Báo Điện tử Gia đình Mới

Muốn thay đổi bạn đời thực chất chính là chưa hiểu mình

Rất nhiều gia đình ở trong tình trạng muốn nửa kia của mình phải thay đổi. Nhưng bạn có hiểu rằng, đằng sau mong muốn thay đổi đối phương ấy có thể nói lên điều gì về chính bản thân bạn?

Khi ta muốn thay đổi nhau, tức là nó phản ánh điều gì? Ta có thực lòng thành thật với mình không? Ta tưởng rằng vì ta biết cái gì là tốt cho người kia, rằng ta nhìn được những gì sai họ đang làm, nên ta cho rằng mình có quyền quyết thay họ cái gì là tốt cho họ, và ta muốn thay đổi họ nhân danh cái tốt và tình thương.

Thực ra ta có hiểu khi ta muốn thay đổi người khác như thế nghĩa là gì không?

Nguồn ảnh: Yelena Bryksenkova

Nguồn ảnh: Yelena Bryksenkova

Là ta chưa ghi nhận những gì tốt đẹp ở họ. Có rất nhiều người sẵn sàng lên án vợ hoặc chồng mình, cái người mà ta vẫn sống chung cùng một mái nhà, chia sẻ thức ăn, ngủ chung chiếc giường, có những đứa con, đã trải qua một hành trình có lên xuống, thay đổi cùng mình.

Là ta chưa hiểu rằng vợ hay chồng ta có quyền sống như anh ấy/cô ấy. Ta chọn lấy nhau, nhưng ta đã hiểu quá khứ của nhau chưa?

Không phải là quá khứ yêu cô nào, anh nào, mà là quá khứ của những đau khổ, tổn thương, niềm vui, đam mê, khó khăn, và nghị lực.

Ta có biết cô ấy hoặc anh ấy đã phải chôn vùi những nỗi đau gì, ước mơ gì? Ta có biết cô ấy hoặc anh ấy đã đem theo nỗi đau gì tới tận hôm nay mà có khi không dám thể hiện ra với ai cả, kể cả chính ta? Ta có biết cô ấy hoặc anh ấy đã mạnh mẽ như thế nào, và đã phải từ bỏ những gì?

Là ta chưa hiểu rằng chính khi mà ta nhận lấy nhau và ở bên nhau, đó chính là khi ta phải bắt đầu học cách chấp nhận những gì tốt nhất ở bạn đời cũng như những gì xấu nhất ở anh ấy hoặc cô ấy mà không trách móc, giận hờn.

Ta muốn được chứng kiến nụ cười ở bạn đời ta, thì ta hãy dũng cảm chấp nhận sự đau khổ và bế tắc ở bạn đời ta, chứ đừng chỉ chấp nhận nụ cười nhưng xua đẩy họ khi họ đau khổ.

Sự đau khổ có nhiều biểu hiện lắm, nó không phải là “Em ơi, anh ơi, anh/em đau khổ quá!” Lắm khi họ bực tức về nhà, lớn tiếng với ai, đóng mình lại, trở nên xa cách,… đó chính là khi họ bị tổn thương mà không biết cách diễn giải và thể hiện cho đúng.

Là ta chưa hiểu rằng chính khi mà ta nhận lấy nhau và ở bên nhau, đó không chỉ là xây dựng một tổ ấm để sinh con cho hoàn thành nghĩa vụ.

Empty

Đó là một hành trình hỗ trợ nhau cảm nhận và chuyển hóa nỗi đau, là hỗ trợ nhau thực hiện ước mơ và mục đích sống riêng của mỗi người, là hỗ trợ nhau để cả hai có được sự kết nối và một ngôi nhà đích thực để trở về.

Chúng ta ở với nhau, song chúng ta đã có ngôi nhà đích thực đó chưa? Nếu bạn đời ta không muốn trở về nhà, ta hãy nhìn nhận lại mình xem có phải mình vô tình có thói quen trách móc, phủ nhận bạn đời?

Là ta chưa hiểu bạn đời đủ và thương họ đủ.

Là ta chưa hiểu chính mình.

Là ta chưa hiểu rằng chính ta có sức ảnh hưởng rất lớn tới cách mà bạn đời sống và phát triển. Ta tưởng rằng một bài diễn văn hùng hồn sẽ thay đổi được bạn đời ta, nên ta cứ lao đầu theo hướng đó hết ngày này qua ngày khác.

Ta tưởng rẳng nếu ta chỉ ra được lỗi lầm của bạn đời thì bạn đời có trách nhiệm phải thay đổi, và nếu họ không chịu thay đổi thì đó là do họ bảo thủ, yếu đuối, không có ý chí.

Ta chẳng thể nhìn thấy những nỗi đau mà ta gây ra cho họ khi ta chọn ứng xử như thế. Bởi vì qua những cách đó, cho dù miệng ta nói “Em chỉ muốn tốt cho anh/anh chỉ muốn tốt cho em thôi”, thì ta đã vô tình có một cách thức hiệu quả để khẳng định giá trị của mình và hạ thấp bạn đời của mình.

Ta đã vô tình phủ nhận họ. Họ đau lắm, tổn thương lắm. Ta chưa hiểu sao?

Nguồn ảnh: Yelena Bryksenkova

Nguồn ảnh: Yelena Bryksenkova

Ta hãy nhớ xem ngày trước ta lấy nhau vì lý do gì. Nhiều người tưởng rằng chúng ta biết yêu, nhưng rồi sẽ sớm nhận ra rằng chúng ta không hề biết yêu và phải học lại từ đầu.

Một số người lấy nhau vì tiền bạc, địa vị, lợi ích cá nhân, sự thúc giục của gia đình, chẳng yêu mấy nhưng đã đến tuổi nên cứ lấy,… – những người này đừng hỏi tại sao mình đau khổ. Ta không chọn nhau vì sự tôn trọng và tình yêu dành cho người kia, thì chính ta đã tự buộc xích vào cổ mình.

Hạnh phúc trong hôn nhân và cách hôn nhân hỗ trợ sự phát triển của mỗi người phụ thuộc vào cách cả hai người tham gia xây dựng mối quan hệ, yêu thương nhau, chấp nhận nhau, thấu hiểu nhau, tôn trọng nhau, để cho nhau được thở, được sống trọn vẹn như những gì tự nhiên nhất ở nhau.

Nguồn ảnh: Yelena Bryksenkova

Nguồn ảnh: Yelena Bryksenkova

Ta đã tham gia chưa? Đã yêu thương thực sự chưa? Đã tin tưởng chưa? Đã thấu hiểu chưa? Đã tôn trọng chưa? Đã để cho nhau thở chưa? Đã chấp nhận toàn bộ con người của nhau chưa?

Nếu ta chưa làm được, thì đừng trách tại sao bạn đời ta ngày càng xa cách, căng thẳng với ta. Nếu ta chưa làm được, đừng hỏi tại sao bạn đời ta không thay đổi, đừng hỏi tại sao với những người khác thì bạn đời ta vẫn đáng yêu được nhưng bạn đời ta không còn đáng yêu với ta nữa.

Ta đừng bao giờ kiểm soát bạn đời ta nhân danh sự quan tâm hay tình thương. Ta đừng bao giờ hỏi bạn đời ta đi đâu, đi với ai, làm gì, đừng bao giờ xem trộm điện thoại, tin nhắn, Facebook, đừng bao giờ ngăn cản bạn đời ta đi ra ngoài khi họ cần phải đi.

Lắm người sợ hãi, tưởng tượng về một người thứ ba sẽ phá vỡ hạnh phúc gia đình. Ô kìa, nếu gia đình hạnh phúc rồi, thì người thứ ba nào có thể chen chân vào? Vấn đề chính là gia đình đã rạn nứt đủ để vừa chỗ cho một người thứ ba lọt vào.

Gia đình cần phải vững chắc. Cũng như cái xe máy, nếu ta không đổ xăng, bảo dưỡng, bơm xe, sửa chữa ngay khi có sự cố và học cách sử dụng cho đúng, thì liệu gia đình sẽ tồn tại được bao lâu?

Ta phải học cách “đổ xăng”, “bảo dưỡng”, “bơm xe”, “sửa chữa”, “học cách sử dụng” với cả gia đình nữa chứ. Không phải cứ ở với nhau, cứ là vợ chồng rồi, thì ta có thể mặc định rằng mọi thứ sẽ tự vận hành đâu ra đó.

Ta nghĩ rằng các gia đình khác may mắn hơn ta? Có thể, mà thường thì không. Có gia đình nào không có sự xây đắp hạnh phúc thường xuyên mà có thể gần gũi nhau và liên tục hỗ trợ nhau phát triển?

Chẳng có gia đình nào không có vấn đề hay mâu thuẫn. Cũng như bệnh tật, khi phát hiện ra triệu chứng nhỏ, ta phải điều tra ngay, nhận trách nhiệm ngay, sửa chữa ngay.

Còn nếu cứ mặc kệ, từ chối nhận trách nhiệm, đổi lỗi, chờ đợi người kia tự nhận ra và tự lo liệu, thì bệnh sẽ ngày càng nặng, nặng quá thì có thể vô phương cứu chữa.

18707df7135b029994652d84ae30ee8c

Khi ta còn muốn thay đổi vợ/chồng mình là ta còn chưa tôn trọng được hành trình phát triển riêng của cô ấy/anh ấy. Như đứa trẻ tập đi, có ngã thì mới học đi và biết cách tự đứng dậy.

Mọi cá nhân đều cần phải vấp ngã, vấp ngã rất nhiều lần trong cuộc đời. Đó là cách hiệu quả nhất để học. Hành trình của mỗi người không ai giống ai cả. Đừng dùng hành trình của mình làm chuẩn để đánh giá những hành trình khác.

Còn lại chỉ là: Khi họ vấp ngã, ta chọn làm gì? Ta chọn thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương, hay ta chọn phán xét và chối bỏ?

Ta đừng bao giờ nghĩ ta đã làm hết rồi, mà họ vẫn không thay đổi. Khi họ không thay đổi, có nghĩa là ta chưa làm đủ. Biểu hiện của họ phản ánh nỗ lực của ta chính xác hơn ngàn lần những gì ta nghĩ là ta đã và đang làm.

(Những nguyên tắc trên giống hệt với quan hệ cha mẹ - con cái.)

123
Phương Đặng/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO