Báo Điện tử Gia đình Mới

Ngâm lá trầu không để chữa đổ mồ hôi chân, cô gái trẻ bị bong da trắng bệch từng mảng

Bị đổ mồ hôi chân, cô gái trẻ ngâm nước lá trầu không để chữa bệnh và dẫn đến đỏ da, bong tróc da trắng bệch cả mảng như bạch biến.

Ngâm nước lá trầu không có chữa được đổ mồ hôi chân?

Một cô gái trẻ khoảng 20 tuổi, thường bị ra mồ hôi chân khiến chân luôn ẩm ướt khó chịu. Nhất là những ngày nóng bức, mồ hôi chân ra nhiều dẫn đến chân ướt nhẹp, thậm chí còn có mùi hôi.

Nghe bạn bè chỉ cách dùng nước đun lá trầu không ngâm chân sẽ giúp làm giảm bệnh đổ mồ hôi chân.

Tin tưởng bạn bè nên cô gái đã làm theo. Cô ngâm 2 chân vào chậu nước chứa lá trầu không, để tăng hiệu quả cô gái lấy tay phải vớt nước tưới thêm vào mu và cẳng chân.

Và để giết thời gian, cô gái này dùng tay phải tưới nước lên chân, còn  tay trái cầm điện thoại lướt mạng.

  Ngâm lá trầu không chữa đổ mồ hôi chân, cô gái trẻ bị bong da trắng bệch từng mảng

Ngâm lá trầu không chữa đổ mồ hôi chân, cô gái trẻ bị bong da trắng bệch từng mảng

Ngày hôm sau, tay phải và 2 chân của cô gái xuất hiện đỏ da, sau vài ngày bong vảy và tạo thành một mảng da bị trắng bệch giống như bạch biến.

Mồ hôi chân không hết mà cô gái lại đi khắp nơi điều trị bằng đủ loại thuốc uống, thuốc bôi nhưng hiệu quả chỉ là con số 0. Vật vã điều trị bệnh suốt 4 năm không đem lại hiệu quả khiến cô gái tuyệt vọng, nghĩ mình bị bạch biến nên tham gia hội bạch biến.

Coi chừng tăng giảm sắc tố loang lổ trên da vì sử dụng lá trầu không sai cách

Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Bệnh viện Da liễu Trung ương, trường hợp của bệnh nhân nữ kể trên lúc tới khám được chẩn đoán là bạch biến (do quan liêu) vì tổn thương rất điển hình.

Nhưng sau 1 hồi khám, bác sĩ giật mình nhận thấy, nếu là bạch biến thì phải cả 2 tay đều phải bị, đây cô gái chỉ bị 1 tay.

  Một tay bệnh nhân đụng vào nước lá trầu không cũng bị loang lổ trắng bệch

Một tay bệnh nhân đụng vào nước lá trầu không cũng bị loang lổ trắng bệch

Bác sĩ Tâm khai thác lại tiền sử thì mới biết được chính xác nguyên nhân là viêm da tiếp xúc giảm sắc tố do lá trầu không, dẫn đến có biểu hiện giống bạch biến. Đây là ca lâm sàng hiếm được báo cáo trên y văn. Vì lá trầu không chủ yếu được ghi nhận gây chứng tăng giảm sắc tố loang lổ ở mặt.

“Tôi thấy rằng việc sử dụng lá trầu không trong dân gian là khá nhiều. Tuy nhiên tác dụng phụ của lá trầu không khi được hấp, chiết xuất để bôi hoặc ngâm có thể gây viêm da tiếp xúc nặng, tăng, giảm sắc tố.

Trong nghiên cứu của Han-Nan Liu trên 15 con chuột sử dụng lá trầu không hấp cho thấy: viêm da tiếp xúc gặp ở 13/15 con, tăng sắc tố 12/15 con và làm cho lông chuột trở lên trắng 8/15 con.

Vì vậy trước khi sử dụng phương pháp dân gian trên cần thận trọng để giảm thiểu tối đa tác dụng phụ” – Bác sĩ Tâm khuyến cáo.

  Nên thận trọng khi sử dụng lá trầu không đắp lên da, ngâm chân tay để tránh tác dụng phụ

Nên thận trọng khi sử dụng lá trầu không đắp lên da, ngâm chân tay để tránh tác dụng phụ

Đắp lá trầu không lên da nguy hại khôn lường

Bác sĩ Hoàng Văn Tâm chia sẻ thêm, quá trình thăm khám bệnh bác sĩ cũng đã gặp khá nhiều bệnh nhân đến vì tổn thương da đen, trắng xen kẽ nhau sau khi tự sử dụng lá trầu không hoặc sản phẩm từ lá trầu không bán trên mạng.

Tất cả bệnh nhân đều bị các bệnh như rám má, tàn nhang… hoặc đôi khi muốn da trắng hồng như thiên thần, nên dùng lá trầu không hấp lên, rồi để nguội và đắp lên mặt trước khi đi ngủ.

Và kết quả là trong 3 ngày đầu (ở giai đoạn tẩy da), bệnh nhân có cảm giác kích ứng nhẹ như đỏ da, châm chích sau đó cảm giác này mất đi. Trắng da xuất hiện trong vòng 3 ngày đến 1 tuần sau đắp lá trầu không. Tác dụng trắng da này nhanh hơn bất kì loại thuốc làm trắng hiện tại trên thị trường.

Sau giai đoạn trắng da người bệnh sẽ bị tăng sắc tố sau viêm. Và cuối cùng là giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố (confetti-like depigmentation).

  Chất phenolic compounds có trong lá trầu không có tác dụng làm trắng da nhanh. Ảnh minh họa

Chất phenolic compounds có trong lá trầu không có tác dụng làm trắng da nhanh. Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chất phenolic compounds có trong lá trầu không có tác dụng làm trắng da nhanh. Nhóm này bao gồm benzen, phenol, catechol, hydroquinone.

Nếu dùng lâu dài thuốc sẽ làm mất hoàn toàn màu da tạo thành hình ảnh giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố.

Tác dụng giảm sắc tố của những chất này này sẽ tự mất đi theo thời gian giống như sử dụng hydroquinone trong điều trị rám má, tăng sắc tố sau viêm.

Để điều trị bệnh, bác sĩ Tâm chỉ rõ, người bệnh cần ngừng đắp thuốc, chấp nhận da sẽ đen hơn nhiều. Cùng với đó là tiến hành điều trị tăng sắc tố, tránh dùng các thuốc giảm sắc tố có nguồn gốc từ phenolic compounds trong đó có hydroquinone (chuẩn vàng điều trị tăng sắc tố). Ưu tiên sử dụng nhóm thuốc khác như azelaic, retinoid, kojic… Điều trị giảm sắc tố: Điều trị giống như bạch biến, hoặc chờ đợi phục hồi sắc tố sau 1 thời gian.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO