Báo Điện tử Gia đình Mới

Nắng nóng 40 độ, shipper, xe ôm, công nhân xây dựng cẩn thận nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ

Nắng nóng tiếp tục hoành hành trên diện rộng, cao điểm nhất là từ 10 giờ - 16 giờ. Bác sĩ cảnh báo, đột quỵ do sốc nhiệt có thể xảy ra.

Cảnh báo hiện tượng sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng khủng khiếp

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Hà Nội cùng các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đang ở trong đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 36-39 độ C.

Nhiệt độ thực tế ở ngoài trời lúc gay gắt nhất có thể lên tới 46 độ C.

Mức nhiệt cao có thể gây nguy hiểm đối với những người làm công việc di chuyển ngoài trời như shipper, xe ôm, công nhân xây dựng, lái xe...

  Cảnh báo trời nắng nóng bị sốc nhiệt, đột quỵ ở những người làm việc ngoài trời lúc cao

Cảnh báo trời nắng nóng bị sốc nhiệt, đột quỵ ở những người làm việc ngoài trời lúc cao

Theo Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai: Thời tiết nắng nóng với nền nhiệt lên tới gần 40 độ C không chỉ gây ảnh hưởng tới da và mắt mà còn ảnh hưởng đến cơ chế điều hoà thân nhiệt, có thể làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao từ 39 đến 41 độ.

Khi cơ thể ở mức nhiệt cao, bệnh nhân sẽ bị chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức.

Thân nhiệt tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh... và tình trạng này đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, phổi mãn tính là nguy cơ đột quỵ, thậm chí tử vong.

Bác sĩ cũng cảnh báo, khi nhiệt độ ngoài trời vượt quá ngưỡng cơ thể có thể dung nạp, con người có thể rơi vào trạng thái hôn mê, ngừng tuần hoàn.

Triệu chứng sốc nhiệt và đột quỵ cần biết

TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết,  các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt một nửa cơ thể, liệt một tay, một chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội.

Biểu hiện của người bị sốc nhiệt, say nắng là mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa…

Với những bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng, bác sĩ Tuấn lưu ý việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị, thậm chí cả di chứng mà bệnh nhân phải chịu.

  Nhiều bệnh nhân nhập viện vì bị đột quỵ, sốc nhiệt do nắng nóng gay gắt .

Nhiều bệnh nhân nhập viện vì bị đột quỵ, sốc nhiệt do nắng nóng gay gắt .

Những cách sơ cứu người bị đột quỵ, sốc nhiệt

-Đối với bệnh nhân đột quỵ: Để sơ cứu bệnh nhân đột quỵ cần đặt nằm nghiêng, đầu kê cao hơn. Tư thế này nếu bệnh nhân bị nôn sẽ không bị hít vào đường thở gây sặc. Cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống viên an cung, nhằm tránh nghẹt đường thở, vì an cung không có trong danh mục thuốc cấp cứu đột quỵ 

-Đối với bệnh nhân sốc nhiệt: Đừng cố cho người bệnh uống thuốc hạ sốt vì thuốc hạ sốt không có giá trị trong trường hợp này.

Việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, nhanh chóng làm hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào như đặt túi chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát 

Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh.

Trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân, hãy gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C rồi chuyển bệnh nhân đến viện nhanh nhất.

Bác sĩ cũng khuyến cáo khi gặp bệnh nhân sốc nhiệt, hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, người dân phải cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Để phòng nắng nóng, sốc nhiệt Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân:

 - Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

 - Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

 - Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

 - Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể…

 - Những người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, phải tạm dừng nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể.

 Đặc biệt, thời điểm 12 – 16 giờ là nhiệt độ cao nhất do vậy không lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này. Bởi khi cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.

 Đồng thời, cần đảm bảo uống đủ nước, chuẩn bị các phương tiện bảo hộ nhằm giảm bớt tác động của nhiệt và tia tử ngoại, môi trường làm việc cần đảm bảo thông thoáng, kiểm soát môi trường lao động.

 Người dân cũng cần hiểu và biết phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe con người như: say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức, gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ, gia tăng nguy cơ sốt cao co giật…

Việt Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO