của các siêu vi trùng, cộng thêm tác động của tình trạng kháng kháng sinh, một người phụ nữ Singapore đã bị mù và suy nhược cơ thể ‘giống như một đứa trẻ’ chỉ sau trận cảm sốt thông thường.

Bà Siti Haja bị mất thị lực chỉ sau một trận cảm sốt thông thường

Bà Siti Haja bị mất thị lực chỉ sau một trận cảm sốt thông thường

Siêu vi trùng đánh bại mọi loại thuốc

Bà Siti Hajar, 45 tuổi, sống tại Changi (Singapore) ban đầu chỉ bị sốt, nhưng do bị tiểu đường, bà có hệ miễn dịch tương đối yếu nên buộc phải dùng kháng sinh để bảo vệ cơ thể.

Ngay sau khi dùng thuốc, bà có thể quay lại làm việc. Nhưng bà vẫn cảm thấy khó chịu và mắt bắt đầu bị mờ, các triệu chứng cảm sốt không giảm… Ngày hôm sau, bà đến khám tại bệnh viện đa khoa Changi, khoa Cấp cứu và tai nạn.

‘Tôi chỉ nhớ mình đến bệnh viện, đăng ký vào khám và nhìn thấy một y tá. Kể từ đó, tôi không thể nhớ thêm gì nữa’ – bà nói với chương trình Talking Point trên kênh truyền hình Mediacorp.

Sau khi khám tổng quát, bà Siti Hajar được chẩn đoán mắc phải một chủng vi khuẩn có tên là klebsiella pneumoniae, có thể năng chống lại nhiều loại kháng sinh.

Đó là vào năm 2015, tình trạng nhiễm khuẩn khiến bà Siti Hajar bị mất thị lực, sau đó lan sang các cơ quan nội tạng khác, tàn phá sức khỏe của bà.

Từ khi được phát minh đến nay, kháng sinh là thứ ‘thần dược’ với hàng triệu bệnh nhân trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Nhưng loại thuốc này đã không thể giúp bà Siti, người cho đến nay vẫn phải sống trong hậu quả của tình trạng nhiễm siêu vi trùng.

Cũng trong tình trạng đó, 1/9 các bệnh nhân đến thăm khám tại bệnh viện Singapore là do nhiễm siêu vi khuẩn, loại vi khuẩn có khả năng kháng kháng sinh, do đã phơi nhiễm với thuốc qua nhiều năm.

Trên toàn cầu, tình trạng lạm dụng kháng sinh đã dẫn đến gia tăng các dòng vi khuẩn kháng thuốc.

Ở Singapore, tình trạng còn nghiêm trọng hơn do sự thiếu hiểu biết của người dân về tác dụng của thuốc.

Nghiên cứu được tiến hành bởi các chuyên gia y tế cộng đồng chỉ ra 78% bệnh nhân Singapore cho rằng kháng sinh có thể chữa các bệnh nhiễm trùng đơn giản như cảm lạnh hay đau họng.

Ngoài ra, 66% bệnh nhân tin rằng kháng sinh có thể giúp cho bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể khỏi nhanh hơn. Thực chất, bệnh này thường gây ra bởi virus.

Đó là lý do vì sao 1/3 các bệnh nhân mong được bác sĩ kê đơn loại thuốc này, trong khi kháng sinh chỉ giúp chống lại vi khuẩn, chứ không phải virus. Nếu bác sĩ không kê đơn kháng sinh, một số bệnh nhân sẽ đi gặp bác sĩ khác.

Bác sĩ gia đình Kelvin Goh (Tập đoàn Y khoa Northeast) đã phải đối mặt với những áp lực như vậy từ bệnh nhân. Một vài người trong số những bệnh nhân cứ khăng khăng đòi uống kháng sinh với lý do họ đã từng có ‘kinh nghiệm tồi tệ’ về vấn đề tương tự.

‘Họ có thể đã gặp bác sĩ để điều trị một bệnh do nhiễm virus.

Bác sĩ nói họ không cần kháng sinh, nhưng sau đó bệnh tiến triển nặng hơn, khiến họ cần chăm sóc tại bệnh viện hoặc chuyên khoa ", ông giải thích.

Bác sĩ Kelvin Goh cảnh báo về tình trạng lạm dụng kháng sinh ở Singapore

Bác sĩ Kelvin Goh cảnh báo về tình trạng lạm dụng kháng sinh ở Singapore

Xét nghiệm trước khi kê đơn: quan trọng hơn bao giờ hết

Cách để xác định ca bệnh có cần dùng kháng sinh hay không, theo bác sĩ Kelvin Goh, cần phụ thuộc vào một bệnh sử đầy đủ, cũng như khám lâm sàng kỹ lưỡng. Ngoài ra, việc xét nghiệm máu cũng như xét nghiệm các nhiễm khuẩn là rất cần thiết.

Chỉ có một nhóm nhỏ các bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn, Phó giáo sư Mark Chen, Trường Y tế Công cộng, thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh.

Ông cho rằng một số bác sĩ quyết định kê đơn thuốc kháng sinh để đề phòng rằng họ có thể đã không phát hiện ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp’.

Tuy nhiên, Bác sĩ Goh cho rằng các bác sĩ nên làm các xét nghiệm đơn giản để biết chính xác tình trạng bệnh.

‘Chúng tôi đang phải giáo dục cho cả những người làm chuyên môn và cộng đồng. Các bác sĩ cần phải tìm hiểu thực tế bệnh nhân… Khi đó kháng sinh sẽ trở thành không cần thiết'.

Nếu như không thể thuyết phục bệnh nhân không dùng thuốc kháng sinh, bác sĩ Goh cho biết mình sẽ đưa kháng sinh cho họ theo đúng yêu cầu, ‘nhưng tôi sẽ nói với họ thật rõ ràng rằng họ đang bị nhiễm virus’.

Theo ông Goh, vẫn có những bệnh nhân cố tình mua kháng sinh online hoặc từ nước ngoài, nếu như họ không thể có được loại thuốc này từ 2.600 bác sĩ đa khoa trong nước.

Chương trình Talking Point không xác định được số website bán thuốc online – một số có thể hoạt động bên ngoài Singapore. Những loại thuốc kháng sinh được website bán cho bệnh nhân mà không quan tâm đến việc họ có được kê đơn thuốc đó hay không.

Một số trang web như eBay hay Carousell có thể bán thuốc kháng sinh không cần đơn, sau đó còn chuyển hàng đến tận nhà cho bệnh nhân.

Lạm dụng thuốc kháng sinh có thể gây tác hại về lâu về dài

Lạm dụng thuốc kháng sinh có thể gây tác hại về lâu về dài

Khi một vết đứt tay cũng có thể gây tử vong

Hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh, tăng kháng kháng sinh hiện nay rất đáng lo ngại.

Tiến sĩ Andrea Kwa, nhà khoa học lâm sàng và dược sĩ chuyên khoa (các bệnh truyền nhiễm) tại Bệnh viện đa khoa Singapore, cho biết, trong một vài năm trở lại đây, các nghiên cứu về thuốc kháng sinh mới đã chậm lại vì lĩnh vực này ‘không nhiều lợi nhuận nữa’.

Bà giải thích rằng tình trạng kháng thuốc với các loại thuốc mới xảy ra chỉ trong vòng 2 – 3 năm, thời gian này đã rút ngắn hơn so với trước đây.

Bà nói thêm: ‘Các phẫu thuật đơn giản như thay thế hông, cắt bỏ ruột thừa, mổ lấy thai khẩn cấp có thể gặp nhiều khó khăn hơn, bởi vì các bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra như là một biến chứng khó giải quyết’.

Tình trạng này thậm chí còn tồi tệ hơn nếu không có loại kháng sinh nào phát huy tác dụng.

Phó giáo sư Hsu Li Yang, người đứng đầu chương trình Chống kháng thuốc của trường Y tế cộng đồng Saw Swee Hock cho biết: ‘Chúng tôi lo ngại rằng... những người mắc các loại bệnh nhiễm trùng đơn giản nhất, do bị đứt tay, bị gai đâm, có thể chết’.

Để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh, sự phát triển của các loại thuốc mới phải được đẩy nhanh hoặc việc sử dụng kháng sinh không đúng cách phải được giảm đi’.

Ông nói: ‘Chúng tôi cũng có thể tăng cường tiêm chủng, thậm chí để chống lại các bệnh như cúm. Nếu bệnh nhân không đến gặp các bác sĩ khi ho và cảm lạnh, thì các bác sĩ sẽ không kê toa kháng sinh, vì vậy ... chúng tôi cũng sẽ giảm áp lực (lạm dụng) kháng sinh nói chung’.

Để giúp ngăn chặn sự xuất hiện của siêu vi trùng trong bệnh viện, Tiến sĩ Kwa đã lập một nhóm theo dõi sử dụng kháng sinh và cũng phát triển các chiến lược đối phó.

Một trong số đó là các xét nghiệm dùng kết hợp nhiều kháng sinh nếu một loại kháng sinh riêng lẻ không có ích.

Ca bệnh của bà Siti là một cảnh báo mới về nguy cơ của các loại siêu vi trùng kháng thuốc. ‘Loại vi khuẩn ấy đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời tôi. Giờ đây tôi giống như một đứa trẻ, một đứa bé đang tập đi…Tôi chẳng biết làm cách nào để tiếp tục sống’ – bà Siti nói.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO